Giao dịch qua Samsung Pay chạm mốc 350 tỉ sau 6 tháng; Ngân hàng siết cho vay bất động sản; PGS.TS Vũ Minh Khương: Giao đất lâu chỉ thu hút nhà đầu cơ vào đặc khu; Thống đốc nói về việc mua lại 3 ngân hàng giá 0 đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 16-05-2018
- Cập nhật : 16/05/2018
Đề nghị Chính phủ chú ý “bong bóng” bất động sản
Nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã giúp tăng trưởng kinh tế năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đạt khá, nhưng còn nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là bất an xã hội.
Đó là những nội dung được đề cập trong phiên họp ngày 14-5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Đối với công tác điều hành trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chú ý đến các rủi ro, đặc biệt là rủi ro lạm phát. Hiện nay chỉ số CPI đang trong tầm kiểm soát, nhưng tới đây nếu điều chỉnh dịch vụ giáo dục, y tế… thì có thể tác động đến lạm phát. Đáng lưu ý, bà Ngân cũng cảnh báo rủi ro tiếp theo cần chú ý là "bong bóng" bất động sản và thị trường chứng khoán.
Trong khi Ủy ban Kinh tế cảnh báo "tình trạng sử dụng tiền điện tử, tiền ảo diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý", điều mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo nhất vẫn là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là năng lực sản xuất nội tại của khu vực doanh nghiệp trong nước. Dẫn con số năng suất lao động của VN chỉ bằng 7% Singapore, bằng 87% của Lào…, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng "đây là điều rất đáng suy nghĩ".
Đề cập đến vấn đề trật tự an toàn xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng "tình hình tội phạm khiến nhân dân bất an. Ngay tối qua mấy tên trộm xe máy đã đâm chết những người vây bắt chúng ngay tại TP.HCM". Tình hình khiếu kiện, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết kịp thời, luật quy định chủ tịch tỉnh phải tiếp dân mỗi tháng một lần, nhưng ông Đỗ Bá Tỵ cho biết khi đi tới một số tỉnh, 6 tháng chủ tịch mới tiếp dân một lần.
"Có nơi chủ tịch không có lịch tiếp dân, tôi hỏi tại sao không tiếp dân thì được trả lời là chủ tịch đợi dân đăng ký gặp thì mới tiếp. Đây là quy định của luật, chủ tịch tỉnh phải có lịch công bố công khai, chứ sao lại đợi dân đăng ký? Đề nghị Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc việc này" - ông Tỵ nói.
Dẫn chứng những hậu quả nghiêm trọng trong các dự án đầu tư như vụ cháy chung cư Carina, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ có hành động mạnh mẽ để người dân yên tâm, tránh tình trạng cứ để xảy ra cháy, xảy ra tai nạn rồi mới yêu cầu rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, trong khi đây là lĩnh vực đã có đầy đủ các quy định, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng cụ thể.(Tuoitre)
------------------------
Kinh tế xanh sẽ giúp tạo ra 24 triệu việc làm trên thế giới
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố một báo cáo nhấn mạnh từ nay đến năm 2030, 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới nếu các chính phủ thực hiện chính sách thúc đẩy một nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường, hay nói cách khác "nền kinh tế xanh".
Kinh tế xanh sẽ giúp tạo ra 24 triệu việc làm trên thế giới. Ảnh: ndtv.com
Báo cáo của ILO, mang tên “Việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới năm 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm”, cho biết những hành động nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt trên toàn cầu dưới 2 độ C sẽ dẫn đến việc tạo đủ việc làm để bù đắp cho 6 triệu việc làm bị cắt giảm ở những khu vực khác. Việc làm mới sẽ được tạo ra thông qua việc áp dụng các thông lệ bền vững trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả việc thay đổi cơ cấu năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.
Các dịch vụ hệ sinh thái - bao gồm thanh lọc không khí và nước, cải tạo và bón phân cho đất, kiểm soát dịch hại cũng như các công việc thụ phấn và bảo vệ động thực vật chống lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt - đóng góp (cùng với những công việc khác) vào việc bảo tồn nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và du lịch, sử dụng 1,2 tỷ người lao động.
Tuy nhiên sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Báo cáo tính toán hiện tượng này sẽ làm giảm 2% số giờ làm việc từ nay đến năm 2030.
Phó Tổng Giám đốc ILO, Deborah Greenfield cho biết các kết luận của báo cáo nhấn mạnh rằng việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường và các dịch vụ được cung cấp. Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ này và các thế hệ sau".
Ở cấp độ khu vực, việc làm sẽ được tạo ra tại châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, với số lượng việc làm lần lượt lên tới 3 triệu, 14 triệu và 2 triệu việc làm, nhờ các biện pháp được thực hiện trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, có thể có những việc làm bị cắt giảm tại Trung Đông (-0,48%) và châu Phi (-0,04%) nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục.
Báo cáo kêu gọi các quốc gia phải hành động khẩn cấp để đào tạo người lao động có các kỹ năng đáp ứng được sự chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế cũng như hành động để cung cấp bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi sang công việc mới, góp phần vào công tác phòng chống nghèo đói và giảm sự tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng.
Chuyên gia Catherine Saget, tác giả chính của báo cáo, cho rằng thay đổi chính sách ở các khu vực như Trung Đông hay châu Phi sẽ có thể bù đắp những mất mát về việc làm được dự kiến và giảm tác động tiêu cực của vấn đề. Các quốc gia có thu nhập thấp và một số nước thu nhập trung bình vẫn cần sự giúp đỡ để phát triển việc thu thập dữ liệu, áp dụng và cấp vốn cho các chiến lược nhằm chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững về mặt môi trường và một xã hội chú trọng tới từng cá nhân, ở mọi tầng lớp xã hội.
Nếu các biện pháp được thực hiện nhằm chống biến đổi khí hậu đôi khi có thể dẫn đến thực tế cắt giảm việc làm trong ngắn hạn, các chính sách thích hợp sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của vấn đề cắt giảm việc làm trong ngắn hạn nêu trên.
Báo cáo kêu gọi sự phối hợp giữa các chính sách môi trường và các chính sách bảo trợ xã hội, những yếu tố sẽ hỗ trợ cả thu nhập của người lao động và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.(TTXVN)
--------------------------
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Vinfast sẽ sản xuất thêm xe buýt điện
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - thông báo thông tin này nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại dự án tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện Vinfast chiều 13-5.
Toàn cảnh tổ hợp sản xuất của Vinfast (góc bên phải) - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Theo lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, mục tiêu của kế hoạch này nhằm góp phần cải thiện chất lượng hệ thống phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, đồng thời với việc sản xuất xe máy điện và ôtô điện cỡ nhỏ, Vinfast mong muốn sẽ góp phần tạo nên bước đột phá trong vấn đề giảm thiểu lượng khí thải ô nhiễm ra môi trường.
"Đến nay, Vinfast đã cơ bản hoàn tất việc thống nhất cùng với các đối tác quốc tế uy tín để đảm bảo ra đời những dòng sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường" - ông Phạm Nhật Vượng nói.
Như vậy với riêng lĩnh vực sản xuất ôtô, Vinfast sẽ cho ra thị trường 5 dòng sản phẩm bao gồm: xe 5 chỗ (sedan), xe thể thao việt dã (SUV), xe cỡ nhỏ, ôtô điện và xe buýt điện. Tất cả đều dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của Tập đoàn Vingroup cùng thành phố Hải Phòng khi trong một thời gian ngắn đã triển khai cơ bản hoàn thiện tổ hợp công trình quy mô, hứa hẹn sớm cho ra thị trường những chiếc xe mang thương hiệu Việt với đẳng cấp quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm và coi trọng sự thành công của tổ hợp sản xuất ôtô mà Vinfast đang triển khai sẽ góp phần "nâng tầm" cũng như khẳng định sự tự chủ trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Sau hơn 8 tháng kể từ ngày khởi công, hiện khu nhà điều hành dự án của Vinfast đã cơ bản hoàn thiện. Khu nhà xưởng sản xuất xe máy đang trong giai đoạn được lắp đặt thiết bị, trong khi khu nhà máy sản xuất ôtô dự kiến sẽ lắp đặt thiết bị từ ngày 1-8.
Hiện Vinfast đã đàm phán, thỏa thuận xong hợp đồng với các công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máy móc cho 5 phân xưởng: xưởng dập, xưởng hàn thân xe, xưởng sản xuất động cơ, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, hoàn thiện và kiểm tra xe.
Ngoài ra, Vinfast cũng có một khu nội địa hóa riêng để đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện ôtô, xe máy nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Đến nay, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng và thiết kế xây dựng nhà xưởng tại khu nội địa hóa của Vinfast.
Trong số đó, dự kiến có 4 nhà máy Vinfast tự đầu tư, 2 nhà máy liên doanh và 2 nhà máy 100% vốn của nhà cung cấp.(Tuoitre)
-----------------------------