Trung Quốc bất ngờ cho Pakistan vay thêm 1 tỉ USD; Đủ loại giày dép, quần áo, túi xách hiệu Gucci, Nike, Adidas… bị làm giả; Sửa Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất 15%; Từ 01/7/2018, tăng thêm 6,92% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-06-2018
- Cập nhật : 30/06/2018
Doanh nghiệp Hàn Quốc cần gì từ các 'nhân tài' Việt Nam?
47 doanh nghiệp Hàn Quốc và gần 2.000 lao động Việt Nam cùng có buổi gặp gỡ, tuyển dụng tại TP.HCM sáng nay. Doanh nghiệp Hàn cần gì ở các "nhân tài" Việt Nam?
"Ngày hội tuyển dụng nhân tài Hàn - Việt 2018" vừa diễn ra sáng 29-6 tại TPHCM, do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Lao động và Việc làm nước này.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia sự kiện phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng thuộc nhóm ngành sản xuất và dịch vụ bên cạnh một số tên tuổi lớn như Lotte Mart, Kumho Tire, ngân hàng IBK,...
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra chuẩn mực tuyển dụng lao động khá khắt khe nhưng đồng thời vẫn đánh giá cao nỗ lực của người lao động Việt Nam.
Ông Kim Byung Wook, đại diện của IBK, ngân hàng có hai chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, khẳng định ngân hàng này sẽ tuyển thêm nhân viên Việt Nam để xúc tiến thị trường, với các yêu cầu đáp ứng chuyên môn và phải hiểu luật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn hướng đến những chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi người lao động đáp ứng khả năng giao tiếp và hợp tác ở góc độ đa văn hóa.
Ông Kim Dong Wook, phụ trách nhân sự của công ty Sunghyun Vina của Hàn Quốc, đơn vị đã đầu tư vào ngành da giày ở Việt Nam gần 20 năm và có ba nhà xưởng tại Dĩ An (Bình Dương), thì cho rằng người lao động trẻ Việt Nam "đáp ứng được trình độ ngoại ngữ và rất tiềm năng".
"Tuy nhiên, khi không gặp vấn đề gì thì họ làm việc rất tốt, nhưng nếu nảy sinh vấn đề thì họ rất dễ nản, khó có thể hợp tác và giải quyết tốt", ông Kim Dong Wook nói.
Về phía các ứng cử viên, có đến 70% số người đăng ký dự tuyển là lao động có kinh nghiệm làm việc và 30% còn lại là sinh viên tại các trường ĐH và CĐ ở TPHCM.
Người lao động Việt Nam mong muốn làm việc tại nhiều vị trí khác nhau trong công ty Hàn Quốc như phiên dịch, xuất nhập khẩu, marketing, logistics, nhân sự, hành chính tổng hợp...
Theo số liệu không chính thức do KOTRA công bố, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang sử dụng đến hơn 700.000 lao động người Việt, chiếm 25% tổng số lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp FDI.
Riêng Samsung cũng đã sử dụng đến hơn 100.000 lao động Việt Nam cho các nhà máy của mình ở Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Tính đến hết quý 2 năm 2018, Hàn Quốc vẫn đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với gần 7.000 dự án, tổng số vốn đăng ký lên đến 61,7 tỉ USD. (Tuoitre)
-----------------------
Tranh cãi tỷ trọng cho vay bất động sản: 15% hay 20%?
Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ trọng cho vay bất động sản đang chiếm 7,5% tổng dư nợ cho vay toàn ngân hàng. Tuy nhiên, con số này đang bị nghi ngờ.
Câu chuyện siết tín dụng vào bất động sản của ngành ngân hàng đang hiển hiện khi tới đây hệ số rủi ro cho vay bất động sản sẽ được nâng lên từ 200% lên 250% bắt đầu từ đầu năm 2019, và con số tương đối về tỷ trọng cho vay bất động sản đang là bao nhiêu mà khiến Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát cho vay lĩnh vực này?
Chia sẻ tại hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro” do Chuyên trang đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức tại TP.HCM ngày 29/6/2018, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết nói đến thị trường bất động sản thì tín dụng bất động sản là quan trọng nhất.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang chiếm 7,5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ thực cho vay bất động sản ước chừng lên tới 20%.
Vì nếu phân loại cho vay bất động sản đúng thực chất, cộng cả cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay sửa chữa nhà, cho vay xây nhà... nhưng thực chất là cho vay bất động sản thì tín dụng lĩnh vực này lên đến 20%.
Tính đến nay, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, với tỷ trọng cho vay bất động sản là 20% tổng dư nợ, con số tuyệt đối cho vay ngành này phải lên đến 1,36 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Tại Mỹ, tín dụng bất động sản chỉ khoảng 8-10% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong thời gian qua, nếu cộng cả cho vay bất động sản và cho vay chứng khoán tỷ trọng này không dưới 1/3 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Hiện chính sách tiền tệ được cho là linh hoạt với thị trường bất động sản, khi Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực này từ 200% lên 250%, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống còn 40% bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Khi khi hệ số rủi ro tăng sẽ siết lại quy mô cho vay bất động sản.
Điều này cho thấy cơ quan quản lý “vừa đánh vừa xoa” và cho rằng đó là linh hoạt nhưng không cho thấy chính sách lâu dài cho thị trường bất động sản, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thực sự Ngân hàng Nhà nước đang chịu sức ép khá lớn vì phải duy trì tăng trưởng GDP cao buộc phải hạ lãi suất , tăng tín dụng. Tinh thần của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước đang giám sát khá chặt chẽ cho vay bất động sản cũng như cho vay chứng khoán.
Theo ông Thành, tỷ trọng cho vay bất động sản thực chất khoảng 14-16% tổng dư nợ tín dụng, vì tỷ trọng cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng đang khoảng 16-17%, trong đó hơn một nửa chảy vào bất động sản, đa số liên quan đến đầu tư bất động sản.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có đề án lớn về việc giám sát lại cho vay tiêu dùng, thống kê và “tách” cho vay bất động sản đang “ẩn nấp” trong cho vay tiêu dùng và buộc các ngân hàng thương mại phải làm đến nơi đến chốn.(Bizlive)
-------------------
GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%, cao nhất từ 7 năm qua
GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Điều gì khiến kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao như vậy?
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm điều hành họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 - Ảnh: LÊ THANH
Sáng 29-6, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết GDP 6 tháng tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được thành tích nay, theo ông Lâm, các chỉ số kinh tế trong quí 2 "khá tích cực".
Cụ thể, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.
Đáng chú ý, ông Lâm nhấn mạnh khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Trong số đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, ngành thủy sản đạt kết quả tích cực với 6,41%, cũng tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2017.
Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13%, mức tăng được cho là "cao nhất trong 7 năm gần đây".
Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, giảm 1,3%, làm giảm 0,1% mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Về dự báo chỉ số kinh tế trong 6 tháng cuối năm, ông Lâm cho biết xu hướng tăng trưởng quí 3 và 4 sẽ thấp hơn các quí trước.
"Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã dự báo điều này. Thực tế, quí 1 tăng trưởng 7,45%, quí 2 tăng 6,79%. Lý do là các khu vực công nghiệp sẽ tăng chậm lại do khai khoáng giảm, như khai thác than sẽ hạn chế khai thác trong 6 tháng cuối năm do mưa nhiều. Nông nghiệp cũng giảm 6 tháng đầu năm, như vụ đông xuân, sản lượng tăng hơn 1 triệu tấn gạo" ông Lâm giải thích.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biếti lạm phát trong 6 tháng tới tiềm ẩn nguy cơ tăng cao khi lạm phát tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Điều đáng lo ngại là, theo bà Ngọc, lạm phát tháng 6 tăng đầu năm 2018 cao nhất trong 7 năm qua.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% như Quốc hội giao, thì cần không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục… vào cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ, chú trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu… (Tuoitre)