tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-07-2018

  • Cập nhật : 03/07/2018

Giá dầu lập đỉnh, Nga hưởng lợi kép, bẻ ngoặt cấm vận

 Hiệu ứng tích cực từ giá dầu thô giúp chính phủ Nga dễ dàng hơn trong việc bẻ ngoặt gọng kìm cấm vận, khiến người Nga dường như không còn nhớ...

Giá dầu tăng tới 23% trong nửa đầu năm 2018

Giá dầu thô thế giới có phiên tăng thứ tư liên tục vào ngày 29/6, khép lại tuần, tháng, quý và nửa đầu năm 2018 với mức tăng mạnh, đưa giá cả của loại "vàng đen" này lập đỉnh trong 3 hơn năm qua.

Tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu WTI giao tháng 8/2018 tăng 70 cent/thùng, tăng gần 1%, chốt ở mức 74,15 USD/thùng - một mức đỉnh mới kể từ cuối tháng 11/2014.

Như vậy, giá dầu WTI đã tăng 8% trong tuần cuối, tăng 11% trong tháng 6/2018 và tăng 14% trong quý II/2018.

Tính chung trong nửa đầu năm 2018, giá dầu WTI đã tăng tới 23%.

gia dau tho lien tuc lap dinh

Giá dầu thô liên tục lập đỉnh

Còn tại thị trường London, thúc phiên giao dịch ngày 29/6 vừa qua, giá dầu Brent giao tháng 8/2018 có mức tăng tới 1,62 USD/thùng, tăng gần 2,1%, đạt mức giá 79,23 USD/thùng.

Theo giới chuyên gia về tài chính và dầu mỏ thì một loạt yếu tố, bao gồm nỗ lực của Nga và OPEC, dự báo nhu cầu tăng và nguồn cung thắt chặt đã "hợp lực" đưa giá dầu đi lên và lập đỉnh.

Trước hết, nỗ lực cắt giảm sản lượng mà OPEC và Nga thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay để hỗ trợ giá dầu đã phát huy tác dụng mạnh, thậm chí tuần trước, OPEC và Nga nhất trí tăng sản lượng trở lại nhưng giá dầu vẫn tăng.

Bên cạnh đó số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho giảm mạnh, nhất là Mỹ. Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố tồn kho dầu thô nước này giảm 9,9 triệu thùng/tuần kết thúc ngày 22/6, mức giảm mạnh nhất từ đầu năm.

Ngày 28/6, Công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes còn cho biết số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm 4 giàn trong tuần, còn 858 giàn. Đây là tuần thứ hai số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm.

Ngoài ra, thị trường dầu mỏ cũng đang phản ứng trước lời cảnh báo mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra trong tuần trước về việc sẽ trừng phạt các quốc gia không giảm nhập khẩu dầu từ Iran về 0 trước ngày 4/11.

Trong khi Iran hiện đang xuất khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày. Vì vậy, thông tin là Tổng thống Trump được cho là đề nghị Quốc vương Ả-rập Saudi tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày, cũng không khiến giá dầu thô có thể giảm.

Đó là chưa kể Riyadh được cho là không dễ chấp nhận lời đề nghị của Washington, bởi chỉ trong 3 năm tài khoá từ 2015 đến 2017, Ả-rập Saudi đã thiệt hại tới hơn 500 tỷ USD vì giá dầu thô giảm. Vì vậy, giá dầu vẫn sẽ theo đà tăng.

Xin nhắc lại là sau khi chạm đáy lịch sử vào ngày 18/1/2016, giá dầu thô đã phục hồi và liên tục tăng ổn định trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2017.

xu the cung-cau van chua lam giam da tang gia dau

Xu thế cung-cầu vẫn chưa làm giảm đà tăng giá dầu

Nếu ngày 13/11/2016, giá dầu Brent là 44,75 USD/thùng và giá dầu WTI là 43,41 USD/thùng, thì ngày 28/11/2017́ dầu Brent đạt 63,73 USD/thùng và dầu WTI đạt 57,87 USD/thùng. Ngày 29/6/2018 đã là 79,23 USD/thùng và 74,15 USD/thùng.

Giá dầu tăng, Nga hưởng lợi kép, dần quên cấm vận của Mỹ và phương Tây

Có thể thấy rằng, giá dầu thô liên tục tăng và lập nhiều đỉnh mới, thì Nga là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất, dù Nga đã cùng với OPEC thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Mặc dù với cơ cấu mới, nền kinh tế Nga đã giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ khai thác dầu thô, song thực tế Nga vẫn là quốc gia có lượng xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, vì vậy lợi ích có được từ dầu thô tăng nhanh tỷ lệ với giá dầu tăng.

Theo luật ngân sách mới của Nga trong giai đoạn 2018-2020, nguồn thu từ dầu thô chỉ được tính theo mức giá 40 USD/thùng, phần thu ở trên mức này sẽ được đưa vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tháng 12/2017, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, chính phủ Nga dự kiến sẽ chi khoảng 35 tỷ USD để mua ngoại tệ trong năm 2018, nếu giá dầu thô đạt mức 54 USD/thùng. Tuy nhiên, ngày 19/1/2018, giá dầu đã là 68,62 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng cao, khiến đó Bộ Tài chính Nga đã phải thay đổi dự toán về số tiền chênh lệch thu từ việc bán dầu thô ở mức trên 40 USD/thùng, điều chỉnh tăng từ 35,0 tỷ USD lên 43, 8 tỷ USD trong năm 2018.

Tuy nhiên, với giá dầu ngày 29/6/2018 đạt đỉnh là 79,23 USD/thùng, thì có lẽ bộ Tài chính Nga lại phải tiếp tục đều chính mức thu từ bán dầu thô trên giá 40 USD/thùng lên một mức mới. Mà theo tính toán thì có thể lên tới sấp xỉ 60 tỷ USD.

Điều này giúp cho quỹ dự trữ ngoại hối của Nga sẽ có thể vượt trên 500 tỷ USD ngay trong năm 2018, tạo ra một mức đệm rất an toàn cho nền kinh tế Nga trong bối cảnh Mỹ và phương Tây vẫn gia tăng và gia hạn cấm vận Nga.

Trong khi đó, nếu như các quốc gia OPEC bị thiệt hại phần nào vì phải cắt giảm sàn lượng thì Nga lại dường như miễn nhiễm yếu tố này, cho dù Nga cũng cắt giảm sản lượng khai thác của mình. Điều đó là nhờ hái quả ngọt ở Libya.

nga loi don loi kep khi dau tho tang gia, giup moscow be ngoat gong kim cam van

Nga lợi đơn lợi kép khi dầu thô tăng giá, giúp Moscow bẻ ngoặt gọng kìm cấm vận

Ngày 10/7/2017, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya Mustafa Sanalla từng cho biết, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga khi đó đã bắt đầu khai thác dầu tại Libya, theo Reuters. 

Trong khi Libya là một trong 2 quốc gia thuộc thành viên OPEC được miễn cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô vì ảnh hưởng của nội chiến. Đây là một lợi điểm mà Libya đã lãng phí và dường như Nga đã không bỏ lỡ cơ hội này. 

Bởi khi được hỏi liệu Rosneft có tận dụng cơ hội của Libya được miễn trừ cắt giảm sản lượng, để gia tăng khai thác hay không, Chủ tịch Sanalla đã trả lời : “Có. Họ bắt đầu làm điều đó bằng việc liên tục gia tăng sản lượng". 

Đáng nói là, việc Rosneft khai thác lợi điểm của Libya không những bù đắp được thiệt hại cho nước Nga vì phải cắt giảm sản lượng, mà còn giúp gia tăng sức mạnh tài chính cho thực thể chính trị tại miền đông Libya, vốn được xem là thân Nga.

Có thể thấy rằng, với những hiệu ứng tích cực từ việc giá dầu thô tăng ổn định và liên tục lập đỉnh, kinh tế Nga đã có thêm rất nhiều lợi ích, đảm bảo cho nước Nga có thể "sống chung với cấm vận" của Mỹ và phương Tây.

Điều này giúp cho nước Nga có thêm nhiều nguồn lực trong việc xây dựng một nền kinh tế phục vụ "6 trong 1" mà Tổng thống Putin đã nêu lên trong Thông điệp Liên bang năm 2018 - cũng đồng thời là cương lĩnh tranh cử của ông.

Những hiệu ứng tích cực từ giá dầu thô giúp cũng cho chính phủ Nga dễ dàng hơn trong việc bẻ ngoặt gọng kìm cấm vận và đến lúc này dường như người Nga chỉ nhớ là còn bị cấm vận mỗi khi Mỹ và đồng minh gia tăng hay gia hạn cấm vận mà thôi. (Baodatviet)
------------------------

Sợi của Việt Nam bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống lẩn tránh thuế

Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) chính thức áp thuế chống lẩn tránh thuế với nguyên liệu sợi bán thành phẩm (POY) xuất khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ lượng xuất khẩu tăng đột biến.

 

du moi tham gia thi truong xuat khau chua lau nhung san pham soi cua viet nam lien tiep bi kien phong ve thuong mai - anh: t.v.n

Dù mới tham gia thị trường xuất khẩu chưa lâu nhưng sản phẩm sợi của Việt Nam liên tiếp bị kiện phòng vệ thương mại - Ảnh: T.V.N

Ngày 2-7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) chính thức kết luận  sợi nói trên của Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá là 8% trên giá CIF khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 2-2017 theo yêu cầu của Công ty Korteks Mensucat ve Sanayi Anonim Şirketi, giai đoạn điều tra từ 1-1-2010 đến 31-12-2016. POY chính là nguyên liệu để để sản xuất mặt hàng sợi polyester (PTY), vốn là mặt hàng mà Việt Nam cũng đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 34,81% - 72,56% từ năm 2017.

Cơ quan điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng có sự gia tăng đáng kể trong việc nhập khẩu sợi POY và làm giảm tác dụng của các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với sợi PTY xuất khẩu từ VN.

Ngoài Việt Nam, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Thái Lan cũng bị áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá sợi POY trong quyết định nói trên.(Tuoitre)
--------------------------

Cổ phiếu BIDV giảm mạnh sau khi ông Trần Bắc Hà bị khai trừ Đảng

Mã cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV sụt giảm 1.250 đồng/cổ phiếu khi cuối tuần trước thông tin cựu chủ tịch Trần Bắc Hà bị khai trừ Đảng. Thị trường chứng khoán lại chứng kiến thêm 1,7 tỉ USD bốc hơi.

Cổ phiếu BIDV giảm mạnh sau khi ông Trần Bắc Hà bị khai trừ Đảng - Ảnh 1.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường tại sàn SJC ở quận 1 - Ảnh : TRẤN KIÊN

Vào thứ 7 tuần trước, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng đã ra thông báo khai trừ ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch BIDV.

Trong một ngày giao dịch khá tiêu cực của thị trường chứng khoán, mã BID đã có một phiên suy giảm mạnh nhất trong khoảng một tuần qua, mất 1.250 đồng, còn 24.750 đồng/cổ phiếu, bất chấp việc khối ngoại gia tăng mua ròng đột biến 1,2 triệu cổ phiếu của ngân hàng này.

Chỉ số VN Index cũng đã mất đến 13,63 điểm, còn 947,15 điểm, khiến vốn hóa thị trường trên sàn HoSE bị bốc hơi khoảng 1,7 tỷ USD (tương đương với 40.000 tỉ đồng)

Như vậy, thị trường chứng khoán đầu tháng 7 lại tiếp tục chứng kiến phiên suy giảm thứ năm của VN Index và nhận cú bốc hơi tỉ USD mở màn.

Tính từ ngày 25-6, VN Index đã mất tổng cộng 43,37 điểm, với tổng giá trị vốn hóa sụt giảm trên sàn HoSE là gần 6,8 tỉ USD (tương tương 156.000 tỉ đồng).

Ngành chứng khoán vẫn dẫn dắt đà suy giảm của thị trường khi trong tuần vừa qua, quỹ ngoại VNM ETF đẩy mạnh bán ròng mã SSI, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 4.5% xuống còn 4.13%, tương đương hơn 11,8 triệu cổ phiếu, kéo theo chuỗi dài rớt giá suốt tuần.

Trong phiên hôm nay, mã SSI của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn tiếp tục nhận được lực bán ròng ồ ạt trên 630.000 cổ phiếu, mất thêm 1.000 đồng, còn 27.500 đồng/cổ phiếu.

Ngành ngân hàng ghi nhận sự nỗ lực của mã VCB thuộc Ngân hàng Vietcombank khi cổ phiếu này bứt phá về lại vùng xanh và tăng trưởng nhẹ 100 đồng, lên 58.100 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên.

Tương tự, mã TCB của ngân hàng Techcombank mở đầu phiên tháng 7 bằng đợt rớt giá mạnh 3.800 đồng, còn 87.900 đồng/cổ phiếu. 

Mã TCB có năm phiên liên tiếp diễn biến tiêu cực sau thông tin ngân hàng này sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần với số lượng gấp đôi đợt "chào sàn" hôm 4-6.

Cũng trong diễn biến của ngành ngân hàng, MobiFone đã chính thức thoái hết vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã chứng khoán: TPB), bao gồm trên 5,5 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 0,95%, bằng hình thức chuyển nhượng tự do thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn HoSE.

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt nhận định thị trường đầu tháng 7 có nhiều yếu tố kỹ thuật tiêu cực duy trì trên tất cả các chỉ số chứng khoán.

Theo phân tích của công ty này, VN Index giảm điểm trong phiên hôm nay (2-7) để kiểm định ngưỡng hỗ trợ 950 điểm.

Nếu VN Index tiếp tục diễn biến theo kịch bản phá vỡ ngưỡng hỗ trợ thì sẽ kéo theo một nhịp giảm khá mạnh, tạo thành vùng hỗ trợ tại mốc 910 điểm và 860 điểm.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đặt kỳ vọng VN Index phục hồi về ngưỡng 970 điểm sẽ tạo nên sóng tích lũy cho thị trường. (Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục