5 dự án đội vốn 'khủng'; Việt Nam liên tiếp thặng dư thương mại với Hungary; Jack Ma thành hình mẫu cho thế hệ khởi nghiệp Trung Quốc như thế nào?
Tin kinh tế đọc nhanh 12-09-2018
- Cập nhật : 12/09/2018
Chính phủ tiếp tục yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2018, các bộ, cơ quan, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, bám sát yêu cầu và tình hình thực tiễn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra gắn với đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa, phối hợp điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, hiệu quả, ứng phó tốt nhất với tác động bất lợi của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Ban chỉ đạo điều hành giá theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường.
Riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, thực hiện, quyết toán; tập trung chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, phối hợp chặt chẽ với các địa phương quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi mua sắm tài sản công, hội họp, phấn đấu giảm bội chi ngân sách dưới mức 3,7%/GDP; chủ động phát hành trái phiếu Chính phủ đa dạng kỳ hạn, kênh huy động, phù hợp với yêu cầu thanh toán, giải ngân và diễn biến thị trường; đẩy mạnh áp dụng hóa đơn thuế điện tử. Tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo chuẩn quốc tế. Tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.(CafeF)
------------------------
Mỹ muốn có thêm hợp đồng hàng không với Việt Nam
Thương mại tăng mạnh cùng những hợp đồng lớn mua máy bay, nhưng chưa đủ để phát triển thương mại hai chiều.
Lần đầu tiên, ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế, Phòng thương mại Hoa Kỳ, đến Việt Nam dự Thượng đỉnh Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ vào ngày 10/9 và thực hiện một loạt các cuộc gặp gỡ đối tác nhằm rộng thị trường.
Thêm những hợp đồng lớn
Từ việc Boeing đã có 2 hợp đồng lớn với hai Hãng hàng không Bamboo và Vietjet của Việt Nam, ông Gilbert Kaplan, cho biết: “Chúng tôi chào đón những hợp đồng thương mại này, mong rằng những thoả thuận này sớm được hiện thực hóa”
Boeing và Bamboo đã ký kết ban đầu cho việc cung cấp 20 máy bay 7879 Dream liners của Boeing với giá khoảng 5,6 tỉ đô la Mỹ hôm 26.6.2018, nhân chuyến thăm và làm việc tới Mỹ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Kế đó, Boeing và Vietjet, hôm 18.7, cũng đã ký bản ghi nhớ cho việc cung cấp bổ sung 100 máy bay Max có giá trị 12,7 tỉ USD.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Ariline đang có kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019. Ông Gilbert Kaplan nói rằng “những chuyến bay thẳng này sẽ mang lại quan hệ hai nước gần nhau hơn”.
Phó chủ tịch phụ trách marketing của Bộ phận máy bay thương mại Boeing, ông Randy Tinseth, trước đó đã nói với NCĐT tại một họp báo về việc những máy bay thân rộng Boeing thế hệ 777x đầu tiên, sẽ được bàn giao đến khách hàng Việt Nam vào năm 2020.
Theo quan sát của ông Randy Tinseth Việt Nam đang chuyển dần từ các dòng máy bay thân rộng cỡ lớn sang các máy bay thân rộng cỡ nhỏ và hiệu quả hơn. Hiện nay, Boeing đã bán được 100 máy bay 737 cho Vietjet Air. Đơn hàng sẽ được giao vào năm 2020 và thời gian cụ thể sẽ do Vietjet Air ấn định.
Thêm nữa, Boeing sẽ sớm bàn giao cho Vietnam Airline phiên bản mới máy bay 787, loại máy bay dẫn đầu phân khúc đường dài trên toàn thế giới, cung cấp 80% những chuyến bay xuyên Thái Bình Dương.
Theo Phó chủ tịch Marketing của Boeing, hiện Vietnam Airline chưa chốt thời gian giao hàng, nhưng hãng này đã có kế hoạch bổ sung đội bay cho các phiên bản mới của Boeing 787.
Thương mại hai chiều
Ông Gilbert Kaplan dẫn đánh giá của Viện Brooking về 88% của lực lượng trung lưu từ khu vực châu Á. Năm 2017, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 400 tỉ USD tới châu Á, chiếm 30% tổng số xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Theo ông Gilbert Kaplan, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đang xu hướng giảm, từ vị trí thứ 6 năm 2016 đã tăng lên vị trí thứ 5 vào năm 2017, nhưng vẫn là mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với các nước Đông Nam Á.
Ông Gilbert Kaplan nói rằng những hoạt động thương mại hiện nay là “chưa đủ để phát triển thương mại hai chiều”. Ông nói "cần giải quyết những vấn đề cản trở phát triển thị trường của doanh nghiệp Mỹ để phát triển thương mại tự do, công bằng".
Vị Thứ trưởng của Phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết một chương trình phát triển đang được Bộ Thương mại nước này thực hiện nhằm hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế, tập trung vào 4 lĩnh vực chính của ngành công nghiệp: hàng không; năng lượng; y tế; thành phố thông minh và thương mại số.
“Hai ngày tới, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ đối tác tại Việt Nam để bàn thảo về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thanh toán điện tử, ô tô, nông nghiệp và sở hữu trí tuệ”. Ông “hy vọng sẽ có tiến triển cụ thể, mở ra cơ hội mới vào những ngày gần đây”.(NCĐT)
-----------------------------
Canh cánh nợ công
Trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, dân số già, trong khi Việt Nam có dân số trẻ, nghèo nhưng đã phải vay nhiều và trả nợ cao.
Khi nhà nghèo đã bước vào con đường vay nợ, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để biến tiền vay ấy đẻ ra tiền để sống được và trả được món nợ đúng kỳ hạn. Đó là lý tưởng nhất của con nợ. Nhưng nếu các khoản vay chỉ được dùng cho việc xây thêm gian nhà, cơi nới công trình phụ, đóng học cho con cái... nghĩa là biến “tài sản” thành “tiêu sản” thì chỉ còn cách bán đất đai, đồng ruộng đi mà trả nợ.
Khó khăn kép
Câu chuyện nợ của một quốc gia cũng có thể hình dung theo cách như vậy. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mức nợ công ước tính 35 triệu đồng/người năm 2018 và tăng lên tới hơn 40 triệu đồng/người vào năm 2020, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không bị coi là mối lo ngại lớn nhất. Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, khi nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, điều quan trọng hơn cần bàn là khả năng trả nợ như thế nào?
Câu hỏi trên không dễ trả lời. Xét về quy mô nợ, theo Bản tin Tài chính số 4/2016, nợ công Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010-2015. Báo cáo công bố năm 2017 của Bộ Tài chính và World Bank cho thấy, Việt Nam đang nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ/GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong vòng 5 năm. Dự kiến, nợ công Việt Nam năm 2026 sẽ cao gấp 2 lần con số hơn 2 triệu tỉ đồng vào năm 2016. Như vậy, nợ công của Việt Nam cao hơn tất cả mức trung bình các nước thu nhập trung bình, ASEAN, Mỹ Latinh, châu Phi.
Có thể thấy, Việt Nam đang đối diện với khó khăn kép, vừa phải chuẩn bị phương án nguồn vốn ODA giảm, vừa đối diện áp lực trả nợ lớn khi khoảng 50% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Kịch bản phải đi vay để đảo nợ và trả nợ gốc như chúng ta đã từng làm trong nhiều năm qua sẽ tái diễn và gánh nặng nợ công lại càng thêm nặng nề.
Hy vọng lại không đến từ khả năng chúng ta vun vén, cân đối chi tiêu để tạo ra thêm nguồn trả nợ. Thứ nhất, về khả năng “thắt lưng buộc bụng”. Điều có vẻ như không khó xoay xở dưới tay một bà nội tướng đảm đang lại gần như là nhiệm vụ “bất khả thi” với quốc gia trong nhiều năm nay. Bội chi ngân sách hằng năm lên tới 3-4% GDP vẫn được coi là điều tất nhiên và những nỗ lực hiện tại chỉ nhằm tới mục tiêu không nới trần bội chi.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 651.700 tỉ đồng, ngân sách cũng phải chi ra 59.300 tỉ đồng để thanh toán các khoản nợ lãi vay. Tính ra, mỗi ngày ngân sách nhà nước chi 330 tỉ đồng trả lãi vay. Thực tế phải đi vay hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm để chi tiêu trong khi nỗ lực tinh giảm biên chế, giảm chi thường xuyên vẫn dừng lại ở quyết tâm phải được coi như một nghịch lý khó hiểu.
Trải lại thảm FDI
Giải pháp thứ 2 đến từ khả năng nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu cũng bị đánh giá là không khả thi. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vượt dự toán thu ngân sách năm 2016 nằm ở khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (9,4%); thu từ nhà, đất (97,5%); lệ phí trước bạ (19,8%). Thực trạng càng ảm đạm hơn khi mức tăng thu này dường như không đến từ nội lực đang đi lên của nền kinh tế. Hệ số Icor toàn nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 cao hơn gấp đôi mức 2,8 của giai đoạn 1996-2000, dấu hiệu rõ ràng về sự đi xuống của năng lực sản xuất.
Tăng trưởng GDP chưa bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng trong các năm 2016-2017 không chỉ khẳng định thêm về hiệu quả khiêm tốn của đồng vốn mà còn dấy lên nỗi lo về nợ xấu mới chồng lên nợ xấu cũ. Trong bối cảnh đó, phần vượt thu từ khu vực tư nhân đến từ các điều chỉnh về thuế khóa, điều tối kỵ nếu đích đến lâu dài là nuôi dưỡng nguồn thu. Bằng chứng nhãn tiền là theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Sẽ là những gian nan trường kỳ.
Đáng lo nhất, dù xuất khẩu đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 0,5% so với dự toán. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự thật rằng, thành tích tăng trưởng GDP chỉ có thể góp phần kiềm chế nợ công quốc gia dưới trần 65% GDP được Quốc hội đề ra. Thảm đỏ mà chúng ta đã hào phóng trải dưới chân khối doanh nghiệp này không giúp nâng cao nội lực của nền kinh tế, cũng không góp phần giúp chúng ta dễ thở hơn dưới sức nặng nợ nần.
Tưởng như phải cần một nét cọ thần kỳ để thêm màu tươi sáng cho bức tranh đang nhiều màu nâu xám hiện tại. Nội lực của nền kinh tế chỉ đến khi bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, đưa nguồn lực quốc gia đi đúng địa chỉ sinh lời và khối đầu tư nước ngoài phải mang những giá trị tương xứng với những ưu đãi họ đang được hưởng.(NCĐT)