Dừng giao dịch USD tại cảng biển, doanh nghiệp Nga gặp khó; Ngân sách lo trả nợ, tăng trưởng kinh tế gặp khó; Hoàn thành xử lý các dự án yếu kém trong năm 2020; Quy định mới về quản lý phân bón
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-09-2017
- Cập nhật : 22/09/2017
Viettel chính thức "chen chân" vào thị trường gọi xe trực tuyến
Viettel sẽ phát triển hệ thống kênh bán hàng, chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến, bankplus cho Gonow tại hơn 10.000 điểm giao dịch Viettel trên toàn quốc.
Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực vận tải hành khách với Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow. Theo đó, Viettel sẽ giúp Gonow, startup khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải, xây dựng và phát triển website: gonow.vn cùng với ứng dụng di động riêng.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Gonow là một mô hình kinh doanh sáng tạo, hy vọng trong tương lai sẽ không thua kém Uber và Grab.
Thành lập hơn một năm trước đây, Gonow ra đời với tên gọi “Sàn giao dịch vận tải hành khách GONOW”, là đơn vị trung gian kết nối chủ xe và khách hàng để cung cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ nhu cầu: công tác, thương mại, du lịch, đưa đón chuyên gia, cưới hỏi, xe cao cấp,…cùng với dịch vụ cho thuê xe tự lái. Khách hàng có thể đặt xe qua ứng dụng Gonow trên điện thoại hoặc truy cập.
Đến nay Gonow đã mở rộng hoạt động tại 64 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo bà Trần Huyền Trang, Tổng giám đốc Gonow, trong thời gian qua, có khá nhiều quỹ đầu tư bày tỏ mong muốn rót vốn vào Gonow, song vì nhiều lý do Gonow chưa đồng ý hợp tác với các quỹ này.
Với động thái này, có thể thấy Viettel đang có tham vọng tiến quân vào thị trường gọi xe trực tuyến.
Hiện, thị trường gọi xe trực tuyến trong nước đang có sự chuyển biến khi dịch vụ gọi xe trực tuyến, với điển hình là Uber, Grab, đang lấn lướt taxi truyền thống. Sự dịch chuyển một lượng lớn khách hàng đang sử dụng taxi truyền thống sang việc gọi xe qua ứng dụng đã cho thấy một sự vận động rất khác của nhu cầu trong thời đại số.
Dù phản ứng về dịch vụ mới này, các hãng taxi truyền thống vẫn nhìn nhận ứng dụng gọi xe đang là “vũ khí” tối ưu để nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy, hàng loạt các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun,... đều cho ra đời ứng dụng gọi xe trực tuyến tương tự như hai đối thủ nước ngoài để cạnh tranh. Đồng thời, hàng loạt Start-up gọi xe trực tuyến cũng lần lượt "chào sân".
Thị trường cạnh tranh
Nhưng, một thực tế là các hành động này vẫn không thể cạnh tranh được với Uber, Grab trong cuộc chiến tranh giành thị phần này.
Đấy là chưa kể, chính Uber, Grab đang còn bị kiềm chế, chưa được phép mở rộng quy mô vì một số vướng mắc về thuế cũng như đề án hoạt động với Chính phủ. Tương lai, nếu những khúc mắc này được tháo dỡ, những chuyên gia lo ngại thị phần của thị trường vận tải hành khách là "chuyện riêng" của những công ty nước ngoài.
Do đó, việc Viettel Gonow ký kết hợp đồng chiến lược này, có thể xem đây là bước đi quan trọng để dành lại thị phần vận tải trong nước của Viettel. Gonow sẽ sử dụng hệ thống tổng đài đa phương tiện, hệ thống kênh truyền hình SMS, hóa đơn điện tử và hệ thống nhận diện thương hiệu của Vietel.
Ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom nói rõ hơn: “Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow là một sản phẩm phù hợp với xu thế công nghệ 4.0. Với thế mạnh của mình, chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang đến giá trị cho các công ty vận tải hành khách Việt Nam và 90 triệu người dân Việt Nam sẽ được hưởng dịch vụ công nghệ tiện ích đơn giản, phục vụ cho đời sống hằng ngày".(ICT News)
----------------------------------------------------
Uber lại vướng vào bê bối hối lộ
Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra Uber về nghi vấn liệu công ty này có thực hiện các khoản hối lộ ở Châu Á hay không.Nguồn ảnh: Odyssey
Sau khi trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra liên bang về việc vi phạm luật chống hối lộ, Uber đã bắt đầu xem xét lại các hoạt động ở Châu Á và thông báo cho các quan chức Mỹ về các khoản thanh toán được thực hiện bởi các nhân viên tại Indonesia, theo nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Một nguồn tin của Reuters cũng cho biết rằng rằng báo cáo của Bloomberg là chính xác.
Vào tháng 8, Uber cho biết họ đang hợp tác với một cuộc điều tra sơ bộ do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành, liên quan đến việc liệu các nhà quản lý của công ty có vi phạm luật FCPA của Mỹ về việc cấm hối lộ các quan chức nước ngoài.
Hồi tháng 6, Reuters đưa tin rằng Uber đã thuê công ty luật O'Melveny & Myers để điều tra xem làm sao mà một số nhân viên của Uber đã lấy được hồ sơ y tế của một phụ nữ Ấn Độ, vốn đã bị hãm hiếp bởi một tài xế của Uber vào năm 2014.
O'Melveny & Myers hiện đang kiểm tra hồ sơ thanh toán nước ngoài và phỏng vấn nhân viên của Uber, từ đó đặt ra những câu hỏi về việc tại sao một số giao dịch tiềm ẩn nhiều vấn đề đã không được tiết lộ sớm hơn, theo nguồn tin của Bloomberg. Các luật sư đang tập trung vào hoạt động đáng ngờ tại ít nhất 5 quốc gia châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc. O'Melveny & Myers cũng đang rà soát các thỏa thuận tài chính liên quan đến chính phủ Malaysia và có thể ảnh hưởng tới các nhà lập pháp ở đó.
Uber và Bộ Tư pháp Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này.(NCĐT)
-----------------------------
WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017
Ngày 21/9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nâng mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 sau khi nhận thấy nhu cầu hàng hóa gia tăng mạnh hơn mong đợi tại các thị trường châu Á và Bắc Mỹ.
Trong thông cáo báo chí mới đưa ra cùng ngày, WTO đã nâng mức dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 từ 2,4% trước đó lên 3,6%. Mức dự báo mới thể hiện sự cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng mờ nhạt 1,3% của năm 2016. Và đây cũng là lần đầu tiên WTO tỏ ra lạc quan sau nhiều năm liên tục cảnh báo bức tranh thương mại toàn cầu u ám kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy đưa ra một dự báo lạc quan nhưng WTO cũng không quên cảnh báo những nguy cơ hiện hữu đe dọa nền kinh tế thế giới, có thể bẻ gãy đà phục hồi thương mại. Những nguy cơ mà WTO nhắc tới bao gồm chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa được hiện thực hóa thông qua các biện pháp hạn chế thương mại, leo thang căng thẳng địa chính trị toàn cầu và tổn thất kinh tế do các thảm họa thiên nhiên. Trước đó, WTO liên tục cảnh báo "bóng đen" của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa bao trùm viễn cảnh thương mại quốc tế, đặc biệt đáng quan ngại khi tư tưởng này đang dẫn dắt nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ. (TTXVN)
------------------
Tốn 14.000 tỉ đồng vì kiểm tra chuyên ngành
Việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần sớm cải thiện bởi vẫn đang tiến hành chung chung, còn doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công, 14.000 tỉ đồng mỗi năm.
Ngày 20.9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Bộ Y tế về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Khác với các cuộc làm việc trước đây, buổi làm việc tại Bộ Y tế còn có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia độc lập.
Mất 30 triệu ngày công
Sau khi nghe báo cáo ban đầu của Bộ Y tế với nhiều cụm từ sẽ quyết liệt, cố gắng... Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Tổ công tác muốn Bộ Y tế báo cáo rõ các con số chứ không nói chung chung kiểu sẽ làm, sẽ quyết liệt”.
“Ví dụ trong hơn 258.000 tờ khai thì tới đây Bộ Y tế sẽ giảm được bao nhiêu. Hay trong tổng chi phí 14.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra mỗi năm để kiểm tra chuyên ngành thì việc giảm thủ tục của Bộ sẽ giúp DN tiết kiệm được bao nhiêu?”, ông Mai Tiến Dũng nêu dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu công bố được số liệu thì hãy nói, không thì thôi”.
Người đứng đầu công tác cũng truyền đạt, tinh thần của Thủ tướng với kiểm tra hàng hóa chuyên ngành là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm phiền hà cho DN. Theo thống kê, mỗi năm DN mất 30 triệu ngày công và hơn 14.000 tỉ đồng cho công tác này mà lượng phát hiện vi phạm chỉ chiếm 0,03% thì không hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm trong năm 2016 có 300.000 lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, thì con số thuộc ngành y tế là 128.000 lô. Nhưng trong số 0,03% lô hàng phát hiện vi phạm thì chỉ 20% buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy.
Ông nào có tâm tư thì doanh nghiệp lãnh đủ
Một bất cập khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra sau chuyến thị sát tại TP.Hải Phòng ngày 19.9 là việc kiểm tra chỉ diễn ra trên giấy tờ chứ không phải kiểm tra hàng hóa thật. “Vì container hải quan chưa mở thì sao kiểm tra được. DN thì bảo cán bộ chỉ xem hồ sơ và thu hơn 1 triệu đồng/bộ, còn hàng thật thì họ mang về Núi Trúc (Hà Nội) xét nghiệm và không rõ hàng xách tay hay lấy từ đâu. Như thế có cần thiết không? Đó là chưa kể kiểm tra bằng mắt thường, bằng cảm quan thì hôm nào mà ông có tâm tư gì là DN lãnh đủ”, ông Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Minh họa thêm cho thực tế này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh đến từ Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho biết để được kiểm tra hồ sơ, DN rất khó tiếp cận với cơ quan quản lý, thường mất khoảng hàng chục ngày và có khi không được trả lời. Nhưng nếu bỏ ra từ 5 - 10 triệu đồng/ bộ hồ sơ thông qua công ty dịch vụ thì rút ngắn còn 5 - 10 ngày.
Sẽ giảm từ 90 - 98% kiểm tra chuyên ngành
Trước thực tế trên, ông Mai Tiến Dũng cũng gợi ý nếu mặt hàng nào kiểm tra 3 lần mà không phát hiện thì không nên kiểm tra nữa, mà có thể chuyển qua hậu kiểm hoặc cho đi luồng xanh như hải quan đang áp dụng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các cục, vụ chuyên ngành khi giải trình phải đi thẳng vào vấn đề.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành mà Bộ Y tế đang thực hiện thì nhóm sản phẩm sữa công thức cho trẻ em là vẫn phải kiểm tra. “Nếu mặt hàng nào kiểm tra 3 lần trong năm mà không phát hiện thì sẽ không kiểm tra nữa. Chỉ kiểm tra với các lô hàng nghi vấn hoặc đến từ vùng đang có dịch. Với cách làm này, Bộ Y tế sẽ giảm khoảng 90% số lô hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành”, ông Phong khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng theo hướng này thì số lô hàng giảm kiểm tra có thể lên đến 98%. Tuy nhiên, theo ông Long, luật An toàn thực phẩm đang quy định với thực phẩm nhập khẩu thì 100% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, nên phải bỏ quy định này hoặc sửa luật. “Nói ra thì phải làm đúng nhé”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.(THanhnien)