Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD; Viettel, Vinamilk và VNPT là ba thương hiệu giá trị nhất; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng hơn 17%; VNA liên doanh Bangkok Airways mở rộng mạng bay
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-12-2017
- Cập nhật : 03/12/2017
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chính thức vượt qua Facebook
Theo FactSet, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, giá trị cổ phiếu của Tencent đã tăng thêm 2%, đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đạt 522 tỷ USD; vượt qua Facebook với giá trị hiện tại là 519 tỷ USD.
Ứng dụng di động WeChat của Tencent đang đe dọa đánh bại nhiều đối thủ của Thung lũng Silicon sau một năm bùng nổ khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi. Các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự đột phá của Công ty trong mảng trò chơi di động và video trực tuyến.
Mặc dù, Tencent có giá trị vốn hóa lớn hơn Facebook nhưng Facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với khoảng 2 tỷ lượt người dùng toàn cầu. Trong khi Tencent ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, dù WeChat có gần 1 tỷ người dùng.
Tencent có lợi thế đặc quyền tại thị trường nội địa do các đối thủ phương Tây như Facebook và Twitter bị chính phủ nước này cấm sử dụng.
Bên cạnh đó, Tencent đang đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp công nghệ khác trên thế giới nói chung và các công ty startup tại châu Á nói riêng. Cụ thể, Công ty đã mua lại 5% cổ phần Tesla, hãng sản xuất xe điện của Elon Mush và 12% cổ phần Snap, công ty mẹ của SnapChat.
Ngoài ra, Tencent cũng trở thành hãng công nghệ Trung Quốc đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD; tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để Tencent có thể bắt kịp với các hãng công nghệ hàng đầu như Apple (870 tỷ USD), Alphabet (710 tỷ USD).(Baodauthau)
--------------------
15 ngân hàng Việt lọt top các ngân hàng mạnh nhất châu Á
Giới quan sát đánh giá nghiên cứu của The Asian Banker sát gần với thực tế chuyển động của hệ thống ngân hàng nội địa...
Theo công bố của The Asian Banker mới đây, có 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam được lọt vào danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương được đánh giá của tổ chức này.
Đó là các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, MB, LienVietPostBank, ACB, VPBank, HDBank, TPBank, SHB , VIB , SeABank, Sacombank và PVcomBank.
Công bố, dựa trên kết quả nghiên cứu hàng năm về hoạt động tài chính và kinh doanh của ngành ngân hàng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương của The Asian Banker đưa ra mới đây, thể hiện sự tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tiêu chí đánh giá của The Asian Banker dựa trên quy mô tài sản để cho ra danh sách 500 ngân hàng hàng đầu (AB500Rank) và xếp loại 500 ngân hàng dựa trên niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng (Strength Rank) - hay các ngân hàng mạnh nhất khu vực.
Trong bảng xếp hạng, về quy mô tài sản, Vietcombank đứng ở vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam (thứ hạng 188 trong bảng AB500) nhưng lại được đánh giá cao về khả năng sinh lời khi xếp thứ 48 trong danh sách về Strength Rank, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Còn ngân hàng đứng đầu về tài sản tại Việt Nam là BIDV (xếp thứ 157 trong bảng) lại có khả năng sinh lời xếp sau cả Techcombank, VietinBank và MB.
Techcombank là ngân hàng đứng thứ 386 trong bảng xếp hạng AB500 và đứng sau 5 ngân hàng Việt nhưng lại đứng thứ 2 về khả năng sinh lời, chỉ sau mỗi Vietcombank và trên VietinBank, MB, BIDV.
HDBank trở thành nhân tố bất ngờ khi vượt lên nhiều ngân hàng khá thu hút sự chú ý thời gian qua như VIB, TPBank về nỗ lực làm mới, để xếp ở vị thứ cao hơn hẳn, cả ở hai tiêu chí đánh giá về quy mô tài sản và khả năng sinh lời.
Và cũng đáng chú ý, HDBank lại được đánh giá cao hơn cả VPBank về khả năng sinh lời dựa trên nền tảng kinh doanh cốt lõi.
Song có lẽ bất ngờ hơn cả là cái tên LienVietPostBank khi xếp thứ 6 trong số các ngân hàng Việt được The Asian Banker lựa chọn về sức mạnh, chỉ sau 5 ngân hàng Vietcombank, Techcombank, VietinBank, MB và BIDV.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về danh sách này song nhìn chung giới quan sát đánh giá nghiên cứu của The Asian Banker sát gần với thực tế chuyển động của hệ thống ngân hàng nội địa, và các ngân hàng đang chứng tỏ họ đã đến thời điểm hái quả ngọt từ quá trình dày công vun xới, nâng tầm hoạt động - trong hệ sinh thái ngân hàng chung mà xác lập một hệ sinh thái riêng có của mình.(CafeF)
-------------------------------
Mỹ áp thêm thuế chống bán phá giá đối với máy bay CSeries, Canada
Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/10 đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào dòng máy bay CSeries mới của hãng chế tạo Bombardier của Canada.
Một tuần sau khi thông báo áp mức thuế đối kháng 220% lên loại máy bay trên, Mỹ áp thêm mức thuế chống bán phá giá sơ bộ 80%.
Trước đó, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ có đơn kiện cáo buộc Bombardier hưởng lợi một cách không công bằng nhờ sự trợ giá của chính phủ cho phép hãng này bán phá giá máy bay CS100 cho hãng hàng không Delta Airlines.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói Mỹ cam kết về quan hệ thương mại tự do, công bằng và tương hỗ với Canada; và Mỹ sẽ thực hiện những biện pháp phù hợp để bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Theo đơn kiện của Boeing, Bombardier bán máy bay CS100 với giá 19,6 triệu USD/chiếc, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất và đã nhận được trên 3 tỷ USD tiền hỗ trợ từ chính quyền Ottawa và Quebec.
Quyết định cuối cùng về vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 19/12 tới. Nếu không có gì thay đổi, mức thuế trên sẽ được áp dụng đối với CSeries khi loại máy bay này được giao cho Delta bắt đầu từ mùa Xuân năm 2018. CSeries là thiết kế mới đầu tiên đối với loại máy bay100-150 chỗ trong 25 năm qua và mới chỉ bắt đầu được sản xuất.
Chính phủ Canadavà Bombardier phản ứng mạnh trước thông báo trên, cáo buộc Boeing đang "thao túng" hệ thống phòng vệ thương mại của Mỹ, ngăn chặn một đối thủ cạnh tranh bước chân vào thị trường máy bay Mỹ.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói nước này rất thất vọng và hoàn toàn bất bình trước quyết định trên của Bộ Thương mại Mỹ, cho rằng đây là quyết định vô căn cứ.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bombardier, Nathalie Siphengphet, nói tất cả các hãng chế tạo máy bay, trong đó có Boeing, đều giảm giá bán các mẫu mới. Bà nói thêm rằng cùng với việc tạo việc làm ở Canada và Anh, CSeries sẽ giúp các nhà cung cấp Mỹ thu được trên 30 tỷ USD và hỗ trợ 22.700 việc làm cho người Mỹ.(TTXVN)
---------------------
HSBC bị phạt nặng vì tội quản lý lỏng lẻo
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã yêu cầu HSBC sửa đổi các biện pháp giám sát nội bộ theo hướng nghiêm ngặt hơn và tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro trong giao dịch ngoại hối.
Theo thông báo ngày 29/9 của Fed, trong thời gian từ năm 2008-2013, HSBC đã không biết gì về các hành vi sai trái của các giao dịch viên chính, trong đó có người đứng đầu bộ phận buôn bán hối đoái bằng tiền mặt.
Các nhân viên giao dịch này đã sử dụng "thông tin nội bộ mật" để thực hiện các giao dịch có lợi cho ngân hàng nhưng gây hại cho khách hàng, dẫn tới hậu quả là bị truy tố tại New York (Mỹ) với các cáo buộc gian lận.
Một báo cáo nội bộ của ngân hàng HSBC cũng đã phát hiện những nhân viên giao dịch có ý định thao túng tỷ giá ngoại tệ bằng cách cấu kết với giao dịch viên của các ngân hàng khác.
FED đã yêu cầu HSBC sửa đổi các biện pháp giám sát nội bộ theo hướng nghiêm ngặt hơn và tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro trong giao dịch ngoại hối, đồng thời hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để tránh các vi phạm sau này.
Trong những năm qua, nhà chức trách Mỹ liên tục nhắm tới các hành vi thao túng lãi suất và tỷ giá hối đoái tại các thể chế tài chính lớn. Hồi tháng 4, FED đã phạt ngân hàng Deutsche Bank của Đức hơn 150 triệu USD vì những hoạt động giao dịch ngoại hối "thiếu an toàn và thiếu chặt chẽ".
Cách đây hai tháng, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã phạt ngân hàng BNP Paribas của Pháp 246 triệu USD vì các sai phạm tương tự.
HSBC là một trong 6 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu bị các cơ quan quản lý phạt, với số tiền lên tới tổng cộng 4,2 tỷ USD, sau một cuộc điều tra được tiến hành tháng 11/2014 liên quan tới hành vi thao túng thị trường ngoại hối.
Năm 2012, ngân hàng này đã đồng ý nộp phạt 1,9 tỷ USD sau khi bị cơ quan công tố Mỹ cáo buộc thực hiện các giao dịch liên quan tới các đối tượng khách hàng đặc biệt là các tổ chức tội phạm ma túy, các tổ chức khủng bố và các nước đang bị trừng phạt, hoặc giám sát lỏng lẻo dẫn tới tình trạng này.(TTXVN)