Cổ đông máu mặt góp vốn khủng của Alibaba Tây Bắc là ai?; Còn hơn 15.000 tỷ dư địa cho vay đầu tư chứng khoán; Happyland lại khởi công trong vòng xoáy nợ nần; Mai Linh ra xe ôm cạnh tranh với Uber và Grab
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-11-2017
- Cập nhật : 16/11/2017
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Trong năm 2018 thị trường BĐS chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.
Ngày 15/11, Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Khách sạn J.W Marriott - Hà Nội. Diễn đàn do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp cùng Kênh Truyền hình VITV tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho biết các nghị quyết số 02, 61/2013, 2014 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… Từ đó thị trường BĐS Việt Nam đã hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước khắc phục, kiềm chế hạn chế, yếu kém, rủi ro của thị trường này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Bộ trưởng cũng dự báo trong năm 2018 chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn của thị trường BĐS.
Nhận định chung về thị trường BĐS nghỉ dưỡng - điểm nóng trên thị trường trong vài năm trở lại đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang phát triển mạnh đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được phát triển theo xu hướng bán và cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng, bán căn hộ khách sạn (condotel) theo thời hạn sử dụng đất được cho thuê (50 năm).
"Tình hình thực tế cho thấy, các dự án này được cấp phép xây dựng theo hình thức là căn hộ lưu trú, nhưng không được hình thành đơn vị ở", ông Ninh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ninh, phần lớn các dự án du lịch nghỉ dưỡng có vị trí đẹp, chủ đầu tư cam kết thuê lại với lợi nhuận khá hấp dẫn nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân. Theo số liệu báo cáo cho thấy thị trường bất động sản du lịch đang khá sôi động tại các địa phương, như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh... với hàng chục nghìn căn hộ condotel đã và đang được đầu tư xây dựng.
Dự báo về tình hình thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Ninh cho biết thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ...) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục pháp triển.(CafeF)
-----------------------------
OECD: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại trong trung hạn
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực mới nổi của châu Á sẽ vẫn ổn định trong năm nay trước khi chậm lại trong trung hạn do phát triển của Trung Quốc giảm tốc trong 5 năm tới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực mới nổi của châu Á, bao gồm Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ, được dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2017 theo giá trị thực, không thay đổi so với năm ngoái. Từ năm 2018 đến năm 2022, con số này sẽ là 6,3%. Từ năm 2011 đến năm 2015, nhóm này từng tăng trưởng 7,1%.
Tăng trưởng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN sẽ đi lên trong trung hạn, dự kiến là 5,2%. Hoạt động chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng và các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng chính là động lực thúc đẩy từ 2018 đến 2022, OECD cho biết.
Trong khi đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại trong tương lai. GDP năm 2017 tăng 6,3% và giảm xuống còn 6,2% trong giai đoạn 2018 - 2022. Campuchia, Lào và Myanmar dự kiến sẽ phát triển nhanh nhất còn Philippines sẽ là nước dẫn dắt sự mở rộng trong 5 nền kinh tế đang nổi của khu vực đang phát triển.(NDH)
-------------------------
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: hàng trăm tỷ đô la thu hút FDI trong 20 năm qua đã mạng lại những gì cho nội lực Việt Nam?
Đây là câu hỏi được Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đưa ra tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), sáng 15/11.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng hàng tỷ đô la từ thu hút đầu tư nước ngoài đã không đem lại kết quả tương xứng với những ưu đãi Nhà nước dành cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, trốn thuế. Nhiều điều luật chưa chặt chẽ vô tình khiến doanh nghiệp ngoại thắng thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết.
“Chúng ta gần như bất lực trước các vụ thắng thầu chỉ bằng hình thức kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao. Nhưng tham gia thì đội vốn (thậm chí gấp đôi), giãn tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ... Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất thị trường ngay trên chính đất nước mình, ngay cả khi được chào mua lại với giá ba đời ăn không hết” – ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử sau hàng chục năm vẫn không nhích lên như cam kết. Thức ăn gia súc, thuộc thú y, lĩnh vực bán lẻ, văn hóa,... là những lĩnh vực doanh nội bị loại khỏi thị trường. Doanh nghiệp nội còn phải chịu nhưng hạch sách, nhũng nhiễu từ cơ quan hành chính Nhà nước.
“Trong khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam vất vả trên thị trường nước ngoài, thì còn phải gian khổ để đấu ở thị trường trong nước trước các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài. Một câu hỏi đặt ra, chúng ta hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì?” – ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo ông Nghĩa, các chính sách cần phải khắc phục tất các những vấn đề trên. Điều này nhằm tăng cường nội lực, tự cường quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.
Trong bối cảnh các nước tham gia Hiệp định thương mại tư do để đạt được khát vọng hùng cường thì một số ít nước đang tỏ ý định khác. Ông Nghĩa cho rằng những khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” hay “giấc mơ Trung Hoa” có thể đang thể hiện thực chất luật chơi quốc tế: cá lớn nuốt cá bé và chẳng có bữa cơm nào miễn phí.
“Tôi biết tình hình trên không thể chỉ giải quyết được bằng Luật Cạnh tranh mà còn nhiều chính sách, biện pháp đồng bộ khác. Nhưng bằng kinh nghiệm công tác của mình, tôi cho rằng Luật cạnh tranh của chúng ta có thể phải đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt Nam. Nếu không, những bấm nút của Đại biểu Quốc hội sẽ không tròn trách nhiệm phải có của nó” – Ông Nghĩa nhận định.(CafeF)
---------------------------------------
10 tháng, cả nước xuất siêu 2,56 tỷ USD
Cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng/2017 thặng dư 2,56 tỷ USD...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10/2017 đạt 38,4 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước.
Tính đến hết 10 tháng năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 346,54 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 174,55 tỷ USD - tăng 21,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 171,99 tỷ USD - tăng 21,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng/2017 thặng dư 2,56 tỷ USD.
10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 227,14 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 73,3 tỷ USD, tăng 27,18% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng 21,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Thị trường Hàn Quốc đứng thứ hai, đạt 50,46 tỷ USD, tăng mạnh 41,9%; thị trường Hoa Kỳ đạt 40,12 tỷ USD, tăng 9,7%; EU đạt 41,62 tỷ USD, tăng 14,2% ...
Có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng.
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu tháng 10/2017 tiếp tục tăng trưởng cao với kim ngạch đạt trị giá 5,26 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 10 tháng 2017 đạt 36,79 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam là EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Đối với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu trong tháng đạt 856 triệu USD, tăng 8,8% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2017, cả nước đã xuất khẩu 6,84 tỷ USD hàng thủy sản, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10, xuất khẩu ghi nhận giảm ở mặt hàng dệt may. Cụ thể, xuất khẩu dệt may đạt 2,23 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng trước. Luỹ kế, 10 tháng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 21,43 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tương tự như dệt may, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng đạt 240 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, luỹ kế 10 tháng qua, xuất khẩu nhóm hàng này vẫn đạt 2,86 tỷ USD tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu 10 tháng năm 2017 có 27 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 84,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Đóng góp không nhỏ vào mức tăng đó là các nhóm hàng: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 5,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,32 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 1,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.(Vneconomy)