Thủ tướng Medvedev: Mỹ muốn "chôn vùi" dự án Dòng chảy phương Bắc 2; 3 điều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm khi vào Việt Nam; Trung Quốc siết chặt nhập khẩu kim loại phế liệu;Thay đổi cách in hạn sử dụng để tránh lãng phí thực phẩm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-09-2017
- Cập nhật : 22/09/2017
Đặt cược vào S&P 500, Warren Buffett sắp thắng 2 triệu USD
Buffett đặt cược rằng chỉ số chứng khoán S&P 500 sẽ cho ra mức sinh lời tốt hơn các quỹ phòng hộ, và ộng đã đúng.Nguồn ảnh: PBS
Warren Buffett đã kiếm được hàng tỉ USD nhờ khả năng đánh cược thành công vào các khoản đầu tư qua nhiều năm. Bây giờ, ông dường như sẽ thắng cược thêm 2 triệu USD nữa.
Trong năm 2007, Buffett đã đặt cược rằng chỉ số chứng khoán S&P 500 sẽ cho ra mức sinh lời tốt hơn các quỹ phòng hộ (hedge fund), và ông đã kể lại câu chuyện này trong một lá thư gửi cho cổ đông của Berkshire-Hathaway vào năm 2016. Ông lập luận rằng xét về dài hạn, chính sách quản lý đầu tư tích cực của quỹ phòng hộ sẽ kém hiệu quả hơn so với các nhà đầu tư nghiệp dư áp dụng phương pháp đầu tư thụ động (mua và nắm giữ).
Buffett đã công khai đánh cược 500.000 USD trong 10 năm, như một lời thách thức nhắm đến các nhà quản lý quỹ tích cực.
Theo lời Buffett kể trong lá thư, Ted Seides, đồng quản lý của công ty tư vấn và quản lý tài sản Protégé Partners, là người duy nhất chấp nhận lời thách đấu này. Trong một bài báo của Bloomberg, Seides nói rằng hai người đã đồng ý đặt cược, như một màn so tài về mức sinh lời giữa quỹ chỉ số S&P 500 với các quỹ phòng hộ của Protégé.
Có điều đáng chú ý là toàn bộ các điều khoản của việc đánh cược giữa Buffett và Seides không được tiết lộ công khai. Tin tức này được công bố lần đầu bởi tờ The New York Post và Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), một nhóm tư vấn chính sách công.
Sau 10 năm đánh cược, 5 quỹ của Seides chỉ đạt mức sinh lời 2,2%/năm kể từ năm 2008 so với mức tăng trưởng hơn 7%/năm của chỉ số S&P 500. Theo AEI, điều này có nghĩa là một khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD vào các quỹ phòng hộ của Seides sẽ thu lãi được 220.000 USD, trong khi khoản đầu tư tương đương vào các quỹ chỉ số S&P 500 với chi phí thấp thì thu được lợi nhuận 854.000 USD.
Việc đánh cược sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31/12 tới.
Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNBC, thư ký của Buffett là Debbie Bosanek đã xác nhận tin ông thắng cược. Bà Bosanek viết: "Tôi đã kiểm tra với ông Buffett và ông ấy nói với tôi rằng chắc chắn ông ấy sẽ thắng cược, mặc dù tới tháng 1 năm sau mới có kết quả chính thức. Số tiền này sẽ được chuyển đến Girls Inc. (một công ty phi lợi nhuận ủng hộ phụ nữ) và có trị giá khoảng 2 triệu USD."
Seides viết trong bài báo của Bloomberg rằng: “Mọi chuyện đã hoàn toàn rõ ràng, cuộc đánh cược đã kết thúc”. Seides đưa ra vô số lý do tại sao ông lại thua, bao gồm cả việc "đầu tư thụ động hiện là xu hướng rất thời thượng và S&P 500 là chỉ số được ưa chuộng nhất".(NCĐT)
--------------------------
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 'đứng đầu' về số dự án không hiệu quả
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Theo các báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/8/2017, có 43 dự án của các doanh nghiệp (các tổng công ty, công ty) thuộc các bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả theo một số tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Hầu hết, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các bộ, ngành quản lý; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy và có một số dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư.
Còn theo báo cáo của các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhìn chung các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là do thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài… Các dự án này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn là chính.
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có 14 dự án thuộc Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương). Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án) nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Nguyên nhân chính là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư). Một số cơ quan quản lý chặt chẽ doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng cũng có doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (5/5 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng là của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra, 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số dự án không hiệu quả nhiều nhất với 27 dự án, tuy nhiên số vốn đầu tư lại không lớn, vào khoảng gần 910 tỷ đồng. Số dự án không hiệu quả chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long.
Nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân (người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp) trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Đồng thời, sớm hình thành Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện dự án dẫn tới sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra các giải pháp để giải quyết dứt điểm các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhằm lành mạnh hóa tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khi thực hiện đầu tư phải công khai, minh bạch và đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được tư vấn có chất lượng trong các khâu lập dự án, thẩm định dự án, triển khai thực hiện dự án, quản lý dự án....
Khi thực hiện dự án đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đấu thầu; đồng thời, thực hiện việc đầu tư bảo đảm phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, tránh phân tán nguồn lực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cần xây dựng bộ máy chuyên nghiệp để thực hiện việc đầu tư tại doanh nghiệp dưới hình thức Ban quản lý chuyên ngành trên cơ sở xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh để có thể áp dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với mô hình của từng loại hình doanh nghiệp…(TTXVN)
-----------------------
Đừng để đặc khu kinh tế thành 'miếng mồi' của lợi ích nhóm
Ngày 20.9, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo 'Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt'.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) Trần Duy Đông cho biết mô hình hoạt động chính quyền địa phương được đề xuất theo hướng không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự thảo mới nhất luật Hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), trưởng đặc khu được trao quyền lực lớn, do Thủ tướng bổ nhiệm, 77/116 nhóm quyền được giao thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh. Dự thảo luật cũng đề xuất việc thành lập Hội đồng giám sát và tư vấn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên, các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu... Việc giám sát của cơ quan này sẽ được báo cáo thẳng lên Thủ tướng.
Tuy nhiên, PGS Huỳnh Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, băn khoăn về việc có rất nhiều ưu đãi khác biệt được đề xuất áp dụng ở 3 đặc khu như thời hạn giao đất kéo dài tới 70 - 99 năm. Luật giải quyết thế nào để đảm bảo trưởng đặc khu không tổ chức “xây tường kín mít” như một “đơn vị ngoại bang”? Câu chuyện lợi ích nhóm thì có công cụ nào ngăn chặn khi quyền đã giao hết cho trưởng đặc khu?
PGS Giao chưa thấy tin tưởng vào hiệu quả của Hội đồng tư vấn và giám sát vì cơ quan này kiêm nhiệm. “Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì lợi ích nhóm len lỏi vào đây và 3 đặc khu dễ trở thành 3 miếng mồi ngon lành”, PGS Giao cảnh báo.(Thanhnien)
------------------------
Người Thái thích ăn mực Việt Nam, 'chê' mực TQ
Trong khi tăng nhập từ Việt Nam, Thái Lan giảm mạnh nhập mặt hàng này từ Trung Quốc.
Sau sự sụt giảm nhập khẩu trong tháng đầu năm, ASEAN liên tục tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong sáu tháng trở lại đây. Theo số liệu thống kê của Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 38 triệu USD các sản phẩm mực, bạch tuộc sang ASEAN trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện Thái Lan và Malaysia là 2 thị trường nhập khẩu chính mực, bạch tuộc của Việt Nam trong khối ASEAN. Với tỷ trọng chiếm tới 77% tổng nhập khẩu mực, bạch tuộc của khối ASEAN.
Đáng nói xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Thái Lan. Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã chi 29 triệu USD nhập khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam, tăng 34% so với cùng kỳ.
Thái Lan hiện cũng đang là nước nhập khẩu nhiều nhất mực, bạch tuộc từ các nước trên thế giới trong khối ASEAN. Giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của nước này trong 6 tháng đầu năm nay chiếm 45% tổng nhập khẩu của ASEAN, đạt 37 triệu USD.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nguồn cung chính mặt hàng này cho Thái Lan. Trong khi tăng nhập từ Việt Nam, Thái Lan giảm mạnh nhập mặt hàng này từ Trung Quốc.(PLO)