tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-04-2017

  • Cập nhật : 24/04/2017

Doanh nhân 8X bán công ty gần 2.000 tỷ đồng cho Novaland

Một công ty bất động sản mới thành lập hơn một năm có 2 cổ đông sinh năm 1988 vừa chuyển nhượng cổ phần cho Novaland với giá trị gần 1.940 tỷ đồng.  

doanh nhan 8x ban cong ty gan 2.000 ty dong cho novaland

Doanh nhân 8X bán công ty gần 2.000 tỷ đồng cho Novaland

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (Mã CK: NVL) vừa chi xấp xỉ 1.939 tỷ đồng mua lại 99,99% vốn tại Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức. 

Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức được thành lập 16/2/2016 - tức là chỉ hơn một năm trước khi được Novaland mua lại. Người đại diện theo pháp luật đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này là bà Lê Nguyễn Diễm My, sinh năm 1988 quê ở Đồng Tháp. 

Khi thành lập, Công ty Gia Đức có vốn điều lệ 20 tỷ đồng và chỉ có 2 cổ đông. Trong đó, bà My sở hữu 99,99% vốn điều lệ, cổ đông thứ 2 là ông Nguyễn Quốc Hiển, chỉ góp 2 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi chuyển nhượng vốn cho Novaland, ngày 29/3 Công ty Gia Đức bất ngờ tăng vốn lên 1.939 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm là của ông Lý Trường An, một người cũng sinh năm 1988, quê ở An Giang. 

Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Gia Đức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu.

Trước đó, hồi cuối tháng 2 Novaland cũng nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Bách Hợp - một doanh nghiệp cũng có sở hữu của bà My. 

Ngoài công ty Gia Đức, hiện 2 doanh nhân 8x là Lê Nguyễn Diễm My và Lý Trường An còn là chủ của nhiều doanh nghiệp quy mô vốn hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, ông Lý Trường An hiện là Chủ tịch và nắm quyền chi phối tại một số công ty như Công ty TNHH Thương mại đầu tư An Nhi có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh chính là tư vấn đầu tư tài chính và Công ty TNHH đầu tư bất động sản Vương Gia có vốn 45 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, bà My hiện là chủ nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, như Công ty Vận chuyển Mercury (dịch vụ vận tải), Công ty Đầu tư bất động sản Hướng Công Viên (tư vấn bất động sản), Công ty Đầu tư và phát triển Song Giang (kinh doanh bất động sản), Công ty Đầu tư và phát triển bất động sản Cửu Long (kinh doanh bất động sản), Công ty cổ phần Nova Safe Fruit (bán buôn thực phẩm)...(VNexpress)
--------------------------------------------

Nông nghiệp Nga 'miễn nhiễm' với trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây

Ngành nông nghiệp của Nga không những không bị ảnh hưởng mà ngược lại còn nhìn thấy rất nhiều lợi ích từ lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đã áp đặt lên nước này trong suốt ba năm qua.

Theo hãng thông tấn Sputnik, Nga đã chứng kiến một sự bùng nổ về nông nghiệp từ năm 2014, năm mà Mỹ và phương Tây bắt đầu áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Xu hướng phát triển nông nghiệp Nga chưa cho thấy dấu hiệu giảm tốc mặc dù đã bước vào năm thứ ba tăng trưởng liên tiếp. Trong sáu tháng đầu năm 2016, nhu cầu ngành nông nghiệp tăng mạnh đến mức nước này đã phải sản xuất máy kéo và máy thu hoạch nhiều hơn 35% so với cùng kỳ năm 2015. Chính phủ Nga mới đây cũng đã cam kết hỗ trợ cho nông dân và đầu tư vào máy móc nông nghiệp trong nước.

Có một nghịch lý đáng ngạc nhiên ở đây, đó là trong khi quốc gia phải chịu lệnh trừng phạt được hưởng lợi, sản lượng thu hoạch đạt kỷ lục và thậm chí đã trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, thì nơi đã đặt ra các lệnh trừng phạt lại gặp phải khó khăn. Theo số liệu ước tính vào giữa năm 2016, các biện pháp cấm vận đã gây thiệt hại 65 tỉ USD cho các nhà sản xuất nông nghiệp ở châu Âu. Một số nước, trong đó có các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva bị ảnh hưởng nặng nề, các trang trại bò sữa cũng như thủy sản của họ phải chịu sự suy giảm nghiêm trọng từ 30% trở lên.

Được biết, an ninh lương thực của Nga cũng có lợi. Vào năm 2016, nhập khẩu của Nga đã giảm từ gần 40% năm 2013 xuống còn 22% trong tổng tiêu dùng nông sản. Tăng trưởng sản lượng thịt lợn và gia cầm trong nước để đạt đến ngưỡng vượt qua nhu cầu nhập khẩu. Sản lượng rau tươi tăng 30% vào năm 2016, đặc biệt phương pháp sử dụng nhà kính cho phép hàng nhập khẩu giảm đáng kể ngay cả trong mùa đông. Viện Tiếp thị Nông nghiệp Nga dự đoán rằng nhập khẩu nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 20% trong vòng một năm nữa.

Sự bùng nổ nông nghiệp đã quá mạnh mẽ đến mức nó thậm chí còn có khả năng thách thức cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt. Năm 2015, khi GDP cả nước giảm 3,8%, khu vực nông nghiệp lại tăng 2,2%. Năm 2016, khi sự suy giảm có dấu hiệu chậm lại và nền kinh tế tăng 0,3%, thì nông nghiệp lại một lần nữa dẫn đầu sự tăng trưởng so với các ngành khác với mức tăng 4,8%.

Trước tình hình này, ngay cả các nhà quan sát tài chính phương Tây đã buộc phải thừa nhận sự vô vọng của chính sách trừng phạt kinh tế. Tờ Financial Times nhận định các hạn chế mà Nga phải chịu dường như đã phản ứng ngược và trở thành chất xúc tác để chính phủ cũng như nhà sản xuất nước này tập trung nỗ lực để phát triển nông nghiệp với mục tiêu trở thành nước xuất khẩu mạnh mẽ thay vì phải phụ thuộc nhập khẩu.

Timur Nigmatullin, một nhà phân tích tại Finam, công ty dịch vụ tài chính ở Moscow, chỉ ra rằng trái ngược với các ngành công nghiệp khác, ngành nông nghiệp của Nga không đòi hỏi nhiều đầu tư, và đó là yếu tố quan trọng để đạt được thành công hiện tại.

“Ngành nông nghiệp tự nó không đòi hỏi phải quá chuyên sâu về nguồn vốn lớn. Nó hoàn toàn có thể được bắt đầu sản xuất tương đối nhanh tại nơi có nhu cầu”, ông Nigmatullin nói.

Mặc dù nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng GDP của đất nước, nhưng chính quyền Moscow dường như đã nhận ra tầm quan trọng trong việc cải thiện triển vọng nông nghiệp. Ngành này hoàn toàn có thể tiếp tục tăng cường vị trí của nó trong cán cân xuất khẩu của Nga, vượt qua các mặt hàng hóa chất, cao su, thậm chí cả kim loại và các sản phẩm từ kim loại. Không những thế, Nga còn đang đầu tư vào các sản phẩm mà trước đây họ có rất ít kinh nghiệm như nấm champignon, nấm sò, trồng nho và vườn cây ăn trái.

Giữa những cú sốc kinh tế - chính trị làm sụt giảm giá trị đồng rúp Nga, khiến giá thực phẩm tăng lên, sự bùng nổ nông nghiệp này dự kiến sẽ tạo mức giá thấp hơn, ổn định lại giá cả cho người tiêu dùng trong nước.

Cũng theo Sputnik, thắng lợi hiện tại đã tạo động lực để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev đề xuất được mở rộng lệnh trừng phạt và cấm vận thực phẩm từ phương Tây trong một thập niên nữa. Vì ông tin rằng chỉ cần vài năm nữa thôi, Nga có thể trở thành siêu cường xuất khẩu thực phẩm.(thanhnien)
--------------------------

Nợ có khả năng mất vốn tại Sacombank còn 6.600 tỷ đồng

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017. Theo đó, ba tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế còn 210 tỷ đồng. 

Điểm đáng chú ý là lợi nhuận của Sacombank chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh ngoài ngành như dịch vụ tăng gần 70 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối thu về 147 tỷ đồng lãi thuần, tăng khoảng 84 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hai mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều có kết quả khởi sắc so với 3 tháng đầu năm ngoái. 

Hinh anh Loi nhuan Sacombank tang manh, no xau giam

Lợi nhuận quý I của Sacombank tăng 55% so cùng kỳ. 

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính là cho vay tín dụng lại giảm lãi. Cụ thể, trong quý I, khoản thu nhập lãi thuần (thu từ hoạt động cho vay lấy lãi) của ngân hàng chỉ đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân trực tiếp do chi phí phải trả lãi tăng nhanh hơn so với lãi thu về từ việc cho vay. 

Trong ba tháng qua, chi phí hoạt động trong kỳ của nhà băng này cũng ghi nhận giảm gần 87 tỷ đồng tương đương 6%, cùng với chi phí dự phòng được hoàn nhập gần 1 tỷ đã giúp lợi nhuận Sacombank cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. 

Liên quan vấn đề nợ xấu, sau khi bán tổng cộng cho VAMC hơn 37.000 tỷ đồng, hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối quý I/2017 ở mức 4,88% (hơn 10.000 tỷ đồng), giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm 6,6% còn 6.600 tỷ đồng so với con số hơn 7.000 tỷ hồi đầu năm. 

Ngoài ra, tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 344.000 tỷ đồng, tăng 3,3%. Cho vay khách hàng đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 3,78%. Huy động vốn là 306.000 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu kỳ.(VTC)
---------------------------------------

Liệu xe Trumpchi của Trung Quốc có bán được ở Mỹ?

Một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc dự định bán ô tô tại thị trường Mỹ, song hiện họ đang đối mặt với vấn đề đau đầu về thương hiệu nổi tiếng: mẫu xe Trumpchi.

Theo CNN, cái tên Trumpchi được chọn vì nó nghe có vẻ giống tên tiếng Hoa là Chuanqi. Song các giám đốc điều hành của hãng sở hữu thương hiệu này là Guangzhou Automobile Group (GAC) đang lo ngại rằng sự giống nhau giữa tên của mẫu xe và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thổi bay tham vọng bước vào thị trường Mỹ của họ. Phát ngôn viên của GAC vừa chia sẻ với báo giới Mỹ rằng họ đang nghiên cứu và nhận tư vấn về việc có nên sử dụng thương hiệu Trumpchi ở Mỹ hay không.

GAC đã nhận được một số phản hồi về chiếc Trumpchi sau khi nó được trưng bày trong triển lãm ô tô Detroit trong tháng 1. Việc mẫu xe có tên hao hao Tổng thống Mỹ khiến nó trở thành chủ đề bị nhạo báng trên các mạng xã hội.

“Đây hoàn toàn là một sự trùng hợp. Chúng tôi còn không biết gì về việc ông ấy sẽ trở thành tổng thống”, Chủ tịch tập đoàn GAC Feng Xingya nói tại triển lãm ô tô Thượng Hải vừa diễn ra trong tuần này.

“Lúc đầu tôi chưa từng nghĩ về chuyện này. Tại sao phải đổi tên? Đó là vị tổng thống mà dân Mỹ bầu chọn, chiếc xe có tên gần giống. Đây nên là việc tốt phải không? Song ở Mỹ, mức độ phản đối ông Trump là cao”, ông Xingya nói.

Phát ngôn viên của GAC cho hay việc sử dụng cái tên Trumpchi hay không vẫn đang được thảo luận. Công ty đặt mục tiêu ra mắt ở thị trường Mỹ vào cuối năm 2019. Trước đây, hai nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác là Geely và BYD từng cố gắng bước chân vào thị trường Mỹ nhưng chẳng thành công.

Hiện không rõ liệu GAC, tập đoàn ra đời trong năm 2008, sẽ thành công hay không. Cũng như câu hỏi về chiếc Trumpchi, GAC cũng có thể gặp vấn đề với Tổng thống Trump nếu ông đòi hỏi ô tô bán cho người Mỹ phải được sản xuất ở Mỹ. GAC bán được 1,7 triệu chiếc xe trong năm ngoái, đã và đang nỗ lực xây dựng tên tuổi ở nhiều thị trường trên thế giới như Trung Đông, Đông Âu, châu Phi và Mỹ La tinh.(Thanhnien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục