Dự báo thế giới 2018: Tương lai nhiều dấu hỏi của liên minh ngân hàng châu Âu; Nhiều quốc gia châu Á cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào các loại tiền ảo; Giá trị nhà ở tại Mỹ tăng cao kỷ lục trong năm 2017; Uber chấp nhận “bán mình” cho Softbank với giá bèo
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-12-2017
- Cập nhật : 28/12/2017
Khắp thế giới chỉ thấy đồ chơi Trung Quốc
Có tới 3/4 tổng số đồ chơi và trò chơi trên toàn thế giới là sản phẩm của khoảng 10.000 nhà sản xuất đồ chơi tại Trung Quốc, theo tạp chí The Economist.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2016 Trung Quốc xuất khẩu sản lượng đồ chơi trị giá 44 tỉ USD, trong đó số hàng trị giá 25 tỉ USD xuất tới Mỹ, 4 tỉ USD xuất sang Nhật Bản và 4 tỉ USD khác xuất sang Anh.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia chiếm thế áp đảo trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi suốt nhiều thập kỷ qua, song các áp lực thị trường cũng đang tăng dần với quốc gia này. Mức lương cho lao động gia tăng khiến một số doanh nghiệp đồ chơi tại Trung Quốc đã dời dây chuyền sản xuất của họ sang Ấn Độ và Việt Nam là những nơi có giá lao động rẻ hơn.
Chưa kể, một số công ty đồ chơi nước ngoài muốn giảm bớt chi phí vận chuyển và phản ứng nhanh hơn với nhu cầu người dùng, đang đưa dây chuyền sản xuất của họ trở lại quê nhà. Năm nay, hãng Hasbro, nhà sản xuất các loại đồ chơi như súng Nerf và các robot Transformers, cho biết sẽ bắt đầu sản xuất các loại đồ chơi đất sét nhiều màu thương hiệu Play-Doh của họ tại Mỹ.
Với doanh số bán chậm dần tại các nước giàu, nhiều hãng đồ chơi đang hướng tới Trung Quốc không chỉ là nơi sản xuất đồ chơi, mà còn là thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ. Lego, hãng đồ chơi Đan Mạch, dự kiến mở thêm cửa hàng tại 40 thành phố Trung Quốc trong những năm tới.
Tháng 2 năm nay, Mattel, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, đã ký hợp đồng với Alibaba để bán búp bê Barbie và đồ chơi xe hơi Hot Wheels cho khách hàng Trung Quốc.(Tuoitre)
--------------------------
80% khách nước ngoài không quay lại
Tổng kết năm 2017, ngành du lịch VN tự hào với con số tăng trưởng kỷ lục, dự kiến đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đáng buồn là chưa đến 10% khách du lịch quay trở lại VN.
Chưa đến 10% khách đến VN quay lại du lịch lần 2 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Khách ít quay lại vì “du lịch nghèo nàn”
Báo cáo của Tổng cục Du Lịch mới đây cho biết, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại VN. Đây là con số hết sức đáng buồn nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Tỷ lệ mà các chuyên gia du lịch đưa ra còn khiêm tốn hơn, chỉ 5 - 6% khách du lịch lựa chọn quay lại. PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, cho rằng nguyên nhân chính khiến du khách không mấy mặn mà với VN là sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí. TS Phạm Trung Lương phân tích, khách du lịch chỉ quay lại một điểm đến khi có những trải nghiệm khác so với những gì đã trải nghiệm lần trước hoặc có điểm đặc biệt mà những điểm đến khác không có. VN có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn khiến khách phải quay lại. “Việc sản phẩm đơn điệu không chỉ không thu hút được khách đến, kéo khách quay lại mà còn làm giảm chi tiêu của khách khi đến VN, giảm doanh thu toàn ngành du lịch”, TS Phạm Trung Lương nói.
Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, chỉ ra rất nhiều mảng có tiềm năng nhưng chúng ta chưa khai thác. Đơn cử, lợi thế phát triển du lịch lịch sử. Chúng ta có rất nhiều địa danh chiến tranh nổi tiếng thế giới, những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế nhưng các địa danh được khai thác du lịch còn ít, chất lượng dịch vụ yếu, chưa chuyên nghiệp. Ngay cả hệ thống bảo tàng của VN hàng chục năm nay cũng vẫn nằm trong tình trạng nhiều số lượng, nghèo chất lượng. Nhiều bảo tàng thuộc diện “vỏ khủng - ruột rỗng”, nghèo hiện vật, thiếu các câu chuyện cuốn hút du khách, lạc hậu về kỹ thuật trưng bày và thuyết minh, kể cả các bảo tàng tại các địa danh lịch sử nổi tiếng thế giới.
Gỡ các nút thắt để giữ chân du khách
PGS-TS Phạm Trung Lương cho rằng ngành du lịch cần nhanh chóng đánh giá một cách tổng thể, khoa học hệ thống sản phẩm hiện nay. Từ đó xác định sản phẩm nào có khả năng hút khách quay lại, cần đầu tư làm mới cái nào, xây dựng cái gì. “Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình có khả năng thu hút khách quay lại nhiều. VN hiện nay có rất nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng, chất lượng bậc nhất thế giới. Có thể tập trung phát triển loại hình này trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của VN”, ông gợi ý.
Cùng với đó, chính sách visa cũng là một trong những điểm nghẽn cần nhanh chóng giải quyết. Ngay trước mắt, cần cải thiện một số chính sách đã có như tăng số ngày miễn visa từ 15 lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa để phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách. Nên sớm bổ sung thêm 6 nước có lượng du khách tiềm năng vào diện miễn visa du lịch, gồm: Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là “từng năm” lên mỗi giai đoạn dài 5 năm (hoặc tốt hơn nữa là dài 10 năm) để các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư đủ mạnh vào các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường. Đồng thời bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh lần trước ít nhất 30 ngày” vì quy định này vô hiệu hóa khả năng biến VN thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.(Thanhnien)
---------------------------
Toyota Việt Nam triệu hồi hơn 8.000 xe Corolla bị lỗi ở túi khí
Tối 27/12, Toyota Việt Nam đã phát đi thông báo triệu hồi 8.036 xe Corolla được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 24/07/2008 đến 31/12/2009 để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước.
Theo đó, được sự phê duyệt của Cục đăng kiểm Việt Nam, Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) thông báo thực hiện chương trình triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước trên tổng số 8.036 xe Corolla được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 24/07/2008 đến 31/12/2009.
Việc triệu hồi để kiểm tra và thay thế miễn phí cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước trên xe Corolla sẽ được TMV thực hiện từ ngày 27/12/2017 tại tất cả các đại lý hoặc chi nhánh đại lý của TMV trên toàn quốc.
Hơn 8.000 xe Corolla Altis được TMV triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước.
Theo thông tin do Tập đoàn Toyota Nhật Bản (TMC) cung cấp, 8.036 xe Toyota Corolla tại Việt Nam bị ảnh hưởng là xe được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, cụm bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng có thể được sản xuất không đúng cách nên có nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian.
Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.
Trong trường hợp cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách nếu xảy ra tai nạn.
Theo TMC, túi khí bên phía người lái của Corolla được cung cấp bởi nhà cung cấp khác (không phải công ty Takata) không nằm trong diện bị ảnh hưởng.
TMC cũng cho biết, đối với những xe Corolla không được nhập khẩu chính hãng có thể nằm trong diện ảnh hưởng, khi nhận được yêu cầu từ chủ xe, TMV sẽ hỗ trợ liên hệ với TMC để xác nhận thông tin. Sau khi nhận được xác nhận và đồng ý từ phía TMC, đại lý Toyota sẽ tiến hành kiểm tra và thay thế miễn phí cụm bơm khí trong túi khí hành khách phía trước cho khách hàng.
Trước đó, vào ngày 20/07/2015 và ngày 26/08/2017, TMV cũng đã ra thông báo triệu hồi 21.948 xe Vios sản xuất trong nước (trong thời gian từ 9/2007-12/2012) và 1.877 xe Yaris nhập khẩu (được sản xuất từ tháng 9/2009-8/2012) để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước bị lỗi tương tự.(Baotintuc)
-----------------------
10 năm đàm phán, 2 tấn vú sữa lên đường đi Mỹ
Ngày 26-12, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô vú sữa Việt Nam đầu tiên sang thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán.
Doanh nghiệp (DN) thực hiện xuất khẩu lô vú sữa này là Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang). Lô hàng gồm 400 thùng (5 kg/thùng), tương đương 2 tấn, được xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không.
Nguyên liệu được thu mua tại vùng trồng vú sữa tập trung đã được phía Mỹ kiểm tra và cấp mã số. Phía Mỹ cũng phối hợp cùng Việt Nam kiểm soát việc đóng gói, chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang nước này.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến nông sản Cát Tường, cho biết trái vú sữa Việt Nam có hương vị đặc biệt nên rất thuận lợi cho chuỗi liên kết tiêu thụ. Các đối tác, cộng đồng người Việt tại Mỹ rất trông chờ lô vú sữa đầu tiên để thưởng thức.
Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, ông Ôn Chí Cường, Giám đốc điều hành Công ty Alchon Trading LLC (Mỹ) - nhà nhập khẩu lô vú sữa trên, đánh giá tiềm năng của quả vú sữa tại Mỹ rất lớn. Tại Mỹ, công ty này chuyên phân phối trái cây tươi của Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào hệ thống siêu thị của người phương Tây (trước giờ, phần lớn trái cây Việt được tiêu thụ trong các siêu thị của người châu Á ở Mỹ). Lô hàng đầu tiên, công ty đặt 10 tấn nhưng chỉ mua được 2 tấn nên phải chờ thêm những lô tiếp theo.
"Đặc sản vú sữa hiện được khách hàng Mỹ mong chờ nên sẽ tiêu thụ nhanh, không quá lo lắng vấn đề bảo quản. Giá bán lẻ vú sữa tại Mỹ dự kiến trên 10 USD/kg (trên 220.000 đồng/kg)" - ông Cường cho biết.
Tiếp sau DN đầu tiên, một số DN khác cũng đã có đơn hàng và sẽ xuất khẩu vú sữa đi Mỹ trong vài ngày tới, trong đó có một HTX trồng vú sữa.
Diện tích trồng vú sữa tại ĐBSCL đạt khoảng 5.000 ha, tập trung tại Tiền Giang, Cần Thơ với năng suất khoảng 18-22 tấn/ha. Trong đó, diện tích vùng trồng được định vị để cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ đạt gần 44 ha.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mỹ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 84,5 triệu USD. Trong 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu trái cây sang thị trường này đạt 92,6 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Mỹ cũng là thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam, trong đó có vú sữa nhưng là thị trường rất khó tính. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các bộ, ngành từng bước tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường Mỹ. Riêng quả vú sữa, sau 10 năm đàm phán, phía Mỹ mới chịu cấp phép nhập khẩu. Theo ông Nam, hiện Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được phép xuất khẩu trái vú sữa tươi vào Mỹ. Do đó, DN cần tuân thủ các quy định của Mỹ để giữ thị trường, tránh trường hợp cạnh tranh hạ giá làm mất uy tín trái cây Việt.
Đến nay, Mỹ đã mở cửa cho nhiều loại quả tươi của Việt Nam, gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.(NLĐ)