NHTW Nhật nới lỏng chính sách
Việt Nam tiêu thụ hơn 1,4 triệu xe máy trong 6 tháng đầu năm
FOODCOSA sắp bán đấu giá hơn 9,7 triệu cổ phần
ACB phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu
FDI tháng 6 của Trung Quốc tăng vọt 9,7% lên 15,2 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-07-2016
- Cập nhật : 12/07/2016
Cá ngừ Việt Nam hiện đang được xuất sang 87 thị trường
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, cá ngừ Việt Nam được xuất sang được 87 thị trường, ít hơn so với năm ngoái.
Trong đó, Mỹ, EU, ASEAN và Trung Quốc hiện đang là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. ASEAN, Trung Quốc vẫn là 2 thị trường duy nhất trong tốp 8 thị trường đứng đầu tăng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam tại thời điểm này.
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, 5 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của nước ta chỉ đạt 38,45 triệu USD, giảm gần 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, xuất khẩu thăn/philê cá ngừ của Việt Nam tăng, trong khi xuất khẩu cá ngừ chế biến và cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thăn/philê cá ngừ) giảm. Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thăn/philê cá ngừ của cả nước đạt gần 94 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp và chế biến khác chỉ đạt gần 71,2 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thăn/philê cá ngừ) cũng giảm 25,3%, đạt 14,4 triệu USD.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 5, đạt 17,4 triệu USD giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 73,7 triệu USD, vẫn giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục tăng cường nhập khẩu philê/thăn cá ngừ đông lạnh của Việt Nam tăng 22,6%, đạt 49,7 triệu USD. Trong khi đó giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp, cá ngừ chế biến khác và cá ngừ tươi, sống và đông lạnh.
Thị trường EU, Cũng giống như Mỹ, tháng 5 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU lại giảm 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 8,1 triệu USD. Do đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 41,3 triệu USD.
Italy vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU, tiếp đến là Đức và Bỉ. 5 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Bỉ đều tăng, XK sang Đức lại giảm.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt trong tháng 5. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang đây của Việt Nam trong tháng 5 đạt 3,4 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,2 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã tăng chậm lại. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang đây đạt 1,5 triệu USD, tăng gần 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang đây trong 5 tháng đầu năm tăng 134,7% so với cùng kỳ, đạt 10,5 triệu USD.
Khác với năm ngoái, năm nay Trung Quốc nhập khẩu nhiều cá ngừ sống, tươi và đông lạnh của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đạt 9,4 triệu USD, tăng 183,8%.
Với tình hình như hiện nay, Vasep dự báo xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 6 vẫn sẽ thấp, đặt biệt tại các thị trường như Mỹ và EU.
Cá chết, tôm dịch bệnh: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 4,6%
Theo Tổng cục Thủy sản, dù gặp bất lợi trong khâu nuôi trồng thủy-hải sản như cá chết do ô nhiễm môi trường, tôm bị dịch bệnh, song 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 4,6%.
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt trên 3,1 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,5 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng đạt gần 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu (tính đến 15.6) đạt 2,8 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016 nuôi trồng cá tra chưa có dấu hiệu phục hồi. Người nuôi thả cá tra phải đối đầu với hàng loạt khó khăn như: Thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cá không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra… khiến người nuôi trồng phải “đóng ao” để giảm thua lỗ, khiến diện tích nuôi cá tra giảm tới 5,5%, hiện chỉ còn 3,2 nghìn hécta. Trong đó, một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra có sản lượng giảm như: Vĩnh Long: 38,000 tấn, giảm 4%, Bến Tre: 82,575 tấn, giảm 12%, An Giang: 121,437 tấn, giảm 7%, Đồng Tháp: 184,004 tấn, giảm 1%.
Với xu hướng này, trong ngắn hạn, thị trường cá tra nguyên liệu sẽ chưa có dấu hiệu khởi sắc từ các đơn hàng ký mới xuất khẩu đi các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU…
Không riêng cá tra, sản xuất tôm cũng gặp bất lợi do tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp: Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, môi trường ao nuôi bị biến động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm nuôi, gây ra nhiều loại bệnh. Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất.
Mặc dù từ tháng 4 đến nay, giá tôm nguyên liệu tăng cao đã khuyến khích người dân nuôi thả bù những diện tích nuôi tôm đã bị thiệt hại, khiến diện tích nuôi tôm có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tôm sú: Diện tích ước đạt 540.451ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ thân trắng: Diện tích ước đạt 31.480ha. Tuy nhiên, đây là loại tôm dễ bị bệnh tật nhất, nên diện tích nuôi thả giảm 10% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác chỉ đạt 59.054 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn rất yếu do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc nuôi thả của nông dân.
Giá trị xuất khẩu tăng
Theo Bộ NNPTNT, mặc dù việc nuôi trồng và sản xuất thủy sản gặp khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 vẫn đạt 3,07 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016, chiếm gần 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (10,9%), Trung Quốc (49,06%), Thái Lan (9,92%) và Anh (8,83%).
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, ngành thủy sản đã gặp phải những khó khăn chưa từng có trong 6 tháng đầu năm nay. Vì vậy, để có thể đưa ra được những giải pháp thiết thực và chính xác cho 6 tháng cuối năm, các lĩnh vực của ngành cần phải đưa ra những dự báo, tìm ra những khó khăn, những vấn đề cần phải được hoạch định và đặt ra. Từ đó mới có được những giải pháp hữu hiệu và cần sự nỗ lực cao nhất của toàn ngành để phát triển. Tập trung chỉ đạo phát triển tôm nước lợ, có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng về chất lượng và giá trị.
Theo đó, để phát triển tôm nuôi nước lợ, Tổng cục Thủy sản sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm, cần nghiên cứu kỹ việc tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ bao nhiêu và tăng ở chỗ nào, phương thức nuôi phù hợp, địa phương nào đẩy mạnh nuôi trồng... Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y lập các tổ công tác giám sát tình hình thực hiện ở địa phương để có những chỉ đạo sát sao trong sản xuất. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ về giống, rà soát lại những đơn vị, các cơ sở sản xuất giống nhập khẩu và công khai trên trang điện tử của tổng cục và tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra chặt chất lượng các loại vật tư đầu vào, việc lạm dụng kháng sinh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Không chỉ kiểm tra, giám sát ở phần ngọn là các lô hàng xuất khẩu, mà phải toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi đến chế biến.
GDP Việt Nam 2016 “khó đạt chỉ tiêu”
Để đạt mức tăng trưởng như chỉ tiêu Quốc hội giao, GDP 6 tháng cuối năm sẽ phải tăng gần 7,6%...
Với những diễn biến mới, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 khó có thể đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Báo cáo một số ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 tại phiên họp sáng 11/7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế.
Lo Brexit và ô nhiễm môi trường
Nỗi lo trước hết là tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng, các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016.
Theo đánh giá ban đầu, kết quả trưng cầu dân ý tại Anh với việc đa số cử tri nước này chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.
Với Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế nhìn nhận, việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể bị kéo dài do thay đổi một số điều khoản của hiệp định này.
Việc giải quyết và đối phó với tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trước và sau khi có phán quyết của tòa án quốc tế cũng là thách thức trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, tác động về môi trường ở lưu vực sông Mekong là vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết.
Diễn biến tiếp theo được Chủ nhiệm Giàu đề cập là sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân.
Các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ còn khá phổ biến.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một vấn đề dư luận hết sức quan tâm những tháng đầu năm là xuất hiện một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách Nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.
Một số cái tên được Chủ nhiệm Giàu nêu cụ thể là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động. Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động...
Báo cáo cũng nhắc đến dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai. Hoặc, nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên quốc lộ 1A quá dày đối với các dự án BOT gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân, ông Giàu báo cáo tiếp.
Các chỉ tiêu 6 tháng đều đạt thấp
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo nghị quyết của Quốc hội, Thường trực cơ quan thẩm tra phân tích, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước.
Cho nên, để đạt mức tăng trưởng như chỉ tiêu Quốc hội giao, GDP 6 tháng cuối năm sẽ phải tăng gần 7,6%. Điều này là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực dồn lên CPI trong 6 tháng cuối năm nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão, do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo nghị quyết Quốc hội.
Về những chỉ tiêu khác, thường trực cơ quan thẩm tra so sánh, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng 6,82%, thấp hơn mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,9%, thấp hơn mức tăng 9,3% cùng kỳ năm trước và thấp hơn chỉ tiêu tăng 10% theo nghị quyết của Quốc hội.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm giảm 0,08%, so 6 tháng cùng kỳ các năm trước: năm 2013 tăng 2,53%; năm 2014: 3,4%, năm 2015: 2,41%.
Theo nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra, tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp Nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá. Tỷ trọng cổ phần Nhà nước nắm giữ quá cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là phụ thuộc vào người đứng đầu và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.
Số liệu tiếp theo được cơ quan thẩm tra phân tích là tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%), trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ước đạt khoảng 33,2% kế hoạch.
Nỗi lo trong 6 tháng đầu năm còn là nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ tăng cao. Nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4/2016 là 2,81% so tổng dư nợ, tuy nhiên thực chất ở mức cao nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đến tháng 5/2016 là 246.986 tỷ đồng.
Chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ, ông Giàu nhấn mạnh.
Nhập siêu từ Thái Lan đạt hơn 5,1 tỷ USD
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,11 tỷ USD. Để giảm nhập siêu, cần những cầu nối thiết thực và doanh nghiệp cần chủ động để thâm nhập thị trường Thái Lan nhờ những thế mạnh riêng.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc “Tuần hàng Việt tại Thái Lan” tại Central World, trung tâm mua sắm lớn nhất tại Bangkok (Thái Lan) ngày 10/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, quan hệ kinh tế Việt Nam – Thái Lan phát triển rất nhanh chóng và có chiều sâu trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang hội nhập sâu sắc như hiện nay. Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Thái Lan vừa mang tính bổ trợ, vừa mang tính cạnh tranh nhưng theo hướng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa mỗi nước.
Tuy nhiên, trong thương mại giữa hai nước hiện nay, Việt Nam luôn bị nhập siêu. Số liệu cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 11,46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,18 tỷ USD, giảm 8,6% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 8,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2014.
Theo bà Thoa, Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức lần này nhằm quảng bá 400 sản phẩm đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Tuần lễ hàng Việt Nam được thực hiện tại Thái Lan và là lần thứ 12 tổ chức tại nhiều quốc gia. “Việc tổ chức chương trình Hàng Việt tại Thái Lan, với sự tham gia của Central Group, sẽ là hành động và cầu nối thiết thực giúp các nhà cung cấp của Việt Nam và người tiêu dùng Thái Lan có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng hóa của nhau”, bà Thoa nói.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Mỹ Loan cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong những năm qua, đó là nhờ vào tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của bán lẻ hiện đại cũng như sự tăng trưởng sức mua của tầng lớp trung lưu. Những nhân tố này sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho cả người tiêu dùng Việt Nam cũng như cho các các doanh nghiệp hàng đầu có thương hiệu uy tín trong ngành bán lẻ có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất với cho khách hàng được hình thành và xây dựng qua nhiều năm kinh nghiệm. Tập trung mọi nỗ lực phục vụ khách hàng ở mức tốt nhất luôn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ trong những năm tới.
Tại lễ khai mạc, các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của Việt Nam như Công ty Nội thất Bình Phú; Công ty gốm sứ Minh Long, Bia Sài Gòn, Điện Quang, công ty dệt may Hòa Thọ, các nhãn hàng sản xuất thực phẩm Bích Chi, Hoàn Châu và Tân Huê Viên, công ty trà Tâm Lan và Cà phê Highland đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan.
Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Điều hành, Central Group cho biết, hai năm trước Central Group chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh có nhiều lo ngại hàng Thái sẽ vào mạnh Việt Nam và ảnh hưởng đến thị trường. Doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan đã tăng khá mạnh. Nhiều sản phẩm hàng Việt đã được doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan tin dùng. Mới đây nhất là việc Công ty Nội thất Bình Phú đã ký được phiếu trị giá 1,2 triệu đô la xuất khẩu nội thất cho khách sạn 6 sao sẽ được khai trương tại Bangkok, thuộc sở hữu tập đoàn Central Group.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc hợp tác lâu dài với các đối tác, các nhà cung cấp của Việt Nam và mong muốn mối quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển”, ông Philippe Broianigo nói.
Đại diện của Central Group cũng cho biết, Central Group đang điều hành Văn phòng Xuất khẩu và Cung ứng CGV nhằm hỗ trợ và quảng bá hàng Việt Nam đến thị trường quốc tế. Đại diện cho 70 nhà cung cấp Việt Nam thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia. Cung ứng CGV hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp này từ phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng cho đến dịch vụ hậu cần.
Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường vàng
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 vừa được Chính phủ ban hành.
Tại Nghị quyết 59/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; ưu tiên thời gian, nguồn lực thực hiện các giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường thực hiện tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện, đưa cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát để chủ động điều hành phù hợp trong mọi tình huống, nhất là tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Rà soát các dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả.
Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh Châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2016. Rà soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công của các cơ quan, đơn vị.
Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn, đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô. Tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.