tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-07-2018

  • Cập nhật : 11/07/2018

Những thay đổi đáng kể của thị trường ô tô Việt Nam

Từ đầu năm 2018, nhiều chính sách trong lĩnh vực ô tô có hiệu lực, thị trường ô tô đã có thay đổi đáng kể, sản xuất lắp xe trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng và đã kiểm soát tốt lượng xe nhập khẩu.

Ngay từ đầu năm 2018, nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực ô tô có hiệu lực, như chính sách thuế nhập khẩu của một số dòng xe từ ASEAN về 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe động cơ dưới 2.0L giảm thêm 5%, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Với những chính sách trên, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất, như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy Thaco Mazda với công suất ban đầu 50.000 xe/năm.

Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại công suất 42.000 xe/năm... Qua đó, sản lượng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, đạt 114.600 xe các loại trong 6 tháng đầu năm và tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Cùng với sản xuất lắp ráp trong nước, sau khi nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 nhập khẩu 340 xe, tháng 2 nhập khẩu 222 xe), bước sang tháng tháng 3 nhập khẩu ô tô đã tăng trở lại với 3.676 xe. Tuy nhiên, lượng ô tô nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ dần trong tháng 4, tháng 5 và giảm mạnh trong tháng 6 khi nhập về chỉ 2.200 xe, trong đó có 1.500 xe dưới 9 chỗ ngồi.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam đạt 11.273 xe các loại; trong đó xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam đạt 8.315 xe, trị giá đạt 188 triệu USD, giảm 68,6% về lượng và 58% về kim ngạch. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu cũng như giá trị kim ngạch nhập khẩu.

Dự báo, thị trường ô tô từ quý III trở đi, nhập khẩu ô tô sẽ tăng mạnh so với 2 quý đầu năm do các doanh nghiệp dần thích ứng với các quy định mới, trong đó có Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Bộ Công Thương cũng dự báo sản lượng sản xuất, lắp ráp ô tô cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 235.000 xe các loại, giảm 1,3% so với năm 2017; trong đó, từng quý còn lại sản xuất khoảng 60.000 xe.

Lý giải về việc tổng lượng xe sản xuất, lắp ráp cả năm 2018 không tăng trưởng so với năm 2017, Bộ Công Thương cho rằng, kết quả kinh doanh của các hãng xe còn tùy thuộc vào khả năng thích nghi với Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, cần có biện pháp để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó là hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án mở rộng nhà máy của Công ty Hyundai Thành Công đã ký thỏa thuận hợp tác với Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc hợp tác sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam.

Cùng với Thaco đã đi vào hoạt động nhà máy Thaco Mazda, thì việc mở rộng nhà máy sản xuất xe của Hyundai là tín hiệu tốt cho việc tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.

Cùng với đó là nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước). Đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.

Về dài hạn, cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.(Bnews)
--------------------------------------

Xung đột thương mại Mỹ-Trung: Lá bài đầu tiên của Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đã cùng bấm nút khai hỏa chiến tranh thương mại. Trung Quốc nhắm vào con bài đậu tương để trả đũa Mỹ.

Các lô hàng đậu tương ban đầu được dành riêng để vận chuyển qua Trung Quốc đã bị hủy hoặc định tuyến lại. Khoảng 60.000 tấn đậu tương trong số này sẽ được chuyển đến Bangladesh và 60.000 tấn khác sẽ đến Pakistan.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 6/7 cho tuần kết thúc vào ngày 28/6/2018, Trung Quốc đã giảm cam kết mua 366.000 tấn đậu tương Mỹ trong vụ mùa kết thúc vào ngày 31/8/2018 và cắt giảm 66.000 tấn dự định sẽ mua trong năm sau.

trung quoc la nuoc mua dau tuong lon nhat cua my

Trung Quốc là nước mua đậu tương lớn nhất của Mỹ

Đậu tương nằm trong danh sách hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế nhập khẩu, quy định thuế mới đã có hiệu lực từ ngày 6/7 sau khi Mỹ tăng thuế với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc và Tổng thống Trump cam kết sẽ hành động mạnh tay hơn. Đậu tương là mặt hàng nông sản hàng đầu mà Mỹ vận chuyển đến Trung Quốc cho đến nay và là một trong những sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong mùa vụ 2017- 2018, Trung Quốc mua 771 nghìn tấn đậu tương Mỹ và dự kiến trong mùa vụ tiếp theo Trung Quốc sẽ mua khoảng 1,39 triệu tấn.

Bên cạnh đậu tương, Trung Quốc cũng cắt giảm 8.100 kiện bông trong mùa 2017-18. Một số lô hàng ban đầu được bán cho Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam.

Theo giới quan sát, đậu tương là một trong những con bài lớn Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nếu được thực thi, thuế đậu tương sẽ có tác động mạnh đến Washington và nông dân Mỹ, bởi đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc, với kim ngạch đạt 14 tỷ USD mỗi năm. Thêm vào đó, từ trước khi bị Trung Quốc nhằm vào, thì các nông trại sản xuất đậu tương ở Mỹ đã có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ.

Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ dự báo nếu xung đột tiếp tục leo thang và Bắc Kinh nâng thuế lên 30% đối với đậu tương Mỹ, thì xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc có thể giảm tới 70%.

Trung Quốc là thị trường chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu đậu tương hàng năm của Mỹ. Theo ước tính của Hiệp hội Đậu tương Mỹ, cứ ba luống đậu tương ở nước này thì có khoảng 1 luống được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Động thái của Trung Quốc được đưa ra đúng lúc ngành nông nghiệp Mỹ đang chật vật sau nhiều năm giá nông sản thấp khiến không ít nông dân tính bỏ nghề. Hồi tháng 2 năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lợi nhuận ròng của các nông trại ở nước này trong năm 2018 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Khu vực trồng đậu tương lớn nhất của Mỹ nằm ở vùng Midwest, nơi ông Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh của cử tri là nông dân trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.(Baodatviet)
----------------------------------

Ô tô Đức và thịt bò Mỹ - nạn nhân khốn khổ đầu tiên của chiến tranh thương mại

Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là thời khắc họ phải chấp nhận chi phí cao hơn và buộc phải xem xét lại các quyết định kinh doanh.

Ô tô Đức và thịt bò Mỹ - nạn nhân khốn khổ đầu tiên của chiến tranh thương mại

Ảnh: CNN

Các biện pháp trả đũa thuế quan mà Trung Quốc áp dụng chống lại Mỹ được đưa ra ở thời điểm một trong những công ty nhập khẩu thịt lớn nhất Trung Quốc đang chuẩn bị nhập lô thịt bò Mỹ rất lớn từ California về Thượng Hải. 

Giờ đây, công ty Suzhou Huadong Foods của Trung Quốc đang gặp khó với lượng lớn thịt bò Mỹ giá quá cao. Chiến tranh thương mại đang cản trở đường đi của nhiều loại hàng hóa quan trọng, theo bài báo được Bloomberg đăng tải mới đây. 

Quản lý nhập khẩu của công ty, ông Gong Peng, nói: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi chắc chắn sẽ phải giảm mạnh mua thịt từ các chủ chăn nuôi Mỹ”.

Ngày 6/7/2018, Mỹ đã chính thức “khai hỏa” gây ra cuộc chiến tranh thương mại lớn chưa từng có bằng việc áp thuế đến 25% đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất nhiên, Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức với giá trị hàng hóa tương đương, các mặt hàng bị nhắm vào chủ yếu bao gồm đậu tương, thịt và phương tiện. 

Công ty Suzhou Huadong, nhà cung cấp thịt lớn ở thị trường Trung Quốc, là một trong những nạn nhân đầu tiên. 

Đối với nhiều công ty sản xuất trong các ngành khác, từ ô tô cho đến rượu whiskey hoặc các công ty khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là thời khắc họ phải chấp nhận chi phí cao hơn và buộc phải xem xét lại các quyết định kinh doanh.

Khả năng chống chọi của những công ty trong cuộc xung đột hiện nay có thể phần nào phụ thuộc vào lượng hàng hóa bị đánh thuế thấp mà họ kịp nhập về trước khi quy định thuế chính thức được áp dụng. Thế nhưng một khi nguồn cung này giảm bớt, họ sẽ phải cố gắng để chấp nhận mức thuế cao mới hoặc đẩy nó về phía khách hàng.

