Tổng thống Trump quyết bảo vệ hàng “Made in America“; Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội băng nhóm thao túng ngoại hối; EVN sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để vay vốn; Hà Nội đứng thứ 5 châu Á về taxi giá rẻ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-07-2017
- Cập nhật : 14/07/2017
Nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát
Mặc dù 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 2,7 tỷ USD nhưng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu có nhiều khả năng tăng mạnh, góp phần kiềm chế nhập siêu.
Theo Bộ Công Thương, trong các tháng cuối năm, dự báo tăng trưởng nhập khẩu sẽ giảm dần do xu hướng giảm giá một số mặt hàng như thép, phân bón, xăng dầu… Nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo (Dự án Samsung Display mới được cấp phép bổ sung 2,5 tỷ USD đã giải ngân gần xong).
Một lí do nữa là kim ngạch nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2016 ở mức thấp (trung bình khoảng 13 tỷ USD/tháng) và tăng mạnh trong những tháng cuối năm (trung bình hơn 15 tỷ USD/tháng). Do vậy, mức tăng tương đối của những tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 ở mức cao và sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Trong khi đó ở chiều ngược lại, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm. Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.
"Do vậy, dự báo nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ở mức khoảng dưới 3,5%", Bộ Công Thương ước tính.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hạn chế nhập siêu, việc quan trọng nhất là phải phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ đỡ phải nhập khẩu. Đặc biệt, nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước đang lấn át doanh nghiệp ngoại cho thấy doanh nghiệp trong nước có nhiều vấn đề yếu kém như hiệu quả đầu tư thấp, lệ thuộc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho biết thêm, nếu nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất thì sẽ cho thấy sản xuất được phục hồi trong thời gian tới. Song mặt khác cũng cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên – nhiên liệu nhập khẩu nên dù có năm xuất siêu thì cũng không bền vững và nhập siêu có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Ông Hồ dẫn chứng, năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, sang năm 2016 xuất siêu được gần 2,7 tỷ USD. Song chỉ trong bốn tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã quay trở lại ở mức 2,74 tỷ USD và con số này tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2017.
Để kiểm soát nhập siêu bền vững, theo các chuyên gia, cần phải củng cố nội lực của khối doanh nghiệp trong nước. Nếu tình trạng phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI kéo dài mãi thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể lớn nổi.(Baotintuc)
--------------------------
Hàn Quốc: Seoul chi thêm 2 tỷ USD để tạo thêm việc làm
Chính quyền thành phố Seoul của Hàn Quốc ngày 12/7 công bố kế hoạch chi ngân sách bổ sung trị giá 2.310 tỷ Won (tương đương 2,01 tỷ USD), phần lớn là nhằm tạo thêm việc làm.
Hàn Quốc đang nỗ lực mạnh mẽ để giải quyết thực trạng tỷ lệ người thất nghiệp, đặc biệt là thanh niên.
Trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu việc làm kéo dài trong suốt thời gian qua. Chính quyền thành phố đã đệ trình dự luật về khoản ngân sách bổ sung nói trên lên Hội đồng thành phố.
Đây là khoản tiền lớn nhất liên quan đến nỗ lực tạo việc làm trong 8 năm qua và tương đương 6% tổng ngân sách của Seoul trong năm nay, theo đó, chính quyền thành phố dự chi khoảng 135 tỷ Won trong ngân sách bổ sung này để tạo khoảng 13.000 chỗ làm cho thanh niên, những người nghỉ hưu sớm trong độ tuổi 50 - 60 và người cao tuổi.
Một phần trong ngân sách này cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ những phụ nữ muốn trở lại làm việc sau khi đã bỏ việc để chăm sóc con cái.
Bên cạnh đó, chính quyền Seoul dự kiến sẽ phân bổ 216,9 tỷ Won cho các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào việc cải thiện chất lượng không khí, an toàn xã hội, các loại phúc lợi y tế và hưu trí.
Ngoài ra, khoảng 55,2 tỷ Won sẽ được chi cho việc nâng cấp hạ tầng cơ sở đang xuống cấp của thành phố như hệ thống tàu điện ngầm và công viên.
Kế hoạch trên hoàn toàn phù hợp với nỗ lực mà Chính phủ Hàn Quốc đang theo đuổi, trong đó Tổng thống Moon Jae-in cam kết hỗ trợ một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường lao động, đặc biệt là tạo thêm khoảng 810.000 việc làm mới trong lĩnh vực công ngay trong nhiệm kỳ cầm quyền 5 năm của ông.
Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực mạnh mẽ để giải quyết thực trạng tỷ lệ người thất nghiệp, đặc biệt là thanh niên, duy trì ở mức cao trong thời dài vừa qua. Chỉ tính riêng trong tháng 6 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vào khoảng 3,8%, trong đó 10,1% thuộc nhóm người có độ tuổi từ 15 - 29.(TTXVN)
------------------------
Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng: 'Không có ưu tiên nào cho doanh nghiệp quân đội'
Các doanh nghiệp quân đội đều bị thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như doanh nghiệp khác, không có bất cứ ưu tiên nào.
Trưa 13/7, trao đổi với báo chí tại cuộc họp giới thiệu về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết từ trước đến nay, qua nhiều lần sắp xếp còn lại 88 doanh nghiệp quân đội, thời gian tới sẽ rà soát lại để sắp xếp. Tiêu chí sắp xếp theo quy định nhà nước.Theo ông Thắng, quan điểm của Quân ủy Trung ương là rất rõ, doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước được giữ lại là những doanh nghiệp quân sự quốc phòng, xây dựng kinh tế gắn chặt với quốc phòng. Còn đối với những doanh nghiệp thương mại, xây dựng, dịch vụ hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng thì sẽ thoái vốn.
Theo đề án Bộ Quốc phòng trình Chính phủ, năm 2016 còn 88 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước, đến năm 2020 sẽ còn lại 17 doanh nghiệp. Đây là doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất. Trong đề án còn có 12 doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước sẽ giữ hơn 50% vốn. Số doanh nghiệp này vừa sản xuất, kinh doanh nhưng khi có yêu cầu phải phục vụ nhiệm vụ quốc phòng hay chịu sự điều động khi xảy ra chiến tranh.
Trả lời câu hỏi liệu các doanh nghiệp quân đội thì được ưu ái hơn, tướng Thắng cho rằng không có bất cứ ưu tiên nào. Cụ thể, trước đây một số doanh nghiệp quân đội được cấp biển số đỏ nhưng hiện sẽ không có ưu tiên này nữa.
"Vừa rồi Bộ Quốc phòng thu hồi 1.000 biển số đỏ xe quân đội. Hiện doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước chỉ có 2 xe dành cho lãnh đạo. Các xe còn lại sẽ chuyển sang biển trắng. Các doanh nghiệp quân đội đều bị tính đủ chi phí, hạch toán, cạnh tranh như doanh nghiệp khác", ông Thắng nói.
Theo tướng Thắng, hàng năm, các doanh nghiệp quân đội đều bị thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như doanh nghiệp khác, không hề có vùng cấm nào trong việc này. Có chăng lợi thế của doanh nghiệp quân đội là sản phẩm ra thị trường được người dân tin tưởng hơn so với các sản phẩm của doanh nghiệp khác.
Liên quan đến việc một số doanh nghiệp, cũng như đơn vị của quân đội cho doanh nghiệp khác thuê đất để kinh doanh, Cục trưởng Võ Hồng Thắng khẳng định tất cả việc sử dụng đất quốc phòng sai mục đích đều được kiểm tra, xử lý và thu hồi.
"Vừa qua, một số nơi đã làm không đúng, Quân ủy trung ương đã có kết luận, Bộ cũng có kế hoạch xử lý, tất cả đất sử dụng không đúng quy định sẽ thu hồi, cán bộ làm sai sẽ bị xử lý trách nhiệm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự", ông Thắng khẳng định.
Trả lời câu hỏi vì sao quân đội nhiều nước không làm kinh tế, đơn cử như Trung Quốc trước đây quân đội họ làm kinh tế nhưng sau đó đã dừng, tướng Võ Hồng Thắng nói rằng quân đội Việt Nam có nhiệm vụ sản xuất kinh tế, xuất phát từ bản chất truyền thống của quân đội, xuất phát từ lịch sử.
"Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời khi chưa có chính quyền, phải tự lực tự cường, sản xuất hết. Đến khi có chính quyền rồi, kể cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì nước ta còn nghèo, lực lượng quân đội thì đông nên tiếp tục phải phát huy truyền thống tự lực tự cường, phát triển lực lượng, tăng gia sản xuất để đóng góp cho dân, cho đất nước", ông Thắng phân tích.
Theo ông Thắng, ngày nay để xây dựng đất nước quân đội phải song hành 2 nhiệm vụ chiến lược đó là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xây dựng để tăng tiềm lực bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tổ quốc để góp phần xây dựng kinh tế mạnh hơn. Để thực hiện 2 nhiệm vụ này thì việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, quốc phòng và kinh tế là đương nhiên. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 2013.
"Quân đội các nước khác không làm kinh tế cũng là tùy theo lịch sử, hoàn cảnh của họ. Ví dụ, với Trung Quốc, chiến lược của họ là phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc. Họ không đặt nặng vấn đề bảo vệ tổ quốc vì thời nay chẳng ai nghĩ rằng Trung Quốc bị xâm lược. Chiến lược của ta thì khác, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ", ông Thắng nói.
Cũng theo Cục trưởng Kinh tế, quân đội các nước cũng làm kinh tế nhưng họ làm dạng khác, như đầu tư các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trung tâm nghiên cứu. Như NASA của Mỹ chẳng hạn, họ đầu tư nghiên cứu công nghệ rất tiên tiến, sau khi đã hoàn chỉnh sản phẩm cho quốc phòng rồi thì đưa công nghệ ấy ra cho dân sự, tăng nguồn thu, lấy tiền cho việc đầu tư khác.
"Công nghiệp sản xuất quốc phòng của ta còn yếu, chưa thể phát triển được. Cái gì tiên tiến thì đi mua là chính, nhưng đi mua không làm chủ được. Bây giờ đã đến lúc phải sản xuất công nghệ, vì vậy phải kết hợp kinh tế với quốc phòng.(Vnexpress)
-----------------------
Louis Vuitton sản xuất smartwatch cạnh tranh với Apple
Tambour Horizon - mẫu smartwatch của Louis Vuitton có giá từ 2.450 USD, gấp 8 lần một chiếc Apple Watch rẻ nhất.
Louis Vuitton muốn bán đồng hồ thông minh (smartwatch) cho những tín đồ thời trang giàu có. Theo đó, hãng thời trang Pháp đang giới thiệu mẫu smartwatch mang tên Tambour Horizon.
Mỗi chiếc Tambour Horizon có giá từ 2.450 USD, gấp 8 lần một chiếc Apple Watch phiên bản rẻ nhất và cũng đắt hơn nhiều so với các loại đồng hồ cùng phân khúc do các hãng châu Âu sản xuất.
Tambour Horizon hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Android và công nghệ của Qualcomm. Chiếc đồng hồ có đường kính 1.7 inch này có đầy đủ các chức năng nhận thông báo tin nhắn, email và cuộc gọi.
"Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều thương hiệu xa xỉ tham gia vào thị trường smartwatch đang được Apple và Samsung độc chiếm. Họ sẽ cung cấp cho người tiêu dùng thêm một lựa chọn sang trọng, nơi thẩm mỹ sẽ được hoà hợp hơn với công nghệ", John Guy - nhà phân tích tại MainFirst Bank AG nhận định.
Trong hai năm, Apple đã trở thành thương hiệu đồng hồ bán chạy thứ hai thế giới, chỉ sau Rolex. Chính điều này khiến cho các hãng đồng hồ truyền thống cũng như Louis Vuitton cần phải thay đổi nếu không muốn mãi tụt lại phía sau. Tuy nhiên, Rolex và Patek Philippe vẫn chưa tham gia vào thị trường smartwatch vì sợ ảnh hưởng đến đẳng cấp thương hiệu.
Trong những năm gần đây, Louis Vuitton đã cố gắng bắt kịp xu hướng công nghệ, nhất là từ khi mang về cựu giám đốc Apple Music - Ian Rogers năm 2015. Năm ngoái, hãng này mua lại công ty sản xuất vali của Đức - Rimowa. Vali của hãng này có thẻ điện tử cho phép người dùng biết vị trí thông qua kết nối Bluetooth.
Năm 2016, lĩnh vực đồng hồ và trang sức chiếm 9% doanh thu của Louis Vuitton. Những chiếc đồng hồ truyền thống của hãng được sản xuất tại Thụy Sỹ, nhưng chưa tiết lộ địa điểm sản xuất smartwatch.(Vnexpress)