Sốt ruột với giấy phép đầu tư vào Trung Quốc, LG Display rót thêm 1,1 tỷ USD vào Việt Nam; Đua nhau trồng, cam Cao Phong mất giá mạnh; Quỹ “đất vàng” do Hapro sử dụng nằm ở những đâu, được phát triển như thế nào?; Nhà sản xuất giày thể thao NIKE tại Việt Nam trở thành cổ đông lớn của DIG
Tin kinh tế đọc nhanh 05-12-2017
- Cập nhật : 05/12/2017
Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD
Ngày 4/12, Hiệp hội Dệt May Việt Namcho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm nay có thể đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansol Vina, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 2 tháng cuối năm 2017 này đạt 5,27 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt trên 30 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD tăng 8,7% so với năm 2016, xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng gần 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liêu dệt may năm 2017 ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016; trong đó nhập khẩu vải đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,85%; nhập khẩu bông đạt 2,4 tỷ USD, tăng 44,35%, nhập khẩu xơ sợi đạt 1,76 tỷ USD, tăng 9,45%, nhập khẩu phụ liệu dệt may đạt 3,55 tỷ USD, tăng 10,35%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 15,51 tỷ USD, tăng 7,15% so với năm 2016.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2017 là một năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương Đối tác xuyên Thái Bình Dương bị dừng lại cùng tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn nhưng từ quý II, với sự quyết tâm cao ngành dệt may đã bứt phá vươn lên và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Đóng góp vào thành công trên, toàn ngành đã vận dụng hiệu quả công nghệ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã nỗ lực xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng cách mạng 4.0 hướng tới phát triển bền vững trong ngành. Đặc biệt, đã kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Để đánh giá hoạt động của năm 2017, trên cơ sở đó đề ra chiến lược phát triển ngành trong năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 2017 với sự tham gia của toàn thể hội viên Hiệp hội vào ngày 15/12/2017 tại Tp. Đà Nẵng.(TTXVN)
-------------------------------
Viettel, Vinamilk và VNPT là ba thương hiệu giá trị nhất
Với giá trị 2,5 tỉ USD, Viettel đã trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 đẩy Vinamilk xuống vị trí thứ hai với 1,4 tỉ USD.
Viettel soán ngôi Vinamilk trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam khi được định giá 2,5 tỉ USD. Ảnh: CP
Thông tin được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và công ty về định giá thương hiệu Brand Finance công bố tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017 diễn ra sáng 4-12.
Đứng đầu trong "Top 50 thương hiệu Việt Nam" năm nay là Viettel khi được định giá 2,5 tỉ USD cho thương hiệu của mình.
Vinamilk, quán quân của năm trước, đã lùi về vị trí thứ hai với giá trị gần 1,4 tỉ USD.
Xếp vị trí thứ 3 là VNPT với trị giá 726 triệu USD, tiếp đến là Vinhomes có giá trị 604 triệu USD và thương hiệu bia Sabeco xếp thứ 5 với giá trị 598 triệu USD.
Mặc dù không phải là thương hiệu có giá trị nhất, nhưng Thế giới Di động lại thương thương hiệu mạnh nhất Việt Nam và đứng vị trí 15 trong danh sách các thương hiệu giá trị.
Theo ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance, giá trị thương hiệu của Top 50 đã tăng 32% so với năm 2016. Tuy nhiên, ông Dixit cho biết 68% tổng giá trị thương hiệu đang thuộc về "top 10".
Trong danh sách top 50 được công bố cũng có tới 15 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
Đáng chú ý, năm nay có thêm 11 thương hiệu mới xuất hiện trong Top 50, có nghĩa là 11 thương hiệu bị loại.
Ông Samir Dixit cho rằng việc định giá thương hiệu có vai trò lớn khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, hay thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, việc định giá thương hiệu ở Việt Nam đang còn nhiều bất cập, khiến cho các giao dịch M&A ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Còn theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng gián đốc AVM Vietnam, đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam, ở Việt Nam mới dừng ở góc độ tự đánh giá về thương hiệu và làm công tác tuyền thông.
Chẳng hạn, theo ông Minh, thương hiệu Kem Tràng Tiền, giá trị công ty khi cổ phần hóa chỉ 3 tỉ đồng, nhưng khi chuyển nhượng có mức giá 500 tỉ đồng và giá trị thương hiệu được định mức là 150 tỉ đồng.
"Việc định giá thương hiệu còn tự phát, các bên thực hiện tự giao dịch với nhau. Đặc biệt các công ty nhà nước khi cổ phần hóa thường sẽ để quên tài sản vô hình. Việc định giá cũng không đơn giản, đặc biệt khi tiếp cận thông tin doanh nghiệp, chỉ có báo cáo tài chính, trong khi không có thông tin khác chưa có nhiều", ông Minh nhìn nhận.
Do đó, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần ban hành những cơ sở pháp lý rõ ràng hơn về định giá thương hiệu vì ở quốc tế tất cả tài sản đều có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể trong khi ở Việt Nam vấn đề này còn mới. (Tuoitre)
-----------------------------------
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng hơn 17%
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 24,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1%.
Tính chung 11 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,5%; sản xuất kim loại tăng 15,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,2%.
Đây là những ngành có tốc độ tăng cao trong những tháng gần đây, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,7%; khai khoáng khác (chủ yếu khai thác đá, cát, sỏi) tăng 3,9%; khai thác than cứng, than non và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng giảm 1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9%.
Cũng trong 11 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 30%; sắt, thép thô tăng 26%; thép cán tăng 16%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14%; phân urê tăng 13%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 3,6%; than đá giảm 1%; ô tô giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 7,2%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 9,5%; dầu thô khai thác giảm 10,6%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 35%; Hải Phòng tăng 20%; Thái Nguyên tăng 18,3%; Bình Dương tăng 10%; Hải Dương tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 9,5%; Đồng Nai tăng 8,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Vĩnh Phúc tăng 7,5%; Cần Thơ tăng 7%; Hà Nội tăng 7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,8%; Quảng Nam giảm 4,8%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11/2017 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 5,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 3,2%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 21%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất đồ uống tăng 48,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 46,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (chủ yếu là xi măng) tăng 28%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21%...
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 10 tháng năm 2017 là 65,6% (cùng kỳ năm trước là 66,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 116,1%; sản xuất xe có động cơ 84,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 84,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm 75,1%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2017 tăng 5% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động trong các doanh nghiệp tại thời điểm 1/11/2017 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 20,3%; Đà Nẵng tăng 17,2%; Hải Dương tăng 8,7%; Vĩnh Phúc tăng 7,6%; Thái Nguyên tăng 7,4%; Hải Phòng tăng 6,6%; Đồng Nai tăng 4,2%; Hà Nội tăng 3,5%; Bình Dương tăng 3%...(TTXVN)
-----------------------------
VNA liên doanh Bangkok Airways mở rộng mạng bay
Ngày 4-12, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết đơn vị này và Bangkok Airways (Thái Lan) chính thức triển khai hợp tác liên danh (codeshare) khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Thái Lan.
Theo đó, từ nay, hành khách có thể mua vé của VNA để bay từ Hà Nội/TP.HCM tới Bangkok và nối chuyến đi các điểm nội địa Thái Lan do Bangkok Airways khai thác, bao gồm Chiang Mai, Phuket, Koh Samui, Krabi, Chiang Rai.
Hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần với VNA để thực hiện toàn bộ hành trình.
VNA liên doanh Bangkok Airways mở rộng mạng bay
Qua đó, hành khách hai hãng còn có thêm các lựa chọn hành trình đa dạng hơn giữa VN và Thái Lan gồm đường bay Bangkok - Đà Nẵng do Bangkok Airways khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày và Hà Nội/TP.HCM - Bangkok do VNA khai thác với tần suất 6 chuyến/ngày.
Theo Trung tâm hàng không châu Á Thái Bình Dương (CAPA), thị trường hàng không Đông Nam Á được đánh giá rất giàu tiềm năng, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu đi lại lớn. Sáu trên mười một quốc gia Đông Nam Á có mức tăng trưởng lưu lượng hành khách đạt 2 con số.
Trong đó, đường bay giữa Thái Lan - Việt Nam sôi động với tổng ghế cung ứng đã tăng 30% trong năm vừa qua và tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới.(Tuoitre)