tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-07-2018

  • Cập nhật : 01/07/2018

EU gia hạn trừng phạt kinh tế lên Nga

 Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết các lãnh đạo của khối đồng ý kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế thêm 6 tháng đối với Nga vì việc sát nhập Crimea và vì ủng hộ phe đối lập ở đông Ukraine.

chu tich uy ban chau au jean-claude juncker (trai) va chu tich hoi dong chau au donald tusk tham du mot buoi hop bao chung ben le hoi nghi thuong dinh chau au thang 6-2017 - anh: afp

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tham dự một buổi họp báo chung bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Âu tháng 6-2017 - Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters cho biết quyết định trên sẽ kéo dài thời hạn áp đặt các hạn chế lên việc kinh doanh với Nga trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và năng lượng cho đến hết tháng 1-2019.

Trước đó, một nguồn tin từ EU nói với trang Sputnik của Nga rằng lãnh đạo các nước trong EU có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga trong các cuộc hội đàm cấp cao đang tiếp diễn tại Brussels.

Thỏa thuận Minsk ký kết ngày 12-2-2015 đặt ra một thời hạn rõ ràng cho các bên (quân đội Kiev và phe đối lập) ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi miền đông Ukraine.

Ngoài ra tất cả các lính đánh thuê cũng phải rời khỏi nước này. Ukraine cũng phải khôi phục lại các dịch vụ ngân hàng tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát cũng như trả lương cho các quan chức chính phủ làm việc ở miền đông Ukraine.

Các lãnh đạo EU đang gặp nhau trong một hội nghị thường niên để đánh giá tiến trình và quyết định về các biện pháp trừng phạt.

Nguồn tin trên cho biết sau khi các lãnh đạo EU họp bàn và đạt được thỏa thuận chung về việc kéo dài thời hạn các biện pháp trừng phạt Nga thì bản công bố chính thức sẽ được thông báo trong vòng vài ngày tới.(Tuoitre)
----------------------------

Trung Quốc giảm thu mua sắn Việt Nam

5 tháng đầu năm, lượng sắn xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 1,1 triệu tấn, giảm 25,4%.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Tháng 5, xuất khẩu sắn và sản phẩm đạt 223.400 tấn, trị giá 100,1 triệu USD, tăng 12,9% về lượng và 20,8% trị giá so với tháng trước đó. Do đó, lượng sắn xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn, tương ứng 468,1 triệu USD, giảm 23,6% về lượng nhưng tăng 10,1% trị giá, do giá xuất bình quân tăng 44,4% so với cùng kỳ đạt 356,9 USD một tấn.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập sắn dẫn đầu của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, chiếm 88,5% tổng lượng sắn xuất khẩu, đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 408,2 triệu USD, giảm 25,4% về lượng nhưng tăng 8,7% về trị giá, giá xuất bình quân tăng 45,81% so với cùng kỳ.

Xếp thứ hai là Hàn Quốc đạt 43.400 tấn chiếm 3,3% thị phần, trị giá 11,7 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và 30% giá trị.Tiếp đến là các thị trường Philippines, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản với lượng xuất đạt lần lượt 18.900 tấn; 18.800 tấn, 17.300 tấn và 10.100 tấn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng sắn xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh nhất tới 40,4% về lượng và 15,7% giá trị. Ngược lại, thị trường Nhật Bản tăng mạnh nhất, gấp 3,8 lần về lượng và 2,6 lần về trị giá, mặc dù giá xuất bình quân sang thị trường này giảm 24% so với cùng kỳ chỉ đạt 240,17 USD một tấn.(Vnexpress)
--------------------

Kiểm tra tài chính tại 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố danh sách các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đưa vào kế hoạch kiểm tra năm 2018.

Việc công bố danh sách này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính trên cơ sở thực hiện quy định tại Điều 15 Thông tư số 09 năm 2016 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Thực hiện quy định tại Quyết định số 1318 năm 2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra việc thực hiện cơ chế chính sách về tài chính doanh nghiệp tại các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong kế hoạch kiểm tra tình hình tài chính trong năm 2018 gồm:

Công ty TNHH Keppel Land Watco – II; Công ty Phát triển căn hộ hướng công viên; Công ty Liên doanh cao ốc Indochina; Công ty TNHH Global Toserco; và Công ty TNHH Tháp Trung tâm Hà Nội.

toa nha saigon centre, noi keppel land gop von 53,3%.

Tòa nhà Saigon Centre, nơi Keppel Land góp vốn 53,3%.

Nội dung kiểm tra gồm: Trị giá tài sản góp vốn của các bên; Việc phân chia lợi nhuận đối với phần vốn góp nhà nước trong doanh nghiệp; Tình hình bảo toàn vốn góp của tổ chức kinh tế có vốn góp của nhà nước; Tình hình chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án của các bên góp vốn trong dự án; Tình hình chấp hành pháp luật về thuế.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 20,3 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, hoạt động đầu tư qua hình thức M&A tăng mạnh cả về lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp đến là kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ.(Infonet)
-----------------------

Tổng cục Thống kê: Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế vào 2019-2020

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng chu kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ không xảy ra vào năm 2019 - 2020, nếu có diễn ra phải từ năm 2021 trở đi.

Thay mặt Tổng cục Thống kê trả lời tại buổi họp báo Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 sáng 29/6, ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng cả thế giới và Việt Nam đều không thoát khỏi chu kì khủng hoảng kinh tế.

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế giới có xu hướng giảm cứ 10 năm một lần, nhiều dự báo đáy của chu kỳ sẽ rơi vào năm 2019 - 2020. Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.

Ông Dương Mạnh Hùng cho biết, hiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao, gần 200% GDP. Việt Nam dễ chịu tác động lớn từ những "cú sốc" kinh tế bên ngoài. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - EU cũng ảnh hưởng phần nào tới kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, nội tại nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự ổn định. Tỷ trọng đầu tư trên tổng GDP trong 3 năm gần đây giảm, sẽ có tác động đến giai đoạn 2019 - 2020.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết năm 2017, Việt Nam không thu hút được các dự án lớn như Samsung, Formosa phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ông cho rằng tăng trưởng kinh tếnăm 2018 dự báo vẫn đạt 6,7%.

Phân tích thêm về nguy cơ khủng hoảng kinh tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm lại cho rằng chu kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ không diễn ra vào năm 2019 - 2020, nếu có, phải tới năm 2021 trở đi.

Ông Lâm chỉ ra, một số chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ trong ngắn hạn tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư của các doanh nghiệp. Đây sẽ là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế Mỹ và tác động tới kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ có biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu có khủng hoảng, chúng tôi tiên đoán phải từ năm 2021 trở đi mới diễn ra", ông Lâm nhấn mạnh và cho biết thêm, IMF vẫn dự báo thương mại toàn cầu năm 2018 - 2019 vẫn ở mức cao.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục