tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-07-2018

  • Cập nhật : 11/07/2018

Nhân loại đã dùng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất có thể đáp ứng

Từ nay cho đến 31/12, người dân trên hành tinh sẽ phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình. Đó là thông tin từ tổ chức phi chính phủ mang tên Global Footprint Network (Mỹ) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố vào ngày 1/8.

Các tính toán của Global Footprint và WWF xem xét lượng đến lượng khí thải carbon, nguồn tài nguyên tiêu thụ trong các lĩnh vực như thủy sản, chăn nuôi gia súc, cây trồng, xây dựng và sử dụng nước.

Năm ngoái, thời điểm nhân loại dùng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất có thể đáp ứng cho cả năm là ngày 3/8. Mặc dù tốc độ sử dụng tài nguyên đã có xu hướng chậm lại từ 6 năm nay, thời điểm mang tính biểu tượng này - ngày đánh dấu các nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của nhân loại đã vượt quá những gì Trái Đất có thể phục hồi trong một năm, "vẫn tiếp tục tịnh tiến xa hơn so với mốc ngày 31/12".

Các tổ chức này cảnh báo để đáp ứng như cầu của nhân loại, mỗi năm loài người cần tiêu thụ lượng tài nguyên gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái Đất và đi kèm với thực tế này là rất nhiều hậu quả như tình trạng thiếu nước, sa mạc hoá, xói mòn đất, suy giảm năng suất nông nghiệp, suy giảm nguồn dự trữ hải sản, rừng cạn kiệt, nhiều loài động vật biến mất.

Global Footprint và WWF cũng cho biết "các dấu hiệu đáng khích lệ" chỉ ra rằng nhân loại có thể đảo ngược xu hướng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù nền kinh tế thế giới ghi nhận tăng trưởng, "lượng khí thải CO2 gắn với tiêu thụ năng lượng không tăng lên vào năm 2016 và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp như vậy,” điều này có thể được giải thích phần nào bởi sự phát triển đáng kể các loại năng lượng tái tạo trong sản xuất điện. (Vietnam+)
-------------------------

Petrolimex muốn bán bớt vốn nhà nước, lấy tiền đầu tư loạt “đại” dự án

Trong 3 năm tới, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Petrolimex khoảng 39.200 tỷ đồng, cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh: Phát hành tăng vốn, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu…

Cần 34.100 tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (mã CK: PLX) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về phương án thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Petrolimex cho biết, là một tập đoàn kinh tế lớn, có doanh thu lớn nhất sàn HOSE, vốn hoá trong thị trường lớn, nhưng vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 12 nghìn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) chưa tương xứng vị thế của doanh nghiệp.

Hồi tháng 7/2017, Petrolimex hoàn tất phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 12%, nâng vốn điều lệ lên 12.938 tỷ đồng.

Sau khi phát hành, vốn góp Nhà nước là 9.816,8 tỷ đồng (chiếm 75,87%), vốn góp của Tập Đoàn JX (Nhật Bản) là 1.035 tỷ đồng (chiếm 85), còn lại là cổ phiếu quỹ và vốn góp của cổ đông thiểu số. Vốn điều lệ và tỷ lệ sở hữu vốn này duy trì tới thời điểm hiện nay.

Trong giai đoạn 2018 – 2023, Petrolimex cho biết cần nguồn vốn đầu tư rất lớn cho các dự án phát triển. Cụ thể, trong danh mục dự toán đưa ra có tổng cộng 7 dự án với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng.

Trong số này, có 2 dự án lớn nhất, cần nhiều vốn nhất là đầu tư vào nhà máy lọc dầu của JXTG tại Nhật Bản (50% vốn nhà máy) là 11.500 tỷ đồng và đầu tư kho cảng LNG Tân Phước (70% tổng giá trị dự án) là 6.300 tỷ đồng. Đồng thời, Petrolimex cũng dự kiến xây toà nhà văn phòng với tổng đầu tư 1.100 tỷ đồng.

7 dự án với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng

Theo Petrolimex, việc phát hành tăng vốn điều lệ để tài trợ vốn cho các dự án chiến lược có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

Trong 3 năm tới, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn khoảng 39.200 tỷ đồng (trong đó cho đầu tư phát triển 34.100 tỷ đồng) cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh: Phát hành tăng vốn điều lệ, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Bán vốn Nhà nước xuống còn 51%

Petrolimex cho biết, việc phát hành tăng vốn điều lệ sẽ giúp Tập đoàn có thêm nguồn vốn để đầu vào các dự án trong giai đoạn 5 năm tới, cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực lọc hoá dầu và đầu tư vào lĩnh vực LNG. Đối với các dự án này, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ là 23.000 tỷ đồng.

Phương án huy động vốn này sẽ được tính toán dựa trên các giả định khi phát hành như sau: Giá phát hành sẽ căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm phát hành theo tiêu chí mức giá bán sẽ không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa phiên giao dịch liền kề trên HOSE.

Sau khi phát hành tăng vốn điều lệ cho các dự án trên thì vốn điều lệ mới dự kiến của Petrolimex là 16.772 tỷ đồng. Khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước sẽ là 58,5%.

Tiếp đến, để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51%, Tập đoàn xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước từ 58,5% xuống 51% (bán 7,5% vốn điều lệ mới).(Dantri)
---------------------------

Kiên Giang kêu gọi đầu tư một số dự án cấp bách vào đảo Phú Quốc

Tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư một số dự án cấp bách vào đảo Phú Quốc để góp phần phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN

Theo đó, những dự án này, gồm: Khu bệnh viện kết hợp nghỉ dưỡng diện tích hơn 10 ha tại Khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ với Bệnh viện - Trung tâm điều dưỡng Bãi Trường và đất công viên cây xanh, quy mô 500 giường; Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng hơn 42 ha tại Khu du lịch sinh thái Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, khả năng phục vụ khoảng 1.200 - 1.600 khách/ngày; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, công suất xử lý 150 tấn rác/ngày, quy mô diện tích 5,25 ha tại ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt danh mục 3 dự án kêu gọi đầu tư này, giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tổ chức công bố danh mục dự án, làm bên mời thầu và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, toàn huyện đảo Phú Quốc hiện có 278 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.676 ha, ước tổng vốn đầu tư hơn 361.000 tỷ đồng; trong đó, có 241 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 8.809 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 263.491 tỷ đồng, trong số này đã có 34 dự án đi vào hoạt động, 73 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (TTXVN)
-------------------------

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo kinh doanh tốt lên trong quý 3/2018

Trong quý III/2018 có 89,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với quý II , trong khi đó, chỉ có 10,4% dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ động nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN 


Tổng cục Thống kê vừa thông tin về cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; theo đó, trong quý III/2018 có 89,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với quý II (52,6% doanh nghiệp dự báo tăng và 37% doanh nghiệp giữ ổn định), trong khi đó, chỉ có 10,4% dự báo khối lượng sản xuất giảm. 

Đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả quan nhất với 91,7% dự báo tăng và giữ ổn định; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 88,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn khá cao với 87,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định. 

Các ngành có dự báo khả quan về khối lượng sản xuất 6 tháng cuối năm 2018 tăng so với 6 tháng đầu năm 2018: Cao nhất là ngành sản xuất trang phục với tỷ lệ doanh nghiệp dự báo tăng là 66%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 65,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy cũng là 65,1%; sản xuất chế biến thực phẩm 63,2%; sản xuất đồ uống 62,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 61,9%;... 

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự báo về đơn đặt hàng xuất khẩu; theo đó, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III/2018 khả quan hơn với 90% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý II/2018 (trong đó số doanh nghiệp dự báo tăng là 39,3% và 50,8% dự báo giữ ổn định), chỉ có 9,9% doanh nghiệp dự báo giảm. 

Theo hình thức sở hữu, dự báo về đơn hàng xuất khẩu quý III/2018 so với quý II/2018 khu vực doanh nghiệp FDI có tỷ lệ dự báo khả quan nhất với 92,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định, khu vực doanh nghiệp nhà nước 90,3% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với tỷ lệ 87,6%. 

Các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu 6 tháng cuối năm tăng so với 6 tháng đầu năm 2018 cao gồm: sản xuất thuốc lá 56,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác 55,6%; sản xuất trang phục 55,4%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 53,6%; sản xuất kim loại 50%;… 

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI. Hiện, tại các doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều về tạo ra việc làm, kim ngạch xuất khẩu và một phần nào là thu ngân sách cho nền kinh tế (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục