tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-06-2017

  • Cập nhật : 07/06/2017

Đức sẵn sàng trả gấp đôi để mua khí đốt Mỹ nhằm tránh phụ thuộc Nga

Đời sống của khoảng 5 triệu hộ dân ở phía tây và bắc nước Đức sẽ bị ảnh hưởng vì Hà Lan đang có kế hoạch ngừng cung cấp khí đốt cho Đức trước năm 2030, nguyên nhân là do trữ lượng cung cấp trong nước đang cạn dần. Dù sẽ đơn giản và rẻ hơn nếu Đức chịu kết nối với đường ống Nord Stream của Nga trong việc giải quyết vấn đề khí đốt, nhưng nước này vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho việc nhập khẩu LNG từ Mỹ.

cong nhan dang kiem tra cac duong ong nord stream truoc khi chung duoc dua di do vo be tong tai mot nha may o mukran tren dao baltic anh: reuters

Công nhân đang kiểm tra các đường ống Nord Stream trước khi chúng được đưa đi đổ vỏ bê tông tại một nhà máy ở Mukran trên đảo Baltic ẢNH: REUTERS

Theo hãng thông tấn Sputnik, quyết định này có thể đã bị ảnh hưởng bởi vận động hành lang và các yếu tố chính trị chứ không phải đến từ những cân nhắc thực tiễn của vấn đề. Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc năng lượng của họ vào Nga, đồng thời luôn tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Ngoài nguồn cung cấp chủ yếu với một phần tổng sản lượng chính đến từ Hà Lan, Đức hiện cũng đang tiếp nhận khí đốt qua biển Bắc từ Na Uy, và một phần không lớn qua biển Baltic từ Nga. Với việc đường ống Zeelink được đưa vào xây dựng, nước này sẽ bắt đầu mua khí đốt từ Mỹ, các quốc gia Vùng Vịnh và thậm chí là cả Bắc Phi.

“Do nhu cầu về khí đốt của Đức đang tăng, phương Tây sẽ không thể tránh được việc phải mở rộng thương mại với Nga, nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nhưng rất có thể là trong dài hạn, việc chuyển sang mua LNG từ Mỹ sẽ là một cách làm chính đáng”, giới truyền thông đã viết.

Song việc mở rộng mạng lưới cung cấp khí đốt để tránh bị phụ thuộc quá mức vào Nga cũng như tăng cường thị trường năng lượng nội bộ không hề đơn giản. Nó cần phải có sự đầu tư lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng các đường ống dẫn khí mới, có các cuộc thảo luận chính trị và một quá trình ra quyết định phức tạp đòi hỏi tất cả 14 công ty vận tải khí đốt ở Đức phải cùng chấp nhận một phương án.(Thanhnien)
----------------------------------------

Ký hợp tác phát triển thành phố thông minh bắc Hà Nội trị giá 4 tỉ USD

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bản thoả thuận hợp tác được ký kết hôm nay, 5.6, tại Tokyo (Nhật Bản) nhằm mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài. 

Với quy hoạch chi tiết 3 đoạn (đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3) có tổng chiều dài 11,1 km, qua nhiều vòng báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội, thường trực Chính phủ, đã được phê duyệt chính thức vào tháng 6.2016, đồ án quy hoạch được đánh giá sẽ tạo nên điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga, cho biết Tập đoàn BRG đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho dự án quy hoạch đô thị Nhật Tân - Nội Bài.

“Việc xây dựng khu đô thị thông minh hiện đại tại một khu vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, nơi được coi là cửa ngõ của thế giới đến với thủ đô Hà Nội, không chỉ cho thấy tầm nhìn chiến lược của chúng tôi trong sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, mà còn thể hiện rõ nét nhất tư duy “dám nghĩ, dám làm” của chúng tôi, thậm chí dám tự bỏ chi phí để hoàn thiện tâm huyết này với mục tiêu cao nhất là mang lại một dấu ấn mới cho Thủ đô yêu dấu”, bà Nga chia sẻ.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, BRG đã hợp tác đầu tư với Sumitomo Corporation - một trong ba tập đoàn lớn nhất của đất nước Nhật Bản.

Theo bà Nga, với năng lực và kinh nghiệm về quy hoạch hạ tầng, xây dựng và phát triển các dự án bất động sản của mình, với tầm ảnh hưởng và uy tín với Chính phủ Nhật Bản, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Tập đoàn Sumitomo sẽ giúp dự án đạt được mục tiêu quan trọng, tạo dựng một thành phố thông minh, hiện đại, cửa ngõ kết nối Hà Nội, Việt Nam với thế giới. (Thanhnien)
--------------------

Châu Âu trấn an các ngành công nghiệp vì Trung Quốc

Theo Bloomberg, thành viên Ý Salvatore Cicu của Nghị viện châu Âu cho hay khối này vẫn duy trì phạm vi áp thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá ở EU theo kế hoạch cải cách thuế. Châu Âu đang xem xét lại cách tính thuế đối với hàng nhập khẩu bị bán phá giá từ nước này vì Trung Quốc đang yêu cầu được đối xử tốt hơn về mặt thương mại.

“Chúng tôi muốn gửi thông điệp chính trị, đặc biệt là đến Trung Quốc, rằng chúng tôi mở cửa trong thương mại, nhưng các ngành công nghiệp của EU không nên vì thế mà bị ảnh hưởng. Chúng tôi có thể tìm ra cách thỏa hiệp ổn thỏa”, ông Cicu cho biết tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp).

Tại cuộc họp vừa diễn ra hôm 1 và 2.6 ở Brussels (Bỉ), giới lãnh đạo châu Âu và Đại lục tiếp tục mở đường hướng tới quan hệ thương mại, đầu tư chặt chẽ hơn. EU muốn thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn mà không kích thích làn sóng chủ nghĩa dân túy, vốn đã và đang chống lại ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa lên các ngành công nghiệp và người lao động.

Cùng lúc, EU cũng nói với Trung Quốc rằng gia tăng thương mại với châu Âu trước tiên đòi hỏi rào cản ít hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Đại lục. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết khối này đang chờ những lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1 thành hiện thực.

Bất đồng về mặt thương mại khiến EU, Trung Quốc không thể đưa ra tuyên bố đầu tiên về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch tại hội nghị ở Brussels. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU, sau Mỹ, song lại bị xếp vào nhóm các nước như Belarus, Triều Tiên không có nền kinh tế thị trường theo tiêu chuẩn châu Âu và đối mặt với thuế chống bán phá giá của EU nhiều nhất trên thế giới.

Để ngăn chặn hàng bán phá giá “made in China”, EU đưa ra dự thảo luật theo công thức đặc biệt để tính thuế chống bán phá giá với các nước thường xuyên bị xem là can thiệp đáng kể vào thị trường. Dự thảo luật trên cho phép Ủy ban châu Âu (EC) báo cáo về vấn đề can thiệp thị trường, giúp các ngành công nghiệp châu Âu khiếu nại về tình trạng bán phá giá.(Thanhnien)
---------------------------

Hàn Quốc tung 10 tỉ USD kích thích kinh tế

Theo Reuters, ông Moon từng hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng sẽ tạo ra 810.000 việc làm trong khu vực công. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho hay gói kích thích tài chính phân bổ 5,4 nghìn tỉ won để tạo ra việc làm trong lĩnh vực công và dịch vụ xã hội, trong đó bao gồm các công việc như lính cứu hỏa, giáo viên và nhân viên bưu chính.

2,3 nghìn tỉ won khác sẽ được dùng để trợ cấp chương trình nghỉ thai sản và chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Chính phủ Hàn Quốc ước tính việc tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 0,2 điểm phần trăm trong năm nay, đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên từ mức 2,6% hiện thời. Dự kiến, ngân sách bổ sung sẽ giúp tăng 71.000 việc làm trong lực lượng lao động khu vực công và 15.000 việc làm trong lực lượng lao động khu vực tư.

Người quản lý ngân sách Hàn Quốc Park Chun-sup cho hay: “Đây là ngân sách bổ sung đầu tiên được thiết kế cho việc tạo ra việc làm. Có nhiều lo ngại về tình hình thất nghiệp. 10 năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp tổng thể là 3,5%, song giờ đây đã tăng lên gấp ba lần”. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi từ 15 - 29 tăng vọt lên 11,2% trong tháng 4 dù kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh trong quý 1/2017.

Số tiền bổ sung sẽ thêm vào ngân sách 400,5 nghìn tỉ won cho năm 2017 của Hàn Quốc. Kế hoạch này được Quốc hội Hàn Quốc duyệt năm ngoái. Khoảng 8,8 nghìn tỉ won ngân sách bổ sung đến từ mức thu thuế dư trong năm nay, 1,1 nghìn tỉ won đến từ doanh thu chính phủ còn lại trong năm 2016 và 1,3 nghìn tỉ won còn lại được các quỹ công do doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài trợ.

Những lời kêu gọi về trợ cấp chính phủ ở xứ Hàn sẽ chỉ tăng vì 35.000 công nhân làm trong lĩnh vực đóng tàu có thể bị sa thải vào cuối năm nay. Từ tháng 12.2015 đến tháng 2 năm nay, khoảng 41.000 người lao động đã mất việc tại các hãng đóng tàu vì nhu cầu và giá cả hàng hóa sụt giảm.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục