“Việt Nam là một trong những thị trường đáng quan tâm nhất để đầu tư”; Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đang “đứng giữa ngã tư“; Hà Nội chọn Công ty Nhật lập quy hoạch bãi đỗ xe ngầm 4 quận nội đô; Bảo Việt lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.195 tỷ đồng năm 2017
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-05-2017
- Cập nhật : 14/05/2017
Vay thêm Trung Quốc hơn 250 triệu USD cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, chiều 11/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Một trong những văn kiện quan trọng là hiệp định vay ưu đãi chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank).
Khoản vay 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án nêu trên đã được thống nhất từ cách đây 3 năm giữa chính phủ hai nước.
Ngoài khoản vay trên, Việt Nam cũng vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc 1,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 169 triệu USD để thực hiện dự án này.
Theo kế hoạch, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD.
Theo kế hoạch, từ tháng 10/2017 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử từ 3 đến 6 tháng trước khi đưa vào khai thác thương mại vào quý 2/2018.
Tuy nhiên dự án đã bị chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai. Sau đó, các cơ quan chức năng đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 868,04 triệu USD tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Hiện khối lượng xây lắp công trình, phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính. Nhà thầu đang triển khai thi công đường ray kết nối khu depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu.
Những toa tàu và đầu máy đầu tiên của dự án này do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo và sản xuất cũng đã được cẩu lên đường ray vào cuối tháng 2 vừa qua.
Dự kiến đến cuối tháng 7/2017, dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017 sẽ chạy thử từ 3 đến 6 tháng trước khi đưa vào khai thác thương mại vào quý 2/2018.(VNEconomy)
------------------------
Phú Yên xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đầu tiên
Ngày 13/5, Công ty TNHH CCIPY Việt Nam (thuộc Tập đoàn Coilcraft, Hoa Kỳ) đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp An Phú (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Đây là nhà máy sản xuất linh kiện điện từ đầu tiên được xây dựng ở Phú Yên có công suất 500 triệu linh kiện/năm với các sản phẩm chính là: cuộn cảm chip RF và nam châm điện.
Ông Koo Heng Sheong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CCIPY Việt Nam cho biết, tổng kinh phí đầu tư cho nhà máy là hơn 5,7 triệu USD và 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu. Việc lập nhà máy sản xuất tại tỉnh Phú Yên là một phần mục tiêu phát triển sản xuất tại Châu Á của Tập đoàn Coilcraft.
Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2,7 ha sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định như: thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, đất đai, giấy phép xây dựng.
Dự kiến nhà máy bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2018. Khi đó sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động và góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương.(TTXVN)
---------------------------
Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng thép và than đá dư thừa
Ngày 12/5, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch chi tiết về cắt giảm sản lượng thép và than đá dư thừa của nước này.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ giảm khoảng 50 triệu tấn sản lượng thép thô và hơn 150 triệu tấn sản lượng than đá trong năm nay. Vào cuối tháng 6, tất cả các cơ sở sản xuất thép thanh chất lượng kém tại Trung Quốc sẽ bị đóng cửa và nguồn cung thép sẽ được tăng cường để tránh làm giá thép biến động mạnh.
Công nhân vận chuyển thép tại một cảng ở thành phố Liên vận cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến ngày 11/5, Trung Quốc đã cắt giảm 31,7 triệu tấn sản lượng thép và sắt và 69 triệu tấn sản lượng than đá, chiếm lần lượt là 63,4% và 46% mục tiêu cắt giảm sản lượng dư thừa hàng năm của nước này.
Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp để giúp những công nhân bị mất việc nhanh chóng tìm được chỗ làm mới, đồng thời khuyến khích các thương vụ sáp nhập và tái cơ cấu trong ngành công nghiệp này. Việc cắt giảm sản lượng dư thừa sẽ nhằm vào những xí nghiệp "sống dở, chết dở" mắc nợ nần và nhiều biện pháp dựa theo các quy định vận hành của thị trường dự kiến sẽ được thông qua.(Baotintuc)
------------------------------
Vinamilk ký bản ghi nhớ cung cấp sữa vào thị trường Trung Quốc
Vinamilk là doanh nghiệp sữa đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt được bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm sữa của Vinamilk vào thị trường Trung Quốc; vừa được ký kết vào ngày 12/5 /2017 tại Bắc Kinh.
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” nhằm duy trì đà phát triển quan hệ hai nước, thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có dịp trao đổi thông tin về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và đạt được một số bản ghi nhớ hợp tác có giá trị và mang tính tiên phong trong mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk –doanh nghiệp sữa đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã đạt được bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm sữa của Vinamilk vào thị trường Trung Quốc. Bản ghi nhớ vừa được ký kết ngày hôm nay, 12/5 /2017, tại Bắc Kinh, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao 2 nước và lãnh đạo các Bộ ngành liên quan.
Ông Mai Hoài Anh – Giám đốc điều hành Kinh doanh Viamilk ký kết bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo chính phủ và Bộ ngành hai nước.
Trung Quốc là thị trường rất lớn và tiềm năng với dân số cao nhất thế giới, tổng giá trị thị trường sữa lên đến khoảng 30 tỉ USD/năm nên Vinamilk hy vọng rằng bản ghi nhớ được ký kết lần này sẽ là tiền đề cho việc xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa của Vinamilk phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian sắp tới khi hiệp định thương mại giữa 2 nước được ký kết trong sự nỗ lực quan tâm của chính phủ và bộ ngành 2 nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của thương vụ và tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đã giúp đỡ rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc kết nối cho Vinamilk gặp gỡ các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất tiêu thụ và chế biến sữa.
Vinamilk hiện là công ty sữa lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới xét về doanh thu. Doanh thu xuất khẩu của công ty năm 2016 đạt 258 triệu USD. Sản phẩm của công ty hết sức đa đạng và đạt tiêu chuẩn quốc tế, không những được ưa chuộng tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang 43 nước trên thế giới bao gồm các nước như Mỹ, Nhật, Trung Đông, Thái Lan, Phillipines…..
Công ty có 13 nhà máy tại Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia cùng 10 trang trại bò sữa trên khắp đất nước. Trang trại bò sữa organic Đà Lạt của Vinamilk vừa được khánh thành vào tháng 3/2017 cũng là trang trại bò sữa Organic đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn Organic Châu Âu do tổ chức Control Union của Hà Lan chứng nhận.(Baotintuc)