tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-06-2018

  • Cập nhật : 28/06/2018

UBS: Thị trường mới nổi sẽ phục hồi trong nửa cuối năm

 Những rủi ro kinh tế và địa chính trị được kỳ vọng hạ nhiệt trong 6 tháng tiếp theo, thúc đẩy tăng trưởng của các tài sản trong nhóm.

Chứng khoán thị trường mới nổi đang trên đà phục hồi trong nửa cuối năm 2018 và các cổ phiếu có khả năng tăng 10-15%, công ty quản lý tài sản toàn cầu UBS dự báo.

Chỉ số chuẩn giảm 7,7% từ tháng 1, khởi đầu xấu nhất kể từ năm 2013, trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn, lãi suất tăng và căng thẳng thương mại leo thang. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể giảm trong những tháng tới, theo Jorge Mariscal - giám đốc đầu tư thị trường mới nổi của UBS.

Mặc dù vậy, ông vẫn giữ đánh giá trung lập với cổ phiếu ở các quốc gia đang phát triển và bỏ khuyến nghị tăng tỷ trọng về nợ quốc gia. Ngoài ra, ông sẽ đợi thêm dấu hiệu tích cực trước khi nhảy vào nhóm tài sản này.

USD tăng 1%, cổ phiếu thị trường mới nổi có xu hướng giảm 2% - UBS dự đoán. (Nguồn: Bloomberg)

Trong số các cổ phiếu, những mã ngành công nghệ và tiêu dùng của Trung Quốc giao dịch ở sàn Hong Kong có sức hấp dẫn, ông nói. Trái phiếu Brazil, Mexico và Nga cũng được đánh giá là rẻ sau khi rủi ro chính trị lan rộng.

Dưới đây là những đánh giá của Mariscal về thị trường mới nổi:

Tác động của việc Ả Rập Xê-út và Argentina được nâng hạng

Rổ MSCI FM (thị trường cận biên) sẽ không giảm nhiều và MSCI EM (thị trường mới nổi) cũng sẽ không tăng vì sự kiện này. Trong khi đó, các nước châu Phi với nhiều thanh khoản hơn như Nigeria và Kenya sẽ được lợi lớn.

Nợ ngoại tệ mạnh

Nhóm này có rất ít nợ nước ngoài nên không phải chịu mối đe dọa nào. Khủng hoảng tín dụng ít có khả năng xảy ra, ngoại trừ một số quốc gia như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đắc cử

Tình hình hiện tại trong nước sẽ duy trì. Đồng lira vẫn chịu áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ chắc sẽ không dễ xin được hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng lira có khả năng tăng thêm 5-10% so với USD.

Về cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào ngày 1/7

Giả sử Andres Manuel Lopez Obrador đắc cử tổng thống và trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông có bài phát biểu nghiêng về hòa giải. Mariscal cho rằng một đợt bán nhỏ có thể sẽ xuất hiện sau cuộc bầu cử. Đồng peso dự kiến được giao dịch với tỷ giá USD/MXN trong khoảng 19,5 – 20 từ nay đến hết năm 2018.

Thị trường và tổng tuyển cử ở Brazil

Hai ứng viên có khả năng đắc cử cao nhất là bà Marina Silva và ông Jair Bolsonaro. Bolsonaro có quan điểm ủng hộ thị trường hơn nhưng lại khó đoán và mạnh tay như Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Bolsonaro đắc cử, thị trường có thể tăng điểm bởi ông ủng hộ cải cách trợ cấp và bãi bỏ bớt quy định.(NDH)
-----------------------------

Doanh nghiệp châu Âu lại bức xúc vì trừng phạt Nga

Doanh nghiệp Áo, Đức lần lượt kêu khổ với các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu.

Báo Oberösterreichische Nachrichten của Áo thông tin, doanh nghiệp Áo đang không hài lòng với biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt chống Nga.

Các doanh nghiệp của Áo cho biết, biện pháp hạn chế chỉ gây thiệt hại cho nền công nghiệp địa phương.

mot buc anh biem hoa ve trung phat cua chau au chi nhu mot mon trang mieng voi nga.

Một bức ảnh biếm họa về trừng phạt của châu Âu chỉ như một món tráng miệng với Nga.

Cụ thể, nhiều công ty Áo đang đau đầu tìm lối thoát và hứng chịu tổn thất tài chính lớn từ các lệnh trừng phạt chung của EU đối với Nga.

Tờ báo dẫn điển hình là công ty Greisinger chuyên doanh các sản phẩm thịt và đã làm việc với Nga từ những năm 1990. Do lệnh trừng phạt mà chỉ trong một ngày, khối lượng bán hàng của công ty này sụt giảm từ 13,5 triệu euro xuống gần như bằng 0 và thua lỗ hơn 12,5% lưu thông vốn.

"Khi đó chúng tôi đã có thể tìm những hướng xuất khẩu khác, nhưng để làm được như vậy chúng tôi buộc phải tăng số lượng bán hàng lên ba lần. Tất cả những thứ này sau đó phản ánh trong hiệu suất của công ty" - ông Franz Greisinger - Giám đốc doanh nghiệp cho biết.

Ông tin rằng sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt, công ty sẽ nhanh chóng khôi phục vị thế của mình ở Nga.

Lãnh đạo Viện Kinh tế Cao cấp của Áo ông Gottfried Kneifel nhận xét: "Thực tế là các biện pháp trừng phạt đã thành cú đánh gãy đầu gối các doanh nghiệp trong nước".

Thời gian gần đây ở phương Tây ngày càng thường xuyên phổ biến quan điểm cho rằng cần hủy bỏ biện pháp hạn chế trong quan hệ với Nga.

Đặc biệt là Đức sau khi các doanh nghiệp nước này tuyên bố chịu tổn thất do các lệnh trừng phạt Nga. Sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp tác động đến nền kinh tế nói chung.

Nghị sĩ Quốc hội từ đảng "Thay thế của nước Đức" - ông Markus Fronmeier nhận định rằng, hàng tháng Đức mất tới 618 triệu euro vì các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Theo đó, Berlin chịu tới 40% thiệt hại trong số các nước EU do biện pháp hạn chế chống Moscow.

Nghị sĩ này nhấn mạnh rằng biện pháp trừng phạt và sự suy thoái quan hệ thương mại với Nga là trái với lợi ích quốc gia của Đức.

"So với các thành viên khác trong Liên minh châu Âu, đất nước chúng tôi chịu nhiều tổn thất hơn vì những biện pháp hạn chế này. Hàng tháng chúng tôi mất tới 618 triệu euro do các biện pháp hạn chế. Mà thiệt hại đó nhằm ích lợi gì? Để thay đổi quy chế của bán đảo Crimea, điều sẽ không bao giờ xảy ra!" — Nghị sĩ Fronmeier bình luận.

Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu xấu đi trong thời gian phát sinh khủng hoảng chính trị ở Ukraine vào năm 2014. Sau khi Crimea trở về Nga, phương Tây cáo buộc Moscow vi phạm chuẩn mực luật pháp quốc tế và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhận định là sẽ thiệt hại cho tất cả các bên.

Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn do các lệnh trừng phạt phương Tây nhưng tiếp tục duy trì trừng phạt sẽ càng làm các bên bất lợi và bất lợi với cả các quốc gia khác trên thế giới.

Trong chuyến thăm Áo vừa qua, Tổng thống Nga đã nhắc đến các lệnh trừng phạt Nga mà châu Âu đang áp dụng gây thiệt hại thế nào, đồng thời gợi ý tới việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, đáp lại quan điểm này, Tổng thống Áo - cũng là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu đã khẳng định nước Áo sẽ vẫn song hành cùng Liên minh châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề với Nga.

Trong tháng 6 vừa qua, Hội đồng EU quyết định kéo dài biện pháp hạn chế cho đến ngày 23/6/2019. Điều này khiến việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga trong tương lai gần trở nên mong manh hơn.(Baodatviet)
---------------------------------

Bangladesh sẽ tăng sản lượng gạo nhiều nhất thế giới

Hầu hết người trồng lúa ở Mỹ khi nói về những thị trường “nổi tiếng” nhất về lúa gạo trên thế giới thường không nghĩ tới Bangladesh mà chỉ nghĩ tới Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Thái Lan.

Năm 2018/19, Bangladesh dự kiến sẽ tăng 500.000 ha trồng lúa lên gần kỷ lục cao, 11,77 triệu ha, một trong những lý do khiến sản lượng gạo thế giới sẽ lập kỷ lục cao mới. Nếu so sánh, diện tích trồng lúa của cả nước Mỹ chỉ đạt 1 triệu ha.

Lý do khiến diện tích lúa năm nay tăng mạnh là bởi năm vừa qua thị trường gạo tại Bangladesh sốt nóng quá mức, giá tăng vọt sau khi sản lượng giảm bởi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng mùa màng.

Nhà kinh tế cấp cao của Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ông Dr. Nathan Childs, dự kiến Bangladesh sẽ là nước có sản lượng tăng nhiều thứ 2 trên thế giới, lên 34,7 triệu tấn, cao hơn 6,3% so với niên vụ trước. Nước sẽ có sản lượng tăng nhiều nhất dự báo là Madagascar, tăng 18,8%.

Sản lượng gạo Mỹ dự kiến sẽ tăng 14% lên 6,45 triệu tấn.

Trong khi sản lượng của Bangladesh, Burma, Cambodia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines dự báo tăng thì của Brazil, China, Colombia, Ecuador, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Hàn Quốc, Pakistan và Venezuela dự báo giảm trong niên vụ 2018/19 so với 2017/18.

Diện tích lúa tăng

Dự báo diện tích trồng lúa tăng – 1,3 triệu ha lên kỷ lục 162 triệu ha – sẽ bù lại cho diện tích thu hoạch giảm ở Trung Quốc, Colombia, Ecuador, Ai Cập, Iraq, Hàn Quốc và Venezuela (của Venezuela dự báo giảm 49% xuống 65.000 ha – 70.000 ha, chủ yếu do sâu bệnh và thiếu đầu tư). Diện tích thu hoạch sẽ gần như không thay đổi ở Iran, Nhật Bản, Lào và Triều Tiên.

Cung gạo toàn cầu dự báo sẽ tăng 1,3% lên kỷ lục 633 triệu tấn, trong đó lượng tồn trữ từ niên vụ 2017/18 tăng 5% so với một năm trước đó.

Tồn trữ gạo thế giới cuối vụ dự kiến đạt 144,7 triệu tấn, tăng 900.000 tấn so với vụ 2017/18, là năm thứ 11 liên tiếp tăng vào cao nhất kể từ năm 2000/01 (khi đạt 146,7 triệu tấn).

Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn mức tồn trữ tăng với lượng cung dư 97,3 triệu tấn (tăng 3,3 triệu tấn so với vụ 2017/18 và chỉ thấp hơn mức kỷ lục của vụ 1999/2000). Như vậy, Trung Quốc sẽ chiếm 2/3 tổng lượng tồn trữ gạo thế giới trong vụ 2018/19.

Tỷ lệ tồn trữ - sử dụng gạo trên toàn cầu niên vụ 2018/19 dự báo sẽ ở mức 29,6%, thấp hơn vụ 2017/18 và cũng thấp hơn mức kỷ lục của vụ 2000/01.(Vinanet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục