"Chặn cửa" đầu tư Trung Quốc; G20 tìm biện pháp giúp WTO đáp ứng thách thức hiện tại; Ngành kinh doanh tôm hùm Mỹ gặp khó do cuộc chiến thuế quan
Tin kinh tế đọc nhanh 15-09-2018
- Cập nhật : 15/09/2018
Chiến tranh thương mại có thể khiến Trung Quốc mất hàng triệu việc làm
Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc thiệt hại ít nhất 700.000 việc làm, thậm chí tổn thất có thể lên tới hàng triệu công việc nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Hãng tin Bloomberg dẫn một phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase nói rằng sự mất mát 700.000 việc làm có thể xảy ra nếu Mỹ áp thuế quan bổ sung 25% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách giảm giá đồng Nhân dân tệ 5%, cộng thêm áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ.
Nếu Trung Quốc không trả đũa Mỹ, thì số người Trung Quốc bị mất việc làm có thể lên tới con số 3 triệu - báo cáo công bố ngày 11/9 nhận định.
Bản báo cáo nhấn mạnh những ảnh hưởng sâu rộng hơn mà nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ phải hứng chịu từ cuộc đấu thuế quan, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu giảm tốc và đang phải gánh một "núi" nợ khổng lồ.
Theo báo cáo, tình hình còn có thể tệ hơn nhiều: nếu Mỹ áp thuế quan bổ sung 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế như đã công bố, thì nước này sẽ thiệt hại 5,5 triệu việc làm và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ bị hụt 1,3 điểm phần trăm.
"Nếu Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến thuế quan, ảnh hưởng đối với Trung Quốc sẽ càng lớn", báo cáo của JPMorgan Chase có đoạn viết.
Tác động của cuộc chiến thuế quan đối với thị trường việc làm của Trung Quốc nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể trở thành mối mối lo chính sách của Bắc Kinh - theo báo cáo. "Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, điều đó sẽ làm thay đổi chức năng phản ứng chính sách và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dịch chuyển về phía nới lỏng chính sách".
Báo cáo cho rằng một đồng Nhân dân tệ rẻ hơn sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc vượt qua được những cú sốc như vậy.
Trong trường hợp kịch bản xấu nhất, với 5 triệu người mất việc, thì lựa chọn phá giá đồng Nhân dân tệ 12% trong năm 2019 so với mức tỷ giá cuối năm 2018 sẽ bù đắp lại ảnh hưởng đối với GDP và làm giảm mức thiệt hại ròng về việc làm xuống còn 900.000 công việc, báo cáo nhận định.
Tuy vậy, việc phá giá đồng tiền như thế có thể dẫn tới việc 332 tỷ USD tiền vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, "đốt" hơn 1/10 dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh - các chuyên gia của nhà băng hàng đầu nước Mỹ tính toán. Đó sẽ là một tình huống mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể muốn tránh, xét đến đợt thoái vốn ồ ạt mà nước này đã phải trải qua sau cú phá giá đồng tiền gây sốc hồi năm 2015.(Vneconomy)
-------------------
Trung Quốc muốn WTO “bật đèn xanh” để trừng phạt Mỹ
Trung Quốc dự kiến trong tuần tới đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép quốc gia này áp dụng đòn trừng phạt lên Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Hãng tin CNBC (Mỹ) đưa tin Trung Quốc cho rằng Mỹ đã không chấp hành quy định trong phán quyết của WTO đối với tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá của Washington.
Năm 2013, Trung Quốc khiếu nại lên WTO về thuế chống bán phá giá Mỹ áp dụng đối với một số mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử, sản phẩm khai khoáng… có giá trị xuất khẩu hàng năm vào Mỹ khoảng 8,4 tỷ USD. Năm 2016, WTO phán quyết phần thắng thuộc về Trung Quốc.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin điều này khiến Bộ Thương Mại Mỹ lo ngại về phương thức tính biên độ phá giá đối với các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu đến thị trường Mỹ. Biện pháp tính toán Mỹ sử dụng có tên zeroing - thường dẫn đến tăng thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm nhập khẩu.
Những sự việc như trên khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng với WTO. Cuối tháng 8, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg, Tổng thống Trump đã cảnh cáo có thể rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này không thay đổi cách đối xử với Washington.
Trung Quốc trong tháng 8 nhấn mạnh thời hạn để Mỹ thi hành phán quyết của WTO kết thúc ngày 22/8. Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO dự kiến họp trong ngày 21/9 tới, và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhân dịp này để đề nghị WTO cho phép áp đặt trừng phạt Mỹ (Vnexpress)
---------------------------------
Nhiều doanh nghiệp Nhật đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
Trung Quốc hiện là nơi tập trung khoảng 60% địa điểm sản xuất quan trọng nhất của Uniqlo. Tuy nhiên, số lượng nhà máy sản xuất của Uniqlo tại Việt Nam và Indonesia đang tăng lên.
Tập đoàn Fast Retailing sở hữu thương hiệu Uniqlo là một trong số nhiều doanh nghiệp Nhật đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để giảm chi phí nhân công, theo tin từ Nikkei.
Fast Retailing có kế hoạch mở cửa nhà máy tại Indonesia vào đầu tháng 11, tập đoàn hợp tác với công ty Toray Industries của Ấn Độ. Nhà máy này sẽ sử dụng nguyên phụ liệu đến từ Indonesia, khác với việc trước đây nhà máy sẽ nhập từ Trung Quốc. Fast Retailing đang cố gắng thực hiện toàn bộ hoạt động sản xuất nội bộ trong khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc hiện là nơi tập trung khoảng 60% địa điểm sản xuất quan trọng nhất của Uniqlo. Tuy nhiên, số lượng nhà máy sản xuất của Uniqlo tại Việt Nam và Indonesia đang tăng lên. Khả năng thuế giảm đi khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng.
Công ty Onward Holdings đã thành lập văn phòng tại Campuchia để mở rộng sản xuất. Khoảng 60% các nhà sản xuất theo hợp đồng của Onward hiện đang ở Trung Quốc, trong khi đó chưa đầy 10% tại Đông Nam Á.
Chủ tịch công ty, ông Michinobu Yasumoto, cho biết: “Chúng tôi sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang Campuchia khi tìm được địa điểm phù hợp hơn Trung Quốc”.
Công ty sản xuất đồ may mặc Adastria gần đây đã chuyển hoạt động sản xuất, từ nguyên phụ liệu cho đến sản phẩm cuối cùng sang Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Hiện tại, khoảng 80% sản phẩm của công ty được sản xuất tại Trung Quốc, thế nhưng công ty đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hàng sản xuất tại Đông Nam Á lên 30% trong vòng từ 2 đến 3 năm tới.
Một số công ty cũng đang quan tâm đến châu Phi, nơi chi phí lao động còn thấp giúp châu lục này có thêm tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất để cung cấp hàng cho châu Âu và Mỹ. Stripe International đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Ethiopia. Fast Retailing đồng thời cũng đang cân nhắc mở rộng sản xuất ở châu Phi.
Theo thống kê Hiệp hội sợi hóa học Nhật, sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc chiếm khoảng 34% trong tổng số 158,2 tỷ USD hàng dệt may xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2016. Cho đến nay, nền kinh tế lớn nhất châu Á này vẫn là nước xuất khẩu đồ may mặc lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 là Bangladesh và đứng thứ 3 là Việt Nam. Tuy nhiên thị phần của Trung Quốc đã giảm 5% từ năm 2013 đến nay. Xuất khẩu của Đông Nam Á trong khi đó tăng lên.
Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất sản phẩm yêu cầu công nghệ cao tại Trung Quốc trong khi đó chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm đơn giản sang Đông Nam Á và châu Phi. (Bizlive)