“Ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm”; Thị trường BĐS nửa đầu năm: Sôi động dòng vốn ngoại; Nửa năm, thu thuế từ doanh nghiệp bia, thuốc lá vẫn ‘lẹt đẹt'
Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-07-2018
- Cập nhật : 01/07/2018
Canada dự định áp thuế lên 12,6 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 01/07
Trong ngày thứ Sáu (29/06), Bộ trưởng Ngoại giao Canada tuyên bố kế hoạch áp thuế lên 12,6 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 01/07/2018, cùng gia nhập với các đồng minh khác của Mỹ đáp trả lại trong cuộc xung đột thương mại ngày càng leo thang.
Canada đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, theo nhận định của bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Ngoại giao Canada.
Bà Freeland nói: “Chúng tôi sẽ không lùi bước”.
Tuyên bố của Canada là nhằm đáp trả lại tuyên bố áp thuế lên thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong tháng 5/2018, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm từ Canada, EU và các quốc gia khác. Kết quả là một số đồng minh lớn nhất của Mỹ đã thực hiện áp thuế quan đáp trả.
Kế hoạch áp thuế của Canada – dự kiến có hiệu lực vào tuần tới – nhắm thẳng vào các mặt hàng Mỹ như sữa chua, cà phê rang, giấy vệ sinh và túi ngủ. Trong khi đó, hàng rào thuế quan của Mexico áp lên các hàng hóa Mỹ như thịt heo, phô mai, nham lê, rượu whisky và táo. Trong ngày thứ Sáu, EU đã triển khai áp thuế quan lên hơn 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm rượu whisky ngô, du thuyền và xe gắn máy.
Trong năm 2017, Mỹ chiếm tới 55% tổng lượng thép xuất khẩu của Canada trong năm 2017, và phần còn lại đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.(FILI)
------------------------------
Mỹ kêu gọi Trung Quốc duy trì trừng phạt Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/6 thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để thảo luậnvề nỗ lực "đạt mục tiêu chung là phi hạt nhânhóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược đối với bán đảo Triều Tiên", theo Reuters.
Trong cuộc điện đàm ngày 28/6, Pompeo nhắc lại rằng Triều Tiên sẽ có một tương lai tươi sáng hơn nếu phi hạt nhân và nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi đầy đủ tấtcả biện pháp thích đáng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới Triều Tiên".
Thông báo cũng cho biết điều quan trọng là phải ngăn cản Triều Tiên xuất khẩu than và nhập khẩu dầu mỏ thông qua việc chuyển dầu từ tàu này sang tàu kia, hoạt động vốn bị Liên Hợp Quốc cấm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực trừng phạt.Giới chức Mỹ cũng lo ngại những nỗ lực ngoại giao gần đây của Bình Nhưỡng có thể dẫn đến việc các nước nới lỏng áp lực trừng phạt.
Trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ tuần này, Pompeo nói rằng ông đã nhận thấy "một chút" vi phạm của Trung Quốc, láng giềng và đối tác thương mại chính của Triều Tiên.
"Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc không thực thi quyền kiểm soát các khu vực xuyên biên giới của họ một cách mạnh mẽ như cách đây 6 hoặc 12 tháng", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 27/6 liệt kê hàng chục tàu và các công ty vận chuyển buôn lậu dầu và than của Triều Tiên, trong đó 5 công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Pompeo đã thảo luận với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha về các bước tiếp theo trong thỏa thuận với Triều Tiên và hai bên đồng ý duy trì áp lực cho đến khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước đó, chỉ vài giờ sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cho rằng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nặng nề đối với Triều Tiên đóng vai trò lớn trong việc thay đổi chiến thuật ngoại giao đột ngột của ông Kim trong 6 tháng qua.(Vnexpress)
-------------------------
Vỡ mộng ôtô giá thấp?
Thị trường ôtô Việt Nam vẫn đang chìm trong cảnh khan hàng, người tiêu dùng thiếu xe để mua trong khi giá bán lẻ không những không thấp như kỳ vọng mà còn bị đẩy cao hơn trước đây.
Lựa chọn tình thế
Anh Hà Viễn Sự ở Thanh Xuân (Hà Nội) muốn "chia tay" chiếc Vitara đời cũ của mình để thay thế bằng một chiếc Fortuner từ cuối năm 2016. Anh đã rút các khoản tiết kiệm để chuẩn bị mua xe vào đầu năm 2017, khi mẫu xe Fortuner đời mới bắt đầu được Toyota bán ra thị trường.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin trên mạng internet, anh nhận được những lời khuyên rằng hãy cố gắng chờ đợi đến năm 2018 để có thể mua xe giá rẻ. Lý do là từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%, trong đó có mẫu xe anh đang yêu thích là Fortuner được nhập khẩu từ Indonesia.
Chiếc Suzuki Vitara đã cũ kỹ, các con anh cũng đã lớn và nhu cầu về một chiếc xe lớn hơn, có khả năng vượt địa hình tốt hơn cho những chuyến đi chơi xa hơn của cả gia đình ngày càng trở nên cấp thiết. Ngày 28/7/2018, anh tìm đến đại lý Toyota hỏi mua xe. Câu trả lời vẫn là chưa có xe để bán, trong khi đó, giá xe thậm chí đã cao hơn so với năm ngoái.
"Cuối cùng, tôi đành phải chọn chiếc Chevrolet Trailblazer. Tôi đang quen dùng xe của Nhật nên đã phải rất khó khăn mới có thể quyết định mua một chiếc xe Mỹ", anh Sự nói.
Đối tác của anh Sự, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi Honda giới thiệu mẫu xe CR-V thế hệ mới, anh quyết định chờ sang đầu năm 2018 để mua xe với mức giá được dự kiến là sẽ dưới 1,1 tỷ đồng nhờ thuế nhập khẩu 0%.
Kết quả là sang tháng 1/2018, anh đã phải chấp nhận mua chiếc CR-V phiên bản cao nhất với giá gần 1,3 tỷ đồng bao gồm một vài phụ kiện quan trọng.
"Nhân viên đại lý nói do chưa thể nhập xe theo thuế mới nên giá bán bị chênh so với kế hoạch. Những chiếc CR-V có ở thị trường lúc ấy thậm chí rất ít bởi chỉ là lô xe được Honda nhập từ cuối 2017 theo thuế 30%. Do vậy, nếu không xuống tiền nhanh để kịp có xe đi chơi tết thì sẽ rất khó chịu", vị doanh nhân chia sẻ.
Những người tiêu dùng như anh Sự và đối tác có thể nói là rất nhiều. Chính bởi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đã tạo nên tâm lý chờ đợi xe giá rẻ của người tiêu dùng. Từ tâm lý đó, sức mua ôtô bị kiềm chế suốt cả năm 2017.
Tưởng như sự ức chế của thị trường sẽ được giải tỏa khi đồng hồ thời gian nhảy sang năm 2018. Nhưng không, một nửa năm 2018 đã đi qua gần hết song trạng thái ức chế tâm lý thậm chí còn gia tăng.
Ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc chở người dưới 10 chỗ ngồi từ các nước nội khối ASEAN đã giảm về 0%. Theo lẽ thường, người tiêu dùng đã có thể thở phào nhẽ nhõm. Thế nhưng, Nghị định 116 của Chính phủ lại khiến tiếng thở nhẹ nhàng trở thành một tiếng thở dài ngao ngán.
Hàng rào kỹ thuật được dựng lên bởi Nghị định 116 đã thu hẹp đường về của các loại ôtô nhập khẩu. Kết cục là cho đến lúc này, ôtô nhập khẩu về Việt Nam vẫn chỉ nhỏ giọt, thỉnh thoảng mới có một lô xe ít ỏi cập cảng. Ngoài thị trường, người tiêu dùng không có xe để mua, cho dù đã phải chấp nhận "chiêu" kinh doanh kiểu bia kèm lạc hoặc chi tiền lót tay cho nhân viên bán hàng.
Vỡ mộng giảm giá
Không có xe để mua, người tiêu dùng lại bị dội thêm một gáo nước lạnh nữa từ những quyết định… tăng giá.
Mẫu xe Fortuner nhập khẩu Indonesia vẫn chưa thấy ló mặt về Việt Nam những Toyota đã kịp tăng giá bán lẻ. Theo bảng giá mới vừa được liên doanh ôtô Nhật Bản công bố, giá của vài phiên bản đã cao hơn chừng 50 triệu đồng so với hồi 2017.
Lý do của giá mới được Toyota Việt Nam đưa ra là bởi những tính năng và công nghệ mới được bổ sung cho mẫu SUV chiến lược này. Trên thực tế, Fortuner đã trở thành các phiên bản nâng cấp chứ không hoàn toàn là xe của năm 2017. Vì vậy, phần nào đó, các mức giá bán lẻ cao hơn cũng không đến nỗi tiêu cực.
Tương tự Fortuner, mẫu SUV thế hệ mới Honda CR-V cũng được thị trường ngóng chờ từ lâu. CR-V may mắn hơn Fortuner là thỉnh thoảng lại có một lô xe về nước. Nhưng không vì thế mà giá bán của mẫu xe này được như kỳ vọng. Nằm vắt qua mốc giá 1 tỷ đồng, thực tế thì giá của CR-V không có nhiều khác biệt so với những mẫu xe khác nằm cùng phân khúc, cho dù là lắp ráp hay nhập khẩu nguyên chiếc.
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Honda đã 2 lần điều chỉnh để giá bán lẻ của CR-V tăng thêm 15 triệu đồng. Mỗi quyết định điều chỉnh, tất nhiên, phải có lý do để giải thích. Và lý do tăng giá của CR-V là bởi những chi phí bị đội lên do các quy định mới tại Nghị định 116.
Mức tăng giá của Honda CR-V, Toyota Fortuner hay một vài mẫu xe khác là không đáng kể khi xét về con số thuần túy. Nhưng điều đáng suy ngẫm, nhất là đối với người tiêu dùng, về vấn đề vốn dĩ luôn nhạy cảm nhất ở thị trường ôtô Việt Nam là đánh giá xu hướng tiêu dùng thế nào và giá bán ra sao để đưa ra quyết định đúng nhất cho bản thân.
Người tiêu dùng đã phải kìm nén nhu cầu mua xe cả năm 2017 để trông chờ được mua xe giá rẻ. Thế rồi, chỗ dựa gần như duy nhất là thuế đã không đem lại kết quả như kỳ vọng. Giá xe đã không những không rẻ mà còn tăng lên so với thời kỳ thuế chưa được xóa bỏ (mức 0%).
Cho nên, bài học dễ bị rơi vào lãng quên đối với thị trường ôtô cần được nhìn nhận một cách thực tế hơn. Với một mặt hàng vẫn được coi là xa xỉ như ôtô thì đôi khi, những tác động trực tiếp từ bên ngoài, thuế chẳng hạn, lại không đủ sức khiến cho giá bán thay đổi. Điều quan trọng nhất, theo đúng quy luật kinh tế thị trường, giá luôn có cơ hội thay đổi từ chính mỗi quan hệ cung – cầu.
Nhận định này có lẽ cùng phần nào giải thích cho nghịch lý hiện nay là thuế đã giảm nhưng giá không giảm. Các hãng xe đã cố gắng giải thích rằng giá bán lẻ ôtô đã giảm mạnh từ năm 2017 để kích cầu tiêu dùng nên không thể giảm được nữa. Thuế đã giảm nhưng những vướng mắc về thủ tục nhập khẩu, những khó khăn về nguồn cung khiến cho giá thành bị đội lên. Và quan trọng nhất, khi nguồn cung khan hiếm đồng thời với nhu cầu mua sắm tăng cao, việc tăng giá trong cơ chế thị trường là hoàn toàn dễ hiểu.
Giai đoạn nửa cuối năm 2018, tình trạng khan hiếm nguồn cung ở thị trường ôtô Việt Nam được nhận định là sẽ phần nào cải thiện. Tuy nhiên, việc giá bán lẻ có giảm hay không thì khó ai có thể chắc chắn.
Vậy là giấc mơ ôtô giá thấp đã không trở thành hiện thực. Có lẽ người tiêu dùng hay kể cả các hãng xe cần sớm tỉnh mộng để nhìn vào thực tế thị trường mà những nhận định rất dễ trở thành võ đoán.(Vneconomy)
-----------------------
Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 đợt 2
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 3.945,415 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) cho các bộ, địa phương theo ngành, lĩnh vực và danh mục dự án.
Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải; 11 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau.
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) được giao ở trên, quyết định giao cho các bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh mục và chi tiết mức vốn của các dự án.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2018 và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.
Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) được giao, các bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án theo quy định cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện; báo cáo kết quả giao, thông báo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 (đợt 2) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2018.
Định kỳ hàng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương do bộ, địa phương quản lý.
Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ(Vietnam+)