CPI nửa đầu năm 2018 tăng 3,29%; Xuất khẩu gạo bất ngờ tăng vọt giá trị; Saudi Arabia - Nga thống trị các thị trường dầu mỏ khi Trump chống lại Iran
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-07-2018
- Cập nhật : 02/07/2018
Xuất khẩu vẫn dựa vào khối FDI
Tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” ngày 28/6, Trưởng phòng Quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Tổng cục Hải quan Nguyễn Việt Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 225 tỷ USD, tăng 13%.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 113 tỷ USD, nhập khẩu hơn 111 tỷ USD. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của xuất khẩu vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hơn 7.000 doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% trong tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhưng lại nắm giữ 70% giá trị xuất khẩu.
Theo Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về thị trường, dự báo cung cầu và cách thức quản trị, hoạch định chiến lược.
Chúng ta hay phân biệt thị trường trong nước với thị trường nước ngoài, nhưng thực ra, ở đây là các sản phẩm sẽ cạnh tranh với nhau trong con mắt người tiêu dùng chứ không phải doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Thị trường trong nước hay nước ngoài chỉ bị ngăn cách bởi các hàng rào văn hóa, chính trị. Đây là một khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) Adam Sitkoff cho rằng, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ đã không đầu tư thời gian, công sức để nắm bắt những quy tắc, nguyên tắc của nước này.
Doanh nghiệp Việt cũng không đăng ký quy trình giám sát chất lượng nên đã nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình xuất khẩu. “Các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi và cập nhật các nguyên tắc, quy tắc của Hoa Kỳ”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh. Một giải pháp khác được đưa ra giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu là phải xác định sản phẩm thế mạnh, sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Một chiếc xe hơi của Hoa Kỳ nhưng lại được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau, mỗi linh kiện được làm ở một quốc gia, đây chính là toàn cầu hóa thương mại, là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Adam Sitkoff nói. Điều quan trọng nữa là, sản phẩm của doanh nghiệp cần phải có sự hiện diện tốt trên internet, như vậy mọi người mới có thể tìm kiếm được thông tin.
Ông Nguyễn Việt Hùng cũng cho biết, Tổng cục Hải quan dự báo xuất khẩu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong năm nay. Cụ thể, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 2 con số và có thể cao gấp 2 lần GDP.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 240 - 242 tỷ USD, tăng 13% so với 2017. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 475 - 477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017.(daibieunhandan)
--------------------------
08 mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam nửa đầu năm 2018
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, cả nước có 08 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018.
Một là, điện thoại các loại & linh kiện với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 3,2 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Hai là, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn gần 13,46 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Ba là, hàng dệt may với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13,42 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2017.
Bốn là, hàng giày dép với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,79 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm là, gỗ và sản phẩm gỗ với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 750 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Sáu là, hàng thủy sản với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 750 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng trước; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3,96 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Bảy là, cà phê với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 287 triệu USD, giảm 2,4%; Ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,98 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tám là, dầu thô với trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính là 289 nghìn tấn, giảm 14,4% và trị giá là 165 triệu USD, giảm 18% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,85 triệu tấn, trị giá ước đạt 1 tỷ USD, giảm 50,7% về lượng và giảm 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.(TCTC)
-------------------------------
Tháng 6/2018, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017
Theo Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6/2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đó, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỷ USD, tăng 13,1% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo, rau quả, điều và thủy sản. Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su), Trung Quốc (đối với rau quả, cao su,thủy sản), Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều), Malaysia (đối với gạo, chè), Iraq, Hồng Kông, Philippines (đối với gạo), Saudi Arabia (đối với chè), Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu).
Cụ thể, đối với mặt hàng lúa gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Với ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 6/2018 ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.
Ngoài ra, trong tháng 6/2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 33.000 tấn với giá trị 300 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 6 tháng đầu năm ước đạt 176.000 tấn với giá trị 1,41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 732 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.(TCTC)
------------------------
Hai mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cà phê và dầu thô là 2 mặt hàng xuất khẩu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với kỳ năm 2017.
Thống kê về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan cho thấy cà phê và dầu thô là 2 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu có xu hướng giảm so với kỳ năm 2017.
Cụ thể, cà phê trị giá xuất khẩu trong tháng 06/2018 ước tính đạt 287 triệu USD, giảm 2,4%. Như vậy, ước chung 6 tháng đâu năm 2018 đạt 1,98 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, trị giá xuất khẩu dầu thô trong tháng 06/2018 ước tính là 289 nghìn tấn, giảm 14,4% và trị giá là 165 triệu USD, giảm 18% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu chỉ ước đạt 1,85 triệu tấn, trị giá ước đạt 1 tỷ USD, giảm 50,7% về lượng và giảm 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.(TCTC)