Jack Ma có thể rót tiền vào Grab; Bảo hộ DAP trong nước, nông dân chịu thiệt?; Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 7,76% trong sáu tháng đầu năm; IMF tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-05-2017
- Cập nhật : 11/05/2017
Tiêu thụ ôtô tháng 4-2017 ở Việt Nam giảm mạnh
Sau một thời gian tăng mạnh, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), tổng sản lượng bán ôtô trên cả nước tháng 4-2017 chỉ đạt 21.942 chiếc, giảm 15% so với tháng 4-2016.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lên tới 18%.
Trong đó, mức giảm mạnh nhất là sản lượng bán hàng của các loại xe du lịch, chỉ đạt 10.705 chiếc, giảm 36% so với tháng liền kề. Tương tự, xe chuyên dụng bán được 1.675 chiếc, giảm 6%; riêng các loại xe thương mại bán được 9.562 chiếc, tăng 15%.
Theo các chuyên gia, mặc dù không theo quy luật, nhưng việc sụt giảm trên không quá bất ngờ, bởi sức mua các tháng trước tăng mạnh, nhiều khả năng người có nhu cầu đã mua trước để đón các thuận lợi của thị trường.
Cũng theo báo cáo của VAMA, dù có tháng 4 bất ngờ sụt giảm mạnh song tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường tính chung 4 tháng đầu năm vẫn đạt mức 86.671 chiếc, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số xe du lịch bán được đạt 52.305 chiếc, xe chuyên dụng đạt 5.082 chiếc...(Tuoitre)
-----------------------------------------
Petrolimex lãi 755 tỉ từ kinh doanh xăng dầu
Mặc dù đạt tổng doanh thu lên tới trên 35.000 tỉ đồng nhưng mức lợi nhuận mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt được chỉ trên 1.300 tỉ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh xăng dầu mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Tập đoàn là 755 tỷ đồng,
Mức doanh thu tăng vọt tới trên 30% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới ở mức 51,78 USD/thùng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù có mức doanh thu tăng mạnh song tổng lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn chỉ đạt 1.350 tỉ đồng, đạt 28,8% kế hoạch và bằng 98,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, mảng kinh doanh xăng dầu mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Tập đoàn là 755 tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng lợi nhuận hợp nhất. Petrolimex cho biết sản lượng xuất bán ra trong quý 1 là 2,7 triệu m3/tấn, bằng 95,2% so với cùng kỳ 2016.
Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 595 tỉ đồng, tương đương 44,1% tổng lợi nhuận hợp nhất. Đạt cao nhất là lĩnh vực dầu, nhựa đường, hóa chất với 224 tỉ đồng; tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh gas đạt 45 tỷ đồng; vận tải đạt 53 tỉ đồng, bảo hiểm và ngân hàng đạt 57 tỉ đồng…
Tập đoàn này nộp ngân sách hợp nhất quý I-2017 là 9.122 tỷ đồng, bằng 110,7% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, lợi nhuận sau thuế còn lại của tập đoàn chỉ là hơn 1.106 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 4,6%.
Trong tháng 4-2017 Petrolimex đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 21-4, với mã cổ phếu PLX. Với vốn điều lệ 12.938 tỉ đồng và mức giá chào sàn là 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa PLX đạt 55.892 tỉ đồng (tương đương 2,5 tỉ USD), là Tập đoàn có mức vốn Nhà nước lớn nhất trên thị trường và chiếm khoảng 3,3% vốn hóa của sàn HoSE.(Tuoitre)
-------------------------------------
Malaysia đẩy mạnh khởi nghiệp sinh viên
Bộ Giáo dục bậc cao Malaysia đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 15% số sinh viên nước này dấn thân khởi nghiệp ngay từ khi còn đi học và ít nhất 5% hướng tới trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp.
Tờ The Star dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục bậc cao Mary Yap Kain Ching cho biết hơn 60% số sinh viên nước này trong năm ngoái đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh doanh cũng như chương trình của các doanh nghiệp.
Trong đó, 3% trong số này đã khởi nghiệp khi vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường.
“Chúng tôi muốn sinh viên là người tạo việc làm chứ không phải tìm việc”, bà Mary Yap Kain Ching phát biểu trước các phóng viên sau khi ra mắt chương trình Siswapreneur Showcase 2017.
Đây là một trong những sáng kiến của Bộ Giáo dục bậc cao Malaysia nhằm giúp sinh viên áp dụng các kỹ năng và kiến thức kinh doanh đã học vào thực tiễn, Thứ trưởng Malaysia cho biết thêm.(Thanhnien)
--------------------------------
Bộ Tài chính bác kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô
Trước nguy cơ bị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), một loạt doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi đã thông qua VCCI gửi kiến nghị kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo các DN, Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các DN có phát sinh nhập khẩu ô tô trước ngày 1.7.2016 nhưng xuất hóa đơn sau ngày này sẽ phải nộp thuế theo luật thuế TTĐB mới.
Nhưng không ít DN ký hợp đồng bán xe cho khách trước 1.7 nhưng hàng không kịp làm thủ tục thông quan, không thể xuất hóa đơn trước ngày 1.7.2016. Có trường hợp có xe nhập về từ năm 2015 nhưng tồn kho đến nay không bán được, nếu phải chịu truy thu thuế TTĐB theo Thông tư 130, DN mất hoàn toàn vốn, rơi vào phá sản, giải thể. Do đó, các DN mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cho phép DN nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1.7.2016 vẫn được tính thuế theo biểu thuế cũ khi xuất hóa đơn sau ngày 1.7.2016. Đồng thời, chỉ áp dụng thu thuế TTĐB theo Thông tư 130 của Bộ Tài chính cho các xe bán ra xuất hóa đơn sau 45 ngày, kể từ ngày 1.7.2016.
Tuy nhiên, chiều 9.5, Bộ Tài chính có văn bản khẳng định những kiến nghị của DN là không phù hợp. Bộ Tài chính cho rằng quy định tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2016 nêu rõ: “Thời điểm phát sinh doanh thu đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
Vẫn theo Bộ Tài chính, Thông tư số 130 ngày 12.8.2016 có nêu: “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 1.7.2016 nhưng bán ra từ ngày 1.7.2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại luật số 106/2016/QH13 vì luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.2016”. (Thanhnien)