Philippines kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong quý 3
Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, kế hoạch mua 250.000 tấn gạo từ một trong các nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia để dự trữ trước mùa mưa bão.
Chủ tịch Uỷ ban Lương thực Quốc gia (NFA), Leoncio Evasco, đã trình lên Tổng thống Rodrigo Duterte kế hoạch này để chờ phê duyệt, thông tin từ phát ngôn viên của NFA, Angel Imperial cho biết.
Đây sẽ là hợp đồng nhập khẩu gạo đầu tiên trong của chính phủ mới nhậm chức cách đây 6 tuần. Ông Duterte mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo trong nhiệm kỳ 6 năm của mình.
Đây cũng là lần đầu tiên Philippines trở lại thị trường sau 6 tháng vắng bóng, và các nước xuất khẩu hy vọng động thái này sẽ hỗ trợ giá gạo châu Á – vốn đang giảm trong mấy tuần gần đây do nhu cầu yếu.
Dự trữ gạo của NFA tính tới 31/7 đủ dùng trong 25 ngày. Ông Imperial cho biết mức dự trữ yêu cầu cho mùa giáp hạt tối thiểu là 30 ngày.
Nguồn tin Chính phủ cho biết việc nhập khẩu sẽ được tiến hành thông qua hình thức hợp đồng liên chính phủ, và các nhà cung cấp Việt Nam, Thái Lan và Campuchia sẽ chào giá. Hàng dự kiến sẽ giao trước khi kết thúc quý 3.
Thị trường que hàn: Hàng nội đáp ứng tới 80%
Từ chỗ phụ thuộc vào nhập khẩu, ngành sản xuất que hàn “nội” hiện không chỉ đáp ứng tới 80% nhu cầu sử dụng trong nước, mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Thị trường que hàn tại Việt Namđã có sự biến chuyển nhanh chóng trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp trong nước đã nắm phần cung cấp chính cho toàn thị trường, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
Sở hữu 6 công ty thành viên, với 4 nhà máy quy mô lớn tại Hưng Yên, Quảng Trị, Long An và Bình Phước, Công ty CP Tập đoàn Kim Tín hiện là nhà sản xuất và cung ứng sản xuất que hàn, dây hàn, kim loại màu, đinh thép lớn trên thị trường.
Nếu năm 2001, nhà máy đầu tiên của Kim tín được đầu tư xây dựng, chỉ có công suất 4.000 tấn/năm, thì hiện giờ, hàng năm, Kim Tín đã có năng lực cung cấp vài chục ngàn tấn sản phẩm.
Dự án mới nhất được Kim Tín đưa vào hoạt động vào đầu quý II/2016 là Nhà máy sản xuất Vật liệu hàn Kim Tín Hưng Yên, với 4 dây chuyền hiện đại, hàng tháng cung ứng 1.800 tấn sản phẩm.
Trong số các doanh nghiệp sản xuất que hàn, Công ty CP Phát triển Tân Nam Đô (Tanador) là nhà cung ứng que hàn, dây hàn và vật tư ngành hàn mang thwownghieuej NAHAVIWEL, với hệ htoongs phân phối trên hầu khắp các tỉnh, thành và đã xuất khẩu sang 20 nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Bangladesh, Lebanon, Mauritius, Sri Lanka, Brazil….
Phó Tổng Giám đốc Cty Tân Nam Đô cho biết, thị trường nội địa đang chiếm tỷ trọng 50% trong cơ cấu tiêu thụ sản phẩm que hàn và dây hàn của Công ty,với sản lượng 400-500 tấn/tháng, đồng thời Công ty sản xuất khoảng 400 tấn que hàn phục vụ xuất khẩu.
Ở phân khúc cao hơn, thị trường que hàn trong nước phần lớn là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, do các công ty thương mại nhập khẩu và phân phối.
Tại phía Bắc, Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức có năng lực cung ứng gần 15.000 tấn sản phẩm/năm. Theo Giám đốc CTCP que hàn Việt Nam, nếu chục năm trở về trước, sản phẩm que hàn Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, thì với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, hàng Trung Quốc đã dần lùi bước. Đó là lý do, que hàn của các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã chiếm tới 75-80% thị phần. Năm 2016, Việt Đức đặt mụa tiêu sản xuất 14.000 tấn, gồm 11.000 tấn que hàn và 3.000 tấn dây hàn.
Nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất que hàn trong những tháng qua cũng đã được trút bỏ, khi mới đây, Bộ Công Thương đồng ý áp dụng quy chế miễn trừ cho các doanh nghiệp khi nhập khẩu thép dây hợp kim dùng để sản xuất vật liệu que hàn, thay vì để nguyên liệu này phải chịu thuế tự vệ 14,2%, do hầu hết nguyên liệu làm que hàn đều đang nhập khẩu.
Cùng với đó, CTCP Thép Hòa Phát đã công bố tham gia sản xuất loại thép làm que hàn vào quý III/2016, nhằm giúp doanh nghiệp vật liệu hàn trong nước chủ động được nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.(Vinanet)
Nhu cầu sụt giảm, ngành than gặp khó
Ngành than trong nước đang gặp khó khăn do nhu cầu sử dụng sụt giảm và sự cạnh tranh gay gắt với nguồn than nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, sản xuất kinh doanh của ngành than trong thời gian qua, về cơ bản đã đáp ứng tốt các chủng loại than theo nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ sử dụng khác.
Tuy nhiên, ngành than trong nước đang gặp khó khăn do nhu cầu sử dụng sụt giảm và sự cạnh tranh gay gắt với nguồn than nhập khẩu.
Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngành than gặp khó do Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Uông Bí... gặp sự cố phải dừng sản xuất; tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện cũng không đúng theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt.
Về nhu cầu, ông Hưng cho hay, các nhà máy phân bón giảm sản lượng và hoạt động cầm chừng do gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm và hạn hán.
Các nhà máy xi măng đang có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ, một số hộ tiêu thụ như Hoà Phát, các đơn vị sản xuất gạch xây dựng có xu hướng sử dụng than sản xuất trong nước và than tự nhập khẩu để sử dụng .... nên các doanh nghiệp trong ngành gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm.
Trong 7 tháng qua, sản lượng than sạch đạt 17,8 triệu tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ, nhưng sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại giảm tới 9,6%. Điều này phần nào cho thấy áp lực lớn cạnh tranh đối với sản phẩm than nhập khẩu.
Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), do nhu cầu từ các hộ sử dụng giảm, nên tập đoàn cũng phải giảm khoảng 2,5-3 triệu tấn than.
Về thuế tài nguyên hiện nay, khi so sánh Việt Nam với các nước trong 5 năm vừa qua, mức thuế này tăng liên tục. Cụ thể, 6 năm trước là 3% nhưng nay là khoảng 12%. Điều này tác động tới sức cạnh tranh của than trong nước.
Ngoài ra, theo TKV, giảm sản lượng để giữ ổn định việc làm, sản xuất chỉ là khó khăn tạm thời trong năm 2016-2017. Khi sang năm 2018, các dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 sẽ tăng hết công suất sản xuất và dự kiến, sẽ thêm được 4 triệu tấn than.
Vào năm 2019, Nhà máy Vĩnh Tân 2 cũng thêm 4 triệu tấn nữa. Nếu không giữ được tốc độ sản xuất thì đến lúc đó tăng thêm được 8 triệu tấn là rất khó khăn.
Vì vậy, đại diện lãnh đạo TKV cũng đề nghị các hộ sử dụng than, các ngành phối hợp đảm bảo ổn định sản xuất, để khi nhu cầu tăng cao sau năm 2018 sẽ đáp ứng được cung ứng than cho các hộ một cách tốt nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, trong khi than nhập khẩu giá rẻ hơn than trong nước, nếu Chính phủ không có giải pháp can thiệp thì than nhập khẩu sẽ tràn vào nhiều hơn.
Các hộ trong nước sẽ thay vì mua than của TKV sẽ có thiên hướng nhập than nước ngoài, đặc biệt là các hộ không yêu cầu đặc tính than như điện, xi măng... Như vậy rõ ràng TKV đang trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài việc chỉ đạo TKV cần chủ động cân đối tài chính ở mức tối thiểu, giảm tồn kho thì để hỗ trợ cho TKV và duy trì cho sản xuất lâu dài, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các hộ tiêu thụ sản xuất, đặc biệt là các nhà máy điện trong ngành như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...triệt để tuân thủ các quy định trong hợp đồng các bên đã ký về sử dụng than. Không vì lợi ích trước mắt mà không tuân thủ nghiêm túc, để về lâu dài có đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất.
Sôi động thị trường lúa nếp
Năm nay, nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo tăng mạnh, thương lái và nông dân cũng “sốt” theo. Quý I/2016, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến, đạt 1,9 triệu tấn do các hợp đồng lớn từ thị trường tập trung Philippines, Indonesia, Trung Quốc… gối đầu chuyển sang còn nhiều.
Trong khi đó, vụ đông xuân 2015 - 2016 do hạn mặn nên sản lượng lúa ĐBSCL giảm 700 nghìn tấn, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu hạn chế. Giá lúa tăng mạnh, loại hạt dài có giá 5.000 - 5.100đ/kg, loại thường 4.650 - 4.750đ/kg. Theo Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa là 3.449đ/kg, như vậy nông dân lãi đậm, bình quân 30 triệu đồng/ha.
Theo thông tin dự báo, tình hình xuất khẩu gạo còn tiếp tục sáng sủa đến hết năm. Do vậy, thương lái đổ xô đi đặt cọc nông dân để mua lúa của vụ tiếp theo với giá lúa loại thường IR50404 là 4.450đ/kg, loại hạt dài như các giống OM có giá 4.900đ/kg. Sản xuất lúa nếp còn trúng mùa, trúng giá đậm hơn. Giá lúa nếp từ vụ đông xuân sang hè thu sớm liên tục tăng dần lên 6.800đ/kg. Năng suất lúa nếp đạt bình quân 9-9,5 tấn/ha. Trừ mọi chi phí, nông dân lãi 50 triệu đồng/ha.
Có thể nói, chưa năm nào giá nếp tăng cao và giữ ổn định như năm nay. Lợi nhuận trồng lúa so với nếp chêch lệch nhau 20 triệu đồng/ha, khiến nông dân nhiều nơi đổ xô bỏ lúa trồng nếp. Tuy chưa có con số thống kê, nhưng ước tính, bình quân ở mỗi tỉnh ĐBSCL diện tích trồng nếp đã tăng ít nhất 3.000 ha và sẽ tiếp tục tăng vì thương lái bao giá với tuyên bố mạnh: có bao nhiêu nếp cũng mua! Thị trường tiêu thụ nếp chủ yếu là Trung Quốc. Thương lái tuyên bố mạnh vì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: năm 2015, xuất khẩu nếp Việt Nam sang Trung Quốc đạt 391.800 tấn, giảm 5,9% so với năm 2014. Nhưng chỉ riêng tháng 3/2016, sản lượng xuất khẩu nếp Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục 114.000 tấn, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ 2015. Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho biết, thị trường xuất khẩu lúa nếp sắp tới vẫn sôi động vì hợp đồng xuất khẩu mặt hàng này của các DN thành viên VFA sang Trung Quốc vẫn còn gần 330 nghìn tấn. Niềm tin của nông dân và thương lái lại càng được củng cố khi nguồn gạo thơm nguyên liệu cũng thiếu hụt, giá tăng cao. Theo VFA, gạo thơm Jasmine Việt Nam giao dịch tháng 4/2016 có giá 470-475 USD/tấn, sang tháng 5 do nguồn cung khan hiếm, giá vọt lên 485 USD/tấn.
Bước sang quý II/2016, thương lái choáng váng khi xuất khẩu gạo giảm mạnh, kéo giá lúa giảm theo. VFA chỉ đề ra kế hoạch xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo, thấp hơn 400 nghìn tấn so với quý I. Nguyên nhân được VFA lý giải là hợp đồng xuất khẩu phân khúc gạo thông dụng sang các thị trường tập trung đã thực hiện xong, hợp đồng mới ký thì gặp rất nhiều khó khăn nên giá lúa giảm.
DN cho biết, giá lúa giảm còn là vì chất lượng lúa hè thu luôn kém hơn đông xuân lại gặp mưa nhiều, khi xay xát gạo bị gãy, bể hạt. So với vụ đông xuân, giá lúa hè thu thấp hơn 400 - 500đ/kg. Những thương lái đã bỏ cọc mua lúa giá cao giờ phải lặn lội tìm chủ lúa năn nỉ giảm bớt 200đ/kg, nếu không thì bỏ cọc. Nông dân buộc phải chấp nhận vì không bán lúa cho lái thì bán cho ai! Thế nhưng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 giá lúa ĐBSCL tiếp tục giảm sâu, loại IR50404 chỉ còn 4.200-4.300đ/kg, loại hạt dài 4.500-4.600đ/kg, thấp hơn 500đ/kg so với giá đầu tháng 5. Do tình hình gặp nhiều khó khăn nên VFA dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,9 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Sáu tháng cuối năm, dự báo Việt Nam sẽ có nhiều cơ may đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo mà Trung Quốc phải nhập khẩu trong năm nay bằng năm 2015, tức khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam là lựa chọn số 1. VFA cũng dự kiến, năm 2016 Trung Quốc sẽ nhập khẩu 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường tập trung dự báo nhập khẩu gạo năm 2016 như Philippnes giảm 200 nghìn tấn nhưng vẫn nhập 1,8 triệu tấn, Indonesia tuyên bố nguồn cung trong nước đủ cầu nhưng vẫn phải nhập 2 triệu tấn gạo… Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng, cho biết, quý III trở đi, xuất khẩu gạo có thể khởi sắc do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường quan trọng tăng. Liệu có quá lạc quan khi mà xuất khẩu gạo Việt Nam lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, và gạo Việt Nam lại chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch?
(
Tinkinhte
tổng hợp)