Rủi ro tỉ giá ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận doanh nghiệp; Sợi bán thành phẩm bị áp thêm 8% thuế khi xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ; Thống đốc Lê Minh Hưng: “Tỷ giá tăng nằm trong kế hoạch”; Nguồn vốn ở Việt Nam trước nghịch cảnh “người giàu cũng khóc”?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-07-2018
- Cập nhật : 03/07/2018
“Ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ và các địa phương được tổ chức sáng nay (2/7).
Như BizLIVE đã đưa tin, sáng 2/7, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Tại cuộc họp này, sau khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, đề cập đến vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là liệu kinh tế Việt Nam có rơi vào chu kỳ khủng hoảng 10 năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đánh giá lại các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây, nguyên nhân chủ yếu xuất phát là từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản.
Tuy nhiên, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng; thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...
“Những tín hiệu trên cho thấy, ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời”, ông Dũng cho biết.
Báo cáo trước Chính phủ, đề cập đến việc thu hút vốn FDI vào nước ta, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đầu tư nước ngoài từ đầu năm đã không giữ được mô hình truyền thống. Hiện nay, tốc tăng vốn giải ngân cao hơn tốc độ tăng vốn đăng ký. Nguyên nhân là do lượng vốn đăng ký các năm trước rất cao và đến thời kỳ nhà đầu tư thực hiện theo cam kết. Đồng thời, vốn đăng ký năm 2017 rất cao nên khi so sánh, tốc độ tăng vốn đăng ký năm nay có xu hướng giảm.
“Việc giảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện vốn FDI ở các năm sau. Nhân đà này, kết hợp với việc tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, cần có sự điều chỉnh về chiến lược thu hút FDI, không chạy theo số lượng, tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa lớn, công nghệ tiên tiến...”, ông Dũng đề nghị.
Samsung và Formosa đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế
Đề cập đến dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm, ông Dũng cho biết, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết; trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Đề cập đến việc tăng chỉ số GDP trong thời gian vừa qua, ông Dũng nhận định, đúng như dự báo từ đầu năm, mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của Quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của Quý II và 7,08% của 6 tháng.
Theo ông Dũng, nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm.
“Trong năm 2018, Nhà máy Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động trong quý II, như vậy yếu tố đột phá của các quý cuối năm 2018 là chưa rõ ràng. Nếu dự án lọc dầu Nghi Sơn kịp đưa vào hoạt động, dự kiến có thể có động lực đột phá. Do vậy, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động”, ông Dũng nói.(Bizlive)
------------------------
Thị trường BĐS nửa đầu năm: Sôi động dòng vốn ngoại
Trong nửa đầu 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định. GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%, mức cao nhất trong 7 năm qua. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư, trong đó TP.HCM là đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Trong xu thế đó, dòng vốn nước ngoài tiếp tục có xu hướng đổ mạnh vào ngành địa ốc.
Mặt khác, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư "miệt mài" tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn. Vào tháng 1/2018, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5 ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng.
Cũng trong quý đầu tiên, Bamboo Capital (BCG), một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty này, họ mua lại khu đất ven biển này nhằm phát triển khu nghỉ dưỡng Malibu Resort. Tổng diện tích đất của dự án khoảng 11ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 66 triệu USD. Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công vào tháng 8 tới đây, hoàn thành vào 2020. Quy mô của dự án gồm 100 căn villa và hơn 500 căn condotel, mặt biển Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cũng theo chia sẻ của vị chủ tịch BCG, sắp tới công ty sẽ hợp tác với những đối tác ngoại đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm gia tăng giá trị, và đẩy mạnh đầu tư cho dự án.
Không chỉ quan tâm đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, nhiều nhà đầu tư ngoại còn nhắm đến các dự án ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Chẳng hạn hồi tháng 3, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Dự án này bao gồm một khu dân cư 380 căn hộ, khoảng 21.400 m2 diện tích văn phòng, và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ mới nhất này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, một khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp sáu thành phố của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng – Saigon Sports City – với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64 ha, thành phố nhỏ này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và trung tâm sống lý tưởng hàng đầu Việt Nam với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Một giao dịch đáng chú ý khác - đó là việc Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% quyền sở hữu tại Sunwah Tower, một tòa nhà văn phòng hạng A tại Tp.HCM vào tháng 1 vừa qua.
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, phần lớn thương vụ M&A BĐS gần đây là của nhà đầu tư châu Á. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc…đang chiếm ưu thế ở hầu hết các phân khúc.
Họ mở rộng đầu tư vào BĐS Việt Nam thông qua việc hợp tác với các công ty trong nước. Họ thấy ở thị trường Việt Nam 100 triệu dân, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, là đầy tiềm năng và triển vọng, đó cũng là cơ hội đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có cách tiếp cận thị trường khác nhau. Trong khi Singapore (với các tên tuổi như Capitaland hay Keppel Land) tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở vì lý do về sự dân số trẻ đồng hành cùng sự gia tăng nhu cầu nhà ở như đã đề cập phía trên thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở.
Bởi, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kì vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án. (CafeF)
----------------------
Nửa năm, thu thuế từ doanh nghiệp bia, thuốc lá vẫn ‘lẹt đẹt'
Chưa có con số cụ thể nhưng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành viễn thông, thuốc lá theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thấp so với dự toán.
Nói điều trên tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách sau 6 tháng dạt 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Vấn đề được Bộ trưởng nêu lên là thu từ một số khu vực kinh tế tăng khá so với cùng kỳ nhưng so với dự toán là thấp.
Ông đơn cử khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ đạt 39% dự toán, từ ngành viễn thông là 34,3% dự toán, các doanh nghiệp thuốc lá đạt 44,9% dự toán. Tương tự, khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp bia hiện đạt 44% dự toán, doanh nghiệp khai khoáng 39,7% dự toán,…
Riêng về cổ phần hóa, Bộ trưởng tính toán, trong nửa năm, mới có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong khi kế hoạch cả năm là 85 doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hiện là chậm và khó đạt được kế hoạch đề ra.
Ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và đẩy nhanh tiến độ.(Vietnam+)