Nhu cầu vốn đầu tư công trong trung hạn cần hơn 10.975 tỷ đồng
Động lực mới từ Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ
TPP là cơ hội để Việt Nam "lớn lên"
Phút lặng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!
Tin kinh tế đọc nhanh 16-08-2016
- Cập nhật : 16/08/2016
Mỹ, Trung Quốc vượt Lào về xuất gỗ vào Việt Nam
Năm 2015, Lào và Campuchia là hai thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ chính cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Mỹ và Trung quốc đã vươn lên đứng đầu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục trở thành những thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗchính thứ 1 và 2 cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường có kim ngạch lớn thứ 3 trong 7 tháng năm 2016 là Campuchia…
Riêng đối với thị trường Lào, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh trong những tháng qua, tới tháng 6/2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này chỉ còn 1,5 triệu USD. Tính chung kim ngạch 6 tháng đầu năm 2016 đạt 74 triệu USD, bằng 1/3 cùng kỳ năm trước.
Năm 2015, Lào và Campuchia là hai thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng lưu ý, kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giảm từ tháng 9/2015, do chính phủ Lào ban hành chính sách cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu chưa qua chế biến có hiệu lực từ tháng 8/2015. Các năm trước các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hơn 70 chủng loại gỗ khác nhau từ thị trường này.
Giá nhập khẩu từ thị trường Lào tháng 7/2016 giảm thêm thêm 9,25% so với tháng trước và giảm 19,93% so với tháng 7/2015.
Các doanh nghiệp nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là gỗ xẻ, kim ngạch gỗ xẻ gấp hơn 20 lần kim ngạch gỗ tròn, đây là nguồn cung gỗ nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại gỗ quý, bao gồm loại gỗ có tên trong các nhóm 1-2 trong bảng phân loại gỗ của Việt Nam được nhập khẩu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam.
Các loại gỗ thuộc nhóm gỗ quý được nhập khẩu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng cho thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ.
Các loại gỗ thuộc các nhóm phổ thông hơn được đem vào chế biến và sử dụng tại thị trường nội địa của Việt Nam.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2015.(VnEconomy)
Brexit có thể bị hoãn tới cuối năm 2019
Thủ tướng Anh Theresa May được chờ đợi sẽ cho thực thi Điều 50 từ tháng 1/2017, nhưng thời hạn này có thể phải lùi lại vì nhiều bộ, ngành liên quan chưa sẵn sàng cho Brexit. Ảnh: Getty Images.
Các bộ trưởng Anh hôm qua nói rằng, việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể bị hoãn tới cuối năm 2019, muộn gần 1 năm so với dự đoán, vì các bộ, ngành chưa sẵn sàng bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài.
Thủ tướng Anh Theresa May có thể phải hoãn việc thực thi Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU. Điều 50 quy định cách thức một nước thành viên rời khỏi EU. Trước đó, người ta trông chờ bà Theresa May, 59 tuổi, sẽ cho thực thi Điều 50 trong vòng 5 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2017.
Đến nay, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit, ông David Davis, mới tuyển được chưa đầy một nửa số nhân viên cần thiết để vận hành bộ của mình. Ông cần 250 nhân viên. Ngoài Bộ Brexit, các bộ, ngành liên quan thương mại quốc tế cũng bị chậm kế hoạch, có khả năng không kịp sẵn sàng cho mốc thời gian tháng 1/2017.
Một lý do nữa khiến Anh có thể chậm thực hiện Brexit là bầu cử ở Pháp và Đức sẽ diễn ra vào giữa năm sau. Một quan chức giấu tên nói với báo Anh Sunday Times: “Bạn không thể đàm phán khi không biết bạn đang đàm phán với ai”.
Điều này đồng nghĩa với việc Anh có thể sẽ không bắt đầu tiến trình đàm phán chính thức kéo dài 2 năm để rời khỏi EU cho đến khi Pháp bầu cử vào tháng 5/2017 hoặc cho đến khi Đức kết thúc bầu cử vào tháng 9 năm sau.
Trước đây, Bộ trưởng Brexit David Davis và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox nói họ hy vọng Anh sẽ rời EU vào đầu năm 2019. Nhưng với tình trạng nhiều bộ đang xây dựng từ con số không, thiếu hụt nhân sự trầm trọng như hiện nay, Anh có thể sẽ ở lại EU cho đến tận cuối năm 2019, nhiều nguồn tin nhận định. Bộ trưởng Fox hiện có chưa đầy 100 chuyên gia chính sách thương mại, trong khi ông cần tới 1.000 người.
Việc hoãn Brexit có khả năng dẫn tới các cuộc biểu tình trên đường phố, ông Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP), cảnh báo. Các vấn đề liên quan kiềm chế làn sóng nhập cư và Brexit thất bại có thể khiến nhiều cử tri trẻ tham gia các nhóm cực đoan, SundayTimes nhận định.
Theo một nguồn tin, các bộ trưởng Anh tin rằng, việc bắt đầu thực hiện Điều 50 có thể diễn ra vào mùa thu năm 2017. Giới phân tích cho rằng, Anh muốn có các cuộc thương lượng mang tính chuẩn bị với các nhà lãnh đạo EU nhằm hiểu rõ những vấn đề trọng yếu.
Nhưng một quan chức chính phủ Anh nói rằng, họ vẫn chưa chắc chắn về việc thảo luận. Tuy vậy, người phát ngôn chính phủ Anh khẳng định, Thủ tướng Theresa May đã nêu rõ rằng, ưu tiên số một là thực hiện quyết định của người dân Anh về việc rời khỏi EU, thực hiện Brexit thành công.(Tiền phong)
Xuất khẩu cá rô phi sẽ tăng trưởng mạnh
VASEP dự báo xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng mạnh đạt kim ngạch 45 triệu USD, tăng 32% so với năm 2015 đồng thời tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng mạnh đạt kim ngạch 45 triệu USD, tăng 32% so với năm 2015. Đồng thời, VASEP dự báo hoạt động chế biến và xuất khẩu cá rô phi sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Đại diện VASEP cho biết, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam trong những năm qua có xu hướng tăng trưởng tích cực, đặc biệt có giai đoạn tăng trưởng 76%-265%.
Thị trường nhập khẩu cá rô phi Việt Nam cũng tăng mạnh, từ 8 thị trường năm 2005 đã lên tới 68 thị trường trong năm 2015. Trong đó, Mỹ , Colombia và EU là 3 thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất của Việt Nam.
Hiện tại Mỹ đang đứng đầu danh sách những thị trường nhập khẩu cá rô phi Việt Nam, chiếm khoảng 23% tỷ trọng xuất khẩu. Việt Nam cũng là nguồn cung lớn thứ 3 của thị trường này chỉ sau Trung Quốc và Đài Loan, chiếm 10% thị phần.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá rô phi sang thị trường này đạt hơn 2 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cá rô phi tươi/ướp lạnh phile (mã HS 0304) được nhập khẩu nhiều nhất sang thị trường này, chiếm 74-84% giá trị nhập khẩu; tiếp đó là cá rô phi đông lạnh nguyên con.
Cá rô phi đang đứng thứ 4 trong tốp 10 loại thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ. Riêng ở Colombia, Việt Nam là nguồn cung số 1 về cá rô phi ở thị trường này, chiếm 53-63% thị phần, với thế mạnh là cá rô phi nguyên con đông lạnh. Ngoài ra, EU, châu Phi và Nam Mỹ cũng là thị trường tiềm năng cho mặt hàng thủy sản này.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam sang các thị trường đã tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD. Các dự báo khác cũng cho thấy, tiêu thụ cá rô phi đang tăng trưởng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Nhìn lại cơ cấu tổng giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng cá rô phi mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn, thế nhưng ngành hàng này đang có nhiều tiềm năng cả về dư địa nuôi trồng và tiêu thụ để trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản, tính đến cuối năm 2015, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước trên 25.700ha với sản lượng đạt 187.000 tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Cá rô phi thuộc họ thịt trắng, dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn lại không đòi hỏi chất lượng cao và giá thành sản xuất thấp.
Bên cạnh đó, với hệ thống sông, hồ chứa trải rộng khắp cả nước và nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu còn lớn thì cá rô phi đang được định hướng phát triển thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2020, định hướng 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng cá rô phi của cả nước sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, trong đó có khoảng 50-60% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành hướng dẫn áp dụng VietGap vào nuôi cá rô phi để ổn định chất lượng sản phẩm ngay từ những ngày đầu phát triển. Hiện có 4 dự án đầu tư vùng nuôi rô phi tập trung để phục vụ cho xuất khẩu tại Quảng Ninh, Đắc Lắk, Kiên Giang và Sóc Trăng đang được xây dựng thực hiện.
Trong bối cảnh ngành thủy sản còn nhiều khó khăn, thách thức ở nội tại ngành thì việc đa dạng hóa các sản phẩm nuôi trồng sẽ giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.
Và rõ ràng, để hiện thực được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cũng phải khắc phục những khó khăn, hạn chế về mặt chất lượng giống, khâu tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu, công tác tác quản lý thức ăn, thuốc thú y; vấn đề an toàn thực phẩm từ sản xuất đến chế biến.
Gửi hồ sơ gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ dầu thực vật nhập khẩu trước 8/11
Nếu ngành sản xuất trong nước thấy cần gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu phải gửi hồ sơ yêu cầu gia hạn cho Bộ Công Thương trước ngày 8/11/2016.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có thông báo thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu đến các doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 23/8/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau vào Việt Nam.
Ngày 10/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8287/QĐ-BCT thông báo về kết quả rà soát giữa kỳ việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nêu trên.
Theo đó, mức thuế tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện kể từ ngày 08/5/2016 đến 7/5/2017 là 2%; từ 08/5/2017 trở đi (nếu không gia hạn) mức thuế là 0%.
Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xem xét gia hạn áp dụng biện pháp trên cơ sở hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Hồ sơ phải được gửi cho Bộ Công Thương chậm nhất là 06 tháng trước ngày biện pháp tự vệ hết hiệu lực.
Trong vụ việc này, nếu ngành sản xuất trong nước thấy cần gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ phải gửi Hồ sơ yêu cầu gia hạn cho Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 10.1 và Điều 26 của Pháp lệnh 42 trước ngày 08/11/2016.(chinhphu.vn)