Nhiều hãng ô tô nước ngoài tại Trung Quốc sẽ gặp khó. Mới chỉ vài tuần trước đây, Ford Motor và Tesla thông báo giảm giá bán hàng tại Trung Quốc, dòng xe Lincoln và Model S nhờ vậy có mức giá dễ chịu đối với người tiêu dùng Trung Quốc sau khi Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với xe nhập từ nước ngoài xuống 15%. Từ ngày 6/7/2018, chính những mẫu xe này, nếu nó được sản xuất tại Mỹ, sẽ phải chịu thuế đến 40%. Cuối cùng, giá hai dòng xe này lại trở nên đắt đỏ. 

Hai hãng xe BMW AG và Daimler AG cũng phải đối diện với tình trạng chi phí tăng cao bởi họ nhập các mẫu xe xa xỉ vào Trung Quốc từ nhà máy lắp đặt ở Mỹ. BMW cho biết hãng không thể tự chịu được mức thuế cao, chính vì vậy sẽ buộc phải nâng giá bán sản phẩm. Daimler từ chối bình luận ngoại trừ việc tuyên bố hãng sẽ đưa ra chế độ ưu đãi tốt dành cho những người mua xe.

Theo Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), một tờ báo nhà nước quan trọng tại Trung Quốc, những hành động của Tổng thống Trump chỉ khiến cho ngày một nhiều các công ty Mỹ thua thiệt tại Trung Quốc trong khi Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế. Tâm lý ăn thua của các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ không chỉ tác động đến sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn khiến cho kinh tế thế giới trở nên ngày một bất ổn hơn, cũng theo Nhân dân Nhật báo. 

Khi mà cả hai bên không có dấu hiệu nhường bước, khả năng  Mỹ tăng thuế với bất kỳ mặt hàng Trung Quốc nào vào biên giới Mỹ và ngược lại đồng nghĩa với việc ngày một nhiều doanh nghiệp thua thiệt.

Có những doanh nghiệp lập tức thay đổi chiến lược kinh doanh. Hemp Fortex Industries - hãng sản xuất đồ dệt may Trung Quốc và đồng thời là một nhà cung cấp hàng hóa cho nhiều thương hiệu Mỹ và châu Âu cho biết đang tính chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Khoảng hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ khách hàng Mỹ, chính vì vậy, sản phẩm của công ty sản xuất ra sẽ chịu tác động trực tiếp từ các chính sách tăng thuế. 

Sáng lập viên của Hemp Fortex Industries, ông Ding Hongliang, cho biết: “Các khách hàng lớn của công ty giờ đây đang ráo riết tính đến việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Thị trường Mỹ quá quan trọng và không thể thay thế được”.

Công ty Just Play LLC, hãng sản xuất đồ chơi cho nhiều thương hiệu ví như Disnay Princess, cũng đang nghiên cứu đưa hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc, theo sáng lập viên của công ty. Tuy nhiên, quản lý của công ty cũng lo ngại về việc sẽ tốn bao nhiêu thời gian và làm sao có lại được quy mô và trình độ sản xuất tương đương như Trung Quốc tại một địa điểm khác. 

Trong những lần đối đầu với nhiều nước khác, người dân Trung Quốc, với tinh thần dân tộc cao, tẩy chay sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn như Toyota hay Hyundai. Lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc giảm sâu, phía Trung Quốc nhờ vậy có thêm đối trọng.

Thế nhưng lần này, vào chiều ngày thứ Bẩy tuần vừa qua tại quận Sanlitun trung tâm thủ đô Bắc Kinh, các điểm bán đồ may mặc thương hiệu Mỹ như Abercrombie & Fitch và Nike đông nghịt người Trung Quốc, họ xếp hàng dài dằng dặc bất thường ở các quầy thanh toán. 

Một công dân Bắc Kinh 20 tuổi cho biết: “Đối đầu chính trị vẫn xảy ra, người dân bình thường vẫn tiếp tục sống. Tôi không chắc liệu tình trạng căng thẳng có tác động đến cuộc sống của người dân hay không, cho đến nay, mọi chuyện chẳng có gì thay đổi”.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục