Yếu tố nào quyết định "tiềm lực quốc gia" trong kỷ nguyên 4.0?; Xuất khẩu thủy sản và mục tiêu 10 tỷ USD; Canada điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn các bon của Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-09-2018
- Cập nhật : 04/09/2018
Động lực mới nào cho tăng trưởng kinh tế?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Vấn đề mang tính chiến lược này thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kịch bản cơ sở tăng trưởng giai đoạn 2018 - 2020, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 7,47%/năm và duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được mức tăng trưởng này, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xây dựng các giải pháp tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta đang tìm động lực mới trong tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là từ năm 2019 - 2021, trong bối cảnh thế giới có xung đột, bảo hộ thương mại? Thứ hai là dư địa nào mà chúng ta cần phải làm? Người ta đang nói, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn. Còn dư địa nào lớn hơn nữa trong tăng trưởng?", Thủ tướng gợi ý. Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ một nước thiếu ăn, nhờ tái cơ cấu và đổi mới quan hệ sản xuất nên nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo.
Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, 3 động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế hiện nay là: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải cách thể chế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân; phát triển khoa học và công nghệ. “Ngoài ra, chúng ta còn động lực về hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng hiện nay động lực này đang rất bấp bênh. Hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho chúng ta khai thác được lợi thế so sánh, tìm kiếm được những thị trường, đối tác mà hai bên bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa làm tốt điều này”, ông Doanh đánh giá. Đề cập về động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Doanh cho rằng, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, do đó rất cần phải có chế tài xử lý những đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.
Đối với động lực phát triển mạnh kinh tế tư nhân, theo ông Doanh, vẫn còn tình trạng chưa tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân lớn lên. Tại Hà Nội có những hộ gia đình xuất khẩu đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng họ vẫn không muốn lớn lên thành doanh nghiệp. Còn một số người kinh doanh thành công lại bỏ tiền ra mua nhà ở nước ngoài, sau đó ra nước ngoài sinh sống, ông Doanh nêu bất cập và cho rằng, chúng ta cần sửa chính sách để khơi dậy và phát huy các nguồn lực phát triển.
Liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các yếu tố khác phải tạo điều kiện khơi thông dòng chảy cho kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập. Ông Phong cũng bổ sung thêm một động lực từ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý (Nhà nước, doanh nghiệp) có chất lượng. Bên cạnh đó có thể là một số động lực mới từ việc lựa chọn các ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mới đây, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo lạc quan cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ vượt 7% với nhiều động lực từ khu vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…(Baodauthau)
--------------
CPI bình quân cả năm 2018 tăng khoảng 3,73%-3,95%
Trên cơ sở dự báo các yếu tố tác động lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2018, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73%-3,95%.
Đánh giá về các yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong 4 tháng cuối năm 2018, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá thực phẩm vẫn có thể tiếp tục tăng, tuy nhiên có thể mức tăng sẽ không lớn như những tháng vừa qua; Giá xăng dầu, nhiên liệu đốt có thể có những diễn biến khó lường và thường có xu hướng tăng vào mùa lạnh; Giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng trong tháng 9; Giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thường có xu hướng tăng vào mùa xây dựng cuối năm; tình hình thiên tai, bão lũ có thể diễn biến bất thường… có thể tác động làm tăng CPI .
Trong những năm gần đây, mặt bằng chỉ số giá các tháng cuối năm cơ bản nằm trong kiểm soát, kể cả thời điểm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh vào cuối năm 2016.
Từ các nhận định trên, Cục Quản lý giá dự báo, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính – tiền tệ thế giới (Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ...). Đồng thời, nếu diễn biến chỉ số giá các tháng cuối năm có xu hướng tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, xây dựng kịch bản chỉ số giá trong năm 2019.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức 4% như Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng cuối năm cần được kiểm soát ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng (so với tháng trước). (TCTC)
-----------------------------
Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị
8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị với sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu gạo xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), khối lượng xuất khẩu gạo tháng 8/2018 ước đạt 441 nghìn tấn với giá trị đạt 209 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,4 triệu tấn và đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 được đánh giá là cao hơn cùng kỳ năm 2017 (giá bình quân 7 tháng là 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017).
Bảy tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2017), Iraq (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017), Philippines (tăng gấp 2 lần), Hongkong – Trung Quốc (tăng 61,3%), Malaysia (tăng 39,4%), bờ Biển Ngà (33,5%) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (11%).
Trong tháng 7, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ, đạt trung bình 395 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng trước, thấp hơn giá trung bình gạo cùng loại của Thái Lan (404 USD/tấn) và Ấn Độ (398 USD/tấn).
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu bảng về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 với 24,7% thị phần. Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 927 nghìn tấn với kim ngạch 491 triệu USD, giảm 32,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân được cho là do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng lên. Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 – 800.000 tấn từ này đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước; các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu lớn của nước này.
Indonesia và các nước châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu trong các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ, Hàn Quốc cũng sẽ mở thầu mua thêm 92.783 tấn gạo lứt hạt trung và dài vào ngày 3/9/2018, giao hàng từ 30/11 đến 31/12/2018.
Đáng chú ý, việc Chính phủ vừa thông qua Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP đã nới lỏng các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Chính sách thông thoáng này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, liên minh châu Âu (EU), châu Phi, Iraq, Cuba, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…(Baoquocte)