tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-09-2018

  • Cập nhật : 05/09/2018

Yếu tố nào quyết định "tiềm lực quốc gia" trong kỷ nguyên 4.0?

Phát triển công nghệ 4.0 có thể rút ngắn và gia tăng khoảng cách về tiềm lực các quốc gia và có khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước tốt hơn.

cach mang cong nghiep 4.0 ket noi giua con nguoi voi con nguoi, con nguoi voi thiet bi, thiet bi voi thiet bi, cac doanh nghiep va khach hang... anh minh hoa: ttxvn

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối giữa con người với con người, con người với thiết bị, thiết bị với thiết bị, các doanh nghiệp và khách hàng... Ảnh minh họa: TTXVN

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) được Việt Nam xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 là sự "hợp nhất" các loại công nghệ và xóa đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... với nền tảng là đột phá của công nghệ số, đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội và nền kinh tế tri thức. 

* Khẳng định "tiềm lực" quốc gia 

Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo, kết nối thông qua các thiết bị di động thông minh, dựa trên công nghệ số, xử lý dữ liệu lớn, kết nối không dây... từng bước hình thành nền sản xuất thông minh, năng suất vượt trội, công nghệ và sản phẩm thay đổi theo tốc độ chóng mặt, tạo nên cuộc "cách mạng" về các chuỗi sản xuất - giá trị sản phẩm toàn cầu có hàm lượng tri thức cao (sản phẩm thông minh).

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối giữa con người với con người, con người với thiết bị, thiết bị với thiết bị, các doanh nghiệp và khách hàng... 

Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Sản xuất và nhân lực được đánh giá là hai yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ kỹ thuật số, mạng internet và trí thông minh nhân tạo đang xuất hiện hầu hết mọi nơi trên thế giới và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam và đang làm thay đổi cả nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng tạo ra thất nghiệp khiến nhiều người mất việc khi nền công nghiệp dệt may và các ngành thủ công truyền thống đang bị thay thế dần với sự xuất hiện của robot, của trí tuệ nhân tạo... Việc ứng dụng công nghệ cao và máy móc thông minh sẽ tạo cơ hội cho con người làm việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn bằng cách tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Phát triển công nghệ 4.0 có thể rút ngắn và gia tăng khoảng cách, chênh lệch về tiềm lực các quốc gia khác nhau và có khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước tốt hơn. 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường... mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh”, “nhà máy số” mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng.

Internet hỗ trợ chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn hàng hay sự cố hoặc lỗi, nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí vật liệu. 

* Xây dựng chiến lược, phát triển thế mạnh 

Để Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Việt Nam phải tiếp nhận công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh... Bên cạnh đó, lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, sản phẩm thế mạnh để phát triển những sản phẩm công nghệ dựa trên thế mạnh của Việt Nam. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự bùng phát của hệ thống sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối hay còn gọi là hệ thống tích hợp số - vật lý, cùng với những đột phá khoa học vào thế giới vi mô, hình thành các công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của mỗi quốc gia. 

Sự chuyển động mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 4 nhóm công nghệ: Công nghệ thông tin, vật lý, sinh học và năng lượng tái tạo, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, mức độ sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng các doanh nghiệp trong nước ở mức trung bình đối với nhóm công nghệ thông tin và mức độ sẵn sàng thấp trong các nhóm công nghệ còn lại.

Với thực trạng phát triển khoa học và công nghệ hiện nay của Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm giảm trên 80% số việc làm của ngành dệt may, còn Diễn đàn Kinh tế dự báo sẽ làm giảm 47% số việc làm trong ngành...

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-Ttg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động nắm bắt cơ hội, đưa các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực. 

Để vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải có sự phát triển dựa trên tích lũy nền tảng, nghiên cứu cơ bản định hướng mang tính đột phá, hướng đến ứng dụng... Nghiên cứu và phát triển trở thành "chìa khóa" quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.(TTXVN)
----------------------

Xuất khẩu thủy sản và mục tiêu 10 tỷ USD

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm và hải sản vẫn có xu hướng giảm, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2018 khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.

Xuất khẩu tôm và hải sản của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện xuất khẩu tôm và hải sản của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm, chỉ cá tra có mức tăng trưởng xuất khẩu ở chiều hướng tích cực.

Do vậy, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2018 sẽ khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.

Cụ thể, tính đến ngày 15/8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,09 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính, xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra vẫn có chiều hướng tăng mạnh với mức tăng 20-25%. Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm nay sẽ đạt khoảng 2,1 - 2,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017.

Cũng ở chiều hướng tăng trưởng tốt, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ ước đạt 417 triệu USD, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy vậy, mức tăng trưởng trong các tháng của năm 2018 hầu như thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ.

VASEP cũng cho biết, "thẻ vàng" IUU đã có tác động giảm đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU. Mặt hàng cá ngừ sang thị trường này ít bị giảm nhất nhưng xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác, như mực, bạch tuộc, nhất là các loại cá biển khác sang EU đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, tác động đến kết quả xuất khẩu chung.

Tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc tính đến cuối tháng 8 đạt 414 triệu USD, chỉ duy trì mức tăng khiêm tốn 3% sau khi bị giảm trong 2 tháng gần đây.

Ngược lại với xu hướng tăng trưởng của mặt hàng cá tra, xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng sụt giảm mạnh từ quý II/2018 đến nay. Trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 20% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8, chỉ đạt khoảng 345 triệu USD.

Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm của cả nước đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức dự báo lạc quan, nếu xuất khẩu tôm 4 tháng cuối năm tăng nhẹ so với những tháng qua thì xuất khẩu tôm năm 2018 chỉ có thể đạt khoảng 3,7 – 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017.

Sự sụt giảm xuất khẩu liên tục ở mặt hàng tôm trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến doanh số xuất khẩu thủy sản nói chung.

Dù xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh, xuất khẩu các mặt hàng khác như cá ngừ, cá biển khác vẫn tăng nhẹ nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm xuất khẩu tôm.

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm và hải sản vẫn có xu hướng giảm, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2018 khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra từ đầu năm.(Bnews)
------------------------------

Canada điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn các bon của Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản trả lời câu hỏi dành cho Việt Nam về tình hình thị trường đặc biệt tới cơ quan điều tra Canada sau khi nước này điều tra chống bán phá giá ống thép.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước việc Canada điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon nhập khẩu; trong đó có Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành và gửi bản trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ Việt Nam về tình hình thị trường đặc biệt tới cơ quan điều tra Canada (Canada Border Service Agency- Cơ quan biên phòng Canada) đúng thời hạn quy định. 

Bản trả lời bản câu hỏi điều tra của Chính phủ Việt Nam liên quan tới nội dung điều tra về vấn đề kinh tế thị trường đối với ngành thép của Việt Nam (theo Mục 20 Đạo luật các biện pháp nhập khẩu đặc biệt của Canada – SIMA) (bên cạnh nội dung điều tra về bán phá giá đối với doanh nghiệp), để xác định liệu Chính phủ Việt Nam có can thiệp vào hoạt động của ngành thép (bao gồm các sản phẩm ống thép) hay không. 

Trong trường hợp xác định ngành ống thép Việt Nam không hoạt động theo các điều kiện thị trường, Canada sẽ sử dụng giá trị thay thế để tính toán và thường đẩy biên độ phá giá lên khá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. 

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, dự kiến ngày 18/10 Canada sẽ ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc này. Do vậy, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và xây dựng kế hoạch xử lý trong trường hợp phía Canada gửi bản câu hỏi bổ sung.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục