tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-01-2018

  • Cập nhật : 21/01/2018

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Cho vay tiêu dùng đang được xem là mảng kinh doanh hấp dẫn với các tổ chức tín dụng, nhưng tốc độ tăng trưởng nóng của lĩnh vực này đang khiến nhiều chuyên gia quan ngại. 

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Ảnh minh họa.

Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 11/2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tín dụng tăng xấp xỉ 28% so với tháng 1/2017, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng của tổng tín dụng đối với nền kinh tế (12,16%). Cho vay tiêu dùng đã chiếm tới 16,4% tổng tín dụng của toàn hệ thống.

Thực ra, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua cũng không phải là điều khó hiểu. Dân số đông, cơ cấu dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao đang làm gia tăng nhu cầu về nhà ở, nên nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà ở tăng lên. Bên cạnh đó, người dân đang chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và có xu hướng sẵn sàng vay nợ để phục vụ cho các nhu cầu cuộc sống.

Theo Công ty Tài chính FE Credit, mỗi tháng, Công ty phê duyệt đến 240.000 khoản vay, tương đương 2,8 triệu khoản vay mỗi năm. Với hoạt động cho vay sôi động, FE Credit đã đóng góp đến hơn một nửa vào lợi nhuận năm 2016 của ngân hàng mẹ VPBank.

Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới

- Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước

Công ty Tài chính HD SaiSon cũng báo lãi liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Năm 2016, Công ty lãi 440 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 1/3 tổng lợi nhuận của HDBank. Trước đó, Công ty đạt lợi nhuận 175 tỷ đồng và 280 tỷ đồng lần lượt trong hai năm 2014 và 2015.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB chính thức hoạt động vào quý III, dự kiến ghi nhận 100 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2017 và tăng lên đáng kể từ các năm sau.

Với mức sinh lời cao và tăng nhanh, tài chính tiêu dùng đang được nhiều tổ chức tín dụng xem là mảnh đất màu mỡ. Nhiều công ty tài chính, trực thuộc ngân hàng được thành lập mới hoặc đổi tên nhằm khai thác thị trường này.

Giữa tháng 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1217/QĐ-NHNN sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động đối với việc thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính của Công ty tài chính TNHH một thành viên Maritime Bank với tên mới là Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cộng đồng (FCCOM). 

Đầu tháng 9/2017, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL) đã chính thức khai trương. Đây là công ty liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản. Công ty BSL có vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50%, SuMi TRUST nắm 49% và các tổ chức khác nắm 1%.

Nhận định về triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng Việt Nam trong tổng tín dụng toàn ngành vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, như vậy, về trung hạn, dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn.

Một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định: “Trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tài chính và dự báo tăng trưởng cao”.

Tiềm ẩn rủi ro

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, thu thập thông tin của năm 2015 ở 16 nước châu Âu cho thấy, trong tổng tín dụng, phần dành cho sản xuất là 7%, cho vay mua nhà ở và bất động sản là 14%; cho vay tiêu dùng cá nhân và phương tiện vận chuyển cá nhân là 71%, trong đó tiêu dùng cá nhân là 47% và phương tiện là 21%; 7% còn lại dành cho phương tiện vận tải, thương mại.

Theo TS. Nghĩa, tín dụng tiêu dùng tại các nước tiên tiến chiếm phần lớn, nhưng ở Việt Nam nếu làm vậy thì rủi ro rất lớn, vì hoạt động cho vay tiêu dùng hiện đang được đẩy ra cho các công ty tài chính. 

Có thể nhìn vào bài học năm 1997, Trung Quốc và Thái Lan đổ bể hàng loạt công ty tài chính, kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản. Trung Quốc hiện vẫn gặp khó khăn với các công ty tài chính địa phương, do các công ty này nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng, nằm ngoài sự kiểm soát rủi ro.

Thừa nhận tín dụng tiêu dùng tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước quan ngại: “Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới”.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng khoảng 22% so với tháng 1/2017, chiếm gần 10% nợ xấu toàn hệ thống. Một số tổ chức tín dụng hiện có tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng trên 3%.(ĐTCK)
--------------------------

Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, mặc dù Việt Nam có dân số cao nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện còn thấp.

Còn khoảng một nửa dân số chưa có tài khoản tại ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khá nhiều người trong số đó còn chưa biết tới bất kỳ một dịch vụ tài chính nào.

Nguyên nhân là do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tài chính toàn diện ngày nay đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, là chìa khóa giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và là cơ hội cho nhiều người để đi tới tương lai. Mục tiêu của tài chính toàn diện hoàn toàn phù hợp với đường lối Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, khi mà nguồn lực tài chính cho phát triển còn rất hạn hẹp, với những nỗ lực không ngừng, Chính phủ và ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể để giúp những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cư dân các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu an sinh xã hội.

Tuy vậy, cho dù hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng không phải mọi người dân và doanh nghiệp đều đã được thụ hưởng những thành quả phát triển đó.

Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các định chế tài chính cung cấp thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại.

Ngành nông nghiệp là một trong ba ngành kinh tế trụ cột và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng tài trợ cho nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 10% danh mục tín dụng của các ngân hàng Việt Nam.

Để tháo gỡ những rào cản trên đòi hỏi phải có những sửa đổi về mặt chính sách và khuôn khổ pháp lý hợp lý nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính cơ bản chính thức.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia đã ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NFIS) có thể đạt được các mục tiêu đề ra về tài chính toàn diện thành công và hiệu quả hơn. Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 35 quốc gia công bố Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và khoảng 25 quốc gia khác đang trong qua trình xây dựng Chiến lược.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Việt Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Chiến lược thể hiện sự cam kết dài hạn của Chính phủ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, và những giải pháp đồng bộ, nhằm giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng thường xuyên, thuận tiện các dịch vụ tài chính cơ bản, có chi phí thấp và phù hợp với khả năng chi trả của họ.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở tiếp cận tổng thể, trong đó tài chính toàn diện được định nghĩa là việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cơ bản của cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, cho va, bảo hiểm theo nhu cầu, thuận lợi, phù hợp và có chi phí hợp lý.

Việc thiết kế và xây dựng được một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng, lộ trình và định hướng giúp Việt Nam thực hiện thành công các cải cách, qua đó hoàn thành các mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.

Theo ý kiến từ các chuyên gia, để triển khai Chiến lược thành công đòi hỏi sự tham gia và phối hợp giữa các bên, thông qua một cơ chế điều phối hiệu quả trong Chính phủ và giữa Chính phủ với khu vực tư nhân. Kinh nghiệm từ quốc tế và các nước trong khu vực (Indonesia, Philippins, Malaysia…) cũng sẽ chỉ ra tầm quan trọng của một cơ chế điều phối hiệu quả đối với sự thành công của việc triển khai tài chính toàn diện…(Vietnam+)
----------------------------------

Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel: “Bitcoin có thể sụp đổ hoàn toàn”

Giáo sư Robert Shiller, người từng được trao giải Nobel kinh tế, nói “không hiểu Bitcoin rốt cục là gì”...

 

giao su robert shiller thuoc dai hoc yale, my - anh: cnbc.

Giáo sư Robert Shiller thuộc Đại học Yale, Mỹ - Ảnh: CNBC.

Tiền ảo Bitcoin có thể sẽ "sụp đổ hoàn toàn" là cảnh báo mà ông Robert Shiller, một nhà kinh tế học từng đoạt giải thưởng Nobel, đưa ra ngày 19/1. Ông Shiller cũng nói rằng cơn sốt Bitcoin hiện nay khiến ông nhớ đến bong bóng hoa tulip xảy ra cách đây 4 thế kỷ ở Hà Lan.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, vị giáo sư đến từ Đại học Yale của Mỹ tuyên bố "không hiểu Bitcoin rốt cục là gì".

Bitcoin "chẳng hề có giá trị gì nếu chưa có một sự đồng thuận nào đó rằng nó có giá trị, trong khi những thứ khác như vàng ít nhất có giá trị nào đó ngay cả khi mọi người không xem đó là một khoản đầu tư" - ông Shiller đưa ra bình luận trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, nơi ông sẽ có bài phát biểu vào tuần tới.

"Bitcoin khiến tôi nhớ đến ‘cơn điên’ hoa tulip ở Hà Lan hồi thập niên 1630. Câu hỏi đặt ra là hoa tulip có sụp đổ hay không? Ngày nay, chúng ta vẫn phải trả tiền để mua hoa tulip, và đôi khi những bông hoa này vẫn trở nên đắt đỏ. Bitcoin có thể sụp đổ hoàn toàn và bị quên lãng, và tôi nghĩ đó là khả năng cao. Nhưng Bitcoin cũng có thể tồn tại trong một thời gian dài, trong 100 năm", ông Shiller nói.

Vào thời kỳ bong bóng hoa tulip xảy ra ở Hà Lan hồi thế kỷ 17, giá nụ hoa tulip tăng với tốc độ chóng mặt. Sau đó, giá hoa tulip giảm không phanh vào năm 1637, khiến thị trường sụp đổ. Nhiều chuyên gia kinh tế, chẳng hạn chuyên gia Paul Donovan thuộc bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng UBS, cũng đã so sánh cơn sốt Bitcoin hiện nay với bong bóng hoa tulip.

Giáo sư Shiller, người đoạt giải Nobel kinh tế vào năm 2013 với công trình nghiên cứu về giá tài sản và các thị trường kém hiệu quả, đưa ra bình luận về Bitcoin sau đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường tiền ảo trong tuần này.

Ông Shiller không phải là nhân vật có uy tín đầu tiên "dội gáo nước lạnh" vào Bitcoin - đồng tiền ảo đã tăng giá 1.000% trong 12 tháng qua.

Trước đó, Giám đốc điều hành (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase từng gọi Bitcoin là một "trò bịp bợm", trong khi nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett dự báo tiền ảo sẽ "có kết cục xấu".(Vneconomy)
---------------------------------

PV Power: PVN có thể giảm sở hữu xuống 36% vào năm 2019

Giai đoạn 2017 - 2020, PV Power sẽ tích cực trả nợ gốc khoảng 3.000 tỷ đồng/năm đối với dự án Vũng Áng 1.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa có buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại TP HCM trước khi diễn ra phiên chào bán công khai ngày 31/1. Dự kiến, cổ phiếu PV Power sẽ giao dịch thị trường UPCoM từ ngày 15/3.

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, PV Power có vốn điều lệ 23.418 tỷ đồng. Công ty sẽ đấu giá công khai 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ trong đợt IPO này với giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần. PVN dự kiến thu về tối thiểu 6.745 tỷ đồng. Ở mức giá này, tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty khoảng 1,48 tỷ USD.

Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết cam kết của PVN trong một số hợp đồng vay vốn là giữ cổ phần tối thiểu 51% tại các doanh nghiệp tới thời gian đáo hạn vay (năm 2015). Tuy nhiên, PVN đang có kế hoạch xem xét tái cơ cấu các khoản vay này theo hướng trả sớm hơn. Nếu năm 2019 tái cơ cấu xong, trả nợ sớm thì có thể PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Power xuống 36% thay vì 51% như kế hoạch.

Theo đại diện PV Power, giai đoạn 2017 - 2020, PV Power sẽ tích cực trả nợ gốc khoảng 3.000 tỷ đồng/năm đối với dự án Vũng Áng 1. Vì vậy, PV Power có thể giảm nợ dự án này từ 17.300 tỷ đồng cuối năm 2016 xuống còn 6.300 tỷ đồng vào năm 2020. Đây là một trong những phương án tái cơ cấu khoản vay của PVN để giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Power.

Đại diện PV Power cũng cho biết năm 2017, tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất khoảng 30.000 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này phần lớn đến từ nhà máy Cà Mau (1.000 - 1.200 tỷ đồng), nhà máy Vũng Áng 1 (hơn 800 tỷ đồng), thủy điện Đakdrinh (254 tỷ đồng).

Năm 2018, PV Power đặt kế hoạch doanh thu 25.756 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.231 tỷ đồng. Trên cơ sở này, PV Power ước doanh thu quý I/2018 đạt 7.500 tỷ đồng với lợi nhuận 358 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Về kế hoạch thoái vốn tại Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2), đại diện PV Power cho biết trước mắt Tổng công ty vẫn nắm giữ 60% vốn và có thể thoái vốn xuống còn 51% ở thời điểm thích hợp. Riêng với hai nhà máy thủy điện Đakdrinh và Hủa Na, PV Power sẽ chỉ nắm giữ 51% vốn (hiện lần lượt là 95% và 84%). PV Power đang trình HĐTV xem xét phê duyệt việc giảm tỷ lệ sở hữu này, tập trung vào các dự án hiệu quả.

Theo kế hoạch, nhà máy Nhơn Trạch 3 (NT3) sẽ đi vào hoạt động năm 2021 và Nhơn Trạch 4 (NT4) năm 2022. Hiện, NT3 đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi, có thể được thông qua vào giữa năm 2018 và dự kiến khởi công cuối năm sau.

Đại diện PV Power cho biết tổng vốn đầu tư hai dự án vào khoảng 1,5 tỷ USD trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay. PV Power tự tin đã cân đối đủ dòng tiền từ quỹ đầu tư phát triển, bán các dự án. Còn lại phần vốn vay, PV Power đã tiếp xúc với các định chế tài chính lớn, kể cả trong khó khăn vẫn sẽ thu xếp đủ vốn vay.

Trong tương lai, năng lượng điện gió và điện mặt trời được coi là xu hướng quốc tế. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển loại điện năng này. PV Power cũng đã đánh giá đầy đủ về tiềm năng của năng lượng tái tạo và sẽ triển khai nếu cổ đông cho phép.

Chia sẻ về các nhà đầu tư chiến lược, PV Power đã tiếp xúc với hơn 100 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, châu Âu... Gần đây, có 30 nhà đầu tư quan tâm ký với PV Power các cam kết về bảo mật thông tin nên PV Power không thể tiết lộ được danh tính của họ. PV Power tin tưởng sẽ thành công trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục