TP HCM đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động; Nhu cầu của người Việt với dịch vụ tài chính tăng; Malaysia bác bỏ trách nhiệm đối với thâm hụt mậu dịch của Mỹ; Dự án cầu Đại Ngãi đón vốn ODA Nhật Bản
Tin kinh tế đọc nhanh 25-04-2017
- Cập nhật : 25/04/2017
3 kịch bản dành cho đồng Euro sau cuộc bầu cử tại Pháp
Nếu ông Melenchon hay bà Le Pen thành tổng thống, đồng euro sẽ giảm 7% so với đồng USD, xuống mức thấp chưa từng có trong 13 năm.
Với khoảng 1/3 số cử tri vẫn đang còn phân vân chưa biết bầu cho ai, vòng bầu cử đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào hôm nay (23/4) hứa hẹn sẽ rất bất ngờ.
Kịch bản xấu nhất cho đồng euro, cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác là khi hai nhân vật chuyên bài xích EU là lãnh tụ phe cực hữu Marine Le Pen và ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon cùng lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử hôm 7/5 tới đây. Kịch bản đẹp nhất sẽ là khi cả bà Le Pen và ông Melenchon đều không thể lọt vào vòng 2.
Các nhà phân tích tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Crédit Agricole (CA) của Pháp đã cung cấp cho khách hàng của mình một bản chi tiết về liệu việc đồng euro có thể phản ứng như thế nào với ba kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.
1. Kịch bản tốt nhất: 2 ứng viên trung dung là ông Emmanuel Macron và François Fillon sẽ lọt vào vòng 2. Đồng euro có thể tăng đến 4%, đưa tỷ giá của đồng tiền này so với USD vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng là 1 euro = 1,1 USD. Nhóm nghiên cứu tại CA cho rằng xác suất cho kịch bản này là 15%.
2. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất: ông Macron sẽ lọt vào vòng 2 cùng với ông Melenchon hoặc bà Le Pen, vốn đều đại diện cho sự bất mãn của người dân với hiện trạng của nền kinh tế Pháp. Ông Macron dự kiến sẽ chiếm ưu thế trong vòng 2 khi gặp 1 trong 2 ứng viên này. CA cho rằng khả năng kịch bản này xảy ra lên đến 40%, khi đó đồng euro có thể phục hồi nhẹ trở lại lên mức 1,08USD đổi 1 euro. Tuy nhiên, nếu ông Fillon và bà Le Pen vào vòng 2, thì đồng euro có thể sẽ suy yếu, vì ông Fillon được xem là dễ thất bại hơn ông Macron, do mất uy tín sau bê bối tài chính liên quan đến vợ ông.
3. Kịch bản "ác mộng": bà Le Pen và ông Melenchon sẽ cùng lọt vào vòng 2, buộc các cử tri ôn hòa sẽ phải lựa chọn giữa ứng viên cực tả hoặc là cực hữu. Các cuộc thăm dò cho thấy bà Le Pen - người ủng hộ việc rời khu vực đồng euro - sẽ có thể thua ông Melenchon, người đã kêu gọi sửa đổi lại các hiệp ước của Liên minh Châu Âu (EU), và sau đó là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem người dân Pháp có muốn rời EU hay không. Những bất ổn tiềm tàng khi một trong 2 ứng viên này trở thành tổng thống có thể khiến đồng euro giảm 7% so với đồng USD, xuống mức chưa từng thấy trong 13 năm.
Nếu một ứng cử viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng 1 này, ứng viên đó sẽ chính thức trở thành tổng thống mà không cần tiến hành vòng 2, dù khả năng này là cực kì thấp. Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố sau khi thời gian bỏ phiếu kết thúc lúc 8 giờ tối theo giờ Pháp (2h sáng ngày 24/4 theo giờ Việt Nam), với kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trước khi thị trường châu Á mở cửa vào sáng thứ Hai.(NCĐT)
----------------------------
Masan khẳng định không bán mỏ Núi Pháo, tìm đối tác cùng phát triển
Đại diện Masan cho biết không có dự định rút vốn khỏi Núi Pháo mà tìm đối tác để phát triển.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), ông Danny Lê, Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Phó Tổng Giám đốc Masan, khẳng định tập đoàn này sẽ không bán mỏ Núi Pháo.
"Có những thông tin Masan bán cổ phần tại Núi Pháo, thật ra với chúng tôi, Núi Pháo là một phần chiến lược rất quan trọng và chúng tôi không làm kinh doanh để bán lại. Chúng tôi muốn tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác", ông Danny Lê cho biết.
Theo đó, Masan sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược, có chung tầm nhìn và sở hữu nền tảng công nghệ mà để cùng phát triển dự án này. "Chúng tôi không có dự định rút vốn khỏi Núi Pháo mà tìm đối tác để phát triển", đại diện Masan khẳng định một lần nữa với cổ đông.
Trước đó, nguồn tin từ tờ The Economic Times (Ấn Độ) cho biết tập đoàn khai khoáng khổng lồ NMDC đang có ý định mua cổ phần mỏ Núi Pháo để tiếp cận nguồn vonfram. Đại diện NMDC lúc đó từ chối bình luận về vụ việc nhưng cho biết đã ký một thỏa thuận về việc không tiết lộ thông tin (NDA) với phía đối tác Việt Nam.
Núi Pháo là mỏ vonfram lớn nhất và là một trong những nơi sản xuất các sản phẩm công nghiệp vonfram với chi phí thấp nhất thế giới, theo thông tin được Masan công bố. Hiện mỏ này nắm 36% thị phần sản phẩm công nghiệp vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc.
Vào tháng 12/2016, thông qua công ty con, Masan đã hoàn tất việc chào mua công khai cổ phiếu Masan Resources để nâng tỷ lệ sở hữu gián tiếp tại đây từ 74,39% lên 95,9%.
Tuy giá cả hàng hóa suy giảm trong năm qua song doanh thu thuần của Masan Resources đã tăng trên 50% lên hơn 4.000 tỷ đồng nhờ khả năng thu hồi quặng hữu ích cao hơn và sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng cao, Hội đồng quản trị Masan cho biết.
Báo cáo của Hội đồng quản trị Masan cũng cho hay trong tương lai, lĩnh vực khoáng sản, với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược mới, sẽ tiếp tục củng cố nguồn cung vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc, đảm bảo nguồn cung và chế biến sâu hơn trong chuỗi giá trị, giúp giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của biến động giá vonfram.
Năm 2017, Masan Resources dự kiến sẽ tăng doanh thu thuần 22-27% và tăng lợi nhuận 36-164% tùy tình hình giá cả hàng hóa.(NCĐT)
---------------------------------------------------
ODA từ Nhật Bản sẽ giảm trong năm nay
Chậm giải ngân dự án nhiệt điện Thái Bình và các hạn chế về ngân sách vay vốn của Việt Nam là những lý do khiến ODA năm 2017 từ Nhật giảm.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Fujita Yasuo, cho biết những dự án được ký kết Hiệp định vốn vay trong năm tài khóa 2017 và những dự án từ năm tài khóa 2018 trở đi sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu vay vốn từ phía Chính phủ Việt Nam và tình trạng chuẩn bị của các dự án.
Khoản giải ngân trong năm tài khóa 2017 đang được xem xét, nhưng dự kiến sẽ giảm một chút so với năm tài khóa 2016. Lý do chính là việc giải ngân cho dự án Xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án chiếm tỷ trọng lớn trong năm tài khóa 2016, đã qua giai đoạn giải ngân cao điểm, và sự hạn chế về ngân sách vay vốn của Chính phủ Việt Nam.
Theo JICA, chính phủ Việt Nam đang đặt ra nhiều hạn chế đối với việc vay vốn cho từng dự án. “Chúng tôi hiện đang đề nghị Chính phủ Việt Nam không nên đặt hạn chế đối với từng dự án mà nên phân bổ nguồn vốn vay hợp lý theo tiến độ của mỗi dự án”, ông Fujita Yasuo nói.
Hiện vẫn còn 5 dự án, trị giá 130 tỷ Yên, đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua trong năm tài khóa 2016 nhưng vẫn chưa ký kết Hiệp định vốn vay. Trong số này bao gồm:
- Dự án nâng cao năng lực đảm bảo an ninh an toàn hàng hải Việt Nam: 38,482 tỷ Yên.
- Dự án các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai sử dụng thông tin vệ tinh quan sát trái đất, Giai đoạn 2: 30 tỷ Yên.
- Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre: 24,257 triệu Yên.
- Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa, Giai đoạn 1: 24,7 tỷ Yên.
Từ năm 2012 trở lại đây, Nhật Bản duy trì giá trị khoản vay của các năm ở mức độ tương đương. Ông Yasuo nhận xét, tỷ lệ thực thi các nguồn vốn ODA của Việt Nam là khá cao, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề như sự chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt năm ngoái phát sinh thêm mức trần giải ngân.
Chẳng hạn như dự án Cải tạo môi trường nước giai đoạn 2, từ tháng 9 năm ngoái,công tác giải ngân của dự án đã bị ngừng lại, khoản tiền chưa chi trả lên đến 10 tỷ Yên là một ví dụ.
“Một bộ phận bị chậm trễ khiến cho các công việc trên không được thực hiện, đã không tạo nên hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế”, ông Fujita Yasuo nhận xét.
Việt Nam có thể làm tốt hơn nếu công tác giải ngân được thực hiện đúng tiến độ, từ đó người lao động Việt Nam được thanh toán tiền lương đúng hạn, doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty sẽ tăng lên, đem lại hiệu ứng tác động phát triển kinh tế tốt hơn.
Ông Yasuo cho biết giá trị giải ngân thực tế giảm từ năm ngoái là do mức trần giải ngân. Năm nay, tổng giá trị khoản vay ODA mới đã cam kết có giảm đi một chút, nhưng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến tổng thể.
Từ tháng 7.2017, Việt Nam sẽ không còn được vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) với mức lãi suất thấp nhất. Thế nhưng, không phải tất cả các nhà tài trợ đều thay đổi điều kiện vay cùng một lúc, có thể vài năm nữa thì Việt Nam mới không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Fujita Yasuo nhận xét.
Ông Fujita Yasuo cho biết, JICA hàng năm cũng tiến hành xem xét lại các điều kiện vốn vay, tuy nhiên sẽ không xảy ra trường hợp các điều kiện bị thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu đi. Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các điều kiện cho vay vốn và thông tin có thể được công bố sau 1 tháng nữa. (NCĐT)
------------------------------------
Nhật Bản nỗ lực duy trì các thỏa thuận đạt được của TPP-12
Nhiều nước muốn sửa đổi các thỏa thuận đã đạt được trước đó của TPP, trong đó có Việt Nam
Trong một động thái nhằm thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Hoa Kỳ, hay còn gọi là TPP-11, Nhật Bản sẽ nỗ lực thuyết phục các quốc gia thành viên khác tuân thủ các thỏa thuận thương mại và thuế quan đã đạt được trong khuôn khổ 12 quốc gia trước đó, để tránh phải đàm phán lại.
Chính phủ Nhật Bản sẽ thể hiện mong muốn duy trì khuôn khổ hiện tại khi đại diện của 11 nước họp tại Canada trong hai ngày vào đầu tháng 5. Nhật Bản sẽ nỗ lực đảm bảo sự thống nhất giữa các nước TPP-11 tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Việt Nam vào cuối tháng 5 và đạt được một sự nhất trí trong tháng 11 khi các vị đứng đầu chính phủ gặp nhau tại Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết hôm qua (20/4) rằng các nước sẽ tổ chức đàm phán để thực thi TPP mà không có Mỹ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akio Mimura hoan nghênh động thái này, và nói đây sẽ là một bước tiến quan trọng, “nếu Nhật Bản củng cố lập trường của mình”.
Tiến trình TPP đã bị ngưng lại từ khi Mỹ đã rút khỏi hiệp định này theo quyết định của Tổng thống Donald Trump. Sự rút lui của nhân tố chủ chốt này có nghĩa là các nước còn lại phải tự tìm cho mình một thoả thuận mới.
Nhật ban đầu khá lưỡng lự nhưng cuối cùng đã quyết định vẫn tiếp tục theo đuổi TPP mà không có Mỹ. Các nước như Úc, New Zealand, Canada, Mexico và Singapore cũng có cùng quan điểm về tiếp tục theo đuổi TPP, và sẽ cố gắng giữ lại các quy tắc đã được thống nhất trước đó càng nhiều càng tốt.
Bất chấp việc rút lui của Mỹ, Nhật Bản vẫn cho rằng nước này và khu vực sẽ được hưởng lợi từ các thỏa thuận trước đây về thương mại điện tử và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, Nhật Bản và Úc sẽ giám sát chặt chẽ những diễn biến ở Mỹ. Nước này sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2018, và một số thành viên trong chính phủ Nhật Bản cho rằng ông Trump có thể nới lỏng chủ nghĩa bảo hộ của mình nếu phe ủng hộ thương mại của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng.
Dù Phó Tổng thống Mike Pence gần đây gọi TPP là "đã là quá khứ" đối với Mỹ, Nhật vẫn hy vọng Mỹ quay lại.
Tuy nhiên, một số quốc gia có thể sẽ yêu cầu điều chỉnh các thỏa thuận đã đạt được với TPP-12. Việt Nam và Malaysia đã đồng ý sửa đổi những luật lệ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và giảm bớt các quy định với một số ngành, bao gồm truyền thông, bán lẻ và tài chính để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Việt Nam, vốn trước đó đã giành được sự nhượng bộ của Hoa Kỳ cho việc giảm thuế đối với sản phẩm dệt may thông qua TPP, nay đang chuyển hướng sang một hiệp định tự do thương mại song phương.
Trong khi đó, Peru và Chile đang bày tỏ ý định muốn mời Trung Quốc tham gia vào TPP.