Jack Ma kiếm thêm 2,8 tỷ USD trong một ngày; PAN Food muốn nắm quyền chi phối Bibica; Khơi thông dòng vốn Hoa Kỳ vào Việt Nam; Paris sẽ thử nghiệm nhựa đường chống nóng, chống ồn
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-06-2017
- Cập nhật : 08/06/2017
Thị trường game di động Việt Nam thu hút nhà mạng hàng đầu Nhật Bản
Thị trường game di động Việt Nam có thể đạt trị giá hơn 900 triệu USD vào năm 2020.
KDDI (vốn là nhà mạng lớn thứ 2 Nhật Bản với khoảng 30 triệu thuê bao) đang dẫn đầu làn sóng các công ty Nhật Bản đổ bộ vào thị trường game di động (mobile game) tại Việt Nam. Theo dự kiến, thị trường này sẽ tăng trưởng gấp bốn lần trong vài năm tới, đạt giá trị hơn 100 tỷ yen (914 triệu USD) vào năm 2020.
Trong tháng 12/2016 vừa qua, KDDI đã hợp tác với MobiFone, nhà mạng lớn thứ hai của Việt Nam với 34,6 triệu thuê bao. Phía KDDI dự định bán các trò chơi di động tại Việt Nam thông qua một hệ thống tương tự như dịch vụ au Smart Pass của hãng ở Nhật Bản. Với giá khởi điểm 372 yen/tháng (3,4 USD), au Smart Pass đang cho phép khách hàng của KDDI tại Nhật dùng "thả cửa" nhiều trò chơi và ứng dụng với chi phí cố định hằng tháng.
Ban đầu, KDDI sẽ tập trung vào việc bán các nội dung giải trí của Việt Nam, nhưng có thể cung cấp thêm các nội dung giải trí Nhật sau khi theo dõi các xu hướng của người dùng.
Về phía MobiFone, nhà mạng này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tải nội dung từ tháng 7/2016, và đang hy vọng việc hợp tác với KDDI sẽ giúp doanh thu từ nội dung tăng khoảng 15-20%, theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Một công ty Nhật khác là Fuji Technology (văn phòng chính tại Hà Nội) đã khởi động dịch vụ tải game vào cuối năm ngoái với "Ren-Q-Bu!", một trò chơi hẹn hò (dating sim) rất được người Nhật yêu thích. Vào ngày 27/6 tới đây, công ty dự định phát hành phiên bản tiếng Nhật của trò chơi nhập vai "Re: Monster".
Fuji Technology cho phép người dùng tải trò chơi miễn phí, và kiếm tiền từ việc bán các vật phẩm trong game. Công ty đang nhắm mục tiêu hơn 500.000 lượt tải trò chơi.
Quy mô thị trường game di động Việt Nam (đơn vị tỷ yen) được dự báo sắp có tăng trưởng bùng nổ. Ảnh: Nikkei Asian Review
Để giảm chi phí phát triển, Fuji Technology đang bản địa hóa các trò chơi Nhật Bản cho thị trường Việt Nam. Khi số lượng người Việt Nam tới Nhật Bản tăng, Fuji cho rằng sự quan tâm đến các trò chơi của Nhật cũng sẽ tăng lên.
CEO Noriko Kato của Fuji Technology cho biết: "Hiện nay, nhiều người Việt Nam thích những trò chơi miễn phí trên điện thoại thông minh. Nhưng số lượng game thủ Việt Nam sẵn sàng trả tiền cũng đang gia tăng".
Vào tháng 9/2016, Fuji Technology đã tham gia góp vốn và kinh doanh với Bushiroad, một nhà phát triển các trò chơi bài tại Tokyo, với ý định bán các trò chơi Bushiroad.
Trò chơi di động đang trên đà bùng nổ
Các trò chơi di động bắt đầu thu hút nhiều người chơi tại Việt Nam vào năm 2016. Theo ước tính hiện tại, thị trường Việt Nam đang có hơn 150 trò chơi di động. Một số trong đó đã nên rất phổ biến như các trò chơi nhập vai "Võ Lâm Truyền Kỳ" và "MU Origin". Cả hai trò này đã được tải xuống hàng trăm ngàn lần.
Theo ước tính vào năm 2014, Việt Nam có khoảng 20 triệu game thủ, chủ yếu là giới trẻ. Những khu vực gần các trường đại học là nơi tập trung nhiều hàng Internet tốc độ cao, nơi các game thủ trẻ tuổi chơi thâu đêm suốt sáng.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều game thủ đã rời bỏ hàng net để chuyển sang các trò chơi di động. Mạng di động chậm chạp của Việt Nam sẽ sớm có những cải thiện đáng kể trong năm nay, khi mạng 4G ngày càng được phủ sóng rộng rãi trên cả nước, giúp cho thị trường trò chơi điện thoại di động tăng trưởng mạnh.
Các máy chơi game video như Switch của Nintendo, vừa được tung ra ở Nhật Bản vào mùa xuân này, vẫn còn quá đắt đối với các game thủ Việt Nam. Điều này khiến cho các trò chơi di động trở thành một ưu tiên hàng đầu khi thị trường trò chơi Việt Nam tiếp tục phát triển.(NCĐT)
------------------------------
Nhà đất Hong Kong đắt đỏ vì... ly dị?
Số lượng các cặp vợ chồng ly dị cao ở Hong Kong được cho là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng tới giá nhà đất tại đặc khu kinh tế này, theo Bloomberg.
Tại Hong Kong, việc giá cả nhà đất đắt đỏ không còn là chuyện lạ. Bloomberg ngày 7-6 dẫn dữ liệu cho thấy các hộ gia đình tại đây mất 18 năm thu nhập bình quân để mua một ngôi nhà, mức cao nhất thế giới.
Để so sánh, người ở Sydney (Úc) mất 12 năm để mua nhà, còn London (Anh) là 8 năm rưỡi, trong khi chỉ cần dưới 6 năm, một người ở New York (Mỹ) đã sở hữu nhà.
Áp lực giá cả nhà đất ở Hong Kong lâu nay được cho bắt nguồn từ tình hình lãi suất thấp, thiếu hụt nhà ở cũng như nhu cầu nhà ở quá nhiều từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác cũng đẩy giá nhà ở Hong Kong lên cao: Ly dị.
Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Hong Kong và là nhà phân tích kỳ cựu về lĩnh vực nhà đất Richard Wong cho rằng, nhu cầu ly dị và tái hôn đã tăng đáng kể ở Hong Kong trong hai thập niên qua.
Từ năm 1976 tới năm 1995, có 803.072 vụ đám cưới được thống kê. Trong đó, có 84.788 cặp ly dị, và 65.794 trường hợp tái hôn, theo ông Wong.
Ở giai đoạn những năm tiếp theo tính tới 2015, số lượng đám cưới là 878.552, nhưng các vụ ly dị lại tăng đột biến lên 323.298 vụ, và có 256.066 vụ tái hôn.
Những nhà hoạch định nhà đất đã không tính trước được làn sóng ly hôn này, ông Wong nói. Thực tế là tổng số lượng nhà mới xây ở giai đoạn 1976 - 1995 đạt 1.267.335, nhưng trong 19 năm sau đó con số này giảm xuống còn 857.378.
Làn sóng ly hôn trong khi đó dẫn tới nhu cầu thuê nhà, mua nhà gia tăng và đặt áp lực lớn lên chính phủ. Trong trường hợp ly hôn, các cặp đôi thường tìm tới các khu nhà tập thể, chung cư, do việc mua nhà riêng quá khó khăn so với mức thu nhập bình quân nêu trên.
Thêm vào đó, các cặp ly hôn ở Hong Kong cũng có xu hướng tìm kiếm người phối ngẫu ở nước ngoài, mà đa phần là từ Trung Quốc.
Từ năm 1997, khi đặc khu Hong Kong được trả lại Trung Quốc, việc giao lưu giữa người dân hai bên trở nên dễ dàng hơn, và đàn ông Hong Kong thường chiếm đa số trường hợp đón bạn đời Trung Quốc sang ở, theo Bloomberg.(Tuoitre)
--------------------------
Malaysia bắt đầu thu thuế du lịch từ tháng 8
Cục Hải quan Malaysia cho biết sẽ bắt đầu áp dụng thuế du lịch đối với các du khách, kể cả khách trong và ngoài nước, từ ngày 1/8.
Theo đó, thuế du lịch sẽ được thu căn cứ vào thời gian và địa điểm du khách nghỉ lại qua đêm. Nếu ở tại khách sạn 5 sao, du khách phải trả phí 20 ringgit (hơn 100.000 VND) mỗi đêm. Đối với khách sạn 4 sao, con số này là 10 ringgit. Còn đối với các khách sạn từ 1-3 sao, mức phí là 5 ringgit. Đối với các phòng nghỉ không được xếp hạng, mức phí là 2,5 ringgit mỗi đêm.
Malaysia định nghĩa “khách du lịch” là bất cứ cá nhân nào, gồm cả người Malaysia và nước ngoài, đến thăm một địa điểm nào đó tại nước này với mục đích giải trí, nghỉ ngơi, văn hóa, tôn giáo, thăm bạn bè người thân, kinh doanh, họp hành, hội thảo, nghiên cứu hoặc bất cứ mục đích nào không liên quan đến một nghề nghiệp được trả thù lao từ nơi họ đến thăm.
Các trường hợp được miễn trừ thuế du lịch bao gồm du khách đến ở cùng gia đình người bản địa (homestay) hoặc tại một ngôi làng nào đó của Malaysia (kampung stay) có đăng ký với Bộ Du lịch và Văn hóa nước này, nơi nghỉ ngơi do các cơ sở tôn giáo thành lập và duy trì không vì mục đích thương mại hoặc những cơ sở lưu trú có dưới 10 phòng.
Chủ các cơ sở lưu trú có trách nhiệm thu loại thuế này khi khách đến, sau đó nộp cho Cục Hải quan theo quy định. Việc đăng ký với Cục Hải quan bắt đầu từ ngày 1/7.
Nguồn thu từ thuế du lịch sẽ được sử dụng để phát triển ngành du lịch Malaysia, cụ thể là để nâng cao cơ sở hạ tầng du lịch và các phương tiện phục vụ du lịch, các hoạt động xúc tiến và chiến dịch quảng bá du lịch. Thuế du lịch sẽ được thu cùng với thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và phí dịch vụ.
Trước đó trong tháng Tư, Quốc hội Malaysia đã thông qua Dự luật về Thuế du lịch. Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Malaysia Mohamed Nazri Abdul Aziz cho rằng, Malaysia có thể thu về khoảng 654 triệu ringgit nếu các địa điểm cung cấp nơi nghỉ cho du khách tại nước này có tỷ lệ khách đặt phòng khoảng 60%. Tổng số phòng được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi cho du khách tại Malaysia hiện vào khoảng 11 triệu phòng.(TTXVN)
------------------------
Giá muối tăng mạnh, nhiều diêm dân không còn muối để bán
Liên tục trong những ngày qua, giá muối trên thị trường hiện đứng ở mức cao. Tại tỉnh Bạc Liêu, giá mua đã tăng hơn 100% so với đầu vụ. Nhiều diêm dân tiếc nuối vì không còn muối để bán.
Cụ thể, muối đen hiện được thương lái mua với giá từ 700 - 900 đồng/kg; muối trắng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Trong khi đó, giá muối cuối vụ năm trước và đầu vụ năm nay chỉ khoảng 250 - 500 đồng/kg muối đen; muối trắng dao động từ 500 - 600 đồng/kg.
Ông Võ Hoàng Nghiệp, xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết, do giá muối đầu vụ quá thấp nên người dân ngại đầu tư sản xuất. Hơn nữa, do thời tiết năm nay không thuận lợi, phần lớn diện tích sản xuất muối cho năng suất thấp cũng bị thu hẹp và giảm hơn 50% so với vụ trước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thưa, Phó Chủ tịch HĐQT, Hợp tác xã Diêm nghiệp ấp Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải), lượng muối trong hợp tác xã và ở nhiều nông dân hiện đã bán hết. Thời gian gần đây, giá muối có tăng cao nhưng năng suất giảm mạnh nên tính ra nông dân cũng không có lãi nhiều.
Ông Dương Chí Thanh, Phó Trưởng phòng Chính sách và ngành nghề, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết giá muối tăng mạnh là do sản lượng muối vụ này giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường có chiều hướng tiêu thụ mạnh.
Nguyên nhân là do ở vụ muối năm trước, lượng muối còn tồn nhiều nên diêm dân không dám mạnh dạn sản xuất; đồng thời, có một số diện tích đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, mùa mưa năm vừa rồi kết thúc muộn nên vụ muối bị bắt đầu trễ. Mùa mưa năm nay cũng đến sớm, dẫn đến thời gian sản xuất ngắn. Nhưng do đợt mưa trái mùa diễn ra thường xuyên nên năng suất muối không cao.
Theo đề án quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu sẽ chuyển khoảng 500 ha sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia, nuôi trồng thủy sản. Trước đó, giá muối giảm mạnh trong thời gian dài khiến địa phương khuyến cáo diêm dân thận trọng mở đầu tư sản xuất; đồng thời, khuyến khích chuyển sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.
Vụ muối 2016- 2017, tỉnh Bạc Liêu đưa vào sản xuất gần 1.700 ha, giảm hàng trăm hécta so với vụ trước. Không chỉ giảm mạnh diện tích, vụ muối này bị sản lượng khoảng 30% so với vụ 2015-2016 với mức 60 nghìn tấn.
Bạc Liêu là tỉnh có diện tích sản xuất lớn nhất, nhì cả nước với hơn 2.300 ha. Hàng năm vụ muối bắt đầu từ tháng 10 âm lịch kéo đến tháng 5 năm sau. Niên vụ muối 2015 - 2016, địa phương cho sản lượng hơn 165.000 tấn, là một trong những vụ muối đạt sản lượng cao, nhưng do giá xuống thấp nên vụ này diêm dân không dám mở rộng đầu tư sản xuất, cộng thêm thiên tai bất lợi dẫn đến sản lượng đạt thấp, nguồn cung giảm, đẩy giá muối tăng mạnh gần đây.(TTXVN)