Lãi suất có thể giảm từ 0,5 - 1% ở các kỳ hạn; Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng; Sếp VinaCapital: Việt Nam cần vốn tư nhân đầu tư cho hạ tầng; Đã phá sản “đứa con” tai tiếng, Vinalines phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ nghìn tỷ?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-06-2017
- Cập nhật : 27/06/2017
Tỷ phú Nga thâu tóm Tập đoàn Holland & Barrett của Anh
Tỷ phú Nga Mikhail Fridman đã quyết định mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ các thực phẩm chăm sóc sức khỏe Holland & Barrett lớn nhất nước Anh với giá 2,3 tỷ USD.
Trong thông báo ngày 26/6, Quỹ đầu tư L1 Retail thuộc Tập đoàn đầu tư LetterOne của ông Fridman cho biết tỷ phú Nga đã mua lại Holland & Barrett từ công ty mẹ Nature's Bounty do Tập đoàn đầu tư Carlyle của Mỹ sở hữu.
Holland & Barrett là nhà bán lẻ thực phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Anh, cũng như tại châu Âu. Tập đoàn này hiện có hơn 1.150 cửa hàng với đội ngũ nhân viên lên tới hơn 4.200 người.
Holland & Barrett được thành lập vào năm 1870 và có trụ sở tại thành phố Nuneaton (Nu-ni-tơn) ở miền Trung nước Anh. Doanh thu trung bình hàng năm của tập đoàn này đạt khoảng 780 triệu USD. Các sản phẩm của Holland & Barrett gồm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thiên nhiên.(Baotintuc)
--------------------------------
Italy sẽ chi 17 tỷ euro giải cứu 2 ngân hàng
Chính phủ Italy ngày 25/6 thông báo sẽ chi tới 17 tỷ euro để giải cứu hai ngân hàng của nước này là Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza. Cả hai ngân hàng này được đánh giá là sắp bị phá sản.
Bộ trưởng Tài chính Italy Pier Carlo Padoan cho hay khoảng 4,8 tỷ euro sẽ được giải ngân ngay lập tức để “duy trì nguồn vốn” cho ngân hàng bán lẻ lớn nhất của Italy là Intesa Sanpaolo để ngân hàng này mua lại các tài sản “tốt” của hai ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza. Tiếp đó, một khoản 400 triệu euro bổ sung sẽ được dành để làm “khoản đảm bảo” cho Intesa. Phần còn lại khoảng 12 tỷ euro sẽ được sử dụng để bù vào lỗ hổng tài chính khổng lồ của Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza mà nguyên nhân là do các khoản nợ xấu.
Nhằm trấn an các khách hàng của hai ngân hàng, Bộ trưởng Padoan cũng khẳng định “hoạt động của các quầy giao dịch (tại hai ngân hàng này) sẽ trở lại bình thường” vào ngày 26/6.
Uỷ ban Châu Âu (EC) cùng ngày đã thông qua kế hoạch của Italy nhằm giải cứu hai ngân hàng nói trên. Trong một tuyên bố, EC cho biết theo các quy định của EU, họ đã thông qua các biện pháp của Italy nhằm tạo thuận lợi để Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza thanh toán các khoản nợ theo luật phá sản của quốc gia.
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch nói trên của chính phủ, khẳng định một sự thất bại "hỗn loạn" của hai ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza có thể gây nguy hiểm cho đà phục hồi kinh tế vốn đã chậm chạp của Italy.
Thủ tướng Italy cho rằng động thái của chính phủ, được quyết định tại một phiên họp nội các đặc biệt trong ngày 25/6, là nhằm hỗ trợ người gửi tiền hơn là các nhân viên ngân hàng. Theo ông Gentiloni, khoảng 3.500 đến 4.000 nhân viên ngân hàng vẫn có thể bị mất việc làm.
Tối 23/6, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã chấm dứt việc cung cấp tài chính cho hai ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza, vốn lâu nay luôn phải vật lộn với các khoản nợ xấu.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trước đó cũng bày tỏ quan ngại về các khoản cho vay đầy rủi ro của một số ngân hàng Italy, một vấn đề mà Chính phủ Italy khẳng định là đang tìm cách giải quyết.
Hồi đầu tháng này, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu đã thông qua kế hoạch giải cứu một ngân hàng đang gặp rắc rối khác là Monti dei Paschi di Siena, ngân hàng lâu đời nhất thế giới và lớn thứ ba của Italy. (TTXVN)
-----------------------------
Sốt đất kích giá căn hộ leo thang
Chi phí đất chiếm 30-35% tổng đầu tư dự án nên các chuyên gia lo ngại cơn sốt đất thời gian qua sẽ đẩy giá chung cư đi lên.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác với 20 đối tác lớn phát triển hàng loạt dự án nhà ở, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, Lương Trí Thìn cho biết cơn sốt đất khắp vùng ven TP HCM thời gian qua đang góp phần tác động rất lớn đến giá thành căn hộ. Đặc biệt các dự án chung cư hình thành từ năm 2017 trở đi có thể thiết lập mặt bằng giá mới nhích lên do chi phí cho quỹ đất buộc phải tăng mạnh.
Chuyên gia này phân tích, trên thực tế, sau cơn sốt đất TP HCM rộ lên nửa đầu năm 2017 ở nhiều quận huyện vùng ven có mức tăng giá gấp 1,5-2 lần trong một năm, có nơi mức tăng đỉnh điểm là 300% (gấp 3 lần). Đây là diễn biến không có lợi cho các nhà phát triển căn hộ vì việc tìm kiếm quỹ đất ngày càng khó khăn hơn và chi phí cũng đội lên đáng kể.
Trên thực tế, đà tăng giá đất tại TP HCM bắt đầu chậm lại và xuất hiện tình trạng giảm giá tính từ đầu tháng 6/2017 trở đi. Dù giá đất một số nơi quay đầu đi xuống 10-20% nhưng đà giảm này vẫn khiêm tốn so với cơn lốc tăng giá trước đó.
Các dự án căn hộ ở khu vực xa trung tâm nhưng có kết nối hạ tầng hoàn chỉnh đang đứng trước áp lực tăng giá sau cơn sốt đất. Ảnh: Hao Bui
Ông Thìn phân tích, nếu tổng suất đầu tư một dự án nhà chung cư là 100% thì riêng chi phí đất đai chiếm trung bình 30-35%. Sau cơn sốt đất, tỷ lệ này có thể thay đổi theo chiều hướng tăng lên đáng kể vì tình trạng giá đất leo thang đã lan rộng khắp TP HCM. Giá thành căn hộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí khu đất, chất lượng xây dựng, thiết kế, tiện ích..., trong đó giá đất (phụ thuộc vào vị trí) được xem là chi phí ngày càng phình to.
Trong buổi báo cáo thị trường căn hộ những tháng đầu năm 2017, Giám đốc CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung xác nhận, thị trường nhà chung cư đang chịu tác động khá lớn do giá đất tăng mạnh.
Bà Dung phân tích, tình trạng giá bán các dự án mới triển khai có xu hướng tăng lên một phần do cú hích hạ tầng, đặc biệt trong nửa đầu năm 2017 có thêm sự tác động đáng kể của yếu tố giá đất leo thang.
Theo nữ chuyên gia này, cơn sốt đất có thể gây ra không ít khó khăn đối với việc chuẩn bị quỹ đất, làm tăng chi phí đầu vào (mua đất sạch, đền bù giải phóng mặt bằng) và khiến các nhà đầu tư phát triển chung cư phải cân nhắc đến việc nâng giá thành ngoài ý muốn. Điều này có thể khiến thị trường căn hộ chịu tác động mạnh mẽ bởi xu hướng tăng giá trong thời gian tới bất chấp sức mua có dấu hiệu chậm lại trong những tháng đầu năm.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang nhận định, kể từ giai đoạn 2015-2016 trở đi, tìm quỹ đất sạch phát triển dự án đã khó, đến năm 2017, điều này càng trở nên thách thức hơn sau khi cơn sốt đất lan rộng. Ngoại trừ những khu vực sốt ảo, giá đất có thể bị điều chỉnh đi xuống do sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường. Thế nhưng đa số những khu vực sốt thật (có nhiều cơ sở tăng giá), quỹ đất ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
Chuyên gia này cho rằng phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền sẽ phải chịu áp lực lớn hơn khi các chủ đầu tư buộc phải cân bằng giữa chi phí ngày càng phình to (do giá đất tăng) và tỷ suất lợi nhuận có nguy cơ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, căn hộ trung - cao cấp ít chịu ảnh hưởng hơn do mặt bằng giá của những dòng sản phẩm này vốn đã được định vị ở ngưỡng cao ngay từ đầu và biên lợi nhuận của phân khúc này cũng cao hơn.
Theo ông Quang, cơn sốt đất xảy ra ở khu vực vùng ven trong thời gian qua cũng có thể kéo theo một thực trạng chung là giá thành căn hộ tại các khu vực xa trung tâm nhưng có kết nối hạ tầng hoàn chỉnh sẽ tự động nhích lên tối thiểu 5-10%, cao nhất 15%.(Vnexpress)
----------------------------
Tận dụng ưu đãi, vốn Hàn Quốc đổ vào TP.HCM tăng mạnh
Trong 2,24 tỉ USD vốn FDI vào TP.HCM sáu tháng đầu năm, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 100 triệu USD, chiếm 27%%, bỏ xa các nhà đầu tư Nhật Bản và hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết 6 tháng đầu năm nay thành phố đã thu hút được 2,24 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gấp hai lần so cùng kỳ.
Trong số 356 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư cao nhất 125,45 triệu USD chiếm tỉ trọng 32% tổng vốn đầu tư.
Đáng chú ý, nhà đầu tư Hàn Quốc đã vươn lên dẫn đầu, chiếm tỉ trọng lớn khoảng 26,9% với 101,09 triệu USD, bỏ xa các nhà đầu tư Nhật Bản, Maylaysia trong nửa năm qua.
Vốn Hàn Quốc đang được xem là điểm sáng tích cực trong bức tranh thu hút vốn của TP.HCM cũng như cả nước.
Theo đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra), các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chọn Việt Nam nhờ chính sách ưu đãi, đặc biệt là việc giảm thuế, vì thế tốc độ đầu tư của nước này sẽ nhanh chóng trong thời gian tới.
Hiện tại đang có sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất tại các nước trong khu vực sang Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Ngoài ra, để tận dụng các ưu đãi thuế từ Hiệp định FTA Hàn - Việt, các cơ quan xúc tiến thương mại của chính phủ và các địa phương Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến cho các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng vào Việt Nam thời gian gần đây.
Tại lễ ra mắt văn phòng thành phố Daejeon tại TP.HCM hồi giữa tháng 6-2017, Trưởng văn phòng đại diện này tại TP.HCM, ông Jeong Ki Hong, cho biết cơ quan này được thành lập nhằm hỗ trợ thị trường nước ngoài, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, cho các doanh nghiệp Daejeon và Hàn Quốc khi đầu tư, kinh doanh ra bên ngoài.
Tính đến nay có 1.340 dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào TP.HCM với số vốn cam kết đứng thứ tư trong số 87 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào thành phố.
Dù dẫn đầu cả nước về vốn đầu tư FDI trong mấy năm qua, nhưng tại TP.HCM, Hàn Quốc vẫn mới chỉ đứng thứ năm sau Singapore, British Virgin Islands, Malaysia và Cayman Island.(Tuoitre)