Chiến lược tổng thể của Microsoft để trở thành người dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo; Tháp gió xuất khẩu từ Việt Nam bị Úc kiện chống phá giá; Doanh số máy tính trong quý II/2017 thấp nhất kể từ 2007; Buôn lậu ngà voi, một người Việt bị bắt ở sân bay Malaysia
Tin kinh tế đọc nhanh 17-07-2017
- Cập nhật : 17/07/2017
Bắc Kinh cảnh báo quan hệ Trung - Mỹ sẽ tồi tệ vì... thép
Ngày 13/7, tại cuộc họp của Hiệp hội các nhà quản lý quốc gia Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cảnh báo, nếu các bang của Mỹ tuân thủ lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump đưa ra hạn ngạch (quota) và thuế quan đối với thép Trung Quốc, quan hệ hai nước sẽ "đi trật đường ray".
Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã nói vậy trong một cuộc họp của Hiệp hội các nhà quản lý Quốc gia Mỹ tại Providence.
Ông Thôi nói: "Phát sinh một số rắc rối liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Tôi e rằng những người đứng sau các hành động đó hoặc không thay đổi tư duy, hoặc thực hiện các trò chơi chính trị ích kỷ. Nếu những điều này thành hiện thực, quan hệ Trung-Mỹ có thể đi trật đường ray".
Thông điệp của ông Thôi được đưa ra tiếp sau cuộc đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 12/7 tại Washington, một trong bốn cơ chế mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ hồi đầu tháng 4 ở Florida, nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 13/7, trên chuyên cơ Air Force One từ Washington đến Paris, ông Trump đã nói với phóng viên Reuters: "Họ (Trung Quốc) đang bán phá giá thép và phá hủy ngành công nghiệp thép của chúng ta. Họ đã làm việc đó trong nhiều thập kỷ, và tôi sẽ chấm dứt tình trạng đó. Có hai cách, là hạn ngạch và thuế quan. Có lẽ tôi sẽ làm cả hai".
Theo báo cáo của World Trade Online, Bộ Thương mại Mỹ cũng đang tiến hành rà soát lại các khoản nhập khẩu thép và nhôm của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia, theo đó Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dự kiến sẽ đưa ra Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ.
Ông Asa Hutchinson, thống đốc bang Arkansan thuộc đảng Cộng hòa, người tham dự sự kiện ở Providence nói: "Rõ ràng, khả năng cạnh tranh trong một thị trường thép là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của bất cứ nước nào. Nếu không sản xuất thép, bạn thực sự không thể cạnh tranh trên sân khấu toàn cầu. Chúng tôi muốn cạnh tranh với thép của Trung Quốc, Hàn Quốc một cách công bằng".
Tại sự kiện trên, Đại sứ Thôi đã không đưa ra danh sách chi tiết về những rắc rối mới, mặc dù ông đã gợi ý rằng, ông muốn cải tiến quy trình của Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) về rà soát đầu tư nước ngoài. Ông Thôi nói: "Chúng ta cần đảm bảo rằng các công cụ chính sách ở cấp độ liên bang như CFIUS sẽ đóng vai trò điều phối chứ không phải là gây trở ngại".
Quốc hội Mỹ đã bày tỏ ý định mở rộng quy trình CFIUS để đảm bảo an ninh quốc gia. Ông John Cornyn, thượng nghị sĩ bang Texas đã từng cho biết rằng, ông sẽ giới thiệu một dự luật mới của đảng nhằm hạn chế việc các công ty Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Đây cũng được cho là biện pháp ngăn ngừa "những đối thủ kinh tế" như Trung Quốc lợi dụng lỗ hổng pháp luật hiện hành để hiện đại hóa hệ thống vũ khí của họ.
Theo Đại sứ Thôi: "Hai bên (Trung Quốc và Mỹ) cần ngồi lại và thảo luận tất cả những điều này một cách hợp lý. Tôi mong muốn có được một kết quả có lợi cho cả hai tại cuộc đối thoại kinh tế song phương tuần tới'.(Tienphong)
-----------------
Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài giảm gần một nửa
Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do Bắc Kinh siết chặt kiểm soát việc các công ty trong nước thực hiện các vụ mua lại ở nước ngoài sau khi hoạt động này lập kỷ lục trong năm ngoái.
Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/7 cho biết, đầu tư ra nước ngoài của nước này đã giảm xuống mức 48,19 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6, lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm 11,3%, còn 13,6 tỷ USD.
Năm 2016 đã chứng kiến một làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc. Từ các đội bóng đá cho tới bất động sản đều trở thành đối tượng mua lại của các doanh nghiệp đến từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, nhà chức trách Trung Quốc đã phải thắt chặt kiểm soát vốn để ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra các khoản vay của các ngân hàng thương mại cấp cho các doanh nghiệp có nhiều hoạt động mua lại ở nước ngoài như Anbang và HNA.
Sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu do các yếu tố gồm điểm mốc so sánh ở mức cao, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục khởi sắc, những bất ổn ở thị trường nước ngoài, và những nỗ lực hạn chế những khoản đầu tư không hợp lý - theo lời phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Theo ông Gao, bất động sản, khách sạn, rạp chiếu phim, giải trí và câu lạc bộ thể thao là những lĩnh vực chứng kiến mức giảm lớn nhất trong vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.
“Trong nửa đầu năm, nền kinh tế của chúng tôi tiếp tục ổn định và đạt động lực tăng trưởng tốt, giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong việc rót vốn vào thị trường trong nước”, ông Gao nói.
Phát ngôn viên này cũng cho hay, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước dọc theo “con đường tơ lụa” do Chủ tịch nước này Tập Cận Bình Khởi xướng đã đạt 6,6 tỷ USD trong 6 tháng. Con số này chiếm 13,7% trong tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.(Vneconomy)
--------------------------
'Chúa đảo' Tuần Châu dừng dự án thay thế chợ hoá chất Kim Biên
Sở Công Thương TP HCM đang rốt ráo tìm nhà đầu tư mới sau khi tập đoàn do ông Đào Hồng Tuyển làm chủ tịch ngừng triển khai dự án.
Sở Công Thương TP HCM cho biết, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất dừng triển khai dự án xây dựng Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hoá chất trên khu đất gần 20 ha tại quận 8 và huyện Bình Chánh (thay thế chợ Kim Biên, quận 5). Nguyên nhân là do phát sinh một số vướng mắc pháp lý sau khảo sát, đồng thời vị trí này cũng không phù hợp với quy hoạch của thành phố.
Trung tâm Kinh doanh hương hiệu, hoá chất sẽ thay thế chợ Kim Biên.
Đây từng là một trong 3 dự án trọng điểm được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng vào đầu năm nay, cùng với dự án Trung tâm hải cảng - hải sản huyện Cần Giờ và Đại lộ ven sông Sài Gòn.
Trước đó, lãnh đạo UBND TP HCM cũng đề nghị các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho tập đoàn này hoàn tất thủ tục pháp lý nhằm sớm triển khai và bố trí cho các cơ sở kinh doanh hương liệu vào hoạt động tại trung tâm trong tháng 12/2017.
Sau khi Tập đoàn Tuần Châu rút lui, Sở Công Thương đang khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất hơn 11 ha gần Khu công nghiệp Phong Phú (quận 8) được phê duyệt trước đó. Đường đến khu đất này không qua nội ô thành phố nên hạn chế tác động xấu của sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển.
Theo phương án mới nhất, việc lựa chọn chủ đầu tư mới sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Trung tâm được đầu tư theo phương thức kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp xây dựng, tổ chức quản lý và vận hành trung tâm.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các quận, huyện nhằm rà soát danh sách, hiện trạng các cơ sở kinh doanh hóa chất và hương liệu trên địa bàn. Trước mắt, đơn vị này chuẩn bị phương án di dời các cơ sở tại một số quận như quận 5, 10, 11…
Chợ hóa chất Kim Biên được người Sài Gòn gọi là chợ “tử thần” do tình trạng bán hoá chất nguy hiểm tràn lan suốt 50 năm qua. Chợ có 16 quầy, sạp (hộ cá thể) kinh doanh hương liệu, bột màu, bơ sữa, phụ gia thực phẩm... Xung quanh có 17 cơ sở mua bán những mặt hàng này và cả hóa chất công nghiệp.(Vnexpress)
------------------------
Hơn 210.000 tỷ đồng doanh thu viễn thông trong nửa đầu năm
Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông phát sinh ước đạt 213.355 tỷ đồng (không tính phần kinh doanh của Viettel ở nước ngoài), gấp đôi so với mức 93.500 tỷ đồng của cùng kỳ 2016. Con số này được tính toán dựa trên tổng doanh thu của cả doanh nghiệp kinh doanh mạng di động và cố định.
Trong đó, doanh thu của 3 nhà mạng di động lớn trên thị trường viễn thông đều tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 68.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 2.400 tỷ, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt doanh thu 117.714 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 21.470 tỷ. Tính đến cuối tháng 6, tính chung tất cả các thị trường trong và ngoài nước, Viettel có gần 100 triệu thuê bao. Trong đó thuê bao trong nước đạt hơn 61 triệu, thuê bao nước ngoài hơn 30 triệu.
Tổng công ty viễn thông di động (MobiFone) đạt doanh thu 21.300 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận 2.600 tỷ.
Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, tính đến hết tháng 6, số thuê bao 2G khoảng 68,8 triệu, 3G khoảng 54,2 triệu. Điện thoại cố định tiếp tục giảm chậm, tổng số thuê bao điện thoại hơn 130 triệu, trong đó có 7,3 triệu thuê bao cố định. (Vnexpress)