tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-08-2018

  • Cập nhật : 19/08/2018

Chiến tranh thương mại leo thang, dòng vốn đổ về Mỹ!

Quy mô chiến tranh thương mại lan rộng

SSI Retail Research vừa công bố Báo cáo dòng vốn toàn cầu tháng 8, trong đó nhận định việc lan rộng của chiến tranh thương mại đã xảy ra trong thực tế thay vì chỉ còn là nguy cơ như trong báo cáo tháng liền trước đó từng đề cập.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu tiếp theo, trong khi đây là một nước không lớn và cũng không được nhắc đến nhiều trước đó. Xuất phát điểm của chiến tranh thương mại Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không giống với Trung Quốc. Chỉ từ một vụ án liên quan đến một công dân Mỹ bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ vì tội tham gia đảo chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định “trừng phạt” Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngay lập tức đáp trả bằng thuế suất lên đến 120% với ô tô từ Mỹ.


Đồng lira mất giá mạnh

 

Xét về quy mô kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ rất nhỏ so với Trung Quốc. GDP của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 là 851 tỷ USD, chiếm 1,37% GDP toàn cầu trong khi Trung Quốc là 12.200 tỷ USD, chiếm 19,7%.

Thương mại Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất khiêm tốn, Mỹ xuất khẩu 9,7 tỷ USD và nhập khẩu 9,4 tỷ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017. Khi chiến tranh thương mại nổ ra, nước nhỏ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh chịu tổn thất rất nhanh và vô cùng lớn. Đồng Lira đã mất giá -21% chỉ riêng trong tháng 8 và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tìm đến trợ giúp từ Quatar và Trung Quốc để giữ giá đồng nội tệ.

Ở một diễn biến khác, Mỹ và EU đang xúc tiến đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại. Hòa giải với EU càng làm rõ thêm mục đích của Mỹ là tập hợp lực lượng để tăng sức ép lên Trung Quốc. Đạo luật chi tiêu quốc phòng được Donald Trump ký ngày 13/8 đã tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ lên 717 tỷ USD với mục tiêu chính là tăng cường sức mạnh quân sự nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Đạo luật này được cả hai đảng của Mỹ ủng hộ với tỷ lệ cao cho thấy không chỉ Donald Trump cả hệ thống chính trị Mỹ đều nhận diện mối nguy và muốn ngăn chặn Trung Quốc.

Bộ phận phân tích của SSI cho rằng chiến tranh thương mại có thể lan rộng nhưng không đi đến kết cục toàn cầu. Chỉ những quốc gia nào thể hiện sự đối nghịch về chính trị và lợi ích trực tiếp với Mỹ mới có thể bị rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại với Mỹ.

Đồng EUR và GBP mất giá nhanh khi nổ ra căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ do mối liên hệ giữa các ngân hàng Châu Âu đến các khoản vay của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD với rổ 6 tiền tệ mạnh tăng lên mức cao nhất 14 tháng dù đồng JPY của Nhật tăng giá.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, SSI Retail Research nhận định rủi ro từ Thổ Nhĩ Kỳ không lây lan trực tiếp sang mà gián tiếp qua việc làm đồng USD lên giá và gia tăng gánh nặng tâm lý vốn đã rất lo ngại chiến tranh thương mại cũng như tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.

Dòng vốn trở về và sẽ dừng chân ở Mỹ?

Thống kê dòng vốn toàn cầu tháng qua, bộ phận phân tích của SSI cho biết dòng vốn tiếp tục có dấu hiệu bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi (EM). Điểm khác biệt so với cuối tháng 6, đầu tháng 7 đó là dòng vốn ra khỏi EM nhiều khả năng đang quay trở lại thị trường phát triển (DM), mà cụ thể là Mỹ.

 


Tương quan chỉ số chứng khoán Mỹ và EM

Tăng trưởng kinh tế tại Mỹ đang rất khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào tháng 6 đã rơi xuống mức thấp nhất 20 năm là 3,9% và chỉ số S&P 500 là chỉ số hiếm hoi trên thế giới tăng điểm với mức tăng +6,25% kể từ đầu năm.

Trong 5 tuần gần nhất, các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ có dòng vốn vào 4 tuần với giá trị tổng cộng 14,3 tỷ USD. Ngược lại, dòng vốn vào thị trường mới nổi duy nhất 1 lần trong 5 tuần gần nhất. Tổng giá trị outflow của 5 tuần là 3,8 tỷ USD.

So với các thị trường phát triển còn lại là Tây Âu và Nhật bản, thị trường Mỹ có sức hấp dẫn hơn cả. Ngược lại là thị trường Tây Âu. Dòng vốn đã bị rút ra khỏi các quỹ cổ phiếu của Tây Âu 22 tuần liên tiếp với tổng giá trị lên tới 52 tỷ USD. Cùng thời gian này, dòng vốn vào các quỹ của Nhật c đạt 14 tỷ USD còn Mỹ là 20 tỷ USD.

Ở nhóm quỹ Global Emerging Market Fund (GEM), khá bất ngờ khi trong 2 tuần gần nhất, dòng vốn đã vào trở lại, dù giá trị không đáng kể. Tuy nhiên đây có thể chỉ là động thái “bắt đáy” trong thời gian ngắn khi chỉ số MSCI EM Index giảm sâu xuất phát từ khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm quỹ khu vực Châu Á và Châu Mỹ Latin trong 2 tuần đó vẫn tiếp tục có bị bán ròng. Đáng chú ý là vào tuần đầu tháng 8, dòng vốn ra ở toàn bộ thị trường Châu Mỹ Latin đã tăng lên mức cao nhất 3 năm.


Dòng vốn tại nhóm quỹ GEM

 

Dòng vốn trên toàn cầu liên tục dịch chuyển để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Dòng tiền sẽ tập trung vào các tài sản được đánh giá có lợi suất cao nhất trên một đơn vị rủi ro. Trong con mắt của giới đầu tư thì thị trường EM luôn có rủi ro cao hơn thị trường DM và lịch sử đã cho thấy một số lần dòng vốn rời khỏi EM để chuyển về DM khi rủi ro gia tăng.

Như khoảng thời gian trước và trong năm 2015 khi FED chuẩn bị tăng lãi suất đe dọa tăng chi phí vốn và làm đồng USD lên giá. Hai yếu tố khiến tài sản của EM trở nên rủi ro hơn và dòng vốn cũng rút ra khỏi thị trường này thời điểm đó. Lần thứ 2 là sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống. Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trump, giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sẽ cao, vì vậy tài sản của Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn. Giới đầu tư cũng dự báo đồng USD sẽ lên giá bởi Tổng thống Trump là người ủng hộ thắt chặt tiền tệ.

Theo SSI Retail Research, dấu hiệu của lần thứ 3 đang hiện rõ, bắt đầu từ tháng 4/2018 khi khả năng FED nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến khiến đồng USD tăng mạnh. Tiếp theo, từ tháng 6 xuất hiện rủi ro chiến tranh thương mại. Dòng vốn đã bị rút khỏi EM trong 4 tháng liên tiếp và khó dừng lại trong tương lai gần. Dòng vốn quay trở lại Mỹ ngày một rõ và như những gì diễn ra trong 4 tuần vừa qua, rất có thể giới đầu tư đã hoặc sẽ quyết định dừng chân ở thị trường Mỹ.



Dòng vốn đầu tư cổ phiếu tại các thị trường phát triển (DM) và mới nổi (EM)

Khi cơ hội ở một thị trường lớn, quen thuộc và ít rủi ro là Mỹ đang nổi lên song song với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED, cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp, bộ phận phân tích của SSI nhận định.(NDH)
-------------------------

Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào?

Mỹ - Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại cuối tháng này, nhằm giải quyết các căng thẳng gần đây giữa hai nước. Giới phân tích cho rằng đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá sẽ là tâm điểm các cuộc nói chuyện này.

Từ tháng 4, đồng NDT đã yếu đi 9% so với USD và hiện ở đáy hơn một năm. Đà giảm này dĩ nhiên khiến Tổng thống Mỹ - Donald Trump quan tâm, do đến nay, ông vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc cố tình ghìm giá NDT để hỗ trợ xuất khẩu. Tháng trước, ông còn nhận xét đồng NDT “đang rơi thẳng đứng”.

NDT không được tự do biến động như các tiền tệ lớn khác, như đôla Mỹ hay bảng Anh. Mỗi sáng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu, cho phép NDT dao động trong biên độ 2% quanh tỷ giá đó.

Người mua hàng cầm tờ 100 NDT tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Aidan Yao - một nhà kinh tế cấp cao tại AXA Investment Managers cho biết, nhìn từ lịch sử, Trung Quốc có lý do để kiểm soát chặt NDT. Khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào thập niên 70 và 80, vì lợi ích quốc gia, họ giữ NDT ở mức thấp để hàng xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các đối thủ châu Á.

Một nguyên nhân khác là sự ổn định. Trung Quốc đã thoát khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90 (trong khi tiền tệ các nước lân cận đều lao dốc) chủ yếu vì đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), PBOC thiết lập lãi suất để định hướng nền kinh tế. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá nội tệ. Ngoài ra, PBOC còn sử dụng các công cụ khác, như quy định về dự trữ bắt buộc của các nhà băng.

Dù vậy, không như Fed, hoạt động của PBOC không độc lập, mà vẫn phải theo sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. PBOC can thiệp vào thị trường qua các ngân hàng quốc doanh, hoặc sử dụng dự trữ ngoại hối lớn để đẩy giá NDT.

Thi thoảng, họ cũng khiến thị trường ngạc nhiên, như đợt hạ giá NDT năm 2015. “PBOC là người chơi lớn trên thị trường ngoại hối”, Yao cho biết, “Anh sẽ không thực sự thấy kiểu can thiệp này ở Fed, ECB hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đâu”.

Dù Trung Quốc có khả năng can thiệp vào NDT, giới phân tích lần này lại nghi ngờ việc nước này đẩy giá nội tệ xuống so với USD và các tiền tệ khác.Họ cho rằng chính chiến tranh thương mại với Mỹ và lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã đẩy NDT xuống thấp, trong bối cảnh Fed nâng lãi suất. Chính sách của Mỹ càng hấp dẫn nhà đầu tư giữ USD và bán tiền tệ khác.

Dù NDT yếu có thể giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và bù đắp thiệt hại từ thuế nhập khẩu của Mỹ, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh giờ còn muốn kéo giá nội tệ lên hơn. Viraj Patel - chiến lược gia ngoại hối tại ING nhận xét, những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy chính phủ nước này muốn đồng tiền ổn định.

Khi NDT đi xuống, các thông báo gần đây của PBOC đều khẳng định họ đang tìm cách giữ đồng tiền ổn định. Trung Quốc muốn thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định giá trị của NDT. Tuy nhiên, việc này cần thời gian.

Thập kỷ qua, nhà đầu tư đã được giao dịch NDT tại nhiều trung tâm tài chính thế giới, như Hong Kong, London hay New York. Tuy nhiên, giá của nó vẫn bám sát thị trường trong nước. Sáng kiến liên kết giao dịch trái phiếu và cổ phiếu với sàn Hong Kong cũng giúp nhà đầu tư ngoại mua bán tài sản định giá bằng NDT dễ dàng hơn. “Trung Quốc đang muốn nâng tầm ảnh hưởng trong hệ thống tài chính toàn cầu”, Yao cho biết.(Vnexpress)
---------------------

Wall Street Journal: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kết thúc vào tháng 11

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để chấm dứt cuộc đối đầu thương mại trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11.

Các quan chức ở cả Mỹ và Trung Quốc cho biết những nhà thương lượng Mỹ và Trung Quốc đang vạch lộ trình đàm phán nhằm cố chấm dứt cuộc đối đầu thương mại trước thềm các cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11, Wall Street Journal đưa tin ngày 17/8.

Ông Trump và ông Tập dự kiến gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11 ở Papua New Guinea. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo sẽ có lần tiếp xúc thứ hai tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, vào cuối tháng 11.

Lên lộ trình đàm phán thể hiện nỗ lực của cả hai phía trong việc ngăn căng thẳng thương mại gây tổn hại hơn nữa tới quan hệ Mỹ - Trung cũng như thị trường thế giới.

Các cuộc đàm phán cấp thấp sẽ diễn ra tại Washington vào tuần tới, theo thông báo từ Trung Quốc và Mỹ hôm 16/8. Phái đoàn 9 thành viên của Trung Quốc, do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu, sẽ gặp phái đoàn Mỹ, do Thứ trưởng Tài chính David Malpass dẫn đầu, vào ngày 22 – 23/8.

Đợt thương lượng sắp tới nhằm tìm cách cho hai bên giải quyết tranh chấp thương mại, có thể mở ra các vòng đàm phán tiếp theo, theo các quan chức.

Tuy nhiên, các nỗ lực này có thể bị làm chệch hướng, đặc biệt là khi Mỹ tiếp tục đòn thuế quan. Mỹ đã áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ đầu tháng 7 và dự kiến áp thuế với thêm 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần tới. Trung Quốc đã và sẽ đáp trả tương ứng từng con số.

Giới chức Mỹ cho biết nền kinh tế mạnh mang lại lợi thế cho Washington trong đàm phán.

Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về nội dung đàm phán sắp tới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi đề nghị bình luận từ WSJ.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục