Vinacomin đề nghị nhập khẩu than cho sản xuất điện
VAMC đã mua được hơn 91.000 tỷ đồng nợ xấu trong 9 tháng
Giá cà phê xuất khẩu giảm trước niên vụ mới
Hiệp hội Lương thực dự báo xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn từ quý 4
Vocarimex chiếm 80% sản lượng dầu thực vật cả nước
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-10-2015
- Cập nhật : 04/10/2015
Chi gần 115 nghìn tỷ đồng trả nợ và viện trợ
Số liệu được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tổng thu ngân sách tháng 9 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng nâng tổng số thu 9 tháng lên mức 683 nghìn tỷ đồng - bằng 75% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Thu ngân sách tăng đáng kể là nhờ khoản thu nội địa tháng 9 ước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 9 tháng đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 2/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thu nội địa tăng khá là tín hiệu tích cực trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh làm hao hụt đáng kể khoản thu từ dầu thô.
Cụ thể, thu từ dầu thô trong tháng 9 chỉ đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số thu 9 tháng lên mức 51,78 nghìn tỷ đồng - giảm đến 34,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ nhích nhẹ 0,4%, đạt mức 14 nghìn tỷ đồng trong tháng 9 và ước đạt 187,4 nghìn tỷ đồng tính từ đầu năm đến nay.
Về chi ngân sách, trong tháng 9, với tổng chi ước đạt 88,85 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán và tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014.
Đáng chú ý là khoản chi trả nợ và viện trợ trong tháng 9 ước 10,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức chi 9 tháng đạt 114,79 nghìn tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, tăng đến 12,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, chi đầu tư phát triển tháng 9 ước 14,57 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 127,28 nghìn tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán và tăng 7,4% cùng kỳ năm 2014.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính tháng 9 ước 63,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức chi 9 tháng đạt 574,89 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán và tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, đến nay, bội chi ngân sách nhà nước đã ở mức 140,97 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán năm.
Cũng tại buổi họp báo chiều 2/10, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết ngân sách nhà nước đã phải vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước.
“Khoản vay ngắn hạn này được sử dụng cho các khoản chi theo dự toán năm và sẽ được ngành tài chính hoàn trả lại phía Ngân hàng Nhà nước ngay trong năm nay. Việc vay này chỉ là nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước”, ông Tuế cho biết.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tại Nhật tăng cao
Theo Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 8 ở nước này đặt mức 1,23 (cứ 100 người đi tìm việc lại có 123 vị trí cần tuyển lao động). Tuy nhiên sự phân bổ nhu cầu lao động không đều, mà tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, y tế, chăm sóc người già, giáo dục và xây dựng. Trong đó nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn tăng tới 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực giáo dục tăng 8,3% và y tế, phúc lợi tăng 7,9%.
Tình trạng già hóa dân số đã khiến số lượng thanh niên Nhật Bản giảm đi qua từng năm và những ngành nghề có thu nhập thấp tương đối so với mặt bằng chung là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên với sự thiếu hụt nhân lực ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Sự thiếu hụt nhân lực được xem là bài toán nan giải cho Nhật Bản và sẽ không thể giải quyết được trong ngắn hạn khi dân số nước này vẫn đang liên tục sụt giảm. Chính phủ Nhật Bản đang phải nới lỏng chính sách cấp phép cho lao động nước ngoài nhằm giảm bớt sức ép trong nước, đặc biệt vào thời điểm Nhật Bản đang chạy đua xây dựng các công trình phục vụ Olympic 2020.
Thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tăng trưởng 96,1% trong năm 2014, hứa hẹn sẽ trở thành "thị trường vàng" trong thời gian tới.
Formosa Hà Tĩnh nâng vốn đầu tư lên 28,5 tỷ USD ?
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa cuối năm 2016 sẽ hoàn thành giai đoạn I.
Theo đó, dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 10,5 tỷ USD. Đến thời điểm hết tháng 9-2015, nhà đầu tư đã và đang đáp ứng đúng tiến độ cam kết, giá trị thực hiện đến nay đạt 9,503 tỷ USD. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2015 đạt 2,7 tỷ USD, dự kiến đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành giai đoạn 1.
“Chủ đầu tư đang nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo nâng tổng mức đầu tư khoảng 28,5 tỷ USD” – báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho thấy.
Ngoài ra, đối với Trung tâm điện lực Vũng Áng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200MW: Đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia cả 2 tổ máy, sản lượng điện sản xuất đạt 2.172 triệu kwh.
Còn Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư 2,45 tỷ USD, do liên doanh Tập đoàn Mitsubishi và Công ty Oneenergy Asia (Hồng Kông) làm chủ đầu tư, hiện đang đàm phán hợp đồng dự án BOT với Bộ Công Thương và hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư để tiến hành khởi công.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và 3.2, công suất 2.400MW đã được Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Samsung C&T làm Chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương để tiến hành thủ tục đàm phán hợp đồng.
Đang rà soát xác định Metro và Coca Cola có trốn thuế hay không
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề chống chuyển giá tại Việt Nam, tại buổi họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều ngày 2/10/2015, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Kết quả thanh tra, kiểm tra tới thời điểm hiện tại có 1.600 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, giao dịch liên kết lỗ 3.580 tỷ đồng; công táctruy thu, truy hoàn và phạt đạt 418,9 tỷ đồng; giảm khấu trừ 168 tỷ đồng.
Đối với kết quả kiểm tra trường hợp của Metro Việt Nam, theo ông Trí,Tổng cục Thuế đã hoàn tất công việc này và có kết luận công bố công khai, riêng nội dung chuyển giá đang tiếp tục được xem xét làm rõ.
Và trường hợp của Coca Cola thì cơ quan thuế đang tập trung thu thập thông tin, rà soát, kê khai và phân tích để xác định có hay không hành vi chuyển giá.
Cũng theo ông Trí, Tổng cục Thuế đang thành lập Phòng thanh tra chống chuyển giá. Ở một số Cục Thuế địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng sẽ thành lập đơn vị thanh tra chuyển giá.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề truy thu tiền nợ đọng thuế, ông Trí cho biết: Thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số nợ lên tới 12.658,4 tỷ đồng. Tính đến nay (2/10/2015), Bộ mới thu được 2.200 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhìn nhận kết quả này được đạt được như mong muốn. Hiện Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương, đặc biệt là Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TPHCM quyết liệt thực hiện các giải pháp đúng pháp luật để thu nợ thuế.
Liên quan đến việc công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế vừa qua có sự nhầm lẫn tên một số doanh nghiệp ông Trí cho hay Tổng cục Thuế đã có chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và đã công khai xin lỗi các doanh nghiệp liên quan. Số còn lại trong danh sách này là thông tin chính xác, các doanh nghiệp cũng đã tâm phục khẩu phục.
Kiến nghị Bộ GTVT không nên cho nhập xe tải Trung Quốc
Theo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, trong chín tháng, Phòng CSGT đã liên tục mở các đợt cao điểm xử lý xe quá tải. Hiện “điểm nóng” xe quá tải đường dài chạy trên quốc lộ 1A đã gần như không còn. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải trong khu vực TP vẫn có khá nhiều.
Theo đó, chín tháng qua, lực lượng CSGT TP đã xử lý 40.761 trường hợp xe vi phạm, trong đó có 2.735 xe ben; 1.235 xe đầu kéo và 11.170 tô tô tải khác chở quá tải.
Được biết, qua kiểm tra thì có nhiều xe quá tải 100%-200%, đối với xe quá tải này sẽ bị phạt rất nặng, phạt trên 40 triệu đồng/xe, tước giấy phép lái xe hai tháng.
Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cũng cho hay qua xem xét thì hiện tượng xe ben chở quá tải chạy khá nhiều ở QL14, vì vậy phòng đã đề nghị TTGT đưa trạm cân lên đặt tại đây để giám sát. Bình quân mỗi ngày trên QL14 có khoảng 800 lượt xe tải chở đất đá qua lại.
Trước đây lực lượng CSGT có một cân lưu động nhưng sau quá trình cân thì sai số hết hạn kiểm định thì khi đến nhà sản xuất bán cân người ta không còn nữa. Cho nên cân của CSGT là vô hiệu hóa. Hiện Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng đang lên kế hoạch mua thêm hai cân lưu động, tuy nhiên số cân này được trang bị cho TTGT.
Theo Đại tá Lê Ngọc (Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng), để giải quyết tình trạng xe quá tải, CSGT TP kiến nghị với Bộ GTVT, Sở GTVT địa phương là không nên cho nhập xe Dongfeng, Howo của Trung Quốc. Bởi trọng tải xe của Trung Quốc nếu chở bằng trong thùng thì nó cũng đã vượt trọng tải cho phép. “Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước không cho nhập các xe của Trung Quốc ấy nữa” - Đại tá Ngọc nói.