tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-08-2016

  • Cập nhật : 16/08/2016

Kinh tế Nhật giảm tốc mạnh lại thúc ép nới lỏng chính sách

Tăng trưởng kinh tế của Nhật giảm tốc mạnh trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 đã tạo sức ép lớn đến nội các của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc phải triển khai mạnh mẽ hơn các biện pháp kích thích kinh tế. NHTW Nhật (BOJ) cũng không ngoại lệ.

nhtw nhat dang chiu suc ep phai noi long hon nua tien te

NHTW Nhật đang chịu sức ép phải nới lỏng hơn nữa tiền tệ

Số liệu của văn phòng nội các Nhật công bố hôm nay (15/8) cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý thứ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 0,7% và càng thua xa mức tăng trưởng 2% của quý kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 (theo số liệu chỉnh sửa).

So với quý trước, kinh tế của Nhật không có tăng trưởng trong quý vừa qua, thấp hơn dự báo thị trường là nền kinh tế sẽ tăng 0,2% so với quý trước.

Trong đó, tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm khoảng 60% GDP của Nhật, chỉ tăng 0,2% trong quý vừa qua, phù hợp với dự báo thị trường nhưng chậm hơn nhiều so với mức tăng 0,7%của quý trước đó.

Trong khi chi tiêu đầu tư tiếp tục giảm 0,4% trong quý tháng 4-6 sau khi giảm 0,7% trong quý đầu tiên, cho thấy sự thiếu bền vững về triển vọng kinh tế toàn cầu và sự yếu kém của cầu nội địa khiến các doanh nghiệp tiết giảm chi tiêu.

Nhu cầu bên ngoài yếu cũng cắt xén 0,3 điểm phần trăm của tăng trưởng chung lần đầu tiên trong 4 quý, nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tăng trưởng toàn cầu chậm chạp đến nền kinh tế hướng đến xuất khẩu như Nhật.

Tuy nhiên đầu tư nhà ở đã tăng 5,0%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011, một phần do chính sách tiền tệ siêu lỏng của BOJ, Văn phòng Nội các Nhật cho biết.

Sự chậm lại của nền kinh tế đang đẩy các nhà hoạch định chính sách Nhật đối mặt với trước thách thức lớn là phải đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài hai thập kỷ bằng cách mở rộng các chương trình kích thích kinh tế đã được triển khai trước đây, vốn được gọi là chính sách Abenomis, song hiệu quả là rất yếu.
"Nói chung nền kinh tế đang rất trì trệ. Chi tiêu tiêu dùng yếu mà một trong những nguyên nhân là mức tăng lương thấp. Bên cạnh đó, những bất ổn của các nền kinh tế bên ngoài làm chững lại dòng vốn đầu tư", Norio Miyagawa - Nhà kinh tế cấp cao Công ty chứng khoán Mizuho nói.

"Chính phủ đã công bố một gói kích thích kinh tế lớn, vì vậy câu hỏi tiếp theo là hành động của BOJ sau khi xem xét lại toàn diện các chính sách của mình, mà chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong đạt được  mức lạm phát mục tiêu".

Được biết, hồi đầu tháng này, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt một gói kích thích kinh tế bao gồm các biện pháp tài chính trị giá 13,5 nghìn tỷ yên (133 tỷ USD) với hy vọng sẽ giúp nền kinh tế vượt qua những cơn gió ngược bên ngoài để duy trì sự phục hồi vừa phải.

Tuy nhiên BOJ chỉ mở rộng kích thích kinh tế ở mức tối thiểu trong tháng trước với việc gia tăng khiêm tốn chương trình mua tài sản rủi ro. Bởi vậy hiện BOJ đang phải chịu áp lực rất lớn về việc mở rộng nới lỏng hơn nữa sau khi tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của chương trình kích thích kinh tế của mình.(TBNH)


Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Theo các chuyên gia, rào cản thương mại đang là vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam...

Gạo, sắn gặp khó

Chia sẻ những khó khăn về xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho hay, có một thực tế diễn ra là từ đầu năm đến nay, hợp đồng xuất khẩu ký ra không nhiều nhưng mỗi lần thực hiện thì giá cả trong nước lại có sự biến động rất lớn.

dn can cai thien chat luong nong, lam, thuy san

DN cần cải thiện chất lượng nông, lâm, thủy sản

Thông thường, mọi năm nếu vào vụ lúa gạo, trong trường hợp có những hợp đồng lớn thì thị trường vẫn hấp thụ được, hoặc giá cả cũng chỉ biến động đôi chút nhưng năm nay, việc thực hiện các hợp đồng lớn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu theo Hiệp hội lương thực Việt Nam thống kê và số liệu các DN báo cáo, đạt con số 3 triệu tấn với kim ngạch 1,3 tỷ USD.

Phân tích về các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam, bà Tâm cho hay, đối với thị trường Trung Quốc những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn nhưng năm nay rất khó khăn vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi lớn, và hiện họ đang chuyển hướng sang nhập gạo từ Thái Lan, Campuchia, Myanma…

Đối với nhóm các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia, nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia này đã xuất hiện nhưng số lượng không được như kỳ vọng. Với thị trường châu Phi, nói là thị trường thấp cấp, nhưng hiện nay nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp cũng rất nhiều. Hiện Thái Lan đang phủ thị trường này do khả năng đáp ứng được các yêu cầu khác nhau từ cao cấp đến thấp cấp, mặt khác, cước phí vận chuyển từ Thái Lan sang châu Phi cũng rất cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay: Đối với lúa gạo, lâu nay chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu sang và phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhưng hiện lại chưa ký được các hợp đồng tập trung để dẫn dắt thị trường, trong khi lại chịu áp lực giảm giá từ việc Thái Lan xả hàng để giảm tồn kho.

Trung Quốc sẽ siết chặt tiểu ngạch

Theo các chuyên gia, rào cản thương mại đang là vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam, năm nay, Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu, thậm chí hàng tiểu ngạch cũng phải đáp ứng các yêu cầu như chính ngạch đã khiến nhiều nông sản Việt không có hướng giải quyết. Hai tháng qua, mặt hàng sắn đã bị đóng cửa hoàn toàn tại Lạng Sơn.

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường Trung Quốc, chiếm 28,5% tổng lượng xuất khẩu nông - lâm -thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê này vẫn chưa đầy đủ vì xuất khẩu theo đường tiểu ngạch là rất lớn.

“Chúng tôi đã cử đoàn sang làm việc với Trung Quốc, bạn đã ghi nhận và hứa tạo điều kiện tối đa cho nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam. Nhưng thông điệp của họ là sẽ siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu theo đường tiểu ngạch để chống buôn lậu, đồng thời, sẽ tăng cường giám sát chất lượng, kiểm soát đầu mối được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, giám sát nhà máy chế biến, sản xuất. Do vậy, nông dân, DN trong nước cần cải thiện chất lượng nông, lâm, thủy sản”, bà Thảo cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản do chúng ta chưa đàm phán chính thức theo đường chính ngạch thì xuất khẩu tiểu ngạch cũng cần có cách làm phù hợp.

Để tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu gạo trong thời gian tới, bà Tâm cho rằng rất cần sự can thiệp của Chính phủ để ký các hợp đồng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần đề xuất lên Chính phủ về vấn đề này. Đồng thời, giảm thuế VAT cho các DN xuất khẩu để xây dựng thương hiệu.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là cho mặt hàng gạo tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và thị trường châu Phi.

Đặc biệt, cần phải tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động, tiếp cận với các thị trường đang tăng cường rào cản như Mỹ (đối với cá tra và chè). Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác sang Mỹ vào tháng 11/2016 để vận động Hạ nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Thượng nghị viện Mỹ về việc dừng triển khai chương trình thanh tra cá da trơn theo Luật Nông trại (Farm Bill 2014)…(TBNH)


Thách thức AEC

Sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng hoá và dòng vốn đầu tư từ ASEAN ngay trước khi AEC chính thức thành lập cho thấy nhiều NĐT trong khu vực đã sớm tính toán và có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội. 

Trong khi dành quá nhiều lưu tâm cho TPP và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, các cơ quan quản lý và DN lại chưa nhận thức đầy đủ về những áp lực cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập.

Chính vì tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” nên các cơ hội từ AEC hiện nay chưa được tận dụng hết, trong khi thách thức từ gia tăng nhập khẩu, cạnh tranh của hàng hóa và dòng đầu tư từ ASEAN tại thị trường Việt Nam đã hiện hữu. Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cảnh báo điều này như một thách thức của tiến trình hội nhập.

Thách thức thấy rõ nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ ASEAN đã tăng khá nhanh trong những năm qua, và cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong số các nước thuộc ASEAN, Việt Nam có thặng dư thương mại không đáng kể với Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar, song lại thâm hụt thương mại rất lớn với Thái Lan (3,45 tỷ USD).

Đáng lưu ý, hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất và rau củ quả có mặt ngày càng nhiều ở các hệ thống phân phối của Việt Nam, cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của DN Việt Nam. Một số NĐT Thái Lan vừa qua cũng đã gia tăng sở hữu các cơ sở bán lẻ tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở phân phối, NĐT Thái Lan thời gian gần đây cũng tận dụng cơ hội từ hội nhập để đẩy mạnh “tấn công” vào nhiều lĩnh vực sản xuất như nông sản, thức ăn chăn nuôi, xây dựng…

Một NĐT quan trọng khác trong ASEAN cũng đã sớm đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, đó là Singapore. Theo số liệu từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7/2016 có 3.040 dự án đầu tư còn hiệu lực từ các nước ASEAN vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,47 tỷ USD.

Trong đó Singapore là nước dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Hiện nay Singapore cũng là NĐT nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam.

Sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng hoá và dòng vốn đầu tư từ ASEAN ngay trước khi AEC chính thức thành lập cho thấy, nhiều NĐT trong khu vực đã sớm tính toán và có sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên từ phía Việt Nam, cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN còn quá “đủng đỉnh” ngay cả khi AEC đã có hiệu lực.

Báo cáo của CIEM lưu ý, các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc).

Mức cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa khá cao trong AEC là lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, đồng thời tạo điều kiện cho các DN hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.Vì vậy, cần nhìn nhận ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu.

Theo đó, DN hoạt động thương mại hoặc sản xuất cần tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN thông qua việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Song đáng tiếc là hiện nay các DN Việt Nam chỉ lưu tâm đến ưu đãi thuế nhập khẩu nếu mức ưu đãi là đủ lớn. Trong khi đó, rất ít DN quan tâm đến việc đòi hỏi chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu, do vậy khi xuất khẩu sang một nước ASEAN khác, ít DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ và không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Đây cũng chính là một nguyên nhân thương mại với ASEAN đã có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm khá nhanh về tỷ trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, tỷ trọng của ASEAN trong xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 18,30% năm 2012 xuống 14,39% năm 2015, và tỷ trọng trong nhập khẩu giảm từ 15,22% xuống 11,20% trong cùng giai đoạn. Như vậy, hoạt động thương mại Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, dường như vẫn tiếp tục chuyển hướng sang các đối tác thương mại lớn ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó các chuyên gia đánh giá, chính “sân chơi” như AEC mới là vừa sức với DN Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Sau khi đã va vấp tại đây, DN mới có điều kiện tích lũy kinh nghiệm và nguồn lực để nâng cao năng lực đón đầu các FTA tiêu chuẩn cao hơn.

Một lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo, để nền kinh tế sẵn sàng đi cùng con tàu hội nhập TPP vào năm 2018, hành trang của chúng ta phải là AEC. “Phải có được hành trang AEC thì khi lên tàu mới có được chỗ ngồi tươm tất, nếu không sẽ chỉ là ngồi nhờ hoặc đứng lờ vờ ngoài cửa toa mà thôi”, vị này ví von.(TBNH)


Xuất khẩu hơn 2,9 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm, trị giá gần 1,27 tỷ USD

Theo số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 7 cả nước đã xuất khẩu được 270.563 tấn gạo, trị giá FOB 120,109 triệu USD, trị giá CIF 122,266 triệu USD.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Như vậy trong tháng 7 xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và giá trị (trong tháng 6, xuất khẩu gạo đạt 380.002 tấn, trị giá FOB 172,906 triệu USD, trị giá CIF 174,048 triệu USD); giá xuất khẩu bình quân cũng giảm, chỉ đạt 443,92 USD/tấn FOB so với mức giá xuất khẩu bình quân là 455,02 USD/tấn FOB của tháng 6.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,928 triệu tấn, trị giá FOB 1,266 tỷ USD, trị giá CIF 1,306 tỷ USD.

Cũng theo VFA, trong tuần đến ngày 11/8/2016, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.900– 5.000 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 – 5.300 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.750 – 6.850 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.400 – 6.500 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.450 – 7.550 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.250 – 7.350 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.100 – 7.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục