Sản xuất thép tăng mạnh trong tháng 5
Ai cho doanh nghiệp hai chữ ‘bình yên’?
Sản lượng thủy sản giảm, người nuôi bỏ ao đầm vì không có lãi
Symantec: Triều Tiên liên quan tới vụ tấn công ngân hàng Việt Nam
Phó Tổng Giám đốc Vingroup làm Tổng Giám đốc TTF
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-07-2017
- Cập nhật : 16/07/2017
Đến lúc bỏ hạn mức tín dụng?
Hạn mức tín dụng là một trong những công cụ hành chính rất ít nơi trên thế giới còn áp dụng. Thay vào đó, chúng ta nên tuỳ thuộc vào khả năng và quyết định riêng của từng ngân hàng dựa trên cơ sở năng lực của họ.
Ảnh minh họa.
Tại hội thảo “Chính sách tài chính tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017” do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng nay (14/7), TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, rủi ro tài chính tiền tệ ở mức cao do tác động của thế giới như việc FED có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần năm 2018.
Trong khi đó, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn.
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ như mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý, từ 16%-18% trong năm 2017, phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đảm bảo mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, kiểm soát mặt bằng giá cả,...
Đáng chú ý, chuyên gia đề xuất nên xem xét giảm bớt các phương pháp hành chính, trong đó có việc bỏ hạn mức tín dụng.
“Việc giao chỉ tiêu tín dụng đối với các nhà băng rõ ràng là một biện pháp hành chính. Chúng ta nên điều hành theo cơ chế thị trường, tức bỏ hạn mức này, thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ các nhà băng bằng hệ số an toàn vốn CAR. Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư, theo đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn và không mang tính hành chính quá nhiều”, ông Lực giải thích.
Qua khảo sát, chuyên gia cho biết, hạn mức tín dụng là một trong những công cụ hành chính rất ít nơi trên thế giới còn áp dụng. Thay vào đó, chúng ta nên tuỳ thuộc vào khả năng và quyết định riêng của từng ngân hàng dựa trên cơ sở năng lực của họ.
Được biết, từ năm 1994, NHNN đã thực hiện hạn mức tín dụng cho 4 NHTM quốc doanh. Sau đó, việc áp dụng hạn mức được mở rộng sang NHTM cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn nhằm hạn chế tốc độ cho vay, để kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, do bản chất của hạn mức tín dụng là công cụ điều hành mang tính hành chính, can thiệp trực tiếp và chỉ được phân bổ đối với một số NHTM, nên phần nào hạn chế tính công bằng trong cạnh tranh. Đồng thời, hạn mức này cũng không được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đã làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Do đó, đến năm 1998, NHNN đã quyết định không sử dụng hạn mức tín dụng như là một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ, mà chỉ dùng khi cần hạn chế sự gia tăng tín dụng nhanh chóng, dẫn tới nguy cơ lạm phát cao.
Sau hơn 13 năm được dỡ bỏ, đến năm 2011, công cụ này lại được NHNN sử dụng trong điều hành. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng hồi 2009 đẩy tăng trưởng tín dụng quá nóng, có những lúc tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 158%, mất kiểm soát về lạm phát nên đến năm 2011, Nhà điều hành đã bắt đầu áp dụng hạn mức tín dụng trở lại.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khi tình hình đã cơ bản ổn định trở lại, chuyên gia cho rằng, việc bỏ biện pháp này là một trong những lựa chọn đáng bàn.(Bizlive)
------------------------
“TP.HCM sẽ có nhà giá từ 300 triệu”
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết sắp tới đây người lao động sẽ mua được nhà giá từ 300 triệu đồng tại huyện Nhà Bè và quận 12.
Trong cuộc họp báo của Sở Xây dựng TP.HCM vào chiều 14/7, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan dự án nhà giá 100 triệu đồng mà TP.HCM thực hiện theo mô hình tỉnh Bình Dương, hiện nay triển khai đến đâu?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn cho biết việc tỉnh Bình Dương làm nhà giá rẻ đã giúp TP.HCM có động lực để tìm cách kéo giảm nhà ở xã hội (NƠXH) từ giá thấp xuống cực thấp.
Trên tinh thần đó, Sở Xây dựng TP đang nỗ lực để hiện thực hóa câu chuyện nhà ở giá rẻ, giúp giải quyết nhu cầu cho người lao động.
Cũng theo ông Tuấn, nếu nhà giá 100 triệu đồng có diện tích 25-30m2 TP.HCM có thể làm được nhưng phải gắn liền với nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, cách làm này chỉ đáp ứng nhu cầu ban đầu nhưng về lâu dài có thể phá vỡ quy hoạch và không bảo đảm sự phát triển bền vững. "Câu hỏi đặt ra, khi làm nhà giá rẻ không chỉ là nơi ở mà phải là nơi sinh hoạt, vui chơi đảm bảo chất lượng sống. Hiện tại quận 12 có một dự án NƠXH quy mô 1.000 căn hộ bán với giá dưới 1 tỉ đồng và sau đó có đến 7.000 hồ sơ nộp xin mua. Như vậy, nhu cầu nhà ở giá rẻ rất đa dạng, chứ không nhất thiết phải 100 triệu đồng", ông Tuấn nói.
Vị giám đốc Sở Xây dựng cam kết tương lai gần sẽ cho ra mắt 2 dự án tại huyện Nhà Bè và quận 12. Khả năng sẽ có những căn nhà để bán với giá 300 triệu đồng, 400 triệu đồng và 700 triệu đồng. "Tôi đã có 2 cuộc làm việc với các chủ đầu tư và họ đã thống nhất cùng với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ sau đó nộp lại Sở Xây dựng thẩm duyệt", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn quả quyết: "Chúng tôi quyết tâm thực hiện việc này và sẽ đeo bám đến cùng. Đã nói phải hành động chứ không bàn cho có".(NLĐ)
--------------------------------------
Đất Hoài Đức, Thạch Thất tăng giá: Cơn sốt mới phía Tây Hà Nội
Giá đất vực phía Tây Hà Nội tăng bởi giới đầu tư đang săn lùng đất nền có vị trí đẹp với kỳ vọng mang lại lợi nhuận. Theo khảo sát tại nhiều khu vực, giá đất đã tăng từ 20-30%, thậm chí có những khu vực sốt nóng bị đẩy giá lên tới 50%.
Giá đất tại nhiều dự án tăng trở lại
Đất dịch vụ tăng 1,5 lần
Giá đất nền tại nhiều dự án tăng giá mạnh, cho thấy nhiều nhà đầu tư đã chuyển từ đầu tư căn hộ sang đất nền. Trong đó, bất động sản phía Tây Hà Nội là khu vực đang "sốt nóng" nhất. Sau thời gian trầm lắng, giá đất khu vực này đã tăng trở lại, đơn cử như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất…
Thông tin từ nhân viên tư vấn nhà đất An Khánh, thì khu vực này có chiều hướng tăng từ khi nghe thông tin Hoài Đức sắp lên cấp quận. Điển hình, đất dịch vụ tăng gấp 1,5 lần từ cuối năm ngoái so với tại thời điểm hiện tại.
Tại thời điểm sau Tết nguyên đán, khách hàng có thể bỏ ra 500 đến 550 triệu mua được một lô có diện tích từ 40m đến 50 m2, thì đến nay đã tăng lên 850 triệu. Sau khi bốc thăm nhận đất, dự báo giá sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Hiện đã có rất nhiều giao dịch thành công.
Khảo sát khu vực này cho thấy, việc Vingroup đầu tư dự án đầu tiên tại Hoài Đức là Vinhomes Thăng Long và mở bán với giá cao hơn giá trung bình các dự án trong khu vực, đã đẩy giá đất nền các dự án lân cận tăng khoảng 30-40% chỉ trong một năm qua.
Theo một số đại diện đơn vị môi giới tại Nam An Khánh, nhà đầu tư vẫn không chịu bán ra do kỳ vọng giá nhà đất còn tăng khi Hoài Đức được nâng cấp hành chính.
Đất ở các khu vực khác cũng có tăng giá nhẹ. Đơn cử, khu tái định cư Phú Cát - Thạch Hoà - Thạch Thất, Thị trường nóng lên vào cuối năm 2016 và đầu 2017, những lô có diện tích 50 đến 60m2 được đẩy giá từ 9 triệu lên đến 13 triệu/m2 và có rất nhiều giao dich thành công.
Do địa thế đẹp, gần khu công nghệ cao, nằm ngay sát đường 21 đi Sơn Thây-Xuân Mai, cuốn hút nhiều nhà đầu tư. Nhiều mảnh đất dưới 60m2 đang chào bán 11 triệu/m2, thậm chí có người đặt mua với giá 13 triệu/m2 nhưng chủ không bán. Hiện chưa có chính sách tách sổ, nên những mảnh đất có diện tích 150m2 đang chào bán với giá 8 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của nhân viên môi giới tại đây, giá được đẩy cao như vậy do hợp túi tiền người mua, người mua thường là để xây nhà, ít đầu cơ. Đây là thị trường tăng không nhanh, nhưng có tính thanh khoản cao, tạo sự yên tâm cho người đâu tư cũng như người mua nhằm mục đích để ở.
Với khu tái định cư Bình Yên - Thạch Thất, một trong khu đất tái định cư thuộc khu công nghệ cao Hoà Lạc. Nhưng do địa thế không đẹp, năm trên đường 84 từ Hoà Lạc đi thị trấn Thạch Thất, không thuận lợi giao thông so với khu Phú Cát nên thị trường trong 2 năm trở lại đây không tăng nhiều, ít giao dịch thành công.
Giá chỉ đây lên khoảng 1 triệu đồng/m2 trong vòng 2 năm qua. Hiện mức giá dao động ở tái định cư xã BÌnh Yên khoảng từ 3 triệu đến 4 triệu/m2, tuỳ vị trí.
Giá đất hiện tại của Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-65 triệu/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 22- 35 triệu/m2, tùy vị trí. Theo thống kê, giá đất hiện tại tăng khoảng 30-40% so với thời điểm năm 2015.
Nóng chưa sốt
Lý giải nguyên nhân giá đất tại phía Tây tăng trở lại, theo đánh giá của các chuyên gia, yếu tố hạ tầng đã thúc đẩy tăng giá. Xu hướng "nóng" lên của đất nền tại khu vực phía Tây Hà Nội đã bắt đầu từ năm 2016, đến nay mức giá đang được đẩy lên cao, khiến nhiều người lo ngại về một cơn sốt bất động sản sẽ quay trở lại.
Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hoài Đức là một thị trường tốt, tuy nhiên theo quan sát, thị trường khá ổn định, không có nhiều đột biến, vẫn có những dự án còn hàng.
Biệt thực chục tỷ khó tăng giá
Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, giao dịch có phần chững lại trong thời gian gần đây thể hiện thị trường có tính ổn định, không thây tính bùng phát. Hoài Đức đánh giá là một thị trường tiềm năng, bởi vì nó đã có những quy hoạnh và các hệ thông giao thông. Đặc biệt, hệ thống giao thông vành đai 3,5, vành đai 4 sẽ được triển khai trong tương lai.
Không chỉ Hoài Đức mà nhiều khu vực phía Tây cũng đang được đầu tư về hạ tầng giao thông. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Cầu Diễn - đường 32 (đoạn từ đường 70 mới đến vành đai 4), góp phần đưa phía Tây thành phố vốn nhộn nhịp thị trường bất động sản sẽ trở thành khu vực đáng sống bậc nhất của cư dân.
Bên cạnh đó, chủ trương cho phép Hà Nội triển khai dự án đường Tây Thăng Long kết nối khu vực Tây Tây Hồ và phía Bắc Cầu Thăng Long với khu đô thị Sơn Tây chạy qua địa phận Đan Phượng. Thông tin này đã khiến đất tại địa phương này tăng giá.
Bà Nguyễn Hoài An đánh giá, hiện nay, đất nền vẫn được nhiều người quan tâm bởi mức giá hợp lý. Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ là yếu tốc tác động tới phân khúc này. Tuy nhiên, để xảy ra sốt nóng như thị trường phía Nam thì sẽ khó xảy ra. Nếu nhìn ở góc độ đầu tư “theo quy hoạch”, giới thạo nghề địa ốc vẫn chưa thể quên bài học chua chát mang tên 'trục Ba Vì – Hồ Tây' cách đây 5 năm.
Theo đánh giá của bà An, những dự án biệt thự liền kề như Gleximco, Thiên đường Bảo Sơn, Spendora có giá vài chục tỷ đồng khó có thể tăng giá trong thời gian tới. Thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở mức giá dưới 5 tỷ đồng.(Vietnamnet)
---------------------------
Giá đất vùng quy hoạch Sân bay Long Thành tăng chóng mặt
Mặc dù chưa có quy hoạch chi tiết vùng phụ cận Dự án Sân bay Long Thành, nhưng thời gian gần đây, tình hình sang nhượng, phân lô bán nền tại khu vực các xã trong vùng quy hoạch sân bay đang ngày càng nhộn nhịp, giá đất tăng theo từng ngày.
Tỉnh Đồng Nai đã có biện pháp hạn chế tình trạng này song "thị trường chui" vẫn diễn ra nhộn nhịp.
Giá đất tăng chóng mặt
Dọc theo tuyến Quốc lộ 51 từ thị trấn Long Thành, cho tới đường ĐT 769 đi sâu vào vùng quy hoạch sân bay, những tấm biển quảng cáo, chào mời mua đất mọc lên như nấm. Khu vực có đất rao bán nhiều nhất là các xã Bình Sơn và Lộc An, đây là 2 xã không bị "giải tỏa trắng" mà chỉ giải tỏa một phần diện tích nên được coi là có cơ hội đầu tư sinh lời.
Lần theo những tấm biển quảng cáo bán đất, phóng viên VOV tiếp cận được một "khu dân cư" mới nổi với nhiều căn nhà mới xây hoặc đang xây dở dang.
Ông H., một người địa phương mới đây đã mua một mảnh đất diện tích 5 x 24m với giá 350 triệu đồng. Người này cho hay, đây vốn là đất nông nghiệp, không tách sổ được, mua bán chỉ có giấy tay. Người chủ đất đã phân ra mấy chục lô như vậy bán kiếm lời. Người mua có cả ở địa phương và cả ở nơi khác tới. Chỉ trong thời gian ngắn, dù là đất nông nghiệp nhưng giá cũng đã kịp tăng gấp 3 lần và có khả năng tăng tiếp.
Liên hệ với một số "cò" trên các tờ rơi, những người này cũng cho biết, hiện giá đất ở khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn tùy từng vị trí mà có giá từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi m2.
Ủy ban nhân dân xã Bình Sơn cũng xác nhận, giá đất trên địa bàn xã đã tăng gấp đôi trong thời gian ngắn. Đầu năm, giá đất nông nghiệp khoảng 500 triệu đồng/sào (1.000 m2) nhưng hiện đã lên tới cả tỉ đồng.
Ngoài dự án khu dân cư Lộc An – Bình Sơn đang được xây dựng để phục vụ công tác tái định cư dự án Sân bay Long Thành, thì trên địa bàn huyện Long Thành cũng kịp mọc lên nhiều dự án đất nền, nhà ở khác nằm trong vùng đệm 21.000 ha, có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng mỗi m2.
Cấm – nhưng không khó "lách"
Tháng 4 vừa qua, để hạn chế tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tràn lan, mất kiểm soát, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có quyết định tạm dừng toàn bộ các giao dịch tách thửa. Nhưng thực tế là việc mua bán vẫn diễn ra, không tách được thửa, người ta... bán cả thửa bởi giao dịch mua bán, sang nhương không bị cấm ở vùng đệm 21.000 ha quy hoạch ngoài sân bay. Nghĩa là những người muốn "gom" đất vẫn có thể đạt được mục đích của mình.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Sơn xác nhận điều này, đồng thời cho biết sau khi tỉnh Đồng Nai có quy định ngừng tách thửa thì việc sang nhượng rầm rộ như thời gian trước đây cũng đã "hạ nhiệt".
Song thực tế, việc phân lô bán nền theo hình thức "giấy tay" vẫn diễn ra phổ biến, giá vẫn đều đặn tăng, thậm chí tăng gấp 3 - 4 lần như trường hợp đã đề cập ở phần đầu bài viết.
Đó là cách người ta gom đất, hoặc làm "chui" ở khu vực vùng đệm - 21.000 ha. Còn trong vùng quy hoạch - 5.600 ha sân bay, việc giao dịch mua bán đất đã bị cấm hoàn toàn, nhưng vẫn không phải không có cách.
Ông Phạm Xuân Tuệ ở ấp 3, xã Suối Trầu cho hay, đất đai trong khu vực nhà ông từ lâu đã không thể mua bán, sang nhượng. Có những người chờ đợi quá lâu nên tìm cách bán đất tìm nơi khác sinh sống nhưng không được. Vậy là người ta mua bán bằng cách "ủy quyền".
Người bán sẽ nhận tiền và ủy quyền cho người mua với đầy đủ các quyền lợi: từ tài sản cây trồng, vật kiến trúc cho tới việc đầu tư sản xuất và… cả nhận tiền bồi thường. Vậy là giao dịch thành công. Theo ông Tuệ, chỉ riêng ấp 3 đã có cả chục trường hợp ủy quyền như vậy.
Ở các Suối Trầu, Cẩm Đường không khó để tìm thấy những căn nhà trống không mà theo người dân, người chủ đất sau khi "ủy quyền", rời đi thì nhà cửa, vườn tược bị bỏ hoang.
Mới đây, khi đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải vào làm việc tại Đồng Nai về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần, một cán bộ ngành tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai đã phải thốt lên: mỗi khi có đoàn của Trung ương vào làm việc, giá đất khu vực sân bay lại tăng lên vài giá, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ cao là giá đất tiếp tục "nhảy múa".(VOV)