Doanh thu ngành bột nêm sụt giảm nhất trong 3 năm qua?; Đau đầu vì kẹt hàng ở cảng Cát Lái; Tồn 9,3 triệu tấn than, 4.000 lao động TKV nguy cơ mất việc; Samsung: 201 nhà cung cấp Việt Nam, tỉ lệ nội địa hóa 57%
Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-06-2017
- Cập nhật : 19/06/2017
KDC sẽ liên doanh với đối tác Thái Lan bán tương ớt
Tập đoàn KIDO sẽ liên doanh với đối tác nước ngoài và tiến hành M&A để mở rộng sang ngành thực phẩm và gia vị.
Để mở rộng hoạt động trong ngành thực phẩm và gia vị, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (mã KDC) sẽ đẩy nhanh việc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... và tập trung M&A nhằm rút ngắn thời gian ra đời sản phẩm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KDC, cho biết KDC sẽ có thêm mặt hàng tương ớt vào tháng 9-10 nhờ liên kết với Thái Lan, và sẽ có hợp đồng liên kết với Indonesia về mảng thực phẩm.
"Trong năm nay sẽ có những sản phẩm về nước chấm, đông lạnh. Lợi nhuận cũng như doanh số sẽ chưa được thể hiện nhiều trong báo cáo năm 2017", ông Nguyên nói với các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.
Nói về lý do chọn các đối tác Thái Lan, ông Nguyên cho biết nước này phát triển hơn Việt Nam khi có các sản phẩm nước chấm kỹ thuật cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn.
"Hai bên sẽ kết hợp, đầu tư vốn và khai thác thị trường Việt Nam. Sản phẩm là thương hiệu của hai bên, chỉ có công nghệ và kỹ thuật từ Thái Lan sẽ được chuyển giao về Việt Nam", ông nói.
Để đẩy mạnh sự hợp tác với nước ngoài, KDC sẽ nới room ngoại lên 100%. Các nhà đầu tư Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore mong muốn đầu tư vốn và khai thác sản phẩm ở thị trường Việt Nam nhằm tận dụng kênh phân phối của KDC.
"KDC muốn mở room 100% để các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể đóng góp về tài chính và KDC có cơ hội tham gia mua những đơn vị cùng ngành ở nước ngoài."
KDC quyết định gia nhập vào ngành thực phẩm và gia vị từ năm 2016 sau khi bán đi mảng bánh kẹo. Năm 2017, KDC thâm nhập vào ngành hàng thực phẩm chế biến khi sở hữu 50% vốn Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco. Đây là doanh nghiệp có quy mô trong ngành hàng thực phẩm chế biến với các mặt hàng xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà 25.000 con/ngày. Bước đầu, các sản phẩm của Dabaco sẽ sử dụng hệ thống phân phối và đông lạnh sẵn có của KDC để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc KDC, cho rằng tham vọng của KDC là lấp đầy gian bếp Việt của người tiêu dùng. Do đó, công ty sẽ tiến hành M&A các mặt hàng tươi sống và sắp tới sẽ đưa ra sản phẩm trong ngành này. Theo bà Liễu, mảng dầu ăn là mảng cốt lõi đầu tiên sau khi doanh nghiệp bán đi mảng bánh kẹo, tuy nhiên KDC sẽ không dừng lại ở đó. Đối với mặt hàng lạnh, KDC không chỉ có kem và sữa chua mà còn làm những sản phẩm tiện ích như chả lụa, bánh bao, há cảo...
Với 50 triệu cổ phiếu quỹ, ông Nguyên cho biết hiện đã có đối tác muốn mua lại số cổ phiếu quỹ này. Nếu bán 50 triệu cổ phiếu quỹ thì KIDO thu về 2.500 tỷ đồng do mục tiêu bán phải trên 50.000 đồng/cổ phiếu. Hiện chưa đạt giá mục tiêu. Nếu bán thì số tiền đó để chia cổ tức bất thường cho cổ đông như trước đây bán mảng bánh kẹo.
Kế hoạch năm 2017, KDC dự tính sẽ đạt 7.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3,4 lần năm 2016, và 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, mảng thực phẩm đóng gói dự kiến đem về doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 240 tỷ đồng, còn mảng thực phẩm đông lạnh dự kiến có doanh thu 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận 250 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, KDC đạt doanh thu 2.239 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.507 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng kem chiếm phần lớn, hơn 45%, với mức tăng trưởng 30% trong năm qua.
Mảng kinh doanh dầu ăn chiếm 34,7% doanh thu trong năm qua. Cuối năm 2016, dầu Tường An đã chính thức trở thành công ty thành viên của KDC, đồng thời mới đây, KDC cũng nâng sở hữu Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51%. Ước tính KDC đang nắm hơn 30% thị phần dầu ăn tại Việt Nam. (NCĐT)
---------------------------
Vốn ngoại 'tìm' khách sạn 3-4 sao tại Việt Nam
Nhà đầu tư Hàn Quốc đang nhắm tới các khách sạn 3 và 4 sao ở TP HCM và khu du lịch tại Đà Nẵng, Hội An để mua lại.
Báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường đầu tư của khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, các nhóm nhà đầu tư đến từ châu Á đang đặc biệt chú trọng đến những tài sản là khách sạn tại các thành phố lớn hoặc các địa điểm nghỉ dưỡng. Việt Nam là một trong những thị trường được quan tâm nhiều. Nhà đầu tư Hàn Quốc đang phát đi tín hiệu săn tìm khách sạn 3 và 4 sao ở TP HCM, Đà Nẵng và Hội An để thu mua.
Nguyên nhân thị trường khách sạn thu hút sự quan tâm của khối ngoại, theo đơn vị tư vấn khảo sát này, là do sức hấp dẫn bởi tỷ suất lợi nhuận khá cao được đưa ra tại Việt Nam. Doanh thu phòng khách sạn tại thị trường này cũng cho thấy tăng trưởng tích cực. Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp quản trị khách sạn tham gia vào thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng đánh giá các dự án mới phần lớn là khách sạn, bên cạnh đó còn có khu resort có thêm dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô lớn có thể dẫn đến quan ngại dư thừa nguồn cung.(Vnexpress)
---------------------
Thuế nhập khẩu ô tô về 0%, gấp rút ứng phó
Đại diện Nhóm công tác công nghiệp ô tô-xe máy Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ gấp rút có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN sắp về 0%.
Nhóm công tác này nhận định xe lắp ráp trong nước còn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường còn nhỏ trong khi ngành công nghiệp phụ trợ non yếu, chỉ có rất ít linh kiện trong nước có sẵn cho các nhà sản xuất ô tô. Trong số các nhà cung cấp linh kiện hiện nay, trên 90% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và phần lớn các linh kiện xuất khẩu đều khác so với yêu cầu về các linh kiện cho thị trường trong nước.
“Do những bất lợi trên, các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, hậu cần và thuế nhập khẩu. Đó là lý do tại sao các chi phí sản xuất ô tô và hầu hết các linh kiện ô tô trong nước thường cao hơn Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất này có thể lên tới khoảng 10%-20%. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với ô tô nguyên chiếc của ASEAN khi từ năm 2018 thuế nhập khẩu xuống 0%” - nhóm công tác trên phân tích.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được những áp lực sau năm 2018, Nhóm công tác công nghiệp ô tô-xe máy đề nghị các nhà hoạch định chính sách cần bàn bạc với các doanh nghiệp để đưa ra nhóm giải pháp phát triển thị trường tăng trưởng ổn định; thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất để tránh áp lực cạnh tranh quá lớn đối với các nhà sản xuất xe trong nước từ năm 2018.
Ông Sumito Ishii, Tổng Giám đốc Công ty TNHH General Motors Việt Nam - Trưởng nhóm công tác, cho biết thêm hiện nay họ đang phải đương đầu với những bất lợi của nền sản xuất quy mô nhỏ và trình độ công nghệ không đáp ứng được yêu cầu trong nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô.
“Các nhà cung cấp linh kiện trong nước cần tập trung đáp ứng các yêu cầu về sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng và họ nên hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài. Đó là cách tiếp cận để phát triển sản xuất kinh doanh linh kiện ô tô” - ông Sumito Ishii khuyến nghị.
Trong khi đó đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) kiến nghị cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỉ lệ % linh kiện phụ tùng được nội địa hóa, góp phần giảm giá ô tô xuất xưởng tại Việt Nam.(PLO)
---------------------------
Tập đoàn TCC Thái Lan muốn kinh doanh bia Việt Nam
Trong các mảng kinh doanh ở Việt Nam, TCC rất quan tâm đến kinh doanh bia bởi nhận thấy Việt Nam có thương hiệu bia lâu đời, chất lượng tốt. Mong muốn có thể đưa thương hiệu bia Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Ngày 18-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TCC (Thái Lan).
Tại buổi tiếp, ộng Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết tập đoàn TCC đã quyết tâm mở rộng thị phần bán lẻ ở Thái Lan nên đã mua lại BigC Thái Lan. Điều này giúp TCC có thể xuất khẩu một số hàng hóa của Việt Nam sang Thái Lan, trong đó có nông sản. Đồng thời mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết trong các mảng kinh doanh ở Việt Nam, rất quan tâm đến kinh doanh bia bởi nhận thấy Việt Nam có thương hiệu bia lâu đời, chất lượng tốt. Mong muốn có thể đưa thương hiệu bia Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi CTHĐQT Tập đoàn TCC trong ngày ra mắt thương hiệu MM Mega Market Việt Nam
Thủ tướng khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn TCC .
Thủ tướng đánh giá cao việc Tập đoàn đã nộp khoản thuế 100 triệu USD cho Việt Nam. Đồng thời, mong muốn tập đoàn TCC là một tấm gương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc chấp hành nghiêm túc quy định về thuế, nhất là việc chống chuyển giá, trốn thuế.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn tạo điều kiện cho hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam có mặt trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn TCC. Hỗ trợ người nông dân Việt Nam trong tiêu thụ nông sản, qua đó, góp phần giúp người nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”.
Vào tháng 1-2016 Tập đoàn TCC đã hoàn tất thương vụ mua lại 19 trung tâm METRO Cash & Cary Việt Nam và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro từ tập đoàn Metro.
Gần một năm sau Tập đoàn TCC đổi tên Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam thành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam và cho ra đời thương hiệu mới MM Mega Market Việt Nam.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC cho biết thông qua hệ thống MM Mega Market, sẽ đẩy mạnh việc tiếp thị, phân phối sản phẩm từ Việt Nam sang Thái Lan cũng như các thị trường trong khu vực ASEAN mà TCC có mặt.