tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 12-06-2018

  • Cập nhật : 12/06/2018

Cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump chỉ trích Thủ tướng Canada “đâm lén sau lưng” Mỹ

Theo hãng tin CNN, cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Larry Kudlow đã cáo buộc Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hạ thấp Mỹ và các nước đồng minh bằng những phát biểu của mình tại hội nghị G7.

Ông Kudlow trả lời trên truyền hình sau khi hội nghị G7 kết thúc vào ngày 9/6. Trong lúc ông Trump đến Singapore để chuẩn bị gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kudlow đã lên tiếng nói rằng ông Trudeau đã đưa ra những “tuyên bố sai sự thật” trong một cuộc họp báo và nói rằng Mỹ sẽ không chấp thuận tuyên bố chung của G7.

co van kinh te truong cua tong thong my la ong larry kudlow da chi trich thu tuong trudeau.

Cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ là ông Larry Kudlow đã chỉ trích Thủ tướng Trudeau.

Trước đó, ông Trudeau phát biểu trong một cuộc họp báo của mình rằng Canada sẽ “thực hiện các biện pháp đáp trả” vào ngày 1/7 tới sau khi chính quyền Trump quyết định đánh thuế nặng đối với nhôm thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh Châu Âu. Ông Kudlow không nói rõ nội dung nào trong tuyên bố của ông Trudeau là sai sự thật.

Không chỉ có vậy, ông Kudlow đã cáo buộc ông Trudeau có những phát ngôn “làm tổn hại đối với toàn G7”. Ông gọi đây là “một sự phản bội” và nói ông Trudeau “giống như đã đâm sau lưng chúng tôi vậy”.

Ông Kudlow khẳng định trong suốt hội nghị thượng đỉnh G7, phía Mỹ đã đàm phán một cách “có thành ý” với ông Trudeau và các nguyên thủ quốc gia khác có mặt, và rằng Mỹ đã có ý định ký vào tuyên bố chung của G7 cho đến khi ông Trudeau tổ chức buổi họp báo của mình, một hoạt động mà ông Kudlow gọi là “vở kịch trẻ con”.

Không chỉ có ông Kudlow, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump Peter Navarro cũng có những phát ngôn chỉ trích ông Trudeau.

“Bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào có những động thái ngoại giao xảo quyệt với Tổng thống Donald Trump và sau đó lại có ý định đâm lén sau lưng khi hội nghị kết thúc đều đáng phải bị trừng phạt”, ông Navarro cho biết. “Đó chính xác là những gì ông Justin Trudeau đã làm khi tổ chức cuộc họp báo đó. Đó là hành vi của một con người yếu đuối và thiếu trung thực”.

Ông Navarro nói thêm rằng mặc dù đây là ý kiến cá nhân của ông, song đây cũng là suy nghĩ của các thành viên trong chính quyền Trump. Vị quan chức Mỹ này cũng cho biết việc ông Trump đến dự hội nghị G7 tại Canada là vì sự “nể trọng” ông Trudeau và rằng Tổng thống Mỹ đang “chuẩn bị cho sự kiện lớn” sẽ diễn ra tại Singapore.

Khi được hỏi về những phát biểu chỉ trích từ các cố vấn của ông Trump, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã gọi mức thuế mà chính quyền Trump áp đặt đối với nhôm thép nhập khẩu từ Canada là “bất hợp pháp và vô căn cứ”, đồng thời cho biết Canada không bao giờ dùng những biện pháp “công kích cá nhân” trên trường quốc tế.

“Canada không thực hiện chính sách đối ngoại bằng các hình thức công kích cá nhân”, bà Freeland nói. “Chúng tôi cho rằng đây không phải là cách làm hiệu quả nhất và chúng tôi không bao giờ làm vậy đối với các đồng minh của mình”.(Infonet)
---------------------------------

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm từ mức kỷ lục

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm từ mức cao kỷ lục đạt được trong tháng trước, do các nhà máy lọc dầu nhà nước bước vào giai đoạn bảo dưỡng và một số nhà máy lọc dầu độc lập hạn chế hoạt động trước hội nghị thượng đỉnh tại một thành phố cảng quan trọng.

Tổng cục Thống kê Quốc gia cho biết xuất khẩu trong tháng 5 đạt 39,05 triệu tấn, hay 9,2 triệu thùng/ngày, so với 9,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và 8,76 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2017.

Nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 là 190 triệu tấn, tăng 7,8% so với một năm trước đó.

Sinopec Shanghai Petrochemical, Sinopec Yangzi và công ty Jilin, Dalian của PetroChina, đã lên kế hoạch bảo dưỡng theo thường lệ từ tháng 4 tới tháng 5.

Ít nhất 5 nhà máy độc lập ở tỉnh Sơn Đông đã được lệnh giảm công suất hoạt động do mục tiêu không khí trong lành của Bắc Kinh cho hội nghị thượng đỉnh khu vực tại thành phố cảng Qingdao trong tháng 6.

Nhưng nhập khẩu trong tháng 5 tăng gần 5% so với một năm trước và không xa mức kỷ lục do lợi nhuận lọc dầu của các doanh nghiệp lọc dầu nhà nước vẫn tốt.

Seng-Yick Tee của công ty tư vấn SIA Energy cho biết “tổng thể, các nhà máy độc lập tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng gia tăng do thêm hạn ngạch và các nhà máy lọc dầu nhà nước PetroChina và CNOOC cũng góp phần lớn cho nhập khẩu do vận hành các nhà máy mới”.

Khởi động lại sau khi bảo dưỡng hoàn thành, nhà máy lớn thứ hai của Sinopec, Maoming tại tỉnh miền nam Guangdong, đã xử lý ở tốc độ kỷ lục trong tháng 5.

Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu nhiên liệu đã lọc của Trung Quốc đạt 6,13 triệu tấn tăng từ 5,12 triệu tấn trong tháng 4 và thấp hơn mức kỷ lục 6,69 triệu tấn trong tháng 3.

Xuất khẩu nhiên liệu được điều hành độc quyền bởi các công ty nhà nước, được cấp tổng hạn ngạch khoảng 43 triệu tấn cho cả năm 2018, ngang mức năm ngoái.

Nhập khẩu khí tự nhiên của Trung Quốc - gồm khí vận chuyển qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng - đạt 7,4 triệu tấn trong tháng 5, tăng 36,5% so với một năm trước, do các công ty duy trì mua mạnh để lấp đầy kho chứa và nhu cầu trong công nghiệp phục hồi mạnh. Nhập khẩu từ đầu năm tới nay đạt 34,8 triệu tấn cũng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017.(VITIC)
-----------------------------

Thái Lan nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 10 triệu tấn

Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) vừa điều chỉnh tăng mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2018 từ 9,5% triệu tấn lên 10 triệu tấn, sau khi kết quả xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,31 triệu tấn, vượt xa các đối thủ lớn như Ấn Độ (3,21 triệu tấn), Việt Nam (1,61 triệu tấn) và Pakistan (1,28 triệu tấn).

Chủ tịch Charoen Laothamatas của TREA cho biết, trong quý I, xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu từ một số thị trường nhập khẩu tăng. Mục tiêu mới mà TREA đặt ra cũng khớp với dự đoán trước đó của Bộ Thương mại Thái Lan. Cả TREA và Bộ Thương mại Thái Lan đều cho rằng, xuất khẩu gạo tăng chủ yếu nhờ nhu cầu mua từ khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Mới đây, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines đã mua 250.000 tấn gạo, trong đó có 120.000 tấn gạo Thái. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Thái còn ký được hợp đồng 200.000 tấn với Indonesia.

“Ngày càng có nhiều đơn hàng từ các nước châu Á và châu Phi, và đây sẽ là động lực giúp khối lượng xuất khẩu gạo đạt mục tiêu 10 triệu tấn trong năm nay,” ông Charoen cho biết.

Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu kỷ lục 11,6 triệu tấn gạo, tăng 17,4% so với năm trước đó, thu được 174,5 tỷ baht, tăng 12,8% so với năm trước đó. 5 nhà nhập khẩu chính năm vừa qua là Benin, Trung Quốc, Nam Phi, Cameroon và Mỹ.

Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2018 khả quan hơn nên Thái Lan có thể không phải dùng đến kế hoạch hỗ trợ giá gạo. Tuy nhiên, thị trường đồn đoán chính phủ vẫn sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người nông dân để giúp họ xây dựng các kho dự trữ.

Tại Thái Lan, gạo được xem là một mặt hàng chính trị. Hơn 13 triệu người dân nước này là nông dân trồng lúa và phần lớn đều rơi vào cảnh nghèo đói. Triển vọng ngành lúa gạo càng lạc quan, tín nhiệm vào chính phủ Thái Lan càng lớn; và khi đó, nông dân thường bầu cho những chính trị gia có chủ trương ủng hộ họ.

Mỗi năm, chính phủ Thái Lan dành ra hàng tỷ baht để mua khoảng 20% trong tổng sản lượng lúa nội địa (trung bình đạt 25 triệu tấn). Động thái này nhằm ngăn chặn giá giảm mạnh trong thời kỳ thu hoạch.

Hiện tại, giá gạo trắng cao cấp của Thái Lan, hay còn gọi là hom mali, đang ở mức cao kỷ lục 1.200 USD/tấn, tăng từ mức 823 USD của năm ngoái, mà nguyên nhân chủ yếu vì nguồn cung hạn chế.(Vinanet)
------------------

Ai Cập sắp nhập khẩu gạo

Thủ tướng Ai Cập, Sherif Ismail, ngày 5/6 cho biết, quốc gia này sẽ bắt đầu nhập khẩu gạo để tăng lượng dự trữ và kiểm soát thị trường, động thái diễn ra chỉ vài tháng sau chiến dịch cắt giảm sản xuất trong nước. Đây là điều hiếm thấy vì Ai Cập thường dư thừa gạo.

Năm nay Ai Cập giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước sông Nile vì Ethiopia chuẩn bị làm đầy hồ chứa phía sau một con đập khổng lồ trị giá 4 tỷ USD đang được xây dựng ở phía thượng nguồn của sông.

Chính quyền Cairo hồi đầu năm nay đã tăng tiền phạt đối với hoạt động trồng lúa bất hợp pháp và quyết định chỉ được canh tác trên 724.000 feddan (tương đương 304.080 ha), giảm mạnh so với mức quy định 1,1 triệu feddan trong năm 2017.

Trong tuyên bố của Thủ tướng Ai Cập không nêu rõ chính xác thời điểm và khối lượng gạo dự kiến sẽ nhập, tuy nhiên theo các nguồn tin trong ngành, sau khi tính đến lượng gạo tồn kho trong niên vụ trước, lượng gạo ước tính sẽ nhập khẩu từ 200.000-300.000 tấn. Còn giới thương gia nhận định Ai Cập sẽ nhập khẩu tới 1 triệu tấn gạo trong năm 2019, sau nhiều thập kỷ là nhà xuất khẩu loại ngũ cốc được đánh giá cao ở các thị trường Arập này.

Ông Ashraf el Attal, Giám đốc điều hành của công ty giao dịch hàng hóa Fortuna có trụ sở tại Dubai, cho biết cần phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng trong tháng ăn chay Ramadan và sau khi hoạt động mua dự trữ gần đây khiến giá bán tăng mạnh tại các cửa hàng địa phương.

Giá lúa gạo tại Ai Cập liên tục tăng trong thời gian vừa qua, giá thóc bình quân trong tháng 5/2018 là 4.700 LE/tấn (267 USD/tấn) so với mức 4.000LE/tấn (228 USD/tấn) trong tháng 1/2018; giá gạo đã tăng lên gần 8.000 LE/tấn (455 USD/tấn) trong tháng 5 so với mức 6.500 LE/tấn (369 USD/tấn) trong tuần đầu tháng 3/2018.

Ai cập là một nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo (chủng loại gạo hạt tròn–medium grain) lớn nhất khu vực Trung Đông-Bắc Phi trong suốt nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên sản xuất lúa gạo của Ai cập hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do thiếu nguồn nước canh tác, đặc biệt khi nguồn nước sông Nile sẽ bị ảnh hưởng bởi Đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia đang xây dựng và sẽ sớm ngăn dòng tích nước.

Trong mười năm trở lại đây, sản lượng lúa gạo của nước này đạt cao nhất 7,3 triệu tấn vào năm 2008 và thấp nhất vào năm 2010 với 4,3 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng lúa gạo năm 2018 được dự báo còn xuống thấp hơn năm 2010, giảm giảm khoảng 1 triệu tấn xuống còn 3,3 triệu tấn trong khi lượng gạo tiêu thụ sẽ vào khoảng 4 triệu tấn.

Được biết, Ai Cập hiện duy trì chính sách mở cửa đối với lúa gạo nhập khẩu và thực hiện chính sách miễn thuế đối với mặt hàng này. Nước này hiện tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.(vinanet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục