Truyền thông Trung Quốc: Sẽ không đầu hàng trước đòi hỏi của Mỹ trong đàm phán; Mỹ trừng phạt công ty Nga, Trung Quốc vì giao dịch với Triều Tiên; Đạo luật Dodd-Frank - 'Lá chắn khủng khoảng tài chính' thời hậu Lehman Brothers
Tin kinh tế đọc nhanh 14-09-2018
- Cập nhật : 14/09/2018
Xuất siêu 4,69 tỷ USD trong 8 tháng
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa nửa cuối tháng 8 xuất siêu 2,47 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 8 tháng qua lên 4,69 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2018 (từ ngày 16/8 đến 31/8/2018) đạt 24,18 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng 4,67 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2018.
Nhờ đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng tính từ đầu năm 2018 đạt 312,13 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 39,6 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 203,05 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 26,27 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 109,08 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 13,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Trong kỳ 2 tháng 8 năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,47 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 8 tháng qua lên 4,69 tỷ USD.
Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2018 so với 8 tháng đầu năm 2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2018 đạt 13,33 tỷ USD, tăng 37% (tương ứng tăng 3,6 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 8/2018.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 8/2018 tăng so với kỳ 1 tháng 8/2018 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại linh kiện 59,7%, tương ứng tăng 1,15 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 36,2% tương ứng tăng 434 triệu USD; hàng dệt may tăng 27,4%, tương ứng tăng 374 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 43,5%, tương ứng tăng 278 triệu USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 90,3%, tương ứng tăng 155 triệu USD; hàng thủy sản tăng 31,8%, tương ứng tăng 118 triệu USD…
Tính đến hết tháng 8 năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 158,41 tỷ USD, tăng 16,7% tương ứng tăng 22,69 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017.
Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2018 so với 8 tháng đầu năm 2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2018 đạt 10,85 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 1,08 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2018.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8/2018 tăng so với kỳ 1 tháng 8/2018 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,7%, tương ứng tăng 365 triệu USD; dầu thô tăng 255 triệu USD, gấp 2,8 lần; điện thoại các loại và linh kiện tăng 169 triệu USD, tương ứng tăng 20,2%; xăng dầu các loại tăng 72 triệu USD, tương ứng tăng 32,8%…
Tính đến hết tháng 8/2018, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 153,72 tỷ USD, tăng 12,4% (tương ứng tăng 16,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. (Bizlive)
-----------------------
Ai chịu trách nhiệm trong các dự án titan?
Để các dự án khai thác titan xé nát môi trường bờ biển miền Trung không chỉ có lỗi của nhà đầu tư mà có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương
Dù những vùng khai thác titan đã dừng hoặc tạm dừng nhưng hoạt động này đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và cuộc sống người dân. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm trong các dự án titan?
Trách nhiệm trước hết là chính quyền địa phương
Nói về dự án khai thác titan của Công ty TNHH MTV Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) từng gây bất ổn trật tự trị an ở Ninh Thuận, ông Trần Xuân Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết năm 2012, tỉnh này cấp phép cho Công ty Quang Thuận thực hiện dự án với diện tích 83,7 ha, trên khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh.
Còn ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, kể thời điểm đó, tỉnh đã chỉ đạo địa phương cùng các đoàn thể tổ chức họp dân, lấy phiếu biểu quyết. Kết quả là đa số người dân đồng tình nhưng yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp nguồn nước sạch cho dân và khai thác không làm ô nhiễm môi trường. Sau đó, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Công ty Quang Thuận hoàn tất đánh giá tác động môi trường, lắp đặt hệ thống nước sạch cho dân; đồng thời điều chỉnh giấy phép khai thác còn hơn 19 ha.
Dù đã tạm dừng nhưng các dự án titan đã băm nát bờ biển Bình Thuận Ảnh: ĐÌNH CHIÊU
Tuy nhiên, tháng 3-2014, khi Công ty Quang Thuận chưa lắp đặt hệ thống nước sạch đã vội lắp đặt hệ thống máy móc chuẩn bị khai thác nên người dân phản ứng dữ dội. Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo dừng dự án. Ông Võ Đại, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận đây là sai sót chủ quan của UBND tỉnh trong việc điều hành.
Nói về trách nhiệm để các dự án băm nát bờ biển Bình Thuận, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận, phân bua: "Cái này kéo dài qua nhiều thời kỳ. Có dịp, sẽ trao đổi rõ hơn chứ tôi đang họp". Còn ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình (địa phương có nhiều mỏ titan của tỉnh Bình Thuận), thừa nhận việc quy hoạch rồi cấp phép cho các dự án titan đã làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của địa phương. Về việc lấy ý kiến người dân trước khi cấp phép các dự án titan, ông Long khẳng định có lấy ý kiến người dân. "Có điều khi lấy ý kiến thì người dân không đi hoặc đi không hết. Báo cáo đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt nhưng thực hiện không bài bản. Rõ ràng có phần trách nhiệm của nhà đầu tư" - ông Long nói.
Kiểm điểm nhiều cán bộ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Trung, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đề nghị Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra hoạt động cấp phép đối với các công ty khai thác titan. "Hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân sống cạnh mỏ titan gửi đơn cầu cứu khắp nơi về việc titan đang hủy hoại môi trường, nguồn nước cạn kiệt. Vậy nhưng mỗi lần đối thoại với cử tri, chính quyền cấp tỉnh chỉ ghi nhận, hứa phản hồi sau. Nói một cách khách quan, chính quyền có dấu hiệu bao che" - ông Trung chỉ trích.
Trước tình trạng khai thác titan trái phép vẫn còn tiếp diễn, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp (DN) khai thác titan tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định), gồm: Công ty TNHH Mỹ Tài, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Ban Mai và Công ty TNHH Tấn Phát (đều có trụ sở tại TP Quy Nhơn).
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với phó giám đốc sở phụ trách lĩnh vực khoáng sản đã không làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo, xử lý vi phạm hành chính đối với các DN khai thác titan trái phép. Yêu cầu chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, chủ tịch UBND xã Mỹ Thành và chủ tịch UBND một số xã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ đạo, xử lý DN khai thác titan trái phép. Đồng thời, kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đã thiếu trách nhiệm, không chặt chẽ trong quá trình tham mưu, xử lý vi phạm hành chính đối với các DN. (NLĐ)
------------------------
Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi
UBND TP.HCM vừa ra thông báo sẽ thu hồi hàng loạt dự án bất động sản của chủ đầu tư “xí” đất nhiều năm nhưng không chịu thực hiện. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội cho TP.HCM tạo quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ.
Triệt tiêu dự án “xí phần" rồi để đó
Thông tin cụ thể được UBND TP.HCM đưa ra mới đây cho biết, trước việc nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố “xí” đất nhưng không chịu triển khai, gây lãng phí quỹ đất, các cơ quan chức năng TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra và đề nghị có biện pháp xử lý mạnh tay.
Cụ thể, tại Dự án Cung cư A22 có diện tích 13.704 m2 thuộc khu 13 Nam Sài Gòn đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chủ quyền năm 2008 do Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này không thực hiện, mà chuyển nhượng khu đất cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương (Công ty Ngọc Đông Dương).
Sau đó, Công ty Ngọc Đông Dương cũng không khởi công xây dựng dự án. Đến năm 2013, công ty này có văn bản cam kết đến tháng 12/2013 sẽ khởi công xây dựng.
Thế nhưng, đến thời điểm này, Công ty Ngọc Đông Dương tiếp tục không thực hiện với lý do khó khăn tài chính và cũng không báo cáo giám sát đầu tư theo quy định.
Tương tự, tại Khu đô thị 13A thuộc Khu đô thị mới Nam Thành phố, dù đã được UBND Thành phố giao đất nhiều năm, nhưng đến nay, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang mới xong san lấp và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Các hệ thống giao thông, cấp thoát nước mới thực hiện trên khoảng 50%, nhưng hiện nay đã xuống cấp. Nhiều hạng mục như trường mầm non, trường trung học cơ sở, trung tâm y tế đều chưa thực hiện...
Còn tại Dự án khu 13B do Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - CONIC làm chủ đầu tư với quy mô hơn 26 ha, hiện mới hoàn thành bồi thường giải phóng và san lấp mặt bằng.
Hệ thống giao thông, vỉa hè mới thực hiện trên 70%, trạm xử lý nước thải chưa thực hiện. Các hệ thống hạ tầng xã hội chủ đầu tư chưa xây dựng.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý khu Nam đã đưa ra thời hạn cụ thể buộc các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Trường hợp các chủ đầu tư vẫn không thực hiện theo cam kết, Ban Quản lý khu Nam sẽ báo cáo UBND TP.HCM đề xuất xử lý dự án chậm triển khai theo Điều 64, Luật Đất đai.
Cụ thể, đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án, thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng, nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ thực hiện.
Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, phía UBND TP.HCM cũng cho biết, hiện Thành phố cũng giao có Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng rà soát 1.300 dự án chậm tiến độ xây dựng để thu hồi trong thời gian tới.
Cơ hội quỹ đất cho nhà ở giá rẻ
Giới phân tích cho rằng, việc thu hồi quỹ đất chậm triển khai của TP.HCM là cơ hội cho việc phát triển dự án nhà ở xã hội 200 triệu đồng/căn mà TP.HCM đang thiếu quỹ đất để triển khai.
TP.HCM hiện đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, trong khi quỹ đất để không đang khá lớn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, chủ trương của Thành ủy và UBND TP.HCM về phát triển nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại Thành phố đã có từ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 khi Thành phố đề ra Chương trình đột phá thứ 7 - "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị".
Trong đó, có mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại giá rẻ để bán, bán trả góp dài hạn, cho thuê cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động và người nhập cư.
Tuy nhiên, tới nay, loại hình nhà ở giá rẻ này lại đang bị vướng, khi từ năm 2015 tới nay, có rất ít dự án được xây dựng. Trong khi, quy mô dân số TP.HCM hiện đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên.
Hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới và qua khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.
Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố, có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.
Đặc biệt, ông Châu cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến năm 2020, Thành phố sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn.
Trong đó, những căn hộ nhà ỏ xã hội giá rẻ không cần diện tích lớn, chỉ khoảng 30 m2 (gồm 20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, phù hợp với tài chính của người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của TP.HCM đó là thiếu quỹ đất cho những dự án dạng này.
“Việc thu hồi quỹ đất mà các doanh nghiệp “xí phần” không thực hiện được cho là cơ hội cho Thành phố sử dụng làm các dự án nhà ở xã hộ, nhà ở giá rẻ. Các quỹ đất này có thể giao cho các doanh nghiệp có thực lực thực hiện, theo giải pháp, một phần sản phẩm của dự án dành cho nhà ở xã hội, phần còn lại cho chủ đầu tư bán theo giá thương mại để hoàn vốn”, ông Châu nói.
Câu chuyện này cũng được các doanh nghiệp địa ốc cho rằng cần thiết. Tổng giám đốc của một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở giá rẻ cho biết, cái khó nhất hiện nay đó là quỹ đất để doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở giá rẻ cho người dân.
Trong khi đó, các quỹ đất đang bị doanh nghiệp “xí phần” không thực hiện lại phù hợp với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Thêm vào đó, nó cũng phù hợp với chương trình giãn dân của TP.HCM đề ra tại Đại hội Đảng bộ 10 của TP.HCM.
Theo vị lãnh đạo này, với quỹ đất nhiều này, chỉ cần lãnh đạo Thành phố giao cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, thì sẽ giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người dân của Thành phố.
Thêm vào đó, TP.HCM cũng có thể bán đấu giá quỹ đất này để có tiền thực hiện các dự án giao thông trọng điểm mà Thành phố đang thiếu kinh phí thực hiện.(ĐTBĐS)