tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-07-2017

  • Cập nhật : 15/07/2017

Điện than bị phản đối ở Myanmar

Kế hoạch phát triển điện than của Myanmar vấp phải nhiều phản đối dù gần 2/3 dân số vẫn chưa có điện.

mot cua hang trai cay thap den bang binh ac quy o ngoai o yangon, myanmar reuters

Một cửa hàng trái cây thắp đèn bằng bình ắc quy ở ngoại ô Yangon, Myanmar REUTERS

Myanmar đang thiếu điện trầm trọng và cần nguồn năng lượng lớn phục vụ đời sống, phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển điện than vốn được xem là dễ dàng và nhanh chóng hơn các nguồn điện khác lại đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nước do quan ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tiến thoái lưỡng nan

Ngay cả ở các thành phố lớn tại Myanmar, cúp điện vẫn là chuyện thường xuyên và chỉ có khoảng 34% dân số được cung cấp điện. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì điện được xem là nguồn năng lượng thúc đẩy phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi Myanmar có nhiều chính sách mở cửa và thu hút đầu tư từ năm 2011, cũng như nhờ yếu tố thuận lợi là Mỹ dỡ bỏ toàn bộ cấm vận kinh tế với nước này vào năm ngoái.

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Myanmar chỉ còn 6,6 tỉ USD (150.000 tỉ đồng) trong tài khóa 2016/2017, giảm 30% so với tài khóa trước. Điều này khiến chính quyền ráo riết tìm các nguồn cung cấp điện. Theo Reuters, nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng điện lên 23.500 MW vào năm 2030, gấp 4 lần so với hiện tại nhằm phục vụ nhu cầu tăng nhanh.

Các chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu này khó đạt được nếu chính sách phát triển năng lượng của Myanmar chưa được xác định rõ ràng. Myanmar có trữ lượng khí thiên nhiên đáng kể nhưng phần lớn được khai thác phục vụ xuất khẩu theo các hợp đồng được ký kết trước đây. Trong khi đó, thủy điện cũng đang chững lại sau khi dự án đập khổng lồ Myitsone có công suất 6.000 MW bị hoãn hồi đầu năm nay.

Dưới nhiệm kỳ chính phủ trước, nhiều dự án điện than được đề xuất như dự án 600 MW ở Kengtung, 540 MW ở Ngayokekaung, hai nhà máy

500 MW và 1.800 MW ở Tanintharyi… Tuy nhiên, nhiều dự án thiếu khả thi do thiếu hệ thống đường dây quốc gia và trạm biến áp. Hiện điện than chỉ góp khoảng 1% tổng sản lượng điện ở Myanmar nhưng chính phủ muốn tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030.

Mới đây, liên doanh Thái Lan - Nhật Bản Toyo Thai dự kiến xây 2 nhà máy điện than tại bang Mon và bang Kayin ở miền đông nam với mỗi nhà máy có vốn đầu tư 3 triệu USD và công suất 1.280 MW. Dự kiến nhà máy tại bang Mon sẽ động thổ trong năm nay trong khi nhà máy còn lại vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu. Cả hai dự án đều gây lo ngại về những ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Hơn 100 tổ chức đã ký chung đơn kêu gọi chính phủ hủy dự án và phát triển năng lượng tái tạo. Đa số người dân tại khu vực này sống nhờ nông nghiệp và điều họ lo nhất là đất đai, nguồn nước không còn có thể sử dụng để trồng trọt.

Điện than “sạch” ?

Theo số liệu của chính phủ, dự án điện than tại bang Kayin là một trong 11 dự án điện than trên cả nước dự kiến sẽ tăng tổng sản lượng điện lên 25% khi hoàn thành. Trước đó, chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein đã dừng 10 dự án điện than do vấp phải phản đối. Một số chuyên gia phương Tây cũng khuyên Myanmar không nên phát triển điện than vì nước này sẽ phải nhập khẩu than dẫn đến chảy máu ngoại tệ.

Ông Soe Hlaing, người đứng đầu cơ quan năng lượng bang Kayin, cho biết chính phủ sẽ xúc tiến các dự án điện than nếu “có đủ sự ủng hộ của dư luận”. Tờ The Myanmar Times mới đây dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Điện và Năng lượng Myanmar khẳng định chính phủ chỉ cho phép nhà đầu tư đến từ các quốc gia có công nghệ hiện đại đầu tư điện than và thủy điện để giảm thiểu tác động môi trường.

Theo chính quyền địa phương tại Kayin, nghiên cứu về tính khả thi dựa trên tác động môi trường và xã hội từ dự án điện than tại đây sẽ hoàn tất trong năm nay. Công ty Thái Lan TTCL tham gia đầu tư dự án cho biết sẽ xây nhà máy hiệu suất cao và ít xả thải với công nghệ “điện than sạch” nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Công ty cũng đã ký biên bản ghi nhớ với chính quyền bang Kayin về việc áp dụng công nghệ của Nhật. Tuy nhiên, đại diện Tổ chức MATA U Saw Mi Pway Do cho biết không có thông tin nào về tác hại của dự án được nhắc đến trong bản ghi nhớ: “Công ty gửi thông điệp rằng họ đảm bảo 100% là không có tác động nào. Điều này là không thể có. Tôi cho là họ đang nói dối” (Thanhnien)
-----------------------

TP.HCM tìm nhà đầu tư trung tâm kinh doanh hóa chất

Sở Công Thương TP.HCM đã có công văn gửi UBND 24 quận huyện, Chi cục quản lý thị trường về tăng cường công tác quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn cũng như phối hợp rà soát, lập phương án di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm hoạt động xen cài trong khu dân cư.

Ngày 14-7, trong buổi công bố thông tin định kỳ đến cơ quan truyền thông, Sở Công Thương TP.HCM cho biết việc thành lập Trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất được UBND TP.HCM phê duyệt có ba giai đoạn thực hiện. Thứ nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lí; giai đoạn hai là lựa chọn nhà đầu tư; giai đoạn thứ ba là giải tỏa, di dời các hộ kinh doanh có tồn trữ hóa chất nguy hiểm.

Hiện tại giai đoạn một đã  tiến hành xong, hiện Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND TP tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của luật đấu thầu…Do đó, từ nay đến cuối năm sẽ chọn được nhà đầu tư và năm 2018 tiến hành xây dựng trung tâm cũng như để tiếp tục giai đoạn ba là di dời các hộ kinh doanh vào trung tâm mới.

Được biết, trước đây Tập đoàn Tuần Châu có đề xuất UBND TP.HCM thực hiện dự án làm Trung tâm  kinh doanh hương liệu hóa chất tại  huyện Bình Chánh, nhưng qua khảo sát thấy không phù hợp với quy hoạch của TP… Vì vậy, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất ngưng thực hiện  ở vị trí này. Hiện tại TP triển khai xây dựng Trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất đúng quy hoạch với diện tích 11,2 hecta tại phường 7, quận 8.

TP.HCM tìm nhà đầu tư trung tâm kinh doanh hóa chất   - ảnh 1
Thành lập tTung tâm kinh doanh mới kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn phòng chống cháy, nổ.

Liên quan đến kế hoạch di dời, được biết Sở Công Thương đã tổng hợp, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp nguy hiểm (đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn); cập nhật đầy đủ thông tin về địa chỉ, mặt hàng hóa chất công nghiệp kinh doanh, diện tích kho chứa hóa chất của các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

Sở Công Thương cũng đã phối hợp làm việc với UBND các quận, huyện nhằm tiến hành rà soát danh sách, hiện trạng các cơ sở kinh doanh hóa chất, hương liệu trên địa bàn TP; trước mắt chuẩn bị phương án di dời các cơ sở hóa chất, hương liệu ở một số quận như quận 5, 10, 11,…

Sở Công Thương đã có công văn gửi UBND 24 quận huyện, Chi cục quản lý thị trường về tăng cường công tác quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn TP. Đồng thời đề nghị UBND 24 quận huyện phối hợp rà soát, lập phương án di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm hoạt động xen cài trong khu dân cư.

Trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất ngoài kinh doanh còn là nơi kiểm định, kiểm nghiệm, triễn lãm các loại hóa chất... còn giải quyết tình trạng kinh doanh, tồn trữ hóa chất nguy hiểm gây mất an toàn trong khu dân cư; kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn phòng chống cháy nổ; góp phần phát triển thị trường kinh doanh hương liệu, hóa chất trên địa bàn TP. (PLO)
------------------------

Gần 2.300 tỉ đồng xây nhà máy giấy công suất “khủng"

Công ty Cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai vừa ký kết với Công ty Papcel (Cộng hòa Séc) về việc lắp đặt dây chuyền máy giấy và chuyển giao công nghệ vận hành tại dự án Nhà máy giấy Tân Mai Miền Đông với tổng giá trị 28 triệu euro (tương đương hơn 700 tỉ đồng).

Đây là một trong nhiều hạng mục mà dự án đang được triển khai với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỉ đồng. Dự án Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông được xây mới để di dời Nhà máy giấy Tân Mai hiện hữu ra khỏi TP Biên Hòa để tránh ô nhiễm. Dự án được xây dựng tại Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trên diện tích gần 543.000 m2 với công suất 200.000 tấn giấy/năm.

Được biết Công ty Papcel là một trong những tập đoàn hàng đầu về công nghệ giấy đã thực hiện dự án tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, có văn phòng đại diện tại nhiều nước trên thế giới.

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai, cho biết hiện nay, do công nghệ chưa cao, ngành công nghiệp giấy bao bì Việt Nam chưa thực sự tạo ra những giá trị và mang lại lợi nhuận đúng nghĩa cho các doanh nghiệp. Các công ty hoạt động mạnh trong lĩnh vực bao bì chủ yếu do nước ngoài đầu tư. Vì vậy với việc chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết bị kĩ thuật hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh ngay trên sân nhà trước nguồn cung giấy nhập khẩu.  

Theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, hiện nay trên 80% - 90% thị trường giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nhập khẩu từ Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan. Thực tế, thị trường bao bì, giấy carton của Việt Nam đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh.(PLO)
-----------------------

Sẽ hạn chế làm ăn chụp giật trong kinh doanh ô tô

Theo quy định, ô tô thuộc danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn , có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng, hạ tầng giao thông và môi trường.

Đây là quan điểm của Bộ Công Thương nêu ra tại buổi họp báo thường kì của Bộ Công Thương diễn ra sáng 14-7.

Liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định, ô tô thuộc danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn , có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng, hạ tầng giao thông và môi trường.

Là sản phẩm công nghệ cao, vì vậy sản phẩm ô tô khi đưa vao lưu thông cần đáp ứng các yêu cầu ngiêm ngặt về chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm (sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu), vận hành sản phẩm (bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi) đến khâu thải bỏ.

Việc ban hành Nghị định nhằm đáp ứng quy định Luật Đầu tư, tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Các quy định của dự thảo Nghị đình đều là những điều kiện tối thiểu cần thiết đối với doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu trên. Nghị định cũng hướng đến khuyến khích sản xuất trong nước, tạo ra khung pháp lý ổn định, bền vững, tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch giữa các doanh nghiệp với nhau, hạn chế tình trạng làm ăn chụp giật và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh ô tô.

Liên quan đến ô tô điện, Bộ Công Thương cho rằng so với ô tô dùng xăng, ô tô điện chỉ có đặc thù riêng về động cơ và pin. Các đặc thù này hoàn toàn không gặp phải bất kì trở ngại nào trong các quy định về điều kiện kinh doanh tại dự thảo Nghị định này. Do đó, việc cho rằng các điều kiện kinh doanh trên sẽ hạn chế dòng ô tô điện là không có căn cứ.

Hiện Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định này.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) về Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển xe chạy bằng điện tại Việt Nam.

Lý do VCCI đưa ra là hiện nay xe ô tô chạy bằng điện thuộc xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xe ô tô chạy điện có một số đặc điểm sau cần được cân nhắc chính sách kỹ hơn, như loại xe này góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi lại Điều 5 của Dự thảo theo hướng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (kể cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu) phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể ủy quyền cho doanh nghiệp phân phối, đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thực hiện việc triệu hồi.

Theo VCCI, triệu hồi ô tô là nghĩa vụ xử lý các lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của ô tô. Lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn của ô tô phát sinh trong quá trình thiết kế và sản xuất, lắp ráp ô tô, cho đến khi ô tô xuất xưởng. Những công đoạn này đều thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, chứ không phải nhà phân phối. Do đó, trong mọi trường hợp, trách nhiệm triệu hồi luôn thuộc về nhà sản xuất.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục