tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-09-2018

  • Cập nhật : 12/09/2018

ADB nhận định về những yếu tố chính quyết định tương lai các nền kinh tế khu vực

Ngày 11/9, các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Bên lề diễn đàn này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Stephen P.Groff – Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4) đang diễn ra rầm rộ, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh khi Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. 

* Con người, hạ tầng công nghệ và khung chính sách phù hợp là chìa khoá trong thời đại công nghệ số 

Ông Stephen P.Groff – Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: World Economic Forum

Nhận định về chủ đề của hội nghị WEF ASEAN năm nay, ông Stephen P.Groff cho rằng: “Việc hướng sự tập trung vào tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bước đi rất phù hợp và kịp thời, bởi những tiến bộ công nghệ mới như công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo, ‘internet vạn vật’ và công nghệ in 3D đang sở hữu tiềm năng to lớn trong hỗ trợ tăng năng suất và cải thiện cuộc sống hàng ngày”. 

Tuy nhiên, để gặt hái được những “trái ngọt” đó, các quốc gia sẽ cần phải “gieo hạt”. Các nghiên cứu của ADB đã chỉ ra rằng những thay đổi nhanh chóng về công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển ngành giáo dục và đào tạo nghề ở các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Những thay đổi này sẽ buộc các quốc gia phải cân đối giữa những kỹ năng mà lực lượng lao động hiện có với nhu cầu mà một nền kinh tế chuyển đổi (trong thời kỳ IR4) cần, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo rằng thế hệ sau này khi tham gia vào lực lượng lao động sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết nhất để đáp ứng những cơ hội việc làm mới. 

Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những nền kinh tế như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, vốn đang phải đối mặt với rủi ro gián đoạn thị trường lao động, bởi vì những ứng dụng công nghệ mới như tự động hoá và trí thông minh nhân tạo đang hướng thị trường lao động đến những công việc có tính chất sáng tạo hơn. 

Đối với riêng nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh vấn đề nguồn nhân lực, ông Stephen P.Groff cho rằng một trong những thách thức rõ ràng nhất của thời đại công nghệ số là sự cần thiết phải phát triển một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (IT) mang đẳng cấp thế giới. “IR4 đòi hỏi hệ thống hạ tầng IT hiện nay phải được cải thiện hoặc thậm chí là thay mới hoàn toàn. Tuy nhiên, song hành với đòi hỏi này sẽ là thách thức về chi phí đối với không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn đối với cả khối những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ”. 

Để khắc chế những thách thức này, Phó Chủ tịch ADB cho rằng: “Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một môi trường kinh doanh có khả năng tối đa hoá những tác động tích cực của công nghệ số, trong đó một nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vững chắc là tối quan trọng. Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ đầu tư công – tư vào hạ tầng viễn thông và kết nối internet, nhằm tạo ra một cấu trúc thượng tầng cho nền kinh tế kỹ thuật số...”.

Làm được những điều này, các loại rủi ro khi vận hành trong thời đại kinh tế số, ví dụ như chia sẻ dữ liệu riêng tư, tội phạm mạng, gian lận; nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố hay các cuộc tấn công mạng, cũng sẽ được đẩy lùi. 

* Triển vọng phát triển của AEC và sự hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam 

ASEAN là mô hình hợp tác và hội nhập của nhiều nền kinh tế đang phát triển, là cánh cửa giúp đưa các nền kinh tế thành viên đến với phần còn lại của thế giới và tạo cơ hội để họ hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực. Song hành cùng sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là những tiến bộ (mà các quốc gia ASEAN đã đạt được) trong việc giảm thuế quan, hỗ trợ thương mại và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại dịch vụ xuyên biên giới. 

Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với sự phát triển của AEC hiện nay là những chính sách cải cách mang tính nhạy cảm về mặt chính trị, ví dụ như chính sách về lao động, cạnh tranh cũng như luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, ngoài việc đi trước đón đầu những kỹ năng cần thiết trên thị trường lao động, áp lực phải kiến tạo ra việc làm mới để đáp ứng lực lượng lao động trẻ dồi dào cũng là không hề nhỏ. 

Mặc dù vậy, ông Stephen P.Groff vẫn bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN sẽ vượt qua được những thách thức này nhờ vào tính đa dạng của mình.

Sự tồn tại của AEC sẽ tạo điều kiện để các nền kinh tế trong khu vực tận dụng nguồn tài nguyên đa dạng, cũng như những lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý, những yếu tố sản xuất cũng như nguồn nhân lực riêng biệt – cả về mặt giáo dục lẫn nhân khẩu học.

Trong khi mỗi nền kinh tế thành viên theo đuổi một mục tiêu cải cách riêng, khi tập hợp lại họ sẽ tạo thành những khối trụ cột của AEC, giúp đáp ứng nhu cầu và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. 

Nhận định về quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào khu vực, Phó Chủ tịch ADB nói: “Trong vòng 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Sự mở cửa đối với thương mại và đầu tư đã giúp nâng tầm hoạt động xuất-nhập khẩu kết hợp lên khoảng 185% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017 và con số này thậm chí có thể tăng lên mức 200% GDP trong năm 2018”. 

Nhà lãnh đạo này nói thêm: “Trong năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng gần 45% so với năm 2016, lên mức cao kỷ lục là 35 tỷ USD. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế và thương mại cao cũng giúp Việt Nam tạo ra những tiến bộ tuyệt vời trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, với 70% dân số hiện được cho là an toàn về mặt kinh tế. 

Giống như tất cả những quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn có thể phát triển thêm nữa. Khoảng cách về phát triển trong nội bộ nền kinh tế, cũng như với những nước khác trong khu vực, sẽ có thể tiếp tục được thu hẹp. Nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ sự nhận thức cũng như đồng thuận về nhu cầu cải cách nền kinh tế nội tại thêm nữa…”(Bnews)
-------------------

7 nền kinh tế mới nổi đối mặt nguy cơ khủng hoảng tỷ giá

Trong một phân tích mới được công bố, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura Holdings cho rằng hiện có 7 nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tỷ giá hối đoái.

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Nomura cho biết các nền kinh tế mới nổi được đề cập bao gồm Sri Lanka, Nam Phi, Argentina, Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

Trong số 7 nền kinh tế này, đã có 5 nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tiền tệ hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Duy chỉ có Nam Phi và Pakistan là tình hình chưa đến nỗi quá nghiêm trọng.

Cũng theo báo cáo, có 8 nền kinh tế mới nổi khác đứng trước nguy cơ khủng hoảng tỷ giá hối đoái ở mức thấp nhất - bao gồm Brazil, Bulgaria, Indonesia, Kazakhstan, Peru, Philippines, Nga và Thái Lan.

"Đây là một kết quả quan trọng", báo cáo ra ngày 10/9 của Nomura có đoạn viết. "Khi mà các nhà đầu tư dồn tâm điểm chú ý vào rủi ro ở các thị trường mới nổi, điều quan trọng là không đánh đồng các thị trường mới nổi với nhau. Việc phân loại cho thấy có nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ rất thấp về xảy ra khủng hoảng toàn diện".

Báo cáo của Nomura Holdings được dựa trên một mô hình cảnh báo sớm có tên Damocles. Mô hình này được thiết lập nhằm nhận diện sớm khủng hoảng tỷ giá hối đoái cho 30 nền kinh tế mới nổi. Mô hình đưa ra đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm dự trữ ngoại hối, mức nợ, lãi suất, mức nhập khẩu, mức xuất khẩu, mức nợ ngắn hạn, cán cân tài khóa, cán cân vãng lai… của các nền kinh tế.

Nomura cho biết, mô hình này đã giúp dự đoán trước được 2/3 trong số 54 cuộc khủng hoảng tỷ giá tại các quốc gia đang phát triển trong thời gian từ năm 1996 đến nay, với thời gian dự báo trước khi khủng hoảng xảy ra lên đến 12 tháng.

Đánh giá của Nomura cho điểm các nền kinh tế theo thang điểm từ 0-200, điểm càng cao thì rủi ro khủng hoảng càng lớn. 7 nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá cao nhất đều là những nền kinh tế có mức điểm từ 100 trở lên.

Bên cạnh 8 nền kinh tế mới nổi có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá ở mức thấp, với điểm số là 0, còn có 15 nền kinh tế đối mặt rủi ro ở mức trung bình, với điểm số dao động từ 17-62. Trong nhóm này có Việt Nam (35 điểm) và Trung Quốc (37 điểm).

7 nền kinh tế mới nổi đối mặt nguy cơ khủng hoảng tỷ giá - Ảnh 1.

Đánh giá của Nomura Holdings về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tỷ giá tại 30 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam - Nguồn: Nomura/MarketWatch.

Trong số các nền kinh tế có mức độ cảnh báo cao từ Nomura, Argentina là một trường hợp điển hình. Đồng Peso của nước này đã mất giá hơn 50% so với đồng USD từ đầu năm đến nay, buộc Ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất lên mức 60%. Chính phủ Argentina cũng đã phải nhờ đến sự giải cứu của IMF.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nguồn gây "hoảng loạn" cho giới đầu tư, với đồng Lira mất giá 41% từ đầu năm.

Tuy vậy, Sri Lanka mới là quốc gia có mức độ cảnh báo cao nhất, dù đồng Rupee của nước này mới chỉ giảm giá 5,5% so với USD từ đầu năm tới nay.

Còn lại trong nhóm 7 nền kinh tế bị cảnh báo cao, đồng Rand Nam Phi đã giảm giá 18,8%, đồng Pound Ai Cập giảm 0,4%, đồng Rupee của Pakistan giảm 10,3%, và đồng Hryvnia của Ukraine giảm 0,5%.(Vneconomy)
--------------------------

Triển vọng thương mại Trung Quốc ngày càng u ám

Cơ hội của Trung Quốc trong việc chấm dứt xung đột thương mại với Mỹ với tổn thất thấp nhất cho nền kinh tế ngày càng mong manh hơn.

Ngày 7/9, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh sẽ áp mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và cho biết ông sẵn sàng áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu mà không cần phải thông báo trước.

Dù các chuyên gia kinh tế nhận định tác động ngay tức thì của căng thẳng thương mại không quá lớn, hệ quả thực sự có thể lớn hơn nhiều, theo Zhou Xiaochan, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Số liệu thương mại Trung Quốc trong tháng 8 đã cho thấy cả nguyên nhân lẫn hệ quả từ việc đối đầu với Mỹ - thặng dư tăng lên mức kỷ lục trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu lại chậm đi, qua đó báo hiệu nhu cầu nội địa của quốc gia đông dân nhất thế giới đang chững lại.

"Với tác động của thuế quan mới lên giá trị hàng hóa lớn hơn, xuất khẩu Trung Quốc sẽ bị giáng đòn mạnh và tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2019 nhiều khả năng sẽ giảm. Nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đối mặt tương lai khó khăn phía trước, bất chấp các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm giảm thiệt hại", trích nhận định của Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit Singapore.

Vài giờ trước khi Trump đưa ra lời đe dọa hôm 7/9, Trung Quốc thông báo sẽ có biện pháp hỗ trợ một số nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu đối với 397 mặt hàng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng trên sẽ trả thuế VAT ít hơn. Tỷ lệ mới này sẽ được áp dụng từ ngày 15/9.

Xuất khẩu Trung Quốc hứng chịu hậu quả khi căng thẳng thương mại ngày một xấu đi. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ theo báo cáo hôm 8/9 đã tăng lên 31,1 tỷ USD trong tháng 8.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng dù tăng trưởng xuất khẩu của Bắc Kinh chậm lại.

Gai Xinzhe, chuyên viên phân tích tại Viện Tài chính Quốc tế, Bank of China, cho biết: "Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh hơn so với tháng 7 do các nhà xuất khẩu đã đẩy nhanh xuất đơn hàng đi trước khi chính sách thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực".

David Dollar, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết yếu tố then chốt giúp đẩy thặng dư thương mại của Trung Quốc đi lên là gói kích cầu của Trump được đưa ra khi nền kinh tế đã gần đạt mức công suất tối đa. "Thuế nhập khẩu sẽ không dễ dàng thay đổi được điều này".

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang chật vật với tình trạng chững lại của nền kinh tế cùng với những bất ổn từ chiến tranh thương mại gây ra. Các nhà lãnh đạo sẽ buộc phải nới lỏng chiến dịch siết chặt nợ trong lúc tìm kiếm giải pháp an toàn cho nguy cơ suy thoái kinh tế.

"Tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm 5 - 10% trong vài tháng tới và tiếp tục giảm trong năm tiếp theo do căng thẳng thương mại và kinh tế toàn cầu chững lại", Lu Ting, nhà kinh tế tại Nomura International Ltd, Hong Kong, nói ngày 10/9. "Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang sau lời đe dọa của ông Trump".(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục