tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-09-2018

  • Cập nhật : 04/09/2018

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam

Năm 2017, lượng nhập khẩu nông sản thực phẩm từ Hàn Quốc đạt 500 triệu USD và thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đạt tới 1,4 tỷ USD. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và Chính phủ Hàn Quốc đang đặt kỳ vọng rất lớn và bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

 

“Các sản phẩm này có chất lượng cao, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hiệp hội thực phẩm Hàn Quốc và được các cơ quan quản lý chất lượng Việt Nam cấp phép, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y Tế Việt Nam”, ông Yoo Bong Yun cho biết.

Theo thống kê, năm 2017, lượng nhập khẩu nông sản thực phẩm từ Hàn Quốc đạt 500 triệu USD và thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đạt tới 1,4 tỷ USD. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và Chính phủ Hàn Quốc đang đặt kỳ vọng rất lớn trong việc đầu tư, phát triển tại thị trường Việt Nam và bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. 

Minh chứng cụ thể là "người khổng lồ" về bán lẻ Lotte Group của Hàn Quốc đã đặt mục tiêu nâng số cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam từ con số 13 hiện nay lên 87 vào cuối năm 2020. Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2008, Lotte Mart đã tăng doanh số bán từ 62 tỷ won vào năm 2011 lên 266 tỷ won năm 2017.(TCTC)
-----------------

Đẩy mạnh M&A, doanh nghiệp Việt “mang chuông đi đánh xứ người“

Một khi thị trường trong nước trở nên chật chội mà mục tiêu kinh doanh lại cao cũng là lúc các doanh nghiệp Việt như Vinamilk, FPT, Viettel... tìm cách đẩy mạnh đầu tư, tìm kiếm cơ hội từ thị trường nước ngoài.

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, một số doanh nghiệp đã chọn chiến lược khai thác thị trường bên ngoài lãnh thổ và cách nhanh nhất là thông qua mua bán - sáp nhập (M&A).

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong trào lưu tiến ra nước ngoài. 2 thị trường được Viettel Global - thành viên đảm trách đầu tư nước ngoài của Viettel thâm nhập đầu tiên là Campuchia với mạng viễn thông Metfone và Lào với thương hiệu Unitel, năm 2009. Để có được thành công nhất định ở 2 thị trường này, Viettel phải thực hiện những thương vụ M&A, như Metfone - công ty con của Viettel mua lại Beeline ở Campuchia.

Công ty CP FPT thì tiến ra nước ngoài chậm hơn, nhưng khá khác biệt. Cụ thể, trong chiến lược phát triển khối công nghệ vào năm 2018, FPT đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm cơ hội M&A với một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật. FPT ước chi khoảng 100 triệu USD cho M&A ở nước ngoài. Theo ông Trương Gia  Bình - Chủ tịch FPT, những công ty mục tiêu mà FPT nhắm tới, hoặc hoạt động trong mảng công nghệ, hoặc làm trong ngành liên quan, có nhân sự địa phương, có doanh thu từ 50 triệu - 200 triệu USD.

Đây sẽ là những lợi thế hỗ trợ cho FPT trong việc mở rộng thị trường mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu, lợi ích tốt nhất cho công ty. Chẳng hạn, một khi chiến lược M&A ở nước ngoài được triển khai thành công, FPT có khoảng 200 nhân sự bản địa chất lượng cao. Định hướng của FPT là để các công ty mục tiêu thực hiện hợp đồng công nghệ cao, sau đó gắn chu trình của FPT vào.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của Việt Nam, do đó FPT xác định là thị trường ưu tiên M&A. Thâu tóm công ty ở Mỹ, FPT còn có lợi thế về visa cũng như bớt được rào cản về hải quan, thuế suất.

Tháng 7 vừa qua, FPT đã chi 30 triệu USD mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Mỹ). Đó mới chỉ là thanh toán một phần, phần còn lại FPT sẽ định giá và trả cho Intellinet sau một khoảng thời gian "về cùng nhà", dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet, có thể là 10 triệu hoặc 20 triệu USD. Riêng 10% cổ phần vẫn giữ lại cho Intellinet, để đôi bên có động lực và cùng chia sẻ trách nhiệm. "Đích ngắm tiếp theo của chúng tôi là Nhật Bản và vài nước EU", ông Trương Gia Bình cho biết.

Kể từ sau khi thoái vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối, động lực tăng trưởng chính của FPT ngoài mảng xuất khẩu phần mềm còn là M&A với các doanh nghiệp ở Mỹ, Nhật, EU. Theo lãnh đạo FPT, Công ty quyết tâm đẩy mạnh M&A ở nước ngoài vì đây là đường tắt để bắt kịp xu hướng công nghệ mới và thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa của Công ty.

4 năm trước, FPT đã M&A doanh nghiệp ở nước ngoài, đó là thâu tóm RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia. Chỉ sau một năm, thương vụ có lãi. Mới đây Công ty còn mang về hợp đồng 100 triệu USD từ chuyển đổi số cho InnogySE. Để phát triển mạnh và gia tăng vị thế, FPT còn song hành với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, như GE, Amazon, Siemens...

Kết quả, đóng góp từ thị trường nước ngoài cho FPT đã đạt 4.650 tỷ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu của Công ty trong 7 tháng đầu năm nay, vượt trội so với con số 15% cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng rất nổi bật trong chiến lược M&A ở nước ngoài. Vinamilk từng chi ra hàng chục triệu USD để cùng với Angkor Dairy Products lập liên doanh xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Campuchia (năm 2014), tiến tới nắm giữ toàn bộ nhà máy này (năm 2017).

Trước đó, Vinamilk rót vốn, gia tăng đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood Dairy của Mỹ (2013) và Công ty Miraka Limited của New Zealand (năm 2010). Sau 2 năm đầu tư, Driftwood Dairy góp 6,5% doanh thu cho Vinamilk. Riêng nhà máy ở Campuchia cho doanh thu 54 triệu USD (năm 2017).

Công ty Chứng khoán BSC dự báo, mở rộng thị trường ra thế giới nhằm tăng doanh thu xuất khẩu là một trong 3 động lực tăng trưởng chính đối với Vinamilk đến năm 2020. Cụ thể, Vinamilk đang tập trung phát triển thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc với tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Trong đó, Campuchia, Philippines là những thị trường tăng trưởng doanh thu tốt nhất.

Riêng thị trường Myanmar và Indonesia, hãng sữa này đang tìm cách mua một vài công ty nội địa để khảo sát thị trường. Nhưng trên tất cả, thị trường xuất khẩu kỳ vọng của Vinamilk là Trung Quốc. Bởi thị trường Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, khi mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người đang tương đối thấp, chỉ đạt 25kg/năm, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị 220kg/năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Vinamilk đang trông đợi FTA Trung Quốc - ASEAN sớm ký kết để có thêm thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường đông dân này.(DNSG)
-------------------------

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico, tin xấu cho Trung Quốc?

Việc Tổng thống Donald Trump vừa giành được một thắng lợi chính trị dưới dạng một thỏa thuận thương mại với Mexico được xem là một tín hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài - CNBC nhận định.

Trao đổi với hãng tin này, ông John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc ngân hàng Credit Suisse, nói rằng Mexico là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico mang lại cho ông Trump thắng lợi trên phương diện chính trị. 

Thỏa thuận này là điều mà chính quyền ông Trump và Đảng Cộng hòa của ông có thể dựa vào để tập hợp sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.

Đây không phải là một điều tích cực với Trung Quốc, ông Wood nhận định ngày 28/8.

Vị Giám đốc đầu tư giải thích rằng dựa trên vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ với Trung Quốc, có thể thấy Mỹ giờ đây muốn Trung Quốc thực hiện những cải cách mang tính cơ cấu thay vì đơn thuần giảm mất cân đối thương mại giữa hai nước. Đòi hỏi này của Mỹ khiến việc hai bên đi đến được một giải pháp nhanh chóng là điều không thể, theo ông Woods.

Với vốn liếng chính trị gia tăng nhờ thỏa thuận với Mexico, ông Trump sẽ không vội gì phải tìm cách mau chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc.

"Tôi cho rằng ông Trump sẽ trì hoãn việc đàm phán với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Sự trì hoãn này thậm chí có thể kéo dài qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ", ông Woods nói.

Quan điểm của ông Woods nhận được sự đồng tình của các chuyên gia đến từ ngân hàng ING của Hà Lan. Trong một báo cáo ra ngày thứ Ba, ING nói rằng thỏa thuận Mỹ-Mexico "củng cố vị thế của Mỹ trong cuộc chơi cứng rắn với Trung Quốc".

"Hiện tại, không có lợi ích rõ ràng nào đối với chính quyền Mỹ trong việc theo đuổi cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, và điều này có thể tiếp diễn trong thời gian tới trừ phi Trung Quốc đề xuất một số thay đổi lớn trong những vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ", báo cáo của ING nhận định.

Như vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ triển khai việc áp thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 tới đúng như dự kiến. Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa ở mức tương xứng nhất mà họ có thể, và cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ leo thang thêm lên một nấc mới - theo ING.

Tuy nhiên, theo ông Juan Carlos Hartasanchez, một chuyên gia cấp cao của Albright Stonebridge Group, thỏa thuận với Mexico cho thấy Mỹ "sẵn sàng nhượng bộ" nếu có được những điều khoản tốt - một "tín hiệu tốt" cho những nước đang cố gắng đàm phán với chính quyền ông Trump.

Những nước như vậy có thể học cách của Mexico đi từ "một cuộc đàm phán rất phức tạp, không có bước tiến nào" tới "một giải pháp có vẻ tốt cho cả hai bên" - ông Hartasanchez nhận xét.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục