tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-05-2017

  • Cập nhật : 19/05/2017

Indonesia chuẩn bị 2 triệu tấn gạo cho tháng lễ Ramadan

Quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đã dự trữ sẵn 2 triệu tấn gạo phục vụ người dân trong tháng lễ Ramadan.

ramadan la thang le quan trong nhat trong nam cua nguoi hoi giao.

Ramadan là tháng lễ quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo.

Tổng Giám đốc Bulog - Cơ quan Hợp tác Nhà nước Indonesia Djarot Kusumayakti ngày 17/5 tuyên bố Bulog sẽ là nguồn chính để cung cấp lương thực cho chiến dịch bình ổn giá lương thực trên cả nước này trong tháng lễ Ramadan và lễ Idul Fitri (25/5-25/6). Cơ quan này đã dự trữ được 2 triệu tấn gạo.

Việc cung cấp nhu yếu phẩm được triển khai không chỉ ở Jakarta, mà còn trên khắp đất nước. Ngoài gạo, cơ quan này cũng sẽ cung ứng 320.000 tấn đường, 37.500 tấn thịt đông lạnh, 207.000 lít dầu ăn, 60.000 tấn hành tây và 62 tấn tỏi.

Trong dịp này, Bulog đã cử 20 xe tải chở hàng hoá cơ bản, bao gồm gạo, đường, dầu thực vật và thịt, đến một số thị trường truyền thống ở Jakarta để góp phần ổn định giá lương thực.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita nhấn mạnh rằng Bulog đã có đủ nguồn cung lương thực trong kho và chính phủ nước này đảm bảo rằng giá sẽ ổn định trong thời gian tháng lễ Ramadan và dịp Idul Fitri.

Ông Lukita cảnh báo các thương nhân và nhà phân phối gây nhiễu thị trường không tuân thủ các quy định bình ổn giá sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.(TTXVN)
-------------------------------

Nhật Bản, New Zealand khẳng định cam kết về tương lai TPP

Ngày 17/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp New Zealand Bill English đã hội đàm tại thủ đô Tokyo, trong đó tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ để Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm có hiệu lực, bất chấp việc Mỹ rút khỏi hiệp định này.

thu tuong nhat ban shinzo abe (phai) va nguoi dong cap new zealand bill english (trai) tai cuoc hoi dam. anh: epa/ttxvn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp New Zealand Bill English (trái) tại cuộc hội đàm. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo thông báo báo chí được đưa ra sau cuộc hội đàm, hai thủ tướng cam kết duy trì đoàn kết giữa các nền kinh tế tham gia TPP và thúc đẩy để thỏa thuận này sớm có hiệu lực. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và New Zealand đều không đề cập rõ khả năng vận hành TPP mà không có Mỹ sau khi nước này rút khỏi TPP vào tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, hai bên cũng khẳng định tiếp tục hợp tác hướng tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
 
Trước đó cùng ngày, phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở Tokyo, ông English bày tỏ hy vọng nếu thúc đẩy thành công tăng trưởng và thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, TPP sẽ thu hút mối quan tâm mới từ phía Mỹ. Đến nay, chỉ có Nhật Bản và New Zealand là hai trong số 12 nước ký TPP phê chuẩn văn kiện này. 

Ngoài TPP, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe và người đồng cấp English cũng thảo luận nhiều vấn đề khác trong khu vực. Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, hai bên kêu gọi các bên liên quan giải quyết dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) hồi tháng 7/2016, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. 

Về vấn đề Triều Tiên, hai lãnh đạo hối thúc nước này chấm dứt các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời gọi đây là "những hành động khiêu khích và gây bất ổn" trong khu vực. 

Thủ tướng New Zealand English đang thực hiện chuyến thăm Nhật Bản 3 ngày từ ngày 16/5, với trọng tâm nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Tháp tùng ông English là một phái đoàn gồm Bộ trưởng Thương mại cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của New Zealand. Sau khi rời Nhật Bản, ông English dự kiến đến Hong Kong (Trung Quốc).(TTXVN)
-------------------------------

Đầu tư FDI giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2016 đạt hơn 60 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Thông tin trên vừa được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Rhodium và Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung (NCUSCR).

Báo cáo trên nhấn mạnh việc FDI hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016 nâng tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế song phương. Nếu trước đây đầu tư thường chỉ là 1 chiều, với dòng tiền chủ yếu từ Mỹ sang Trung Quốc, thì hiện nay dòng tiền đầu tư đã là 2 chiều với hàng chục tỷ USD mỗi năm. 

mot cong trinh dang duoc xay dung tai bac kinh, trung quoc. anh: afp/ttxvn

Một công trình đang được xây dựng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo trên, tính đến cuối năm 2016, giá trị các giao dịch FDI của Mỹ vào Trung Quốc đạt hơn 240 tỷ USD, trong khi giá trị FDI của Trung Quốc vào thị trường Mỹ là hơn 110 tỷ USD. Cùng với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ cũng tăng ở mức kỷ lục. Trong năm 2016, số tiền các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ đạt kỷ lục, với 46 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 và gấp 10 lần so với 5 năm trước. 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm của Trung Quốc cũng mở rộng từ năng lượng truyền thống và bất động sản sang dịch vụ tiêu dùng và lĩnh vực sản xuất, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc đáp ứng tiêu dùng nội địa tăng. 

Trái ngược với việc tập trung đầu tư vào năng lượng hóa thạch trước năm 2013, hơn 90% lượng FDI của Trung Quốc trong năm 2016 tập trung vào các ngành dịch vụ và sản xuất tiên tiến. Trong năm 2016, bất động sản, công nghệ thông tin và truyền thông, giải trí, sản xuất tiêu dùng và dịch vụ tài chính vẫn là các lĩnh vực trọng tâm hàng đầu của giới đầu tư Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Theo một báo cáo riêng của Tập đoàn Rhodium, tính đến cuối năm 2016, toàn bộ 50 bang và 98% hạt bầu cử của Mỹ đều có hoạt động của các công ty Trung Quốc. 

Các nhà đầu tư tư nhân là động lực chính giúp đầu tư Trung Quốc vào Mỹ tăng nhanh. Năm 2016, khoảng 79% đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ là từ các công ty tư nhân. Báo cáo cho rằng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ ở mức vừa phải trong năm 2017 so với mức cao kỷ lục của năm 2016, song dòng FDI hai chiều vẫn sẽ là một yếu tố quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới. Triển vọng kinh tế , thị trường tiêu dùng và nền tảng công nghệ rộng lớn sẽ vẫn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo các nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với bất ổn lớn hơn. 

 Dẫn các kết quả đầu tiên của kế hoạch hành động 100 ngày trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung công bố hồi tuần trước, ông Robert Wang, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và là cố vấn chính sách cao cấp tại công ty luật Covington & Burling cho biết có nhiều triển vọng lạc quan trong quan hệ Mỹ-Trung trong những tháng gần đây. 

Theo đó, Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ, trong khi Mỹ sẽ nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc. Mỹ mong chờ Trung Quốc và các đối tác khác nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và Trung Quốc sẽ cho phép các dịch vụ tài chính do nước ngoài đầu tư hoàn toàn nhằm làm tăng mức xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc.(TTXVN)
----------------------------

Hội đồng Dầu khí ASEAN: Hợp tác chặt chẽ ứng phó với giá dầu giảm

Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong bối cảnh giá dầu thế giới suy giảm.

Đây là cam kết đạt được của các thành viên sau khi kết thúc kỳ họp thứ 83 của Ủy ban Quốc gia ASCOPE ngày 17/5. 

Trong những ngày làm việc, các thành viên đã thống nhất tiếp tục xây dựng cuốn Hướng dẫn Hợp nhất các hoạt động tìm kiếm thăm dò trong ASCOPE. Các bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác tái sử dụng xúc tác thải giữa các nhà máy lọc dầu, nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu, mô hình tối ưu hóa làm sạch thiết bị trao đổi nhiệt, xếp loại mức độ tối ưu về năng lực vận hành. 

Ngoài ra, ASCOPE cũng thống nhất xây dựng Chiến lược ứng cứu trong tình huống khẩn cấp thiếu hụt về khí - là một phần của việc thực hiện cơ chế phối hợp khi xảy ra tình huống khẩn cấp về năng lượng giữa các nước ASEAN. 

Từ kỳ họp năm 2016 ở Campuchia, ASCOPE đã quyết định thay đổi tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp với tình hình và nhu cầu hiện tại bao gồm: Cơ cấu tổ chức, mô hình và nội dung hoạt động và các dự án ưu tiên hợp tác phù hợp với chỉ dẫn và định hướng của Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng ASEAN. 

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASCOPE Việt Nam cho biết: Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến về việc cung cấp phương tiện, hậu cần trong các nước thành viên và nhiều sáng kiến khác trong các tiểu ban nhằm mục đích thực hiện tốt các tôn chỉ của ASCOPE và đảm bảo lợi ích của các quốc gia thành viên. 

ASCOPE gồm: Công ty Dầu khí Quốc gia Brunei (PetroleumBRUNEI), Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia (Ministry of Mines and Energy - MME), Công ty Dầu khí Quốc gia Indonesia (Pertamina), Công ty Nhiên liệu Quốc gia Lào (LSFC), Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE), Công ty Dầu Quốc gia Philippines (PNOC), Tổng Công ty Singapore Liquefied Natural Gas Corp. - SLNG (Singapore), Công ty Dầu khí Quốc gia PTT (Thái Lan) và PVN. Việt Nam với đại diện là Petrovietnam đã gia nhập ASCOPE từ năm 1996. 

Kỳ họp thứ 83 của Ủy ban Quốc gia ASCOPE diễn ra từ ngày 15 đến 17/5 tại Đà Nẵng. (Baotintuc)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục