EU gia hạn trừng phạt kinh tế lên Nga; Trung Quốc giảm thu mua sắn Việt Nam; Kiểm tra tài chính tại 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổng cục Thống kê: Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế vào 2019-2020
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-06-2018
- Cập nhật : 29/06/2018
VEPR: Việt Nam thêm 240.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT lên 12%
Các hộ có tỷ lệ cao trẻ em, phụ nữ, người già trên 80 tuổi dễ bị rơi vào nghèo đói hơn khi tăng VAT, theo nhóm nghiên cứu.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình". Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất dự thảo luật sửa đổi về thuế giá trị gia tăng với phương án thuế suất thuế VAT được điều chỉnh tăng thêm 20%, nghĩa là những mặt hàng đang có thuế suất từ 5% sẽ tăng lên 6% và mặt hàng hiện thuế suất 10% lên 12%.
Tuy Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo trước Quốc hội rằng, cơ quan này quyết định sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, theo ông, cơ quan này sẽ cơ cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%.
Nhóm chuyên gia thuộc VEPR cũng đưa ra dự báo tác động tăng thuế VAT theo một phương án nữa là áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng (ngoại trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Phương án này theo đơn vị nghiên cứu thì có ưu điểm là đơn giản hóa việc thu thuế và tránh gian lận trong việc trốn thuế VAT bằng cách điều chỉnh danh mục mặt hàng chịu thuế từ 10% thành 5% trong sản xuất và kinh doanh.
Với 2 phương án này, nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho biết phương án một (tăng thuế suất lên 1,2 lần) có tác động tới hộ gia đình mạnh hơn phương án hai (áp dụng thuế suất VAT thống nhất 10%).
Cụ thể, phương án một mà Bộ Tài chính đề xuất làm giảm chi tiêu khoảng 0,89%, trong khi phương án 2 làm giảm 0,32%. Số người nghèo tăng lên từ những người ở ngưỡng cận nghèo trong hai phương án lần lượt là 240.000 và 202.000 người. Theo các chuyên gia thuộc VEPR, xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.
"Các hộ gia đình có đặc điểm như đông người, có tỷ lệ cao trẻ em và người già trên 80 tuổi, chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp dễ rơi vào nghèo đói hơn các nhóm khác khi tăng thuế VAT", báo cáo đánh giá.
Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu, phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn H’Mong là dân tộc chịu ảnh hưởng mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Do đó, các chuyên gia thuộc VEPR không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính đã đưa ra.
Theo nhóm nghiên cứu, VAT là nguồn thu thuế lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng một phần tư tổng thu ngân sách. Trong khi thuế suất VAT phổ thông thuộc mức thấp của thế giới, tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế VAT của Việt Nam đứng hàng đầu, phản ánh sự khá hiệu quả của thuế VAT tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng thu ngân sách từ VAT của Việt Nam hầu như chỉ bằng con đường tăng thuế suất.
"Trong bối cảnh áp lực ngân sách tăng cao, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác đau đớn cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân", chuyên gia thuộc VEPR cho hay.
Với những phân tích đó, nhóm chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.(Vnexpress)
---------------------------
Cổ phiếu PNJ mất 3.100 tỉ từ ngày giá vàng lao dốc
Giá vàng thế giới lao dốc về ngưỡng 1.251 USD/ounce tương quan với diễn biến suy giảm của giá cổ phiếu PNJ trên sàn HoSE, khi trong phiên hôm nay (28-6), mã này đột ngột giảm sàn lần đầu tiên trong tháng 6.
Các nhà đầu tư trao đổi về diễn biến thị trường tại sàn SJC ở quận 1 - ẢNH: TRẤN KIÊN
Sau khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức công bố việc tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018 vào ngày 14-6, đồng USD bắt đầu tăng vọt về đỉnh 23.000 đồng/USD trong khi giá vàng lại lao dốc không phanh khỏi ngưỡng 1.304 USD/ounce.
Tính từ phiên lập đỉnh hôm 14-6, giá vàng thế giới đã rớt liên tục, mất tổng cộng hơn 50 USD/ounce trong khoảng nửa tháng, chỉ còn gần 1.251 USD/ounce tại phiên giao dịch ngày hôm nay.
Diễn biến của giá vàng thế giới khiến cho cổ phiếu ngành vàng trong nước cũng bị "vạ lây" khi mã PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận suy giảm tính từ thời điểm trên.
Sau phiên đứng giá ngày 15-6, cổ phiếu PNJ trải qua hai đợt rớt giá mạnh trong hai ngày đen tối 18-6 và 19-6 của thị trường.
Kế đó, cổ phiếu này có hai phiên tăng nhẹ để rồi kéo theo một chuỗi rớt giá 4 phiên liên tiếp ứng với việc giá vàng giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Riêng phiên hôm nay, mã PNJ chính thức giảm sàn 6.700 đồng, còn 90.300 đồng/cổ phiếu.
Cộng tất cả các đợt suy giảm của mã PNJ kể từ ngày 14-6 thì công ty này bị "bốc hơi" trên 3.100 tỉ đồng vốn hóa thị trường, tính trên số lượng cổ phiếu đang niêm yết.
Trở lại diễn biến của thị trường, chỉ số VN Index chốt phiên đánh mất 11,56 điểm, còn 957,35 điểm.
Nhóm VN30 chỉ có sắc xanh le lói của bốn mã là SBT, ROS, NVL và VIC.
Mã BMP của Công ty CP nhựa Bình Minh vốn là điểm sáng của hai phiên suy giảm liền trước nhưng cũng "khuất phục" đà giảm của thị trường trong phiên hôm nay.
Mặc dù nhận được khối lượng mua ròng cao nhất của khối ngoại kể từ một tháng qua là trên 580.000 cổ phiếu, song BMP về cuối phiên vẫn giảm nhẹ 100 đồng, còn 59.500 đồng/cổ phiếu.
Mã NVL của Novaland tăng nhẹ 100 đồng vào phút chót, lên 50.700 đồng/cổ phiếu, tương tự mã VIC của Tập đoàn Vingroup tăng mạnh 4.000 đồng, lên 107.500 đồng/cổ phiếu cũng không đủ sức để cứu thị trường khi ngành bất động sản dẫn đầu xu hướng lao dốc với mức độ suy giảm 11,62%.
Một mã VN30 khác là CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons giảm mạnh 5.000 đồng, còn 151.000 đồng/cổ phiếu.
Mã DXG của Tập đoàn Đất Xanh giảm 1.500 đồng, còn 26.800 đồng/cổ phiếu bên cạnh mã KDH của Khang Điền cũng giảm 200 đồng, còn 31.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến thanh khoản toàn thị trường có cải thiện về mức trên 5.000 tỉ đồng song vẫn là khá thấp. Khối ngoại mua ròng nhỏ giọt trên 40 tỉ ở cả ba sàn.(Tuoitre)
------------------------
Saint Petersburg mời gọi doanh nghiệp Việt “đổ tiền” vào đặc khu kinh tế
Chính quyền thành phố Saint Petersburg (Nga) đang mời gọi các doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào các khu công nghiệp và đặc khu kinh tế của Saint Petersburg.
Đoàn đại biểu thành phố Saint Petersburg, Cộng hòa Liên bang Nga đang có chuyến thăm TP.HCM nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư.
40 doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ và trao đổi với 20 doanh nghiệp thành phố Saint Petersburg tại hội thảo: “Tiềm năng hợp tác giữa thành phố Saint Petersburg và thành phố Hồ Chí Minh”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức ngày 28/6.
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7/2012. Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập mối quan hệ kết nghĩa với 5 địa phương của Nga, trong đó có Saint Petersburg.
Tính đến tháng 5/2018, TP.HCM đang có 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực đến từ các nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Nga, với số vốn hơn 35 triệu USD.
Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa thành phố Hồ Chí Minh và Cộng hòa Liên bang Nga đạt 565,23 triệu USD.
Từ đầu năm đến ngày 18/6, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 329,86 triệu USD, đạt 58,3% so với năm 2017.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC nhấn mạnh, TP.HCM với chính sách cởi mở, linh hoạt hy vọng quan hệ của hai thành phố sẽ phát triển về mọi phương diện, doanh nghiệp hai thành phố tìm được những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Các doanh nghiệp Saint Petersburg gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo - Ảnh: CN.
Bà Fedorova Elena Vladimirovna, Phó chủ nhiệm Ủy ban chính sách công nghiệp và đổi mới của thành phố Saint Petersburg, cho biết Saint Petersburg là thành phố lớn nhất Bắc Âu với 5,28 triệu dân.
Về kinh tế Saint Petersburg có những thế mạnh: đứng thứ nhất về khối lượng vận tải đường biển ở Bắc Âu, thứ nhất về du lịch quốc tế ở châu Âu.
Về công nghiệp Saint Petersburg có 750 doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, 21.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp công nghiệp đóng góp 46,5% ngân sách.
Các lĩnh vực kinh tế hàng đầu của Saint Petersburg là năng lượng, cơ khí, dược phẩm, đóng tàu, điện tử, xe hơi, công nghệ thông tin. Saint Petersburg hiện có 60 khu công nghiệp.
Bà Fedorova Elena Vladimirovna mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các khu công nghiệp và đặc khu kinh tế của Saint Petersburg, chính quyền thành phố này sẽ hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, vay vốn ưu đãi, có chính sách thuế ưu đãi cho nhà đầu tư.
Ông Probirsky Mikhail Davidovich, Giám đốc chi nhánh SUE Vodokanalcủa St. Pertersburg mời gọi hợp tác về cải thiện chất lượng cung cấp nước, dịch vụ vệ sinh trong thành phố và bảo vệ môi trường.
Ông Alexander Karkhov, Tổng giám đốc điều hành Công ty Converged Telecommunication Operator (CTO) đề xuất hợp tác thành lập liên doanh tại Việt Nam với việc chuyển giao độc quyền công nghệ mạng di động bảo mật.
Ông Storozhuk Nikolai Leonidovich, Quyền Giám đốc của FSUE ZNIIS mong muốn hợp tác với các tổ chức của Việt Nam có quan tâm về quy hoạch hệ thống và tích hợp hệ thống mạng viễn thông để giảm thiểu chi phí; bảo mật thông tin, tính toàn vẹn và ổn định của hạ tầng thông tin quan trọng, các mạng viễn thông đặc biệt; tích hợp các hệ thống đánh chặn pháp lý…
Các doanh nghiệp Saint Petersburg về dược phẩm, xử lý chất thải, sản xuất thang máy, kiến trúc… cũng đã gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo.(Bizlive)