Tăng thuế VAT lên 12%, giá nhà ở đội giá; NHNN bơm ròng 9.000 tỷ đồng, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống; Cá tra muốn vào Mỹ buộc phải theo chuẩn Mỹ; Giao dịch xuyên biên giới của Việt Nam tăng 15 hạng;
Tin kinh tế đọc nhanh 20-05-2017
- Cập nhật : 20/05/2017
Khuyến khích doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp dầu khí hai nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp Ngài Yuri Sentyurin, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Sáng 18/5, phát biểu tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yuri Sentyurin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp dầu khí hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp dầu khí Nga tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, cùng tìm kiếm các cơ hội hợp tác tại Liên bang Nga và các nước thứ ba.
Tại buổi tiếp, hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành quả tốt đẹp của quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Liên bang Nga thời gian qua. Hợp tác hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư đang phát triển năng động và thực chất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yuri Sentyurin đều cho rằng hợp tác hai nước trong lĩnh vực năng lượng được Chính phủ hai nước quan tâm thúc đẩy, đặc biệt là hợp tác dầu khí. Đây là một trong những lĩnh vực hợp tác trụ cột và hiệu quả trong quan hệ song phương, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách mỗi nước.
Hiện nay, một số doanh nghiệp dầu khí lớn của Nga đã tham gia tích cực vào thị trường Việt Nam, trong đó có Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga, với nhiều dự án lớn và quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Nga tiếp tục tạo điều kiện để Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro và Gazpromviet triển khai hiệu quả các dự án khai thác dầu khí tại Liên bang Nga.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yuri Sentyurin cho biết, các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu của Nga đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các dự án đã ký kết, đồng thời tích cực tìm kiếm những dự án hợp tác mới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yuri Sentyurin đã cùng trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các thỏa thuận dầu khí giữa hai nước, từ đó có những giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh đặc biệt quan trọng này.(TTXVN)
------------------------
FPT báo lợi nhuận trước thuế 904 tỷ đồng sau 4 tháng
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cùng tăng 15% so với 4 tháng đầu năm 2016, đạt tương ứng là 581 tỷ đồng và 1.264 đồng.
Ảnh minh họa.
Thông tin mới nhất từ CTCP FPT (mã FPT) cho biết, kết thúc 4 tháng đầu năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 104% kế hoạch lũy kế 4 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 904 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, tương đương 108% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 759 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cùng tăng 15% so với 4 tháng đầu năm 2016, đạt tương ứng là 581 tỷ đồng và 1.264 đồng.
Năm 2017 công ty đặt mục tiêu doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 13%, đạt mức 3.408 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 4 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 27,8% và 26,5% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.
FPT cho biết, tăng trưởng lợi nhuận của công ty được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 75% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn. Cụ thể, LNTT của khối Công nghệ và khối Viễn thông tăng lần lượt là 48% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Khối Phân phối - Bán lẻ hoàn thành 104% kế hoạch cả về doanh thu và LNTT 4 tháng đầu năm. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của 4 tháng với mức tăng 31% về doanh thu và 45% về LNTT lũy kế 4 tháng.
Sau 4 tháng, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận 1.963 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% và 284 tỷ đồng LNTT, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.(Bizlive)
------------------------
Doanh nghiệp nước ngoài bức xúc với các rào cản pháp lý
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 ngày 17/5, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã nêu lên một loạt kiến nghị nhằm giảm các rào cản đối với hoạt động kinh doanh.
Từ trái qua: Chủ tịch của AmCham, Eurocham, JBAV, KoCham. Ảnh: Minh Tuấn
"Cởi trói" cho doanh nghiệp nước ngoài
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) tại Việt Nam Rya Hang Ha nhận xét rằng các doanh nghiệp cần được cạnh tranh thoải mái trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, trong khi đó một số dự luật áp dụng các quy chế về doanh nghiệp ngày càng tăng lên, khiến các doanh nghiệp FDI ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Jens Ruebbert, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nhận định Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), sẽ tạo điều kiện cho một làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ từ châu Âu vào Việt Nam và đưa kim ngạch thương mại tăng 50% trong những năm tới.
Để mở đường cho làn sóng này, đại diện Eurocham khuyến nghị Bộ Công thương đẩy mạnh sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại để tạo môi trường bình đẳng cho ngành trang thiết bị y tế tại Việt Nam. Ngoài ra các bộ như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần đối thoại nhiều hơn để thu hút đầu tư vào ngành này, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất dược phẩm với chất lượng cao trong khu vực.
Đối với lĩnh vực năng lượng xanh, Eurocham kiến nghị loại bỏ các rào cản pháp lý theo hướng thiết lập thị trường năng lượng tái tạo thực sự, bằng cách cho phép thực hiện các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà sản xuất và công ty phân phối điện.
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) Hiroshi Karashima kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh sự minh bạch và công bằng trong diễn giải các quy định pháp luật.
Vị này dẫn một cuộc khảo sát với các công ty Nhật Bản do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiến hành cho biết, Việt Nam xếp thứ tư trong số các nước có triển vọng đầu tư trung hạn. Trong khảo sát này, kiến nghị hàng đầu của các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam là cần cải thiện tính minh bạch, tiêu chuẩn áp dụng, cách diễn giải luật pháp và các quy định của Việt Nam.
“Chất xúc tác cho đầu tư hiệu quả tại Việt Nam là làm rõ sự diễn giải, áp dụng luật pháp và các quy định”, Chủ tịch JBAV nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam Jonathan Moreno nhấn mạnh, để giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, cần giảm chi phí kinh doanh và chi phí quan liêu phi sản xuất, và mối quan hệ của doanh nghiệp và cơ quan hành chính nên là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau.
Đại diện AmCham kiến nghị Chính phủ tháo bỏ và ngăn chặn các rào cản kỹ thuật phiền phức và tốn kém trong thương mại, điều có thể là một cản trở lớn đối với việc đạt được một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.
AmCham bày tỏ quan ngại về một số rào cản như Nghị định 38 về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh mới theo yêu cầu của Bộ Công thương theo Nghị định 23, Thông tư 19 về thanh toán điện tử và bài kiểm tra về kinh tế cho nhu cầu kinh tế cho bán lẻ (ENT).
“Những rào cản này làm tăng chi phí, cản trở thương mại, làm chậm hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ”, ông Moreno nói.
Ngoài ra, AmCham kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí hoạt động liên quan đến quảng cáo qua mạng Internet, lĩnh vực kinh doanh vận tải; thận trọng xem xét về tăng bậc lương và các khoản đóng bắt buộc và việc mở rộng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài…
Doanh nghiệp ngoại vẫn quan ngại với quy định về thuế và hải quan
Về lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị Chính phủ cần thông báo sớm về các thay đổi chính sách để các doanh nghiệp này có đủ thời gian chuẩn bị, và xác định tiêu chí hưởng thuế suất VAT 0% cho các dịch vụ cung cấp cho các tổ chức nước ngoài.
Trong lĩnh vực hải quan, đại diện Eurocham kiến nghị tăng ngưỡng giá trị tối thiểu và không áp dụng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có giá trị nhập khẩu thấp thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, đồng thời đẩy nhanh tiến trình gia nhập Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW).
Trong khi đó, AmCham đề xuất Việt Nam kích hoạt Ủy ban quốc gia về thuận lợi hóa thương mại nhằm hỗ trợ điều phối nội địa và thực hiện các cam kết theo Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại của WTO; ký kết hiệp định tương trợ hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chủ tịch KoCham kiến nghị cho biết, Hiệp định tự do thương mại Việt-Hàn đã có hiệu lực được hơn 1 năm, thương mại giữa hai nước đã tăng lên mạnh, nhưng Việt Nam cần xóa bỏ rào cản phi thuế quan giữa hai nước để thúc đẩy giao thương hơn nữa.(Bizlive)
--------------------------
82% triệu phú đánh giá hiện tại là giai đoạn khó lường nhất lịch sử
Nhiều triệu phú lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ và thương mại thế giới. Ảnh: Reuters.
CNBC trích nghiên cứu của UBS cho hay phần lớn triệu phú sống ở bảy thị trường quốc tế cho rằng hiện tại là giai đoạn “không thể đoán trước” nhất trong lịch sử. Nghiên cứu khảo sát 2.824 cá nhân có tài sản lớn ở Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Mexico. Mỗi triệu phú được khảo sát có ít nhất 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư.
Giới triệu phú Mexico là những người lo lắng nhiều nhất khi 84% đồng ý với ý kiến thế giới đang đi qua giai đoạn khó lường nhất lịch sử. Vấn đề trong nước lớn nhất của Mexico là tham nhũng. Triệu phú Singapore đứng liền sau khi cũng có khoảng 84% trong số họ đồng quan điểm và nhấn mạnh rằng nguy cơ thương mại đang lớn hơn. Dù vậy, nhà giàu Singapore tự tin hơn người giàu ở Hồng Kông, Nhật Bản trong việc đánh giá rủi ro tài chính và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
Với triệu phú Singapore, báo cáo cho hay niềm tin của họ được thúc đẩy bởi khả năng tìm nơi an toàn để đổ tiền đầu tư trong môi trường thiếu chắc chắn. Chuyên gia Hartmut Issel thuộc hãng APAC kiêm Giám đốc đầu tư UBS Wealth Management cho hay: “Bất động sản thường là điểm trọng yếu trong khu vực và dường như dân Singapore đang trở nên tích cực hơn, trong khi ở Hồng Kông, giới chức đang cố gắng đảm bảo mức giá phải chăng cho bất động sản”.
Dù vậy, nhiều triệu phú đất nước Đông Nam Á lo ngại về thương mại. Dù chính trị trong nước được xem là động lực ổn định để giới nhà giàu Singapore cảm thấy an toàn về tương lai tài chính, nguồn gốc của sự thiếu chắc chắn đến từ nguy cơ rào cản thương mại lớn hơn. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng là mối lo khi nhắc đến việc cải thiện kinh tế thế giới.(Thanhnien)