Giá dầu lập đỉnh, Nga hưởng lợi kép, bẻ ngoặt cấm vận; Sợi của Việt Nam bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống lẩn tránh thuế; Cổ phiếu BIDV giảm mạnh sau khi ông Trần Bắc Hà bị khai trừ Đảng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-07-2018
- Cập nhật : 01/07/2018
Chuyên gia trái chiều về bong bóng bất động sản năm 2019
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định có khả năng xảy ra bong bóng bất động sản, trong khi các chuyên gia khác có những nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng của thị trường.
Tại hội thảo ‘Sốt bất động sản – cơ hội và rủi ro’, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ trong số tổng dư nợ 6,8 triệu tỷ đồng thì tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS) ước chiếm 7,5%.
Tuy nhiên, theo tính toán của vị chuyên gia này, tín dụng cho vay BĐS nói chung phải lên đến 20% và đây là con số rất lớn; nếu tính cả cho vay chứng khoán thì con số không dưới 1/3 tổng dư nợ.
Sở dĩ con số ước tính lên đến 20% là vì cộng cả những khoản cho vay mua nhà, sửa nhà nhưng không có mục đích kiếm lời mà để sinh sống.
Theo ông Hiếu, chính sách tiền tệ hiện tại dường như đang thắt chặt hơn là nới lỏng. Chính phủ đã thông qua NHNN hạn chế cho vay BĐS và chứng khoán nhưng ngược lại cũng khuyến khích các ngân hàng tăng cho vay, hạ lãi suất.
Tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện đã bị siết chặt xuống mức 45%; trong khi đó hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS lại tăng lên 200% cho thấy yếu tố thắt chặt tín dụng rõ nét hơn.
Nhận định về khả năng khủng hoảng, ông Hiếu cho rằng đà tăng tín dụng hiện nay đang giúp hình thành bong bóng bất động sản. Năm tới nếu không giải quyết và kiểm soát được dòng tín dụng đổ vào BĐS, bong bóng BĐS có thể nổ ra vào năm 2019.
Khi giá tăng lên trên 100% là dấu hiệu đi vào bong bóng BĐS tại vì cầu có giới hạn trong khi nguồn cung cứ tăng lên và giá bị đẩy lên. Ông Hiếu chia sẻ có nơi giá tăng khoảng 100%.
Có cách nhìn tích cực hơn, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng thị trường hiện khá lành mạnh, năm nay sẽ là năm tốt. CBRE cho rằng đây chưa phải là thời điểm quá lo lắng. Tâm lý người mua giờ đã khác hẳn 10 năm trước khi người mua có nhiều thông tin để tham khảo.
Dẫn thêm số liệu, bà Dung cho biết các giao dịch BĐS nổi bật nửa đầu năm 2018 ước tính 929 triệu USD, so sánh với con số khoảng 1,5 tỷ USD trong cả năm 2017.
Xu hướng thị trường hiện nay vẫn là nhu cầu thực sự, tức là người mua nhà để ở. Tỷ lệ hấp thụ khoảng 65-85%, tỷ lệ hấp thụ lớn nhất vẫn ở nhu cầu thực mua nhà để ở. Ngoài ra, giá bán trung bình chỉ tăng trưởng khoảng 3-5% nếu nhìn vào tổng thể.
Đồng quan điểm với bà Dung, PGS. TS Trần Đình Thiên và TS. Võ Trí Thành cho rằng thị trường hiện chưa phải quá lo lắng. Tuy nhiên, cả 2 vị chuyên gia cũng nhận định nên thận trọng trong thị trường này.
----------------------------
Hàng ngàn container phế liệu 'ma' nằm chồng chất ở cảng
Gọi là container phế liệu "ma" bởi vì những container phế liệu này đã nằm lại ở các bến cảng tại TP HCM suốt thời gian dài nhưng không có doanh nghiệp hay cá nhân nào đến nhận.
534 container “vô chủ”
Ngày 29/6, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2018, tại cảng Cát Lái (quận 2) đang tồn đọng 534 container hàng hóa nhập khẩu không có người đến nhận.
Toàn bộ số container này đã cập cảng từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn tại cửa khẩu nhập theo quy định (90 ngày) nhưng vẫn chưa có người đến làm thủ tục nhận hàng.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trong số 534 container hàng tồn đọng nêu trên thì mặt hàng chủ yếu vẫn là phế liệu nhựa. Số phế liệu này phần lớn nhập khẩu vào đầu năm 2018.
Lực lượng chức năng đã thông báo công khai số hàng tồn nêu trên đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu không có tổ chức, cá nhân nào đến làm thủ tục nhận hàng thì sau 60 ngày kể từ ngày thông báo, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng Cục Hải quan TPHCM sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàng ngàn container “ma” chứa phế liệu đang án ngữ tại các bến cảng ở TP HCM gây cản trở cho việc lưu thông các loại hàng hóa khác.
Ngoài số hàng tồn đọng nêu trên, tại cảng Cát Lái còn hàng ngàn container phế liệu cũng đang được cơ quan Hải quan phân loại xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, thực trạng hàng hóa tồn đọng tại các bến cảng đang gia tăng, trong đó chủ yếu là phế liệu nhập khẩu.
“Cục Hải quan TPHCM đang chỉ đạo các chi cục hải quan có phế liệu tồn đọng chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu. Lực lượng chức năng sẽ phân loại phế liệu trong danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và phế liệu không nằm trong danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hàng hóa (chất thải nguy hại) rồi báo cáo Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để xử lý ngay”, ông Nghiệp nói.
Đại diện Cục Hải quan TPHCM khẳng định, sẽ dùng những biện pháp cứng rắn với những container “ma” đang nằm la liệt ở cảng như hiện nay. Cụ thể, Cục Hải quan TPHCM sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối chiếu giấy phép nhập khẩu của các doanh nghiệp. Những trường hợp nào không có giấy phép nhập khẩu sẽ đưa vào xử lý ngay dù chưa đến hạn 90 ngày kể từ ngày hàng về cảng theo quy định của Bộ Tài chính.
Buộc tái xuất với phế liệu “dỏm”
Trong buổi làm việc mới đây giữa Cục Hải quan TPHCM với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải TPHCM, các bên cũng đã bàn thảo và thống nhất phướng án đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn động tại cảng.
Đối với các container phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường sẽ xử lý theo phương án buộc tái xuất. Đối với chủng loại phế liệu trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thì bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sản xuất, xử lý, tái chế loại hàng hóa, phế liệu tương ứng…
Đối với các hãng tàu, lực lượng hải quan kiến nghị cần có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể. Đơn cử như khi hãng tàu nhận vận chuyển phế liệu cho các doanh nghiệp thì phải đảm bảo các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu theo quy định, tránh tình trạng vận chuyển hàng hóa tràn lan về lưu giữ tại cảng, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cảng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến ngày 20/6, tại cảng Cát Lái còn 3.231 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan. Trong đó, có 2.183 container tồn quá 90 ngày kể từ ngày hàng về cảng nhưng đến nay chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục hải quan, nhận hàng.
“Hiện nay, đơn vị chúng tôi đang phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phân loại các container phế liệu để xử lý theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM”, bà Lèo nói.
Để xử lý nhanh các container hàng phế liệu nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã giám sát chặt chẽ các container phế liệu đang tồn đọng tại cảng và thực hiện thủ tục thông quan cho các container này khi đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định.
Đồng thời, đơn vị này cũng gửi thông báo cảnh báo với các hãng tàu về việc phế liệu đang tồn đọng rất nhiều tại cảng và đề nghị hãng tàu cung cấp số liệu container phế liệu mà các hãng tàu vận chuyển vào cảng để cơ quan hải quan phối hợp với cảng quản lý chặt chẽ.(Dantri)
-------------------------------
"Áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm rất lớn"
Giá xăng dầu thế giới tăng cùng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường mặt hàng này sẽ đẩy giá cả cuối năm tăng mạnh. Theo tính toán, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm.
"Áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm là rất lớn" bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê xác nhận. Ở cả hai góc độ thị trường và điều hành đều có những yếu tố tiểm ẩn khiến CPI 6 tháng cuối năm tăng.
Tăng thuế xăng dầu tác động mạnh
Theo công bố của Tổng cục Thống kê,chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 0,61% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
CPI tháng 6/2018 tăng 4,67% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước.
CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,29%.
Đáng chú ý trong điều hành giá của Chính phủ là việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu từ ngày 1/7 sẽ tác động lớn đến CPI.
Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức thuế này lên kịch khung (từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng). Như vậy, giá mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, dầu diezen là 500 đồng và dầu hỏa tăng 1.100 đồng/lít.
"Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm", bà Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và kêu gọi đồng mình không mua dầu từ Iran dự báo sẽ làm nguồn cung dầu Iran giảm còn 1 triệu thùng/ngày. Tuy rằng các nước OPEC cam kết tăng sản lương nhưng thực thế khai thác củng chỉ bằng 1/3 dự kiến ban đầu. Nguồn cung giảm mạnh sẽ khiến giá dầu thế giới tăng, tác động không nhỏ đến CPI cuối năm.
Bà Ngọc cho biết, 6 tháng đầu năm giá thị thịt lợn tăng 19,8% so với tháng 12 năm trước. Nguy cơ giá thịt lợn tiếp tục tăng cùng nhu cầu thực phẩm vào cuối năm cũng là nguy cơ tiềm ẩn đẩy CPI cuối năm lên cao.
Ngoài ra, các yếu tố điều hành giá của Chính phủ cũng sẽ tác động đến CPI 6 tháng cuối năm.
Từ ngày 1/7, lương tối thiếu được tăng thêm 90.000 đồng sẽ ảnh hưởng tới các khu vực dịch vụ và khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, giá dịch vụ giáo dục tăng vào tháng 9... .
Chính sách điều chỉnh mực tiêu hao đầu tư, giảm giá giường nằm trong y tế được điều chỉnh giảm sẽ là điểm tích cực kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời lại có thêm dự kiến về việc tăng lương cho khối lao động ngành y tế và điều chỉnh tăng giá dịch vụ khiến CPI tăng.
Ngoài ra, 6 tháng cuối năm cũng là thời gian Việt Nam thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Áp lực lạm phát lớn nhưng chu kỳ 10 năm không lặp lại
"Áp lực rất lớn 6 tháng cuối năm rất lớn nhưng với sự quyết tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, mức dưới 4% của năm 2018 chắc sẽ đạt được", bà Ngọc khẳng định.
Theo bà, gần đây lạm phát đang tăng. Nhìn vào chu kỳ kinh tế 10 năm của Việt Nam, năm 2008 lạm phát lên gần 23%. Năm 2011, lạm phát ở mức 18,58%. Đến tháng 2/2011, Chính phủ phải ban hành nghị quyết yêu cầu chủ động điều hành kiềm chế lạm phát thay vì xảy ra rồi mới chống.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết,Tổng cục Thống kê đều rà soát lại từng tháng và xây dựng lại kịch về lạm phát để báo cáo Chính phủ. Việc điều hành giá sẽ được Chính phủ xem xét, điều chỉnh linh hoạt không để các yếu tố tăng giá cùng lúc.
"Chu kỳ lạm phát tăng cao như 10 năm trước sẽ không lặp lại vì chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong điều hành, kiềm chế lạm phát", bà Ngọc khẳng định.(NDH)