tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 06-09-2018

  • Cập nhật : 06/09/2018

Thái Lan điều tra chống bán phá giá ống dẫn bằng sắt thép Việt Nam

Cục Ngoại thương Thái Lan đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mai (Bộ Công Thương): Ngày 29/8, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được thông tin về việc ngày 22/8, Cục Ngoại thương Thái Lan đã khởi xướng vụ việc điều tra CBPG đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, sản phẩm bị điều tra là ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép (“Welded Steel Pipes and tubes”).

Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty TNHH Cotcometalworks, Công ty TNHH Thai Metal (TMT), Công ty TNHH Pacific Pipe (PAP), Công ty TNHH Asia Metal (AMC), Công ty TNHH Thép Thai Coon.

Nguyên đơn cáo buộc sản phẩm bị điều tra nói trên đang gia tăng về số lượng và đang bị bán phá giá tại thị trường Thái Lan gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.

Theo thông báo khởi xướng, các bên liên quan có thể gửi yêu cầu tham gia phiên điều trần tới Cục Ngoại thương Thái Lan trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng (chậm nhất là ngày 21/9). Đồng thời, các bên liên quan không nhận được bản câu hỏi từ cơ quan điều tra nhưng mong muốn trả lời bản câu hỏi này có thể gửi yêu cầu tới Cục Ngoại thương Thái Lan để xin bản câu hỏi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ cho Cục Ngoại thương Thái Lan trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có bất lợi và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối) trong vụ việc này để kháng kiện vụ việc một cách hiệu quả.(Baohaiquan)
-------------------

Hoạt động sản xuất của Mỹ đạt mức cao nhất trong 14 năm

Hoạt động sản xuất của Mỹ tháng 8/2018 tăng tốc vượt mức cao nhất trong 14 năm, bởi sự tăng vọt trong các đơn hàng mới, nhưng sự tắc nghẽn ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng do một nền kinh tế mạnh và thuế quan nhập khẩu có thể hạn chế tăng trưởng hơn nữa.

Khảo sát của Viện quảnh lý nguồn cung (ISM) là mâu thuẫn với một khảo sát khác công bố trong ngày 4/9/2018 cho thấy sản xuất ở mức đỉnh cao và chỉ ra sự suy giảm trong những tháng tới do đồng USD mạnh. Các khảo sát gần đây cũng cho thấy sự nguội lạnh trong hoạt động sản xuất của khu vực.

Michael Pearce, một chuyên gia kinh tế của Mỹ thuộc Capital Economics, New York cho biết “sự gia tăng trong chỉ số sản xuất ISM là khó phù hợp với bằng chứng khác, mà chỉ ra tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất bắt đầu chậm lại”. “Với các đơn hàng xuất khẩu hiện nay đang suy yếu do sự gia tăng nhanh chóng của đồng USD trong vài tháng qua, chúng tôi vẫn nghĩ rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất sẽ chậm lại trong vài quý tới”. ISM cho biết chỉ số hoạt động sản xuất quốc gia tăng lên 61,3 điểm trong tháng trước, số liệu tốt nhất kể từ tháng 5/2004, từ 58,1 trong tháng 7/2018. Chỉ số trên ngưỡng 50 cho thấy tăng trưởng trong sản xuất, lĩnh vực chiếm khoảng 12% của nền kinh tế Mỹ.

ISM mô tả nhu cầu vẫn mạnh, nhưng cảnh báo rằng nguồn lực và chuỗi cung ứng của quốc gia này tiếp tục gặp khó khăn. Theo ISM, những người trả lời khảo sát một lần nữa áp đảo lo ngại về hoạt động liên quan tới thuế quan, gồm thuế quan lẫn nhau sẽ tác động tới doanh thu của công ty và vị trí sản xuất hiện tại thế nào.

Chính sách thương mại “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đến một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc và việc trả đũa thuế quan nhập khẩu với các đối tác thương mại khác gồm EU, Canada và Mexico.

Tổng thống Trump đã phòng thủ các loại thuế với thép và nhôm nhập khẩu và một loạt các hàng hóa của Trung Quốc như sự cần thiết để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ từ những gì ông nói là sự cạnh tranh không lành mạnh với nước ngoài. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng thuế quan này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và cắt giảm đầu tư kinh doanh và làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế này tăng 4,2% trong quý 2/2018, gần gấp đôi mức 2,2% trong quý 1/2018.

Chỉ số đồng USD tăng so với rổ tiền tệ, trong khi giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Chỉ số phụ của đơn đặt hàng mới ISM công bố tăng lên 65,1 điểm trong tháng trước từ 60,2 điểm trong tháng 7/2018. Tuy nhiên, một thước đo của các đơn hàng xuất khẩu giảm trong tháng 8/2018, nhiều khả năng phản ánh mức tăng hơn 5% của đồng USD so với các đồng tiền của đối tác thương mại chính với Mỹ.

Chỉ số phân phối của nhà cung cấp trong khảo sát này tăng vọt lên 64,5 điểm trong tháng 8/2018, làm nổi bật sự gia tăng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Chỉ số này đã đạt mức cao nhất 14 năm tại 68,2 điểm trong tháng 6/2018. Các nhà kinh tế cho biết nền kinh tế mạnh, đánh dấu bởi một thị trường lao động gần như đầy đủ việc làm cũng như thuế nhập khẩu là nguyên nhân giao hàng chậm trễ.

Chuyên gia kinh tế Ryan Sweet thuộc Moody cho biết “việc tắc nghẽn trong sản xuất sẽ hỗ trợ lạm phát, nhưng những hạn chế vẫn chưa trở nên quá ràng buộc”.

Các nhà máy báo cáo thuê thêm nhân công trong tháng trước, với sản xuất đang tăng mạnh. Báo cáo việc làm trong tháng 8/2018 sẽ được phát hành vào thứ sáu này (ngày 7/9/2018).

Trong ngành công nghiệp máy tính và sản phẩm điện tử, các nhà sản xuất cho biết hầu hết các nhà cung cấp đang chờ đánh giá lại khả năng tăng giá cho tới tháng 9/2018. Các nhà chế tạo máy móc cho biết trong khi chi phí nguyên liệu thô dường như ổn định và hầu hết các nhà cung cấp sẵn sàng và có thể ngăn cản chi phí tăng, tác động của thuế quan vẫn đáng lo ngại.

Trong một khảo sát khác, công ty số liệu Markit cho biết chỉ số sản xuất PMI của Mỹ trong tháng 8/2018 giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng tại 54,7 điểm từ 55,3 trong tháng trước đó. Các nhà sản xuất báo cáo các đơn hàng mới sụt giảm, với xuất khẩu là nguồn suy yếu chính.

Markit cho biết một số suy giảm trong hoạt động sản xuất phản ánh tình trạng thiếu đầu vào, người vận chuyển và lao động, dẫn tới tăng tiếp các việc tồn đọng. Họ cho biết thuế quan đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và cũng thúc đẩy giá tăng. Gần 2/3 các công ty được khảo sát báo cáo giá đầu vào tăng.

Một báo cáo khác từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu xây dựng hầu như không tăng trong tháng 7/2018 do sự gia tăng trong xây nhà và đầu tư trong các dự án công bị lấn áp bởi sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu tư nhân trong khu vực phi dân cư.(VITIC)
-------------------------

5 nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” trong tháng 8

 Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 có 4/5 nhóm hàng đạt sự tăng trưởng về kim ngạch so với tháng 7/2018.

5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thu được từ 1 tỷ USD trở lên trong tháng 8 vừa qua gồm: Điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép.

Dù đây mới là con số ước tính của Tổng cục Hải quan nhưng căn cứ theo dữ liệu khai báo 15 ngày đầu tháng, quy luật tăng trưởng, kim ngạch “tỷ đô” nắm chắc trong tay 5 nhóm hàng xuất khẩu quan trọng này.

Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng trước, nâng kim ngạch hết tháng 8 lên 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt may, ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và nâng trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng lên 19,42 tỷ USD, tăng 14,9%.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước, và tổng trị trong 8 tháng là 18,44 tỷ USD, tăng 14,2%.

Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, ước đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, nâng tổng trị giá trong 8 tháng lên 10,56 tỷ USD, tăng 26,9%.

Hàng giày dép, ước đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, nâng tổng trị giá trong 8 tháng lên 10,53 tỷ USD, tăng 9,6%.

Như vậy, giày dép là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch sụt giảm so với tháng 7/2018.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả 8 tháng qua, 5 nhóm hàng chủ lực đều duy trì mức tăng trưởng cao với 4/5 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng 2 con số và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Trong tháng 8 vừa qua, riêng 5 nhóm hàng chủ lực đóng góptới 60% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tính chung trong tháng 8, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 41,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước; nhập khẩu ước đạt 21 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước.

Trong tháng 8, cán cân thương mại của nước ta ước tính thâm hụt 100 triệu USD, bằng 0,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, lũy kế hết tháng 8 cả nước vẫn thặng dư hơn 2,75 tỷ USD.

Hết tháng 8, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 308,07 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó xuất khẩu là 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu là 152,66 tỷ USD, tăng 11,6%.(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục