Vay nước ngoài hơn 203 triệu USD trong quý đầu năm; Xe Anh, ô tô Đức: Mất quá nửa khách hàng Việt Nam; Sai phạm nghiêm trọng tại dự án nghìn tỷ, lãnh đạo Vinatex chỉ nhận có khuyết điểm; Techcombank tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-04-2017
- Cập nhật : 14/04/2017
Vingroup đặt mục tiêu 2017 khai trương thêm 30 TTTM, 80.000 tỷ doanh thu
Tập đoàn Vingroup- CTCP (HOSE: VIC) cho biết năm 2017 hướng đến sự bứt phá trên toàn bộ các lĩnh vực hoạt động chính, khai trương thêm khoảng 30 trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm, mục tiêu doanh thu thuần 80.000 tỷ đồng.
Bán 15.000 sản phẩm bất động sản, lợi nhuận 2016 đột biến
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, báo cáo của Ban điều hành cho biết, năm 2016 vừa qua, Tập đoàn đã cho ra mắt 24 dự án trên toàn quốc và không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực còn lại là du lịch, vui chơi giải trí, bán lẻ và hạ tầng xã hội.
Về con số cụ thể, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 57.614 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2015 và vượt 28% kế hoạch năm. Trong các lĩnh vực kinh doanh, mức tăng doanh thu ấn tượng nhất là từ lĩnh vực bán lẻ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích và các cả hàng bán lẻ khác tăng 115% so với năm trước và đạt mức doanh thu 9.248 tỷ đồng; doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 37.296 tỷ đồng, tăng 76%; doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan đạt 3.322 tỷ đồng, tăng 25%; doanh thu dịch vụ khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đạt 4.257 tỷ đồng, tăng 49%; doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 42%; và doanh thu từ hoạt động giáo dục đạt 713 tỷ đồng, tăng 39%.
Đối với mảng bất động sản, VIC cho biết giá trị hợp đồng bán hàng bất động sản đạt 83.000 tỷ đồng với 15.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại và căn hộ khách sạn đã bán trong năm. Vinhomes liên tục đưa ra sản phẩm, trong khi thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity được ra mắt đánh dấu sự tham gia của Vingroup trong phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình.
Trong năm 2016, Vincom Retail đưa vào vận hành 10 trung tâm thương mại mới nâng tổng số lên 32 trên toàn quốc, có mặt ở 15 tỉnh thành.
Mảng du lịch và vui chơi giải trí, năm qua Vinpearl đưa vào khai thác 2 khách sạn mới, nâng tổng số dự án đang hoạt động lên 9 khách sạn, quy mô 6.000 phòng trên cả nước. Đồng thời, Vinpearl ra mắt Vinpearl City Hotel – mô hình khách sạn tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn với đại diện đầu tiên là khách sạn Vinpearl Cần Thơ.
Lĩnh vực bán lẻ, Vingroup đã đạt quy mô 1.000 điểm bán lẻ phục vụ 56 triệu lượt khác.
Qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 3.513 tỷ đồng, tăng trưởng 134% và vượt 17% kế hoạch năm.
Bứt phá trên toàn bộ lĩnh vực, doanh thu mục tiêu 2017 cán mốc 80.000 tỷ
Năm 2017, Tập đoàn hướng đến sự bứt phá trên toàn bộ các lĩnh vực hoạt động chính như bất động sản, du lịch và vui chơi giả trí, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Định hướng tiếp tục mở rộng quy mô, đưa các sản phẩm của hệ sinh thái Vingroup tới người tiêu dùng.
Bên cạnh các dự án triển khai trong năm 2016 như Vinhomes Gardenia, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Skylake, Vinhomes Melodia, Vinhomes Riverside The harmony, Vinhomes Imperia Hải Phòng, Vinhomes Dragon Bay, Vinhomes Central Park, trong năm 2017, Tập đoàn có kế hoạch khai trương thêm khoảng 30 trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Ban Giám đốc cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2017 gồm doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 80.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 3.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phát hành tối đa 8,67 % vốn điều lệ để thực hiện hoán đổi cổ phần với các nhà đầu tư. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, CTCP Vincom Retail đã tiếp nhận khoản đầu tư từ WP Investments III B.V và Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore với tổng giá trị lên đến 302,3 triệu USD thông qua việc phát hành cổ phần ưu đãi. Theo các thỏa thuận đã ký kết, VIC đồng ý trao cho các nhà đầu tư trên quyền được hoán đổi các cổ phần ưu đãi sở hữu trong Vincom Retail để nhận cổ phần phổ thông do Tập đoàn phát hành mới.(NDH)
---------------------------------
Hơn 550 tỷ đồng nối đường vành đai ven biển với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư trên 550 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng, vốn ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và vốn ngân sách địa phương để xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ nối đường vành đai ven biển với Quốc lộ 40 B và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đường Điện Biên Phủ nối đường vành đai ven biển với quốc lộ 40 B và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 10,5 km, rộng từ 12 mét đến 60 mét đi qua các phường An Xuân, An Mỹ, Tân Thạnh, An Phú, Tam Phú (thành phố Tam Kỳ) và xã Tam Đại, huyện Phú Ninh. Riêng đoạn vượt qua đường Lý Thường Kiệt và đường sắt Bắc - Nam là cầu vượt liên thông gồm 7 nhịp, dài hơn 272 mét.
Theo kế hoạch, đường Điện Biên Phủ nối đường vành đai ven biển với quốc lộ 40 B và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác từ giữa năm 2018 sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển đồng bộ, bền vững lâu dài, thỏa mãn các nhu cầu kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn khu vực thành phố Tam Kỳ và Phú Ninh với các tuyến quốc lộ và đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng và tăng cường khả năng liên kết phát triển vùng.
Đặc biệt, khi đưa vào khai thác, tuyến đường này còn đáp ứng được nhu cầu ứng cứu thiên tai trong mùa mưa lũ, kịp thời di dời dân cư khi có các sự cố biến đổi khí hậu vùng ven biển phía Đông.
Mặt khác, tuyến đường Điện Biên Phủ nối đường vành đai ven biển với quốc lộ 40 B và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn góp phần tạo nên trục không gian kiến trúc quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc cải thiện cảnh quan, môi trường, môi sinh trong khu vực, đáp ứng mục tiêu phát triển hiện đại, bền vững.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Nam sắp xếp bố trí lại dân cư trong vùng một cách hợp lý, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển không gian đô thị, hiện đại hóa nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tiếp cận nhanh chóng với các đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng, từng bước hoàn thành tiêu chí phát triển thành phố Tam Kỳ theo hướng văn minh, hiện đại.(TTXVN)
-------------------------------
Tổng doanh thu hợp nhất của THACO và Đại Quang Minh đạt 3 tỷ USD
Theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO, năm 2016 tổng doanh thu hợp nhất của THACO (bao gồm cả Cty Đại Quang Minh) đạt 65.823 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng trưởng 44% so với năm 2015.
Ngày 12/4, Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017.
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm, GDP tăng trưởng thấp hơn dự kiến khi chỉ đạt 6,21%, thị trường ô tô đạt hơn 342.000 xe, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong năm qua, doanh số của THACO đạt 110.548 xe (bao gồm 63.456 xe du lịch, 47.092 xe thương mại), tăng 37% so với năm 2015, chiếm 41,5% thị phần trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đứng đầu cả nước với 32% thị phần ô tô toàn thị trường.
Theo lộ trình hội nhập AFTA, khi thuế suất về bằng 0% vào năm 2018, với áp lực cạnh tranh ngày càng cao, năm 2016, THACO đã thực hiện chiến lược tiên phong giảm giá xe nên giảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế tương đương lợi nhuận sau thuế đạt 7.333 tỷ đồng. Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của THACO (bao gồm Đại Quang Minh) đạt 65.823 tỷ đồng (3 tỷ USD), tăng trưởng 44% so với năm 2015; Lợi nhuận sau thuế đạt 7.899 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin Tức, ông Trần Bá Dương cho biết: “Việc hợp nhất với Công ty Đại Quang Minh đã đem về 90% lợi nhuận của Đại Quang Minh năm 2016 cho THACO và khoản lợi nhuận tài chính từ việc định giá 45% cổ phần mua lần đầu của THACO với giá trị 726 tỷ đồng, nâng tài sản lên 54 nghìn tỷ đồng và chủ sở hữu 23.275 tỷ đồng. Đến nay, tổng số nhân sự THACO và Đại Quang Minh là 17.345 người, tăng 21% so với căng kỳ năm 2015. Tổng nộp ngân sách năm 2016 của THACO là 18.000 tỷ đồng, tăng gần 4200 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó nộp tại tỉnh Quảng Nam là 14.350 tỷ đồng”.
Ðại hội Cổ đông THACO đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng số 112.020 xe, tương đương năm 2016. Trong đó xe du lịch là 58.384 xe, giảm 8% so với 2016, chiếm 21% thị phần (xe KIA: 28.016 xe, xe Mazda: 29.818 xe, Peugeot: 550 xe). Xe thương mại doanh số 53.636 xe, tăng 14% so với nãm 2016, chiếm 45% thị phần. Đưa vào bán hàng sản phẩm mini bus Hyundai Solati; triển khai đề án phát triển sản phẩm mới (động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV) để thay thế cho line-up sản phẩm hiện hữu; phát triển line-up sản phẩm xe bus với nhận diện mới.
Tổng doanh thu THACO dự kiến đạt gần 64.000 tỷ đồng (tương đương với năm 2016), chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 5.063 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2016. Kết thúc quý I/2017, tổng doanh thu THACO đạt 13.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.249 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch cả năm.
Lý giải về việc lợi nhuận năm 2017 giảm, ông Trần Bá Dương cho biết: “Sở dĩ lợi nhuận của năm 2017 thấp hơn 2016 là do THACO tiếp tục đặt mục tiêu giảm giá thành sản phẩm trung bình 5%/năm và lũy kế đến năm 2018 lđ 15%, trên cơ sở đó tiếp tục rà soát và cắt giảm chi phí xuyên suốt chuỗi giá trị, đặc biệt là khâu sản xuất và giao nhận vận chuyển, đồng thời quản lý chi phí bán hàng, quảng cáo, marketing của hệ thống phân phối nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ trong nước và khu vực ASEAN. Đồng thời, năm 2017 là năm THACO bước vào chu kỳ đầu tư mới và đầu tư thêm các ngành nghề khác, việc đầu tư này trong những năm đầu không lợi nhuận; vốn vay sử dụng cho đầu tư tăng cao dẫn đến chi phí tăng. Song song đó chiến lược liên doanh trong hoạt động phát triển sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ để hội nhập cũng phải chia sẻ lợi nhuận cho các đối tác”.
Năm 2017, THACO chi đầu tư cho hoạt động cơ khí ô tô là 13.094 tỷ đồng, tăng 319% so với 2016 (trong đó đầu tư cho khu phức hợp Chu Lai là 8.846 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với 2016; đầu tư hệ thống bán lẻ là 3.209 tỷ đồng) cho các dự án bao gồm: Hoàn thành và đóng nhà máy xe bus vào hoạt động tháng 7/2017; nhà máy xe du lịch Mazda công suất 100.000 xe/năm đã được khởi công xây dựng ngày 26/3/2017, hoàn thành và đưa vào sản xuất tháng 3/2018; tiếp tục nâng cấp dây chuyền công nghệ và máy móc cho các nhà máy hiện hữu, hướng đến mục tiêu đưa Khu phức hợp Chu Lai trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia mang đẳng cấp khu vực; hoàn thành dự án mở rộng 170m cầu cảng; đối với mạng lưới bán lẻ, THACO tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị phần và gia tăng doanh số. Tính đến cuối năm 2017, hệ thống phân phối THACO sẽ đạt 218 showroom/đại lý, trong đó có 170 showroom trực thuộc.
Năm 2017, THACO cũng triển khai dự án đầu tư vào nông nghiệp sạch. Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này được xem là ngành kinh doanh mới nhằm góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp dựa trên thế mạnh về cơ khí và quản trị của công ty. Tuy nhiên, công ty vẫn ưu tiên lựa chọn hợp tác, góp vốn không nắm tỷ lệ chi phối với các đối tác có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nông nghiệp tạo lợi thế phát triển bền vững.(Baotintuc)
-------------------------------------------
66 nghìn tỷ đầu tư hàng loạt dự án giao thông quan trọng, những khu vực nào người dân được hưởng lợi
UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để thành phố áp dụng cơ chế chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các dự án được đề xuất gồm nhiều dự án hạ tầng giúp giảm ùn tắc giao thông, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội. Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng này có tổng vốn đầu tư khá lớn lên đến khoảng 66.220 tỉ đồng.
Một số dự án được UBND TP.HCM lập danh sách trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm nhiều dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố, các cửa ngõ thành phố vốn đang là những điểm thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thành phố và vùng phụ cận.
Theo đó, một số dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh của dự án đường vành đai 2; đường trên cao số 1; nâng cấp mở rộng quốc lộ 22; xây dựng cầu Cần Giờ; các đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc đường trục Bắc – Nam; dự án cầu Thủ Thiêm 4; dự án bãi đậu xe ngầm công viên Tao Đàn; dự án nạo vét khai thông rạch Ông Nhiêu; dự án trung tâm điều khiển hệ thống giao thông đô thị thông minh TPHCM …
Theo UBND TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách năm 2017 trên địa bàn, nguồn vốn xổ số kiến thiết và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gần 19 nghìn tỷ đồng. TP.HCM ưu tiên bố trí vốn đối ứng thực hiện các dự án ODA (1.259 tỷ đồng), vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP (346 tỷ đồng), dự án chuyển tiếp (11.639 tỷ đồng), dự án khởi công mới (2.861 tỷ đồng)…
Trong quý 2/2017, UBND TP.HCM đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể TP.HCM chỉ đạo các ngành liên quan tập trung đôn đốc, chỉ đạo phấn đấu thi công hoàn thành và khởi công xây dựng các công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, cấp bách.
Bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch giao thông thành phố, TP.HCM cũng đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 5 và các tuyến khác.
Trong năm 2016, các dự án giao thông quy mô lớn tại TP.HCM liên tục được triển khai với quyết tâm cao của các Sở, nghành của Thành phố nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, kết nối hạ tầng từ trung tâm đến ngoại ô.
Các dự án tiêu biểu phải kể đến đó là khởi công cầu Thủ Thiêm 2 với tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng, dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (2.620 tỷ đồng), dự án cầu đường Bình Tiên (2.382 tỷ đồng), xây dựng đoạn tuyến nối từ nút giao thông An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An (1.990 tỷ đồng), đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM – Trung Lương, đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (1.134 tỷ đồng)….(CafeF)