Nền kinh tế Nga đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi
Fed cứng rắn với tăng lãi suất, USD giảm, chứng khoán tăng
Giá cổ phiếu Samsung cao nhất mọi thời đại
Saudi sẽ nâng sản lượng dầu lên kỷ lục mới trước khi bàn chuyện đóng băng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-08-2016
- Cập nhật : 17/08/2016
Nền kinh tế Nga đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi
Tăng trưởng GDP cũng trở nên tích cực, theo ước tính gần đây, trong quý vừa qua, GDP giảm 0,8% so với năm trước, đây là con số thấp nhất kể từ đầu năm 2015 khi suy thoái bắt đầu với Nga.
Liệu thế giới có xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới?
Vai trò các ngân hàng có cần phải được điều chỉnh để đảm bảo các cuộc khủng hoảng như vậy sẽ ít thường xuyên xảy ra hơn? Và điều không mấy vui vẻ là đáp án cho tất cả những câu hỏi như vậy ngày càng hướng về khả năng là "có".
Sản xuất phân bón suy giảm theo El Nino
Theo báo cáo tài chính quý II-2016 của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM), lợi nhuận trước thuế quý II-2016 của công ty là 222 tỷ đồng, giảm 13% so với quý II-2015. Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Hạnh, lợi nhuận giảm chủ yếu do biến động của doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ure. Theo đó, mặc dù sản lượng tiêu thụ ure không chênh lệch đáng kể so với quý II-2015 nhưng do, cung – cầu ure trong nước biến động dẫn đến giá bán và doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ure của DCM trong quý II-2016 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 1.377 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, DCM thu về 2.307 tỷ đồng doanh thu và 345,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 18% và 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, theo Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), thị trường phân bón trong nước đang trong giai đoạn bão hòa khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm của công ty gặp nhiều khó khăn. Doanh thu bán hàng trong quý II-2016 đã giảm 288,4 tỷ đồng, bằng 79,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá bán sản phẩm supe lân đã giảm 11%, NPK giảm 4% nhưng sức tiêu thụ vẫn có xu hướng giảm, cụ thể sản lượng tiêu thụ giảm 16%, trong đó supe lân giảm 3%, NPK giảm 22%.
Do tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên công ty đã phải tăng các khoản chi phí bán hàng như: Chi phí hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón tại các xã, huyện, chi phí quảng cáo tiếp thị… Theo đó, chi phí bán hàng tăng lên 38,5 tỷ đồng, bằng 148% so với quý II-2015. Cũng do khó khăn trong tiêu thụ, Công ty đã cho giãn nợ, lùi thời gian thanh toán tiền mua hàng làm cho chi phí tài chính trong kỳ tăng thêm 4,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 63% so với quý II-2015. Các yếu tố trên đã tác động khiến lợi nhuận sau thuế của LAS giảm 31%, chỉ đạt 30 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, LAS lãi ròng 61 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 173 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015.
Trong quý II-2016 doanh thu thuần của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 2.432 tỷ đồng. Nhưng do giá các nguyên liệu đầu vào giảm giúp giá vốn giảm mạnh tới 20%, nhờ đó lợi nhuận gộp trong kỳ tăng gần 10%, đạt 739 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ Công ty còn ghi nhận 4 tỷ đồng lợi nhuận khác, tăng mạnh so với 1 tỷ đồng trong quý II-2015. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của DPM thu về 484 tỷ đồng, tăng 30% so với quý II-2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, DPM lãi trước thuế 976 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tại Công ty CP Phân bón Bình Điền, mặc dù doanh thu quý II-2016 ở mức tương đương quý II-2015, nhưng do giá đầu vào giảm đã giúp lợi nhuận gộp tăng 21%, đạt 296 tỷ đồng.
Khó khăn bủa vây
Từ đầu năm đến nay, giá các loại phân bón trong nước ở mức khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do giá phân bón thế giới tiếp tục giảm và nguồn cung trong nước hiện khá dồi dào. Trong khi đó, các DN sản xuất phân bón lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía. Ước tính, thị trường phân bón Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại phân bón. Điều này khiến cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước gặp không ít khó khăn, từ đó dẫn đến tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường.
Tại một hội thảo do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho hay, mỗi năm các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng với khối lượng trên dưới 10.000 tấn. Tuy nhiên, con số thống kê này mới chỉ là bề nổi bởi còn rất nhiều vụ vi phạm khác không được phát hiện. Thêm vào đó, các DN phân bón còn phải chịu sức ép từ các đối thủ nước ngoài. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu phân bón từ 18 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm gần 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu.
Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức độ cao hơn các năm đã tác động đến nhu cầu về phân bón hóa học. Điểm tích cực là giá khí giảm đã giúp các DN sản xuất phân bón giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), trung bình 6 tháng đầu năm 2016, giá khí đầu vào cho các đơn vị sản xuất phân ure thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm 2015. Tương tự, giá lưu huỳnh thấp hơn 41% so với cùng kỳ. Kéo theo đó, giá phân bón cũng theo chiều hướng đi xuống. So với cùng kỳ 2015, giá phân bón trung bình trong 5 tháng đầu năm 2016 giảm khoảng 13% đối với ure, 20% đối với DAP và 3% đối với Kali. Hơn nữa, thời điểm cuối quý II là thời điểm bắt đầu của vụ hè thu- vụ mùa lớn nhất trong năm nhưng giá phân bón chưa có dấu hiệu hồi phục.
Các chuyên gia của BSC cho rằng mặt bằng giá phân bón sẽ giữ ổn định và khó có thể tăng lên trong 6 tháng cuối năm 2016 do áp lực cạnh tranh với nguồn phân bón giá rẻ từ Belarus và Indonesia trong khi giá nguyên liệu được dự báo sẽ tăng lên. Tuy nhiên, La Nina nhiều khả năng diễn ra sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón hồi phục. Theo đó, tình trạng mưa nhiều khiến phân bón dễ bị rửa trôi sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn phân bón với tổng giá trị 539 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, phân bón nhập khẩu đã giảm 7,7% về lượng và 19% về giá trị.(HQ)
Thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội
Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, Hà Nội đang tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) nhằm đưa thủ đô trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc.
Cơ hội mới cho SPCNCL
Các SPCNCL của Hà Nội đã chứng tỏ vị thế của mình khi tạo ra hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người lao động, mức nộp ngân sách…, cao hơn mặt bằng chung của ngành công nghiệp thành phố. Đặc biệt là đã góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ, thay thế phụ tùng, linh kiện nhập khẩu, tạo ra sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp cả nước.
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn với sự góp mặt nhiều tập đoàn và công ty đa quốc gia lớn trên thế giới, đã mang lại cơ hội mới cho SPCNCL Hà Nội phát triển. Dù khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm còn hạn chế nhưng nhìn chung, hầu hết SPCNCL đã có thị trường tiêu thụ khá. Thị trường nội địa ngày càng mở rộng. Nhiều SPCNCL đã có được thị trường xuất khẩu với kim ngạch tăng dần qua từng năm.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã làm bộc lộ thêm những bất cập mới. Nhiều SPCNCL vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều đầu vào nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, kỹ năng của nguồn nhân lực cũng như trình độ quản lý của doanh nghiệp còn yếu đã làm giảm năng lực cạnh tranh. Thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập đã gây nhiều khó khăn và áp lực cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, việc SPCNCL Hà Nội phụ thuộc nhiều vào xuất - nhập khẩu cũng đem lại nhiều rủi ro do thị trường biến động khó lường. Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng SPCNCL Hà Nội vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập nhằm thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu do dung lượng thị trường nhỏ.
Mặc khác, theo ý kiến của một số chuyên gia, SPCNCL Hà Nội đã và đang phát triển nhưng các doanh nghiệp có SPCNCL chưa tìm được giải pháp phối hợp, liên kết với nhau trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.
Hỗ trợ thiết thực
Để tạo điều kiện cho SPCNCL phát triển, trong những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp có các sản phẩm được công nhận là SPCNCL của thành phố. Cụ thể, Hà Nội đã có cơ chế hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư doanh nghiệp trên 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ quỹ từ nguồn khoa học công nghệ hơn 10 tỷ đồng. Hà Nội cũng đã dành trên 3 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại, đưa các doanh nghiệp có các sản phẩm được công nhận là SPCNCL của thành phố tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội, trực tiếp là Sở Công Thương, đã thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp có SPCNCL để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, Hà Nội đang tập trung phát triển các SPCNCL. Thành phố chủ trương phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, tăng số lượng sản phẩm được công nhận là SPCNCL lên 150 sản phẩm, đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, đầu tàu của khu vực phía Bắc.
Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngoài các giải pháp chung nhằm cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, để thúc đẩy Chương trình phát triển SPCNCL, Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành (đặc biệt lĩnh vực thuế, hải quan) theo hướng: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức để các thủ tục hành chính ngày càng minh bạch, thuận tiện, công bằng cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình phát triển SPCNCL thành phố Hà Nội sẽ chú trọng đến sản phẩm công nghiệp công nghệ cao thuộc các nhóm ngành của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bởi đây là công nghệ nguồn, có thể hỗ trợ cho sự phát triển của công nghiệp Hà Nội và cả nước. Những sản phẩm sản xuất từ khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc có khả năng cạnh tranh tốt với các sản phẩm quốc tế. Cùng với đó là các sản phẩm công nghiệp tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip). Với quy mô khoảng 600ha, Hanssip là khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, hiện đại…
Một vấn đề quan trọng nữa là Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật lành nghề, phối hợp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước mở các lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL của thành phố.(BCT